Bài văn phân tích tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật số 8 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật
Phạm Tiến Duật là nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng thời với Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Trà… Với giọng thơ sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc, thơ Phạm Tiến Duật chủ yếu tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong ...
Phạm Tiến Duật là nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng thời với Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Trà… Với giọng thơ sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc, thơ Phạm Tiến Duật chủ yếu tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua hình tượng người lính và các cô gái thanh niên xung phong.
"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một thi phẩm hay, rất tiêu biểu cho đặc điểm thơ và phong cách nghệ thuật đó của nhà thơ. Tác phẩm nằm trong chùm thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ năm 1969, sau được đưa vào tập thơ “Vầng trăng quầng lửa". Bài thơ đã khắc họa thành công hình ảnh những chiếc xe không kính và những người lính lái xe ở chiến trường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mĩ.
Qua đó, nhà thơ phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh và tinh thần lạc quan, dũng cảm, tư thế hiên ngang, bất khuất, ý chiến chiến đấu ngoan cường của những người lính trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đầu tiên, điểm gây ấn tượng khác lạ và độc đáo ban đầu nơi người đọc qua tác phẩm là cách đặt nhan đề của Phạm Tiến Duật: "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Nhan đề khá dài, có vẻ như có chỗ thừa nhưng chính cái điểm ấy mà tạo nên cái độc lạ, thu hút sự chú ý của bạn đọc. Tác giả đã thêm vào nhan đề tác phẩm hai chữ “bài thơ”, điều đó cho thấy được chất thơ trong bài thơ, đồng thời cho thấy được cái nhìn lãng mạn của tác giả trước hiện thực khốc liệt của chiến tranh về những chiếc xe không kính do bom rơi, đạn lạc.
Và với cách đặt nhan đề bài thơ như vậy, Phạm Tiến Duật cũng muốn nhấn mạnh đến những chiếc xe không kính trong khói lửa chiến tranh chỉ có ở chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều, rất đông trở thành cả một “tiểu đội xe không kính”.
Từ đó, nhà thơ làm nổi bật lên sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần hiên ngang, dũng cảm, sôi nổi và trẻ trung của người lính khi lái những chiếc xe không kính bon bon ra chiến trường. Cho nên, ngay nhan đề thơ đã gợi mở chủ đề, tạo được giọng điệu, sắc thái thẩm mĩ riêng cho toàn bộ bài thơ: hóm hình, tươi vui, tinh nghịch, rất lính tráng.
Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu về hình ảnh của những chiếc xe không kính vẫn băng băng tiến ra chiến trường. Tác giả chỉ ra nguyên nhân của những chiếc xe không có kính bằng một câu thơ văn xuôi rất tự nhiên, rất chân thực:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Thực ra, trước Phạm Tiến Duật đã có rất nhiều phương tiện giao thông đã được các nghệ sĩ đưa vào trong thơ của mình. Đó là hình ảnh của một con tàu tiến lên Tây Bắc trong bài "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên hay đó là con thuyền tiến ra khơi đánh bắt cá của những người ngư dân miền chài lưới trong bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh, "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận...
Nhưng tất cả những xe cộ, tàu thuyền ấy khi đi vào thơ đều được lãng mạn hóa, mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Còn những chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật lại xuất phát từ hình ảnh có thực, thật đến trần trụi, "sống sít". Điệp từ “không” được lặp lại ba lần trong một dòng thơ kết hợp với động từ mạnh “giật” , “rung” vừa có ý nghĩa giải thích nguyên nhân xe không có kính, lại vừa có ý nghĩa nhấn mạnh đến sự dữ dội, tàn phá của chiến tranh.
Không dừng lại ở đó, trong chiến tranh bom rơi đạn lạc, những chiếc xe không chỉ bị vỡ kính mà còn bị biến dạng trở nên hết sức trần trụi khủng khiếp:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Điệp từ “không có…” kết hợp với cách liệt kê hình ảnh các bộ phận thiếu thốn của xe “kính, mui, đèn, thùng xe” đã cho thấy cái nhìn rất chân thực về chiến tranh. Đó là sự hủy diệt vô cùng tàn khốc của bom rơi, đạn lạc nơi chiến trường xa xôi. Chủ nhân của những chiếc xe không kính ấy là những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn.
