Bài văn phân tích tác phẩm "Vợ nhặt" số 7 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân hay nhất
Văn học chính là lăng kính chủ quan, phản ánh hiện thực một cách khách quan, chính xác nhất. Bởi vậy mà nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình để phác họa thành công bức tranh cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân trong nạn đói năm Ất Dậu qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Nhà văn đã đem ...
Văn học chính là lăng kính chủ quan, phản ánh hiện thực một cách khách quan, chính xác nhất. Bởi vậy mà nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình để phác họa thành công bức tranh cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân trong nạn đói năm Ất Dậu qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Nhà văn đã đem vào thiên truyện của mình một điểm sáng mới, đó là niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp dù hiện tại có khó khăn đến nhường nào.
Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, ngòi bút của ông thật sắc sảo khi tập trung miêu tả những phong tục tập quán và đời sống làng quê với những “thú vui đồng quê hay phong lưu đồng ruộng”. “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc được in trong tập “Con chó xấu xí” của nhà văn, viết về người nông dân trong tình cảnh thê thảm của nạn đói với bản chất tốt đẹp, lương thiện. Bằng khả năng sáng tạo của mình, nhà văn đã thành công ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và hàng loạt các biện pháp nghệ thuật đặc sắc khác khi xây dựng nhân vật của mình.
Ngay từ nhan đề của tác phẩm, nhà văn đã để lại chúng ta những điều tò mò mới mẻ về cuộc sống của những con người bần hàn trong cái đói tưởng chừng như thảm họa. Với Kim Lân, “nhặt” là một hành động thu lượm những thứ rơi vãi ở dưới đất, những vật có giá trị không cao. Thế nhưng ở đây, hành động ấy lại được gắn liền với hình ảnh của người “vợ”. Đó chính là sự trân trọng của tác giả đối với nhân vật của mình bởi người vợ luôn có một vị trí quan trọng trong gia đình. Thế nhưng trong hoàn cảnh này, thân phận của con người lại rẻ rúng hơn bao giờ hết, chỉ cần vài câu nói bông đùa của anh cu Tràng mà người phụ nữ đó đã theo không Tràng về nhà và trở thành người “vợ nhặt”. Tất cả những điều đó đã làm nên một nhan đề độc đáo, gây ấn tượng mạnh, thể hiện thảm cảnh của người dân trong nạn đói năm 1945, bộc lộ sự cưu mang, khát vọng sống, và niềm tin của con người trong cảnh khốn cùng.
Chủ đề của tác phẩm không chỉ được thể hiện ở nhan đề mà nó còn được thể hiện thông qua tình huống truyện. Có nhà văn đã từng nói: “Tình huống truyện chính là thứ nước rửa ảnh để thông qua đó nhân vật nổi hình nổi mảng”. Tình huống truyện là nghệ thuật sắp xếp, tổ chức các chi tiết, sự kiện trong tác phẩm, qua đó bộc lộ tính cách, số phận nhân vật góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Truyện ngắn “Vợ nhặt” đã đem đến cho chúng ta một tình huống truyện vừa éo le, lại vừa bi hài. “Vợ nhặt” được bắt đầu ở thời điểm cái đói mà tác giả gọi là hiểm họa tràn đến. Trong không gian thê thảm của nạn đói, tình huống Tràng lấy vợ đã tạo nên khung cảnh vừa bi vừa hài, chỉ mấy câu nói bông đùa mà nào ngờ lấy được vợ thật. Tràng xấu trai lại ngờ nghệch, nay lại có người theo về cho ta thấy nghịch cảnh không biết nên cười hay nên khóc. Tình huống truyện éo le trên đã cho ta thấy tính nhân bản và tình cảm nhân đạo của tác phẩm. Hoàn cảnh đã làm thay đổi con người, tố cáo chế độ thực dân phong kiến đã đẩy con người vào bước đường cùng.
