Bài văn phân tích tác phẩm "Lưu biệt khi xuất dương" số 1 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Lưu biệt khi xuất dương" của Phan Bội Châu
Phan Bội Châu (1867-1940), quê tại Làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện là mình là một người tài hoa xuất chúng, lại sớm có lòng yêu nước và ý thức về việc giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu cũng là một người mang quan niệm nhập thế tích ...
Phan Bội Châu (1867-1940), quê tại Làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện là mình là một người tài hoa xuất chúng, lại sớm có lòng yêu nước và ý thức về việc giải phóng dân tộc. Phan Bội Châu cũng là một người mang quan niệm nhập thế tích cực vô cùng sâu sắc, nặng lòng với nghiệp công danh cùng món nợ của phận nam nhi.
Ông tham gia tích cực vào nhiều phong trào chống Pháp và sau nhiều lần thất bại cuối cùng ông đã nhận thức được sự sai lầm, yếu kém trong phong cách tổ chức của các phong trào yêu nước thời bấy giờ, từ đó đề ra chủ trương cứu nước theo con đường tư sản. Ông nung nấu ý định cho các thanh niên ưu tú của nước nhà sang các nước như Nhật Bản, Trung Quốc để học hỏi rồi trở về giúp đỡ đất nước, còn gọi là phong trào Đông Du, với tên gọi tổ chức là Duy Tân hội.
Sự tiến bộ trong tư tưởng cứu quốc của Phan Bội Châu dường như đã mở ra một con đường sáng cho cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu, vào những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, dẫu rằng kết quả không như mong đợi. Bên cạnh vai trò là một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng đất nước thì Phan Bội Châu còn được biết đến với tư cách là một nhà thơ, nhà văn lớn trong nửa đầu thế kỷ 20, với số lượng tác phẩm lớn, được xem là người mở đầu cho nền văn học cách mạng Việt Nam, mà sau Tố Hữu chính là người đưa nó bước tới đỉnh cao.
Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Phan Bội Châu, nó không chỉ đơn thuần là một bài thơ thể hiện lý tưởng cách mạng của chí sĩ yêu nước, mà còn đánh dấu mốc quan trọng mở đầu công cuộc tìm đường cứu nước theo chủ nghĩa tư bản của nhà thơ.
Lưu biệt khi xuất dương được viết vào năm 1905, trước khi Phan Bội Châu cùng một số thanh niên ưu tú khác lên tàu vượt biển sang Nhật Bản học tập. Tác phẩm có ý nghĩa động viên, cổ vũ tinh thần cho người ra đi, đồng thời cũng có tác dụng củng cố tinh thần, niềm tin, hướng người ở lại về một tương lai tốt đẹp hơn, sáng lạn hơn của đất nước. Thể hiện được rõ chí khí làm trai của một nhà nho, với tinh thần yêu nước sâu sắc, quyết tâm trả món nợ công danh cho đời khi Tổ quốc lâm nguy, lịch sử có nhiều biến động.
Trong hai câu thơ đầu tác giả đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình về chí làm nam nhi trong thời đại mới, một thời đại đầy biến động, buộc con người ta phải có những biến đổi về ý chí để tạo lập một con đường riêng cho bản thân và cho dân tộc, đất nước mà vẫn giữ được khí tiết của một nhà nho chân chính, trong vai trò một nhà cách mạng sôi nổi.
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”
Phan Bội Châu quan niệm rằng thân nam nhi “vai năm tấc rộng, thân mười tấc cao” sống ở trên đời phải tạo ra được chữ “lạ” cho riêng mình, tức là không cam chịu cuộc sống bình thường mờ nhạt, quanh quẩn bên chốn “ao tù nước đọng”, mà phải tự làm cho mình có điểm nhấn, nổi bật thông qua những lý tưởng cao đẹp, những ước mơ và kỳ vọng lớn, tráng chí ở bốn phương.
Người nam nhi phải dám tự thách thức bản thân mình vượt ra khỏi cái vòng an toàn, vượt qua được chướng ngại chi ly, được mất, vượt ra khỏi mọi giới hạn khuôn phép một cách mạnh mẽ và dũng cảm, để đạt được những thành công lớn, làm nên sự nghiệp hiển hách, phi thường, khác lạ mà hiếm kẻ làm được. Để “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/Còn hơn le lói suốt trăm năm”, để cuộc đời nam nhi sống sao cho xứng với hai chữ “nam nhi”, có cống hiến cho cuộc đời, trả cho kỳ được món nợ công danh, chớ để hoài phí một cuộc đời mờ nhạt vô nghĩa.
