31/03/2021, 15:30

Bài văn phân tích tác phẩm "Chí khí anh hùng" số 4 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Chí khí anh hùng" trích "Truyện Kiều" của Nguyễn Du

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc ta, nhắc tới thành công của ông thì không ai có thể không nhắc tới tuyệt tác Truyện Kiều. Đây là một tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc và trở thành đề tài bàn luận, nghiên cứu chưa bao giờ ngừng nghỉ. Trong tuyệt tác ấy ngoài nói về nhân ...

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc ta, nhắc tới thành công của ông thì không ai có thể không nhắc tới tuyệt tác Truyện Kiều. Đây là một tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc và trở thành đề tài bàn luận, nghiên cứu chưa bao giờ ngừng nghỉ. Trong tuyệt tác ấy ngoài nói về nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều thì nhân vật để lại nhiều dấu ấn cho người đọc mặc dù xuất hiện trong đoạn ngắn đó chính là nhân vật Từ Hải nằm ở đoạn trích Chí Khí Anh Hùng.


Như chúng ta đã biết, Thúy Kiều sau khi bị mắc bẫy rơi vào chốn lầu xanh chịu nhiều đau khổ, tủi nhục. Khi ấy Từ Hải đã cứu nàng ra khỏi chốn đó vì nhận ra phẩm chất cao quý của Kiều. Tình yêu giữa Từ Hải với Thúy Kiều không ngăn được chí hướng xây dựng sự nghiệp. Chính vì thế nửa năm sau đó Từ Hải đã tiếp tục lên đường gầy dựng cơ đồ:


“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”


Được nửa năm, khi mà tình yêu và cuộc sống vợ chồng đương còn nồng nàn, cháy bỏng nhưng lại không sao che khuất được bốn phương. Từ Hải sớm đã “động lòng bốn phương” điều đó thể hiện cho chí lập công danh, sự nghiệp của Từ Hải. Bằng hình ảnh ước lệ “trời bể mênh mang” đã cho ta liên tưởng tới tầm vóc lớn lao và phi thường, một người mà tình yêu, gia đình hay bất cứ thứ gì cũng không ngăn cản được bước chân của chàng. Thêm vào đó hình ảnh gươm, ngựa “lên đường thẳng rong” cho ta thấy được phong thái ung dung của Từ Hải.


Cảnh tiễn biệt của Thúy Kiều với Từ Hải được tác giả miêu tả khắc hẳn với các cảnh tiễn biệt khác đã có trong truyện như với Kim Trọng hay Thúy Kiều với Thúc Sinh. Lúc này Từ Hải đã ở thế khác hẳn, trên yên ngựa, gươm đã sẵn sàng. Có thể một mình ra đi, bốn bể là nhà, có thể là phiêu bạt nay đây mai đó nhưng vẫn không hề nao núng. Thúy Kiều biết vậy nhưng vẫn xin theo để chăm sóc, nâng khăn sửa túi cho chồng:


“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng

Chàng đi thiếp cũng quyết lòng xin đi”


Tam tòng tứ đức, Thúy kiều không xin gì hơn chỉ muốn được theo chồng, cùng chồng gánh vác. Hơn nữa đây cũng không chỉ xuất phát từ chữ tòng trong “xuất giá tòng phu” mà còn đối với Kiều thì Từ Hải không chỉ là một người chồng mà còn là một vị ân nhân đã cứu nàng. Tuy nhiên xin là một chuyện mà thực tế Từ Hải đã quyết:


“Từ rằng: Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”


Từ Hải trước lời cầu xin của Kiều thì bày tỏ lời trách móc khi Thúy Kiều mặc dù phẩm cách hơn người nhưng “chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”, đồng thời cũng khuyên nàng không phải quá đặt nặng việc “tòng phu”. Lời trách ngắn ngủi và sau đó là lời hứa hẹn với Kiều rằng khi nào xây dựng được cơ đồ, có trong tay mười vạn tinh binh thì chàng sẽ đón nàng về dinh, đem lại cho nàng không chỉ danh phận mà còn cả địa vị.


Có thể thấy đây là khoảnh khắc thể hiện sâu sắc nhất chí khí của người anh hùng Từ Hải. Chàng không phải là người lụy tình, không vướng mắc mấy chuyện nữ nhi thường tình mà rất quyết đoán cho hành động của mình. Thay vì quyến luyến, bị rịn lúc tiễn biệt, thay vì nói lời yêu thương, nhung nhớ thì Từ Hải đã khẳng định sự thành công của mình trên con đường công danh. Tuy nhiên mặc dù cứng rắn như vậy nhưng chàng vẫn kín đáo thể hiện sự quan tâm, lo lắng của mình dành cho Thúy Kiều:


“Bằng ngay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì”


Biết trước rằng con đường mình đi “bốn bể không nhà”, có khi màn trời chiếu đất nhưng chàng vẫn quyết tâm đi và dùng nó làm lý do để khuyên Kiều ở nhà. Bởi chàng cho rằng nàng theo thì “càng thêm bận”. Qua đó cũng cho thấy sự lo lắng nếu Thúy Kiều theo sẽ phải chịu khổ cực. Sau lời lẽ quan tâm ấy là lời khẳng định về thời gian, một lời hứa quyết tâm thực hiện cơ đồ trong vòng một năm của Từ Hải để Thúy Kiều yên lòng ở lại vì sẽ không phải chờ đợi quá lâu. Cuối cùng đoạn trích cũng là là sự lựa chọn dứt khoái của Từ Hải:


“Quyết lời dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”


Sự quyết tâm của Từ Hải đã được đẩy lên cao nhất và không có gì có thể ngăn cản được. Qua đó ta thấy được anh hùng Từ Hải được Nguyễn Du miêu tả rất sâu sắc và sáng tạo. Từ Hải là nhân vật để Nguyễn Du gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mơ công lí trong hoàn cảnh xã hội đương còn tù túng. Đoạn trích góp phần tô đậm hình ảnh, tính cách của nhân vật, một nhân vật lí tưởng, mẫu người cao đẹp trong kiệt tác Truyện Kiều.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
0