Mở đầu tác phẩm, nhà văn đã phác họa nhân vật anh cu Tràng cũng là nhân vật chính của phẩm được xuất hiện giữa một không gian đầy u ám, tử khí vì “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người chết”. Tràng là một người nông dân có cuộc sống nghèo khổ nhưng lại có tính thương người, luôn khao khát một mái ấm gia đình và luôn có hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
Anh cu Tràng là một người nông dân có cuộc sống nghèo khổ được thể hiện ngay ở cái tên gọi mà tác giả đặt cho. Tràng không tội nghiệp đến mức không có một cái tên thế nhưng cái tên Tràng lại gợi lên bao điều lam lũ, khó nhọc bởi đó cũng là tên của một dụng cụ lao động. Tràng không đến mức quá tiều tụy thế nhưng lại được hóa công gọt đẽo rất sơ sài: “Hai con mắt gà gà đắm vào bóng chiều”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, “bộ mặt thô kệch”, “cái đầu trọc nhẵn”, “cái lưng to rộng”. Qua cách miêu tả của Kim Lân, ta thấy Tràng kết tinh được cái phần tự nhiên, hoang dại của con người. Tràng hay “ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch”, “vừa đi vừa nói nhảm”, trở thành “đối tượng bông đùa của những đứa trẻ xóm ngụ cư”, tính tình thì “ngốc nghếch' . Hoàn cảnh sống của Tràng cũng chẳng dư dả gì. Nơi ở là “cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”, “những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất”. Những chi tiết ấy đã cho thấy cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ của hai mẹ con Tràng.
Ông cha ta đã dạy ta đừng nên “nhìn mặt mà bắt hình dong” thật đúng như vậy. Tuy Tràng có vẻ bề ngoài thô kệch, tính tình ngốc nghếch thế nhưng ẩn sâu trong tâm hồn Tràng vẫn chứa đựng biết bao hạt ngọc của tâm hồn. Tràng là người nhân hậu và giàu tình thương người. Thấy người đàn bà đói, Tràng đã cho ăn “một chặp bốn bát bánh đúc” bởi anh không nhẫn tâm từ chối khi người ta quá đói. Đó là một việc làm thật đáng quý, thể hiện truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Khi người vợ nhặt quyết theo Tràng, đây không phải là chủ tâm của Tràng tìm vợ mà thực tế, Tràng lấy vợ vì lòng thương người, vì một con người còn đói khát hơn cả mình. Bên cạnh tấm lòng nhân hậu, Tràng còn là người luôn khát khao hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi. Tràng có ý thức chăm sóc người phụ nữ của mình: “Hôm ấy hắn đưa thị xe bò về rồi mua hai hào dầu để thắp sáng ngôi nhà lạnh lẽo”. Những việc làm đó đã chứng tỏ Tràng rất trân trọng vợ mình. Tràng thật sự sung sướng và hạnh phúc khi có người vợ nhặt.
Đi bên cạnh người vợ “rách như tổ đỉa”, Tràng không thấy xấu hổ mà còn rất “phớn phở”. Vẻ mặt ấy chính là sự xúc động của nhân vật trước tình huống éo le nhặt được vợ. Không gian trên đường rước dâu ảm đạm thê lương nhưng niềm vui của Tràng đã lấn át đi tất cả. Anh muốn làm cho vợ mình được vui, “có lúc muốn thân mật nhưng không dám xuồng xã, muốn bày tỏ tình cảm với vợ nhưng lại lúng ta lúng túng, tay nọ xoa vào tay kia”. Tràng nâng niu, trân trọng hạnh phúc mình có được: “Trong một lúc, Tràng dường như quên hết cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa”. “Tràng cảm nhận thấy cái mới mẻ, mơn man khắp da thịt Tràng”. Đó chính là hiện diện của tình yêu, niềm hạnh phúc mà Tràng đang khao khát.
