31/03/2021, 15:30

Bài văn phân tích tác phẩm "Sau phút chia li" số 6 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Sau phút chia li" của Đoàn Thị Điểm

Thơ ca là tiếng nói bên trong tâm hồn con người. Trước hiện thực đời sống tù túng, tăm tối, trước những số phận con người bi thảm khiến con người thấy khó chịu, ngột ngạt và đau xót, lúc ấy, thơ ca xuất hiện. Nó cất lên những nỗi đau của người nông dân bị áp bức, bất công, cho người ...

Thơ ca là tiếng nói bên trong tâm hồn con người. Trước hiện thực đời sống tù túng, tăm tối, trước những số phận con người bi thảm khiến con người thấy khó chịu, ngột ngạt và đau xót, lúc ấy, thơ ca xuất hiện. Nó cất lên những nỗi đau của người nông dân bị áp bức, bất công, cho người cung nữ đơn độc, chờ đợi đến héo mòn, và cả cho những người phụ nữ có chồng ra chiến trận. “Chinh phụ ngâm” là tiếng nói như thế.


Đoạn trích “Sau phút chia li” là một trích đoạn tiêu biểu:“Chinh phụ ngâm” ra đời vào thế kỉ XVIII, khi xã hội Việt Nam giờ như một tổ ong với đầy rẫy những lỗ lớn nhỏ mà vua chúa như những con ong đang đấu đá, tranh giành để có thể trở làm chủ. Chúng mở ra các cuộc chiến tranh, chúng bắt những người nông dân để đi làm lính. Những người đàn ông phải rời xa tổ ấm để đi sống chết cho mạng sống của người khác, những người phụ nữ ở nhà trong nỗi nhớ thương vô hạn và lời cầu nguyện cho chồng có thể trở về. Những cảnh tượng ấy đã không còn xa lạ nhưng cũng chưa bao giờ là hết xót đau và căm phẫn. Chính trong hoàn cảnh ấy, Đặng Trần Côn đã viết lên khúc ngâm này.


“Chinh phụ ngâm” là khúc ngâm của người phụ nữ có chồng ra chiến trận, trong nỗi cô đơn, nhớ thương, khổ đau và cả căm phẫn. So với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú và lục bát, thơ song thất lục bát có nhạc tính phong phú, phù hợp để diễn tả tâm trạng phức tạp của nhân vật. GS. Phan Ngọc từng nhận xét : "Cần phải có hình thức ấy, tình cảm mới có thể mang hình thức một đợt sóng đi lên với hai câu thất, dừng lại ở câu lục ngắn gọn để toả ra trong câu bát dài nhất rồi lại vươn lên trong một khổ mới, cứ thế, đợt sóng tình cảm lên xuống ăn khớp với hình thức của ngôn ngữ". 408 câu thơ như 408 đợt sóng lòng trào lên không dứt trên trang giấy và trong cả lòng người. Bốn câu thơ đầu là cảm xúc chia li lúc ban đầu:


“Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.”


Hai câu thơ đầu đã gợi ra thế đối lập của kẻ ở- người đi: “chàng thì đi… thiếp thì về…” Người chinh phu lên đường vào “cõi xa mưa gió” gian nan, vất vả, quyết định tới cả mạng sống chẳng phái vì công danh, lợi lộc, chức tước, chỉ vì một lí do không được do mình quyết định. Người chinh phụ ở lại, liệu có sung sướng hơn là bao khi phải đối diện với mưa sa nơi cõi lòng, khi hằng ngày chỉ có mình trong “buồng cũ chiếu ngăn”. Để rồi, tự bao giờ, nỗi buồn thương đã trải vào khắp không gian” “mây biếc, núi xanh”. Động từ “tuôn, trải” khiến không gian ngập tràn tâm tư của người chinh phụ. Nỗi sầu buồn, nhớ thương cứ giăng mắc ám ảnh con người. Để rồi, nỗi sầu nhớ ấy lại tăng lên, cao hơn theo thời gian:


“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.”


Sự xuất hiện của hai địa danh mang tính ước lệ càng nhấn mạnh sự xa cách vời vợi. Thủ pháp đối lập, tương ứng: “chốn Hàm Dương- bến Tiêu Tương”, “Khói Tiêu Tương- cây Hàm Dương”, “chàng ngoảnh lại- thiếp trông sang”, … ban đầu tưởng như đối nghịch. Nhưng dẫu cho khoảng cách địa lí có xa xôi đến mấy, Hàm Dương và Tiêu Tương vẫn đi cùng với nhau, nơi có chàng cũng sẽ có thiếp. “Mấy trùng” cách biệt mà lòng chàng, ý thiếp vẫn không xa rời nhau. Nhưng càng thương nhớ lại càng khổ đau nhiều, để rồi, nỗi buồn dâng lên đến cao trào:


“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”


Lòng có hướng về nhau, có “cùng” nhưng khoảng cách nơi xa xôi vẫn “cùng chẳng thấy”, trước mắt chỉ là ngàn dâu với một màu xanh. Chữ “xanh” như bao phủ lấy những câu thơ, cả không gian bao phủ bởi chỉ một màu xanh. Xanh ấy ban đầu chỉ là “xanh xanh” rồi thành “xanh ngắt” cũng như nỗi sầu buồn của “thiếp” ngày càng dâng cao, đến mức cực điểm rồi. Các câu thơ cứ trùng trùng điệp điệp như những con sóng với phép điệp ngữ vòng như những đợt sóng lòng nơi người chinh phụ cứ miên man không dứt, cứ để nổi buồn tràn ra ngoại cảnh, trong ngàn dâu chẳng biết đâu là bến bờ. Câu thơ cuối cất lên đầy ám ảnh: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Khi con người không còn đủ tỉnh táo, họ chỉ có thể đặt ra những câu hỏi mình không trả lời, cũng chẳng để ai trả lời. Ai đâu có biết nỗi buồn của “thiếp” sâu đến nhường nào cũng như “thiếp” đâu có biết lòng chàng đến đâu, chàng sống chết ra sao rồi?


Chỉ 12 câu thơ mà cả biển trời nhung nhớ với những đợt sóng lòng trào lên không dứt, ngày một dữ dội hơn. Nỗi cô đơn và đợi chờ trong khắc khoải, vô vọng có gì giống chăng với người cung nữ cất tiếng ai oán cho cuộc đời mình khi dành cả thanh xuân tươi đẹp trong cung để chờ đợi và hi vọng vua sẽ tới. Vì sao họ lại khổ đau như thế? Câu thơ là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ chiến tranh phi nghĩa đã tước đi quyền được sống, được hạnh phúc của con người. Từ đó, có thể thấy từng giọt lệ của tác giả đang nhỏ trên trang viết, lòng cảm thương sâu sắc, đồng cảm với khát vọng hạnh phúc sau mỗi con chữ. Đó mới chính là điều tạo nên giá trị và sức sống cho những câu thơ qua hàng thế kỉ.


Có những con người đã nằm xuống, những trang sử đã sang trang theo thời gian nhưng những dòng thơ, những con chữ thì còn mãi. “Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm như thế.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0