Bài văn phân tích tác phẩm "Chiều xuân" của Anh Thơ số 7 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Chiều xuân" của Anh Thơ hay nhất
Anh Thơ là nữ thi sĩ tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại. Bà có sở trường viết về cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp điệu sống ở miền Bắc. Ham văn chương, chịu khó đọc sách, Anh Thơ tìm đến văn chương như một cách tự giải thoát và khẳng định mình. Năm 1937 (mười sáu ...
Anh Thơ là nữ thi sĩ tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại. Bà có sở trường viết về cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp điệu sống ở miền Bắc. Ham văn chương, chịu khó đọc sách, Anh Thơ tìm đến văn chương như một cách tự giải thoát và khẳng định mình. Năm 1937 (mười sáu tuổi) bà đã có thơ đăng báo. Nguyễn Bính viết về nét “chân quê”, thì Anh Thơ lại thiên về “cảnh quê” thân thuộc pha chút tâm sự bâng khuâng, u buồn của cái tôi thơ mới. Bài thơ Chiều xuân là một bài thơ tả cảnh, giọng điệu thơ rất dịu dàng, ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng.
Bài thơ Chiều xuân được rút từ Bức tranh quê, tập thơ đầu tay của Anh Thơ gồm 41 bài viết về cảnh nông thôn bình dị, quen thuộc. Một số bài trong tập thơ làm xúc động lòng người đọc bởi những nét vẽ chân thực, tinh tế, thấm đượm tình quê đằm thắm và có chút tâm sự bâng khuâng, u buồn của “cái tôi” thơ mới.
Chiều xuân là một bài thơ được viết theo lối thơ 8 chữ. Cả bài thơ ba khổ, mười hai dòng, đủ sức họa nên bức tranh chiều xuân với những hình ảnh, chi tiết rất tiêu biểu cho cảnh chiều xuân nơi đồng quê Bắc Bộ nước ta. Một bức tranh buồn mà đẹp.
Khổ 1 là bức tranh quê vào mùa xuân tĩnh lặng, êm đềm, như mộng:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
Cảnh đầu tiên là bến vắng không âm thanh, không sắc màu tươi sáng. Mưa rơi rất êm, bến rất vắng có con đò cũng lười biếng bất động. Một quán nước không người, chỉ có những cánh hoa xoan rụng tơi bời vẻ nên không gian vắng lặng của chiều mưa. Bức tranh buổi chiều xuân có nhịp sống lặng lẽ.
Tất cả gợi nỗi buồn man mác của buổi chiều quê, nỗi buồn ấy từ lòng người nhuốm sang cảnh vật. Nói như nhà thơ Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, bút pháp tả cảnh ngụ tình được thể hiện ở đây thật đặc sắc.
Đó là cận cảnh, bức tranh ở gần, còn xa xa:
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa .
Nếu như khổ thứ nhất là một bức tranh chiều xuân buồn, bao trùm là cái màu trắng của mưa bụi. Mưa nhẹ, nhưng não nề, đủ cho con người buồn bã, đơn côi, thì đến đây, bức tranh cảnh vật dường như sinh động hơn. Bức tranh chiều quê có màu xanh của cỏ, có đàn sáo đen sà xuống “mổ vu vơ”, có mấy cánh bướm “rập rờn”, có đàn bò “thong thả cúi ăn mưa”. Đó là một bức tranh tả cảnh chiều xuân trên thân đê đồng nội.
Thế nhưng tất cả mọi hoạt động này cũng chỉ tăng thêm nét tĩnh cho không gian chiều xuân. Bức tranh vẫn vắng bóng con người. Anh Thơ đã sử dụng điêu luyện nghệ thuật lấy động để nói tĩnh. Đến khổ thơ thứ 3, cảnh trở nên nhẹ nhàng, êm đềm hơn và trở nên có sinh khí hơn:
Trong đồng hoa lúa xanh dờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
Đây là một bức tranh tả cánh đồng lúa. Trong bức tranh này có đồng lúa xanh rờn và ướt lặng, chính là lúa chuẩn bị ra đòng. Trong màu xanh mênh mông của đồng lúa có hứa hẹn một mùa vàng, có hứa hẹn niềm hi vọng no ấm. Đột xuất trên cái nền “Xanh rờn” của lúa là hình ảnh những đàn cò trắng “chốc chốc vụt bay qua”. Cánh có đã góp phần phá vỡ cái tĩnh lặng của không gian chiều xuân, làm cho buổi chiều xuân có hơi ấm của sự sinh sôi nảy nở.
Và cuối cùng, hình ảnh con người cũng xuất hiện. Từ đầu bài thơ, chỉ thấy hình ảnh thiên nhiên, đến đây có sự xuất hiện của “cô nàng yếm thắm”. Người con gái lứa tuổi đôi mươi đang hăng say lao động trên cánh đồng lúa xanh bát ngát với những hành động nhanh nhẹn: cuốc, cào.
Màu đỏ của chiếc yếm thắm được đặt trong một khuôn tranh có màu xanh của lúa, màu trắng của cò trở nên đối chọi mà vẫn hết sức hòa hợp. Bức tranh chiều xuân trên cánh đồng lúa vì vậy mà trở nên tươi sáng hơn, giàu sức sống hơn, ấm áp hơn. Xua tan đi tất cả những giá lạnh, buồn bã, quạnh hiu của buổi chiều xuân ở những khổ thơ trên.
Chiều xuân là bức tranh quê đẹp trong tình quê đằm thắm, dịu dàng. Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tâm trí người đọc để lại ấn tượng khó phai. Với bài thơ này, Anh Thơ đã rất thành công trong việc khắc họa bức tranh làng quê Việt Nam. Phải nói rằng, để viết được những câu thơ như bức tranh vẽ như thế này, nhà thơ phải là người có tấm lòng yêu quê hương tha thiết.