Đêm buông xuống, hạnh phúc của vợ chồng Tràng được bao bọc bởi bóng tối, bởi âm thanh tiếng hờn khóc tỉ tê từ những gia đình có người chết đói. Tràng vẫn cảm thấy sự kiện mình có vợ là quan trọng và cần nâng niu hơn cái đói đang hoành hành. Nhà có thêm người mới, Tràng đã thắp đèn lên cho sáng sủa, để xua tan đi cái tối, cái thê thảm của của những kiếp người leo lét. Ngọn đèn dầu sáng lên chính là hiện thân cho khát vọng sống, là ánh sáng để đấu tranh với bóng tối, giữ gìn sự sống để đấu tranh với cái chết. Phải chăng, tình yêu là vũ khí lợi hại để có thể khiến Tràng thay đổi hoàn toàn vào buổi sáng ngày hôm sau. Trước đây, Tràng sống dường như không quan tâm đến mình, sống tạm bợ cho qua ngày, không có ý thức chuẩn bị cho ngày mai. Kể từ khi có vợ, tâm lí anh khác hẳn: “Cảnh tượng thật đơn giản nhưng đối với hắn thật thấm thía và cảm động”. Tất cả được Tràng nhìn bằng ánh sáng mới, bằng con mắt mới, bằng trái tim của một con người đang hạnh phúc, đang yêu và đang được yêu. Hạnh phúc đã đem đến cho Tràng ý thức làm người, “Tràng thấy mình nên người từ khi có vợ”.
Trước đây, anh vô tâm vô tính, giờ có ý thức về bổn phận của mình hơn, mình cần có trách nhiệm với gia đình này. Hình ảnh của Tràng trong ngôi nhà đầm ấm, hòa hợp khiến cho ai cũng thay đổi. Bà cụ Tứ trở nên tươi tỉnh khác hẳn ngày thường, người vợ nhặt đúng mực người vợ hiền, dâu thảo, Tràng đã nên người và làm nổi bật vẻ đẹp của hạnh phúc. Dù hiện tại có đói khổ nhưng Tràng vẫn luôn giữ một niềm lạc quan, yêu đời, luôn tin vào tương lai tươi sáng. Trong bữa ăn, chỉ có mỗi nồi cháo cám chát đắng, Kim Lân đã để cho nhân vật bàn tán về việc Việt minh phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Trong tâm trí Tràng lúc bấy giờ hiện lên hình ảnh đám người đói và lá cờ cỏ sao vàng đang phấp phới tung bay trên nền trời xanh thẳm. Tràng nghĩ đến ánh sáng, nghĩ đến niềm vui, niềm tin đổi đời vào cách mạng. Tràng có cảm giác nuối tiếc khi mình tránh đi con đường khác, ý thức hối hận khi không hòa mình vào đám người đói theo Việt minh, điều đó cho thấy ước mơ vươn lên để đổi đời gắn liền với khát vọng sống của người nông dân Việt Nam đương thời.
Trong ba nhân vật, người vợ nhặt là nhân vật được nói đến ít nhất. Thực ra, nếu không có nhân vật người “vợ nhặt” thì nội dung và nghệ thuật của tác phẩm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đây là nhân vật làm nên giá trị nội dung và tư tưởng của tác phẩm, có vai trò quyết định đến sự hình thành các hình thức nghệ thuật khác. Người vợ nhặt là một nhân vật không có tên gọi, lai lịch, gốc gác, ngoại hình tiều tụy nhưng là một người vợ đúng mực, một người con dâu hiếu thảo và là người đem đến niềm vui, niềm lạc quan cho mọi người.
Người vợ nhặt là một nhân vật đặc biệt, nhân vật này không có tên, được gọi là “thị”, “người đàn bà”, “người con dâu”. Đây là cách gọi khiến cho tính khái quát ngày càng rộng. Ta hiểu thời bấy giờ không chỉ có một mà có muôn vàn người đàn bà cùng rơi vào cảnh ngộ đáng thương như thế. Về lai lịch, gốc gác, người đàn bà cũng chẳng được giới thiệu cụ thể, cũng chẳng ai biết thị đến từ đâu, chỉ biết rằng chị “ngồi vêu ra ở cửa kho, nhặt hạt rơi, hạt vãi hay ai có việc gì gọi đến thì làm”. Người vợ nhặt không có quê hương, không có quá khứ, là hiện thân cho một kiếp người lênh đênh, trôi dạt trong thảm họa đói khát, không lưu giữ được một chút gì về sự tồn tại của bản thân mình.