Phạm Tiến Duật đã dùng thủ pháp "đòn bẩy", những chiếc xe không kính càng trần trụi, khốc liệt bao nhiêu thì phẩm chất của những người lính lái xe lại càng nổi bật lên bấy nhiêu. Qua đó tác giả muốn cho người đọc thấy được: lòng quả cảm, can trường, bất chấp mọi hiểm nguy, thiếu thốn của người lính lái xe nơi chiến trường. Mặc dù những chiếc xe bị hủy hoại, tàn phá nhưng người lính vẫn rất hiên ngang, ngạo nghễ vững tay lái cho xe lăn bánh ra chiến trường:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Các câu thơ được viết lên bằng sự trải nghiệm của người trong cuộc nên vô cùng chân thực. Không có kính nên các anh chiến sĩ phải đối diện với biết bao nhiêu là sự nguy hiểm, khó khăn. Nào là “gió vào xoa mắt đắng”, nào là sao trời, cánh chim “như sa, như ùa vào mặt, vào người, vào buồng lái của người lính lái xe. Các động từ mạnh “chạy thẳng, đột ngột, như sa, như ùa” đã cho thấy những cảm giác đầy căng thẳng, thách thức và hiểm nguy mà người lính phải đối diện.
Tuy nhiên, đứng trước hoàn cảnh ấy, người lính không hề run sợ, hoảng hốt, né tránh mà trái lại rất đàng hoàng, hiên ngang, thoải mái: “Ung dung buồng lái ta ngồi / Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng". Nghệ thuật đảo ngữ đẩy động từ “ung dung” lên trước đã cho thấy tư thế rất tự tin, bình thản và có phần ngang tàng của người lính. Điệp từ “nhìn”, “thấy” được lặp đi lặp lại cho thấy tất cả khung cảnh thiên nhiên như bỗng chốc bé lại, thu vào đôi mắt của người lính.
Điều đó không chỉ cho thấy sự tập trung cao độ của một tinh thần trách nhiệm lớn lao mà còn cho thấy được tâm hồn lãng mạn, hiên ngang, mở lòng đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên của người lính qua ô cửa kính vỡ. Trên dọc đường lái xe ra tiền tuyến, người lính còn chịu rất nhiều những khó khăn từ ngoại cảnh như gió, mưa, bụi:
“Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già”
“Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn xối như ngoài trời”
Nhưng với tinh thần quả cảm, mạnh mẽ, bất chấp, người lính đã vượt qua tất cả:
“Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
“Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”
Điệp ngữ “Không có kính, ừ thì…”; “chưa cần…” là lối nói mang đậm tính khẩu khí ngang tàng. Với cách nói nôm na, thông thường mà cứng cỏi, mạnh mẽ họ đã biến những khó khăn thành những điều thú vị. Người đọc như nghe thấy tiếng cười rũ sạch mọi gian khổ của người lính. Những chi tiết hình ảnh: “phì phèo châm điếu thuốc”, “cười ha ha” hay “lái trăm cây nữa… khô mau thôi” đã cho thấy tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ của họ. Cảm giác như những khó khăn ấy cũng không thể nào dập tắt đi chất trẻ trung, tinh thần lạc quan và dũng cảm của người lính.
Người lính lái xe không chỉ hiện lên là những chàng dũng sĩ, hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm mà họ còn là những người chiến sĩ trẻ tuổi, trẻ lòng chan chứa tình đồng chí, đồng đội. Có thể nói, khó khăn, thử thách không chỉ tôi luyện cho người lính thêm bản lĩnh, thêm ý chí, nghị lực kiên cường mà còn giúp cho tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của họ thêm gắn bó, keo sơn:
Những chiếc xe từ trong bom rời
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè giữa dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ đi rồi.