Cái quan niệm về chí làm trai trong thời đại mới của Phan Bội Châu tiếp tục được làm rõ thông qua câu “Há để càn khôn tự chuyển dời”. Thể hiện ý chí mạnh mẽ, thái độ hiên ngang, ý muốn thách thức, ngang tầm với vũ trụ, rằng thân trai tráng cần phải nắm chắc và tự quyết định lấy vận mệnh cuộc đời một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Chứ không phải là ý muốn cuộc sống an nhàn, chấp nhận sự sắp đặt của tạo hóa, bộc lộ khẩu khí mạnh mẽ, ngang tàn của bậc đại trượng phu, mang khí thế tự tin, táo bạo và hiên ngang vô cùng.
Ý thơ của Phan Bội Châu không chỉ nằm ở việc thể hiện tráng chí của bản thân mà bên cạnh đó còn mang ý nghĩa khích lệ các thanh niên trong thời đại mới, biết đứng lên tự lực, tự cường, theo đuổi lý tưởng cao đẹp, phụng sự cho Tổ quốc, nâng tầm vóc của bản thân mình ngang tầm vũ trụ, tạo hóa, rũ bỏ cuộc đời tầm thường, quanh quẩn ao vườn, ruộng cá, để kiến thân lập nghiệp.
Trong hai câu thơ tiếp “Trong khoảng trăm năm cần có tớ/Sau này muôn thuở há không ai” chính là nhận thức của tác giả về trách nhiệm của người làm trai với đất nước, dân tộc, là món nợ công danh cần phải đáp đền. Đặc biệt là trong thời buổi lịch sử dân. tộc có nhiều biến đổi, giặc dữ lăm le xâm phạm chủ quyền thì thanh niên lại càng phải biết đứng ra phụng sự cho Tổ quốc.
Tác giả đã vẽ ra khoảng thời gian “trăm năm”, trước là ngụ ý chỉ về một kiếp người như quan niệm của ông cha ta từ bao đời nay, một đời tức chỉ trăm năm. Thứ hai nữa khoảng thời gian trăm năm còn là để gợi nhắc về một thế kỷ biến động của dân tộc, thế sự đã biết bao lần đổi thay, sự suy tàn của chế độ phong kiến, sự xâm lược của đế quốc phương Tây khiến nhân dân biết bao phen lầm than. “Trong khoảng trăm năm cần có tớ” là ngụ ý của tác giả về tầm quan trọng của bản thân trong công cuộc phục hưng, bảo vệ đất nước.
Mà người làm trai, sức dài vai rộng trong giữa sự sắp đặt của tạo hóa, đã ban cho ta một khoảng thời gian đầy biến động, thì bản thân người chí sĩ phải làm sao cho xứng với sự kỳ vọng của tạo hóa, cũng như xứng đáng với cái danh nam nhi của mình. Nếu như câu trước là khẳng định tầm quan trọng của đấng nam nhi trước thời cuộc, là sự nhận thức về lý tưởng cũng như vai trò của bản thân với đất nước thì câu thơ “Sau này muôn thuở há không ai?” lại là một câu hỏi ngỏ, thể hiện sự kỳ vọng, cũng như sự khích lệ của tác giả đối với tầng tầng lớp lớp các thế hệ thanh niên và mai sau nữa.
Phan Bội Châu đã dùng chính tráng chí, lý tưởng cao đẹp của mình làm tấm gương sáng, cũng như đặt những bước chân đầu tiên cho con đường cách mạng tiên tiến của dân tộc, của thanh niên Việt Nam. Thức tỉnh trong họ những nhận thức về tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của người thanh niên, và sự tự tin sẵn sàng đối mặt với sóng gió của bậc đại trượng phu.
Đến hai câu thơ luận, Phan Bội Châu lại cho chúng ta thấy tầm nhận thức tân tiến của một nhà nho yêu nước, một nhà cách mạng kiểu mới trước tình hình dân tộc, trước sự suy thoái của chế độ phong kiến và nền nho học đang dần mất đi vị thế vốn có của mình.