Ngoại hình của thị được tác giả miêu tả rất tỉ mỉ: “Cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che mất đi nửa mặt”. Khi tác giả quay ngược trở lại thời gian ở lần gặp thứ hai của thị với Tràng, ta thấy thị giống như bao kẻ đói khát khác: “Hôm nay trông thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái gương mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Ngoại hình của thị trông rất tiều tụy, thị là hiện thân của những con người bần cùng đói phát phải “tha hương cầu thực”, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” (Nguyễn Khải). Với những chi tiết miêu tả ngoại hình trên, nhà văn Kim Lân đã cho người đọc thấy người phụ này đã phải chịu đói nhiều ngày, sự đói khát cùng đường làm cho chị mất hết đi nét nữ tính vốn có. Điệu bộ thị “chao chát, chỏng lỏn”, lần đầu giữa lúc đang nhàn rỗi nghe câu hò buông ra của Tràng và những lời trêu ghẹo của bạn bè nhưng vì đói chị đã “ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng- một người đàn ông mà chị không hề quen biết. Thị đùa giỡn với anh, liếc mắt cười tít để tạo thiện cảm với Tràng, như vậy có thể nói là vô duyên, trơ trẽn nhưng chị vẫn đẩy xe cho Tràng và chưa được ăn “cơm trắng với giò” như lời Tràng đã hứa.
Lần khác gặp lại Tràng, chị xưng xỉa trách móc “điêu, người thế mà điêu” làm cho Tràng không hiểu gì cả. Những lời thoại ấy đã chứng tỏ người phụ nữ đã cố ý lái câu chuyện để thể hiện mục đích được ăn cơm. Phải chăng sự đói khát đường cùng đã khiến chị thành kẻ táo tợn, trơ trẽn, không cần giữ danh dự, chỉ biết biến lời nói đùa thành sự thật để được ăn “cơm trắng với giò”. Khi được Tràng mời ăn, “hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên”, “thị ngồi sà xuống ăn thật, thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì, ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng”. Chính cái đói, cái khát đã thử thách nhân cách của người phụ nữ thật ghê gớm.
Nạn đói năm Ất Dậu như một cơn lũ khủng khiếp cuốn phăng đi tất cả. Vì đói, người phụ nữ ấy đã đẩy lùi sĩ diện, không lo danh dự, nhà văn không sa vào chủ nghĩa tự nhiên, không chê bai giễu cợt nhân vật mà nhà văn muốn ta hiểu một thực tế rằng miếng ăn trong cái đói que quắt nhiều khi thúc bách khiến họ quên đi cả ý tứ, không còn sĩ diện nữa, bản năng sinh tồn đã vượt lên trên tất cả. Liều lĩnh hơn khi chị chấp nhận theo không Tràng về làm vợ. Vì một câu nói đùa, người vợ nhặt biến lời rủ rê thành lời cầu hôn chính thức, biến tất cả đùa thành thật, thị theo không Tràng về nhà mà không hề biết gia cảnh, tính tình của người đàn ông ấy. Thị đã tự hạ thấp giá trị của mình đến rẻ rúng như những vật không giá trị bị vứt ngoài đường.