Trên dọc đường từ hậu phương ra tiền tuyến có biết bao nhiêu những chiếc xe không kính ào ào ra trận. Họ gặp gỡ nhau và chào hỏi nhau bằng cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ. Cái cầm tay, nắm tay là một hành động đẹp, chứa chan tình cảm đồng chí đồng đội. Họ truyền cho nhau hơi ấm của tình thương, động viên và cảm thông với nhau lúc hiểm nguy khó khăn, vất vả. Họ coi nhau như anh em ruột già máu mủ trong gia đình:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm
Ta bắt gặp cách định nghĩa rất riêng của Phạm Tiến Duật về gia đình – về mối quan hệ thiết thân của những người lính trong chiến tranh, đó là: chung bát đũa, chung bếp lửa, chung hoàn cảnh khó khăn, chung con đường chiến đấu… Tất cả những điều ấy đã khiến những con người vốn xa lạ nhưng lại hóa quen nhau, thân thiết gắn bó keo sơn, đoàn kết cùng nhau vì lí tưởng cách mạng cao đẹp.
Chính tình cảm đồng chí, đồng đội đã tiếp sức cho những người lính tiến lên phía trước: “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Điệp từ “lại đi” có ý nghĩa nhấn mạnh đến những đoàn xe không kính không ngừng tiến lên phía trước. Hình ảnh “trời xanh thêm” là hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn lạc quan, yêu đời, chan chứa niềm hi vọng của người lính vào tương lai phía trước của cuộc sống, của cách mạng.
Những câu thơ được viết ra mang đậm khẩu khí ngang tàng sôi nổi của những người lính kháng Mĩ. Họ hăm hở nhập ngũ lên đường với một mục tiêu cao cả tiêu diệt giặc, bảo vệ quê hương. Mọi khó khăn, gian nan, mọi hiểm nguy, trông gai, những người lính đã chia sẻ, động viên giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua thử thách. Người đọc như cảm nhận thấy mọi khó khăn ấy đều trở nên nhẹ tựa lông hồng trước tiếng cười lạc quan của anh bộ đội cụ Hồ.
Cuối cùng, động lực mạnh mẽ và sâu xa tạo nên sức mạnh tinh thần lớn lao, bất chấp mọi nguy nan, mọi sự hủy diệt, tàn phá của kẻ thù ở người chiến sĩ đó chính là ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Bom, đạn có thể làm chiếc xe trở nên trần trụi, tàn tạ nhưng không thể nào đè bẹp được ý chí chiến đấu của những người lính lái xe. Hình ảnh “trái tim” vừa là hình ảnh hoán dụ, vừa là hình ảnh ẩn dụ cho sức mạnh, lòng dũng cảm, niềm lạc quan và tình thần yêu nước mạnh mẽ của người lính. Chính “trái tim” của họ là một động cơ hoàn hảo, có thể thay thế cho toàn bộ những cái “không có” bên trên của những chiếc xe hư hỏng, trần trụi.
Tất cả vì một mục tiêu cao cả mà người lính lái xe đã xác định cho mình “vì miền Nam” ruột thịt. Hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ là một bức tượng đài rực rỡ và chói sáng, một biểu tượng cao đẹp cho một thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kì kháng Mỹ cứu nước với tinh thần:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dạy tương lai.
Điều đó cho thấy tinh thần yêu nước sâu sắc và sự ý thức trách nhiệm công dân cao độ của những người lính khi tổ quốc lâm nguy.
Tóm lại, với một giọng thơ trẻ trung, tinh nghịch, ngạo nghễ, ngang tàng; kết hợp với ngôn ngữ thơ giản dị, sống động, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc điệu...Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công những chiếc xe không kính và làm nổi bật hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mĩ: dũng cảm hiên ngang, lạc quan yêu đời và giàu ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước mạnh mẽ, sắt son.
Dù chiến tranh đã lùi về quá khứ, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới: tự do – độc lập nhưng hình ảnh những chiếc xe bị bom đạn tàn phá cùng những anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn chống Mỹ vẫn mãi sống với thời gian và trong lòng dân tộc.