31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" số 6 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi

Nguyễn Thi là một nhà văn sinh ra ở miền Bắc nhưng các sáng tác của ông lại gắn liền với những phong trào kháng chiến Nam Bộ. Tác phẩm của ông bước ra từ hiện thực nóng bỏng, khắc nghiệt qua ngòi bút phân tích tâm lí, tính cách nhân vật sắc sảo; qua hệ thống ngôn ngữ phong phú, góc ...

Nguyễn Thi là một nhà văn sinh ra ở miền Bắc nhưng các sáng tác của ông lại gắn liền với những phong trào kháng chiến Nam Bộ. Tác phẩm của ông bước ra từ hiện thực nóng bỏng, khắc nghiệt qua ngòi bút phân tích tâm lí, tính cách nhân vật sắc sảo; qua hệ thống ngôn ngữ phong phú, góc cạnh nhưng cũng không kém chất đằm thắm, trữ tình. Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông khi viết về những ngày tháng chiến đấu đau thương, những con căm thù giặc sâu sắc và lòng yêu nước thiết tha, mãnh liệt.


Truyện “Những đứa con trong gia đình” được viết năm 1966 khi Nguyễn Thi đang tham gia công tác tại Tạp chí Văn Nghệ quân giải phóng, kể về truyền thống yêu nước, thủy chung với cách mạng của một gia đình nông dân Nam Bộ. Nhan đề đã toát lên nội dung tinh thần của tác phẩm. Đó mối quan hệ giữa riêng với chung, nhà với nước, giữa tình cảm gia đình, với tình yêu nước, yêu cách mạng.


Chính sự kết hợp giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của mỗi con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Việt – một chiến sĩ Giải phóng quân xuất thân từ truyền thống cách mạng và những ngày tháng tham gia chiến đấu hào hùng.


Trong một trận chiến đấu ác liệt tại một cánh rừng cao su, Việt bị thương nặng và lạc mất đồng đội. Ngất đi tỉnh lại nhiều lần, hồi ức đưa Việt về với kí ức gia đình, về với hình ảnh của má, của chị Chiến, của chú Năm…Sau đó, Việt được đưa về bệnh viện và bình phục. Anh Tánh giục Việt viết thư cho chị Chiến để kể về những chiến công của mình. Việt định viết nhưng nghĩ thành tích của mình chưa thực sự xứng đáng…


Chị em Việt và Chiến là hai nhân vật trọng tâm của tác phẩm. Ở họ, vừa có sự gặp gỡ và sự khác nhau trong tính cách. Ở nét chung ta thấy, Việt và Chiến cùng lớn lên trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng, cùng được nuôi dưỡng, hun đút dòng máu anh hùng chiến đấu gan góc, oai hùng. Những người ở thế hệ trước như ông Nội, chú Năm, ba má Việt, chị Hai của Việt đều là những người cán bộ cách mạng kiên trung với lòng căm thù giặc sâu sắc và tình yêu quê hương xứ sở thấm vào trong từng mạch máu, con tim.


Nếu nói gia đình của chị em Việt như một dòng sông thì Việt và Chiến như là khúc sông sau của đại gia đình ấy. Tình cảm gia đình và tình yêu nước, truyền thống gia đình và truyền thống cách mạng gắn bó, hòa hợp với nhau để cùng chảy thành một dòng. Hai chị em còn có chung mối thù sâu sắc với bọn Mỹ - Ngụy. Gia đình họ chính là những chứng nhân lịch sử điển hình nhất cho những mất mát đau thương trong ngày tháng bạo tàn.


Chiến tranh đã tước đoạt hạnh phúc, đã cướp đi mạng sống của những người mà họ thương yêu nhất. Chiến tranh đã vùi ngày tháng vào sự mất mát và tất cả những gì còn lại chỉ là ám ảnh, làm bạo tàn. Ông nội hi sinh trong đấu tranh. Ba Việt bị giặt chặt đầu dã man. Má Việt cũng vùi thây dưới bom đạn của lũ ác ôn.


Chính vì vậy, từ nhỏ cho đến lớn, hai chị em đều ấp ủ có thể đi đánh giặc để trả thù cho ba má, đều giành nhau ghi danh tòng quân: “Nó làm em tôi mà cái gì nó cũng giành”. Một nét điểm chung khác giữa Chiến và Việt đó là sự thơ ngây, trẻ con của hai chị em. Dù căm thù giặc đến tận xương tận tủy: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị” nhưng chị em vẫn giành nhau bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến của giặc và giành nhau cả việc ghi danh đi tòng quân.


Bên cạnh những điểm giống nhau đó, Chiến và Việt mỗi người lại mang trong mình nét đẹp riêng. Chị Chiến chính là đại diện cho hình ảnh của má. Chị vừa là một cô gái đảm đang, tháo vát, mạnh mẽ với dáng vóc chắc nịch, với thân người cao to, làn da sạm nắng… nhưng lại vô cùng nữ tính khi đi đánh giặc mà lại mang theo chiếc gương nhỏ để dành soi mình. Cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội, Việt cảm thấy chị rất giống má: “Phải chị thở dài rồi kêu thằng Út dậy đi đái nữa thì giống hệt như má vậy”, “Vậy mà nói nghe in như má vậy”, “may mà chị không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi”….