Tác phẩm đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ bị cái đói đe dọa, thủ tiêu, tha hóa nhưng trong thị vẫn ánh lên những phẩm chất tốt đẹp của lòng ham sống mãnh liệt, khát khao hạnh phúc gia đình, ý tứ, hiền hậu đúng mực và luôn lạc quan tin tưởng. Người vợ nhặt mang một vẻ đẹp nữ tính dịu dàng đúng mực kể từ khi theo không Tràng về nhà. Trên đường về, có lúc người vợ nhặt đã trách chồng bỏ ra hai hào để mua dầu thắp “hoang nó vừa chứ”. Lời trách móc ấy thể hiện ý thức gia đình, vun vén cuộc sống hôn nhân, bởi vậy, thị đúng là một người vợ thực sự. Cùng Tràng trên đường về nhà, thị cắp cái thúng e thẹn, bản tính nữ tính đã trở lại.
Qua một vài chi tiết miêu tả, ta thấy tâm tình của người phụ nữ này đang dần trở lại. Thị lẳng lặng nén tiếng thở dài khi nhìn thấy căn nhà lụp xụp của Tràng, đó là thái độ chấp nhận dường như chị nghĩ rằng mình không nên hỏi điều gì nữa. Khi vào đến nhà, thị “ngồi mớm ở mép giường”, đây là tư thế e thẹn, ngại ngùng, có chút rụt rè, lo âu của người con gái lần đầu tiên bước về nhà chồng trong tình huống bất lợi. Nhà văn thật tinh tế khi miêu tả được cử chỉ người phụ nữ “tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”. Nét mặt chứa đựng biết bao ngổn ngang, suy nghĩ e ngại, xót xa, tủi cực cho số phận của mình. Thế nhưng, người “vợ nhặt” ấy đã vượt lên trên hoàn cảnh để thể hiện khát vọng sống, thể hiện bổn phận làm vợ, làm con dâu của mình.
Trong đêm tân hôn, thị có những cử chỉ rất dí dỏm “ủng vào trán Tràng”, cử chỉ đó thể hiện rõ tình cảm yêu thương của thị dành cho Tràng. Sáng hôm sau, chị dậy sớm làm đủ mọi việc như một người vợ hiền tần tảo, đảm đang. Chị cùng với bà cụ Tứ “dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn sạch sẽ”, người phụ nữ “chao chát chỏng lỏn” ấy đã thay đổi đến mức chính Tràng cũng phải ngạc nhiên “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Người vợ nhặt là người lạc quan luôn đem đến niềm vui cho mọi người. Đối với người dân xóm ngụ cư, người vợ nhặt đem đến cho họ niềm tin vào sự đổi thay. Đối với bà cụ Tứ, người “vợ nhặt” đã đem đến cho bà niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn lao ở cái tuổi gần đất xa trời. Bà cụ Tứ vui mừng khi thấy con cái trưởng thành, con trai mình đã có vợ bà lại nghĩ đến tương lai con cháu mình sau này. Đối với Tràng, người “vợ nhặt” đem đến niềm hạnh phúc thực sự cho Tràng.
Khi có mái ấm gia đình, Tràng thực sự thay đổi từ một người đàn ông thô kệch vụng về trở thành người có ý thức, có trách nhiệm với gia đình. Chính thị là người đầu tiên kể cho cả nhà nghe truyện trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang. Chị làm nảy sinh trong Tràng hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc, lá cờ đỏ tung bay phấp phới, nó gợi lên trong Tràng những khao khát về sự đổi đời. Người “vợ nhặt” đã được nhà văn khắc họa độc đáo ở việc chú trọng khắc họa hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật để người đọc hiểu được tâm lí người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ ấy có rẻ rúng, nhưng thị vẫn rất mực lạc quan, yêu đời.
