31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ số 9 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ

Văn học không ngừng kế thừa và tiếp biến hấp dẫn độc giả. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ cũng vậy, câu chuyện còn đọng lại trong ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về xã hội phong kiến và thân phận người phụ nữ đương thời. Hình ảnh xã hội phong kiến thu gọn trong ...

Văn học không ngừng kế thừa và tiếp biến hấp dẫn độc giả. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ cũng vậy, câu chuyện còn đọng lại trong ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về xã hội phong kiến và thân phận người phụ nữ đương thời.


Hình ảnh xã hội phong kiến thu gọn trong gia đình nàng Vũ Nương với người chồng đa nghi, thất học, có thói gia trưởng là Trương Sinh. Khi nghi oan cho vợ, chàng mắng nhiếc, không chịu nghe Vũ Nương và hàng xóm phân trần, lại còn đánh đuổi nàng đi. Phải chăng đằng sau những hành động vũ phu ấy có cả một thế lực đen tối hậu thuẫn cho chàng? Quan niệm lạc hậu "trọng nam khinh nữ” trở thành cái cớ che chở cho cơn giận phi lí của chàng Trương.


Xã hội phong kiến còn xuất hiện làm chia rẽ hạnh phúc gia đình. Có lẽ chính những cuộc chiến phi nghĩa là nguyên nhân gián tiếp gây ra cảnh tan cửa nát nhà, khiến mẹ già mong nhớ con tới đổ bệnh, cảnh con không biết mặt cha, vợ xa chồng… Cảnh biệt ly đau thương càng làm Trương Sinh một mực nghi oan vợ ngoại tình. Tác giả Nguyễn Dữ giúp ta cảm nhận được những mất mát, bất công trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ.


Mặc dù cốt truyện dựa theo câu chuyện cổ “ Vợ chàng Trương” nhưng những sáng tạo của tác giả là vô cùng lớn. Ta có thể thấy rõ nét thân phận khốn cùng của người phụ nữ đương thời qua hình tượng nàng Vũ Nương. Qua ngòi bút tài tình, khắc họa nhân vật, nàng là người nết na, đoan trang, luôn vun đắp hạnh phúc gia đình. Lời đưa tiễn chồng ra trận phản ánh lòng sắt son, chân tình: “ thiếp chẳng mong được đeo ấn phong hầu,…chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”.


Ước mong giản dị không giống như người chinh phụ tiễn chồng trong “Chinh phụ ngâm”, Vũ Nương coi trọng mái ấm gia đình hơn công danh phý quý phù phiếm. Lời chăn chối của mẹ chồng trước lúc ra đi xóa bỏ quan niệm mẹ chồng nàng dâu phong kiến hay sự đảm đang, trung hiếu của nàng khiến mẹ chồng cảm mến? Lẽ ra người con gái thảo hiền, phải đạo, một mình lo toan gia thất ấy xứng đáng được đón nhận tình yêu thương, niềm vui khi người chồng bình an từ mặt trận trở về.


Nhưng nàng không thể biết được sự ngây thơ trong lời nói của đứa con làm Trương Sinh nảy sinh mối hồ nghi mà giây phút đoàn tụ chưa lâu đã bị dập tắt. Tác giả Nguyễn Dữ sử dụng nghệ thuật trần thuật độc đáo, bất ngờ khi để chi tiết chiếc bóng trên tường vừa là nút thắt vừa mở nút thắt đến cuối đoạn cao trào. Chiếc bóng mỏng manh, ẩn hiện, mờ ảo cũng giống như số phận nàng Vũ Nương hay người phụ nữ lúc đó chăng?


Dù họ sống tảo tần, lam lũ, thủy chung, xã hội đó cũng không còn chỗ cho họ nương thân. Nỗi oan tày trời ập đến nhưng nàng Vũ Nương dù có giải thích cũng vô hiệu. Ba lời thoại trước khi chết là sự sáng tạo của tác giả, đồng thời giúp ta thấy vẻ đẹp, nỗi khốn khổ của nàng. Từ chỗ cố hàn gắn vết rạn nứt trong mâu thuẫn gia đình: “Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ”, đến nỗi lòng quặn thắt khi khao khát vun đắp không còn “Nay đã bình rơi trâm gãy…”.


Bao lời lẽ trang trọng, với bút pháp ước lệ cho thấy Vũ Nương là người trong sạch, hết mực yêu chồng. Cuối cùng, cái chết như sự giải thoát, nàng thà chết còn hơn sống mang tiếng nhơ. Lời nguyền của nàng trước khi trầm mình xuống dòng nước khẳng định lại phẩm giá thanh cao, sự bất lực và nỗi đau tột cùng. Yếu tố thực và kì ảo hòa quyện tạo nên bức màn huyền ảo, lôi cuốn người đọc.


Chưa dừng lại ở nỗi oan khuất của Vũ Nương, lời trăn trối của nàng làm rung động các vị tiên nên họ đưa nàng xuống thủy cung. Cuộc sống mới ấy phù hợp với con người nàng nhưng vốn nặng lòng với quê hương, gia đình, nên khi Phan Lang gặng hỏi nàng đáp: có ngày sẽ trở về.


Mỗi hàm oan được cởi bỏ nhưng chàng Trương nhận ra đã quá muộn, chàng lập đàn giải oan cho nàng nhưng sự thật không gì thay đổi được, chàng đã không trân trọng vợ mình và Vũ Nương không thể làm mẹ, làm người vợ hiền được nữa. Tác giả không trốn tránh nhìn nhận sự thật đau buồn mà khắc họa rõ nét gây ám ảnh độc giả qua hình ảnh bóng nàng mờ dần rồi biến mất như thân phận bọt bèo của người phụ nữ đương thời.


“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ còn lưu lại trong lòng ta những suy ngẫm sâu sắc về con người, cuộc đời trong xã hội cũ còn lắm bất công, oan trái.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0