Rồi từng việc từng việc trong gia đình, chị Chiến sắp xếp đảm đang y như má, đến mức cả chú Năm còn tấm tắc khen: “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước non nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây bây kì đánh giặc khôn hơn chú ngày trước.” Khác với sự trưởng thành của chị Chiến, trong Việt vẫn còn những phẩm chất hồn nhiên của trẻ thơ.


Chẳng hạn, đi đánh giặc lạc giữa rừng sâu và đêm tối, hơn nữa lại bị thương nặng, tuy nhiên Việt chỉ sợ ma chứ không sợ chết. Việc nhà việc cửa Việt mặc cho chị Chiến định liệu cả, vừa nghe vừa thản nhiên “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay”. Khắc họa nhân vật Việt, Nguyễn Thi đặc biệt chú ý đến phẩm chất của người anh hùng.


Có thể nói, Việt là đại diện tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ. Sự dũng cảm, gan góc được tái hiện trong từng ý nghĩ, từng chi tiết như: “Tao sẽ chờ mày…. Cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày. Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao mày là thằng chạy”.


Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” còn là khúc ca hào hùng về truyền thống anh hùng cách mạng, về sự hòa hợp giữa gia đình và dân tộc, giữa cá nhân và cộng đồng trong những ngày tháng kháng chiến chống Mỹ đầy máu và nước mắt. Qua đó, có thể thấy được chiến thắng của dân tộc chính là sự hi sinh của mỗi cá nhân, là sự kết tinh từ lòng yêu nước cao độ và lòng căm thù giặc sâu sắc, là thành tựu của những quyết tâm không ngừng nghỉ.


Thế hệ nhà Chiến và Việt được ví như một khúc sông mà từ thượng nguồn đến hạ nguồn đều mang trong mình dòng chảy lí tưởng cách mạng mãnh liệt. Nguyễn Thi đã làm toát lên khuynh hướng sử thi của tác phẩm trên các phương diện: chủ đề, nhân vật, giọng điệu. Trước là ở tình cảm gia đình sâu đậm, sau là tinh thần khát khao cầm súng chiến đấu của những người con đất Nam Bộ.


Hình ảnh đọng lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc chính là lúc Việt cùng chị Chiến khiêng bàn thờ má sang gửi chú Năm và quyển sổ gia đình. Từ đó cho thấy Việt cũng như chị gái của mình đã ý thức rất rõ về trách nhiệm đối với gia đình, quê hương, tấm lòng yêu nước, sự căm thù quân giặc bởi những tội ác không thể dung tha, sự quyết tâm trả thù cho gia đình, quê hương. Yêu thương, căm thù, mất mát, đấu tranh quyết liệt… là tất cả những cung bậc được diễn tả đủ đầy trong tác phẩm.


Về nghệ thuật, Nguyễn Thi đã để lại những dấu ấn nhất định trên văn đàn văn học hiện đại Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Thi đã từng viết: “Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp lúc gay go tôi có thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được, tai tôi nghe được. Trước sự kiện lịch sử trọng đại như thế này, nhà văn không thể đứng ngoài mà ngó…”


Chính vì vậy, ta thấy được hơi thở ấm nóng của thời đại qua từng câu, từng chữ. Nghệ thuật dựng chân dung nhân vật độc đáo. Sự thẳng thắn, bộc trực, lạc quan, yêu quê hương, gia đình, thủy chung đến với cách mạng, ngùn ngụt ngọn lửa căm thù giặc... là những nét nổi bật của người chiến sĩ cách mạng. Sự kết hợp thành công giữa ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ và ngôn ngữ trần thuật hiện đại, Nguyễn Thi đã xây dựng nên những chị “Út Tịch” trong chính sáng tác của mình.


Đó là sự gan góc, là bản lĩnh, là sức mạnh không thể chuyển dời. Cách trần thuật qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt, khi anh bị thương trong trận chiến, nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại, trong tư thế nửa tỉnh nửa mê đã tạo nên sự hấp dẫn và chân thật trong cách kể, trong cảm xúc. Nhà văn có dịp đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, vào những kí ức riêng tư không phải tuân theo một trình tự sắp xếp gượng ép nào. Những đoạn đối thoại và độc thoại hấp dẫn, cảm động bởi những suy nghĩ, tình cảm gia đình, tình cảm quê hương chân thành, da diết.


Tóm lại, qua tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” , chúng ta có một cái nhìn sâu rộng hơn về ngày tháng máu lửa đã qua, về sự hi sinh để đánh đổi ngày dân tộc được nở hoa độc lập, kết trái tự do. Và từng chi tiết trong truyện sẽ từ trang sách bước vào kí ức của người đọc, đó là câu hò tha thiết của chú Năm, là tiếng chân “bịch bịch” của chị Chiến, là quyển sổ gia đình ghi lại dòng sông cách mạng…


Qua đó, một chân lý muôn đời đã được nêu cao: chính sự kết hợp giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0