Để nói về đức hi sinh, yêu thương con vô bờ bến, nhà văn đã phác họa thành công chân dung hình ảnh bà cụ Tứ hiểu biết và rất mực thương con. Người phụ nữ nghèo khổ ấy đã những thay đổi tâm trạng phức tạp khi thấy con mình “nhặt” được vợ. Tâm trạng bà thay đổi từ ngạc nhiên đến vui mừng rồi lo lắng, tủi hổ nhưng cũng vẫn rất lạc quan trước số phận. Bà cụ Tứ là một người phụ nữ nghèo khổ. Bà xuất hiện với dáng vẻ lọng khọng, gầy gò, ốm yếu. Cảnh ngộ nom thật đáng thương, bà lão nghèo khổ, già nua lại cô đơn vì chồng và con gái đã ra đi mãi mãi. Đứa con trai lớn tuổi nhưng vì nghèo khổ, thô kệch lại là người dân xóm ngụ cư nên chẳng lấy được vợ. Cuộc đời bà cụ Tứ thật đáng thương, gia cảnh lại bần hà thuộc hạng cùng đinh trong xóm ngụ cư. Ở cái độ tuổi gần đất xa trời này, bà cũng chẳng mong gì nhiều, chỉ mong cho con mình nên người và có một cuộc sống hạnh phúc.
Sự xuất hiện của người vợ nhặt đã khiến cho diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ diễn ra phức tạp. Bà ngạc nhiên khi thấy Tràng reo lên như một đứa trẻ vồn vã chào mời khác thường “bà lão phấp phỏm bước theo con đến giữa sân bà lão sững lại càng ngạc nhiên hơn”. Trong bối cảnh đói khát, bà cụ đã không tin rằng con mình lấy được vợ. Bà ngạc nhiên trước cảnh một cô gái lạ xuất hiện trong nhà mình. Kim Lân đã sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm để chứng tỏ bà lão rất ngạc nhiên. Bà tự hỏi “quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ?”. Sự ngạc nhiên đến nỗi bà không tin vào mắt mình khi thấy người lạ trong nhà “bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà thấy mắt mình nhoèn ra thì phải”. Trái tim của người mẹ luôn nhạy cảm về chuyện riêng tư của con cái và cả chuyện dựng vợ gả chồng nhưng ở đây, bà cụ Tứ lại ngơ ngác quá lâu vì không tin vào mắt mình.
Tâm trạng ngạc nhiên của bà cụ Tứ đã thể hiện rõ tình huống truyện lạ, éo le, cảm động giữa lúc nạn đói đang hoành hành, những người nghèo khổ như mẹ con bà cụ Tứ đến nuôi thân còn không xong mà Tràng còn dám nuôi thêm một miệng ăn. Tâm trạng ngạc nhiên ấy còn hé lộ thân phận con người trong cuộc sống nghèo đói, bà phải sống trong mặc cảm, không làm tròn bổn phận của người mẹ, không lo được cho con, cũng vì nghèo nên con không lấy được vợ. Có chút ngạc nhiên nhưng bà cũng rất vui mừng khi con mình lấy được vợ.
Với gia cảnh nghèo đói thuộc hạng cùng đinh, con trai mình lại là người thô kệch, tính tình thì ngốc nghếch nay bỗng dưng có người theo không con mình về làm vợ nên bà cũng thấy ấm lòng hơn. Người mẹ nghèo ấy rất mực thương con , do vậy bà lại cảm thấy tủi và lo lắng khi nghĩ về tương lai. Khi Tràng có vợ bà cũng rất vui nhưng trong lòng lại trào lên nỗi xót thương cho số kiếp đứa con mình. Bà hiểu ra tình cảnh khốn khổ của con và gia đình mình. Con bà lấy vợ giữa lúc cái đói tràn đến xóm ngụ cư như một hiểm họa. Cuộc sống bấp bênh, khốn khó hơn bao giờ hết, thương con lại thương mình, bà cụ “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt”.
Vượt qua mọi nghi lễ thông thường, bà cụ đã chấp nhận người đàn bà xa lạ làm con dâu trước nỗi lo cho tương lai, gia đình và các con. Bà lo cho các con ở những ngày hiện tại chênh vênh. Lòng bà lão đầy những ám ảnh của quá khứ vẫn nặng trĩu đắng cay. Bà ngửi thấy “mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét kẹt”. Rồi bà nghĩ đến ông lão, đến đứa con gái út đã mất, nghĩ đến cuộc đời cực khổ của mình. Bà lo cho vợ chồng Tràng lấy nhau không biết có qua khỏi nạn đói này không. Tâm trạng của bà cụ Tứ diễn ra vô cùng phức tạp, vừa ai oán xót thương, lo lắng buồn tủi đan xen với những xáo trộn trong lòng.