“Non sông đã mất sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”
“Non sông đã chết” đó là cái chết của chủ quyền dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và sự suy tàn của chế độ phong kiến, đất nước lầm than thế nhưng bọn đầu sỏ cầm quyền, những con người đứng đầu một đất nước lại sợ sệt, chỉ dám luồn cúi, nịnh bợ đám giặc Tây để níu kéo những ngày tháng gấm vóc lụa, là hữu danh vô thực, còn mặc kệ số phận dân tộc và đất nước. Một đất nước nhưng không có chủ quyền, không có tự do, triều đình phong kiến chỉ là một mớ bù nhìn, thối nát tận xương thì còn cách bên bờ diệt vong là mấy bước chân nữa đâu.
Thế nên tác giả nói “non sông đã chết” cũng chẳng có gì là không đúng, đặc biệt một người với tráng chí, với tinh thần yêu nước mạnh mẽ như Phan Bội Châu thì đứng trước viễn cảnh ấy thì quả thật là nhục nhã khôn cùng. Đến câu thơ sau “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”, người ta lại càng khâm phục cái nhân cách và nhận thức của Phan Bội Châu.
Bởi vốn dĩ Phan Bội Châu là một nhà nho chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ nền giáo dục phong kiến từ thuở thiếu thời, thế nhưng ông không như một số những nhà nho cố chấp ôm khư khư giấc mộng hão huyền về việc phục hưng những thứ vốn đã cũ kỹ, lạc hậu mà trái lại ông lại chính là một trong những người đầu tiên nhìn thẳng vào vấn đề, bóc trần sự tụt hậu của nho học, vạch rõ nguyên nhân khiến đất nước lâm vào tình trạng yếu hèn.
Không phủ nhận rằng Nho học quả thực là một kho tàng rộng lớn, mang đến cho con người sự giáo dục tốt đẹp, thế nhưng nhìn vào bối cảnh hiện tại nó chỉ đem đến những sự ảo vọng không có thực, không có ích trong việc diệt giặc thù, giành lại chủ quyền dân tộc. Việc phủ nhận nền Nho học vốn đã gắn bó với mình bao nhiêu lâu ấy quả thực là nỗi đau xót vô cùng lớn của tác giả, nhưng với nhân cách cũng như lý tưởng cao đẹp và lòng quyết tâm của một chí sĩ yêu nước, thì không nỗi đau nào vượt qua được nỗi đau mất nước.
Mà với tư cách người làm trai, ông lại càng phải thể hiện vai trò phục hưng Tổ quốc bằng con đường tiên tiến chứ không phải là ôm mãi giấc mộng huy hoàng đã qua. Từ đó ta thấy được tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ và tự do của một chí sĩ yêu nước chân chính, sẵn sàng hy sinh tất cả, nén nhịn nỗi đau cá nhân vì lợi ích của dân tộc, của đất nước, để hoàn trả món nợ công danh.
Cuối cùng ở hai câu thơ kết “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió/Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” chính là hình ảnh người chí sĩ yêu nước lên đường vượt biển xa quê hương để tìm tới chân trời mới, học hỏi những kiến thức mới để quay về phụng sự cho Tổ quốc, dân tộc với phong thái hiên ngang và tự tin vô cùng.
Những hình ảnh “bể Đông”, “muôn trùng sóng bạc” đã gợi ra một bối cảnh không gian rộng lớn, khoáng đạt, thể hiện tâm hồn yêu đời, cùng những khát vọng, lý tưởng cao lớn muốn vươn ra biển lớn của người chí sĩ. Tầm vóc con người trở nên kì vĩ, lớn lao nổi bật hẳn trên cái nền của thiên nhiên bởi sự kiêu hãnh, tráng chí hùng mạnh bên trong tâm hồn nhân vật trữ tình.
Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ hay, có nội dung và ý nghĩa lớn, không chỉ bộc lộ những khát vọng, lý tưởng cao đẹp của một nhà hoạt động cách mạng thời đại mới, mà còn là lời động viên khích lệ, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, cũng như thức tỉnh sự tự tin, lý tưởng và khát vọng cao đẹp của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động.
Có thể nói rằng Lưu biệt khi xuất dương là một trong những bài thơ mang khuynh hướng trữ tình cách mạng đầu tiên, khơi nguồn cho nền văn học cách mạng của dân tộc đạt đến đỉnh cao về sau này.