Cũng như nhân vật anh cu Tràng, người “vợ nhặt” bà cụ Tứ cũng luôn vững tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Trong ý nghĩ bà cùng vui với triết lí giản dị sâu sắc: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, niềm vui giản dị thực tế ấy được xuất phát từ kinh nghiệm của người dân lao động, được đúc rút từ bao đời nay. Suy nghĩ đó được bộc lộ từ ý chí vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bà cụ Tứ. Vì nghĩ như vậy nên bà nói về tương lai, trong buổi sáng ngày hôm sau, bà toàn nói chuyện vui, chuyện sung sướng sau này. Bà nói về tương lai thiết thực của nhân dân lao động, từ việc nuôi gà và có một cuộc sống yên bình, ấm no.
Sáng ngày hôm sau, người mẹ nghèo ấy đã thắp lên đốm lửa của tình người, của niềm tin và hi vọng qua các hành động cụ thể: “Bà cùng con dâu thu xếp nhà cửa, quét dọn sân vườn cho sạch sẽ”, việc làm ấy được xuất phát từ niềm tin, niềm hi vọng mang tâm lí của người lao động: “Nhà cửa gọn gàng, ngay ngắn thì may mắn sẽ tới”. Bà có một sáng kiến bất ngờ đó là bổ sung một nồi “cháo cám” vào bữa ăn ngày đói như một bữa ăn mừng nhân ngày con trai lấy được vợ. Người mẹ tươi cười đon đả lặng lẽ khen ngon, dù miếng cháo cám có chát đắng trong khóe miệng nhưng bà vẫn thốt lên răng “ngon đáo để”. Điều đó toát lên tinh thần của người mẹ chấp nhận số phận với niềm vui và niềm hạnh phúc đong đầy. Hình ảnh “nồi cháo cám” ấy còn là hiện thân của tình thương yêu mà người mẹ dành cho các con.
Nhà văn đã chọn “nồi cháo cám” để làm sáng lên chất người khi niềm vui, niềm hạnh phúc của họ đang dần bị nguội tắt trước thế lực của cái đói. Chi tiết ấy tái hiện cái đói năm 1945 một cách chân thực nhất, con người phải ăn cả thức ăn của động vật để cầm cự, đấu tranh với cái chết gần kề. Tuy bà cụ Tứ chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc của chiều hôm trước và sáng hôm sau khi con mình dắt người “vợ nhặt” về trình diện với bà nhưng nhà văn đã đem đến cho người đọc một nhân vật có chiều dài cuộc đời và chiều sâu tâm lí với những am hiểu sâu sắc. Bà cụ Tứ chính là điển hình cho hình ảnh người mẹ nông dân nghèo khổ, từng trải, hiểu biết, nhân hậu, bao dung và rất mực thương con.
Bằng tài năng của mình với một phong cách nghệ thuật riêng biệt, nhà văn Kim Lân đã đem đến cho chúng ta một thiên truyện “Vợ nhặt”. Ngay từ nhan đề độc đáo của tác phẩm đã hé lộ cho chúng ta biết một tình huống truyện đầy đặc sắc nhưng lại hết sức éo le. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc, Tràng được miêu tả rất thực tế về tâm lí, người “vợ nhặt” tâm lí hiện lên rất sinh động còn bà cụ Tứ thì tâm lí diễn ra phức tạp. Nghệ thuật trần thuật mới mẻ, ngôi kể theo cách truyền thống ở ngôi kể thứ ba, điểm nhìn trần thuật luôn luôn di chuyển, nhà văn đã để cho nhân vật tự dẫn dắt tiến trình của truyện. Giọng điệu hóm hỉnh, đôn hậu. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, nôm na. Xuất hiện nhiều chi tiết đặc sắc: Chi tiết “bát bánh đúc” cho thấy sự đói khổ có thể làm thay đổi nhân cách con người. Chi tiết “nồi cháo cám” cho thấy tình thương bao la của người mẹ và tái hiện sự thật đói khát đến mức chẳng còn gì để ăn. Chi tiết “lá cờ đỏ sao vàng” tung bay phấp phới cho thấy niềm tin của con người vào cuộc sống, khát vọng có một cuộc sống ấm no và niềm tin vào cách mạng của người nông dân lúc bấy giờ. Tất cả những đặc sắc nghệ thuật trên đã tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng biệt của Kim Lân với sở trường truyện ngắn này.
Qua tác phẩm, ta thấy được giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực được thể hiện một cách sâu sắc. Ở giá trị nhân đạo, nhà văn đã dựng lại được bức tranh hiện thực đương thời là con người trong nạn đói năm Ất Dậu. Nhà văn trân trọng và cảm thông trước những số phận bị thảm, trước những ước mơ, những khao khát về hạnh phúc gia đình của người nông dân. Bên cạnh đó, nhà văn đã phát hiện và khẳng định được vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của tình người trong cơn lốc của sự đói nghèo. Và cuối cùng, nhà văn đã chỉ ra con đường cách mạng cho người nông dân, chỉ có theo cách mạng thì con người mới có thể giành lại được cuộc sống ấm no yên bình. Đối với giá trị hiện thực, nhà văn đã tái hiện được một thực trạng bi thảm của chế độ Việt Nam trước cách mạng.
Kim lân đã chọn một sự kiện lịch sử có thật để làm chủ đề cho tác phẩm của mình. Mở đầu tác phẩm, Kim Lân đã dẫn người đọc tới bối cảnh của một miền quê trong những ngày đói, bóng dáng con người toàn là chết chóc, thê lương, những bóng người “đội chiếu, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, nằm ngổn ngang khắp lều chợ”, “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Hiện thực cho thấy miền quê đó trong những ngày đói vô cùng xơ xác, heo hút. Những chi tiết đó đã cho thấy cái đói tràn lan như một nạn dịch. Nhà văn đã phản ánh chân thực số phận cùng quẫn của con người trong nạn đói. Kim Lân đã hướng ngòi bút vào việc khắc họa số phận cùng quẫn của con người trong nạn đói qua hình tượng người vợ nhặt. Nhân vật Tràng, bà cụ Tứ là những con người nghèo khổ, đáng thương. Truyện đã phản ánh rõ thảm cảnh của con người trong nạn đói và số phận cùng quẫn của họ trước thảm cảnh. Nhà văn đã phản ánh hiện thực cơ bản đó là lòng người dân hướng tới cách mạng. Dù hiện thực này chỉ nói thoáng qua ở đoạn cuối của tác phẩm nhưng khiến cho ta nghĩ tới sự thay đổi hiện thực cuộc sống, đó là cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Bằng tất cả tình yêu thương, sự đồng cảm, nhà văn Kim Lân đã tạo nên sự thành công trong sự nghiệp làm văn của mình qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Nhà văn đã để lại cho chúng ta những bài học về tình yêu thương, đùm bọc giữa những con người cùng chung dòng máu Việt và một tinh thần lạc quan, yêu đời, hướng tới cách mạng. Nhà văn đã ngợi ca truyền thống “tương thân tương ái” quý báu của dân tộc Việt Nam ta. Và đặc biệt trong bối cảnh hội nhập của đất nước ta hiện nay, thế hệ trẻ chúng ta cần giữ vững quan điểm “hòa nhập nhưng không hòa tan” và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Qua tác phẩm “Vợ nhặt” nhà văn Kim Lân đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng người đọc. Nhà văn đã tái hiện thành công bối cảnh nạn đói năm 1945 qua các nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ với một niềm tin yêu, luôn hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.