31/03/2021, 15:34

Bài văn phân tích bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận số 8 - 10 Bài văn phân tích bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận hay nhất

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận được sáng tác ngày 4-10-1958 trong chuyến đi thực tế tại Hòn Gai tỉnh Quảng Ninh, in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, xuất bản năm 1958. Đó là những năm đất nước đã được hồi sinh sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. ...

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận được sáng tác ngày 4-10-1958 trong chuyến đi thực tế tại Hòn Gai tỉnh Quảng Ninh, in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, xuất bản năm 1958. Đó là những năm đất nước đã được hồi sinh sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp.


Theo nhà thơ nhớ lại, "không khí lúc này thật vui, cuộc đời phấn khởi, nhà thơ cũng rất phấn khởi. Cả vùng biển, vùng than đang lao động hang say từ bình minh cho đến hoàng hôn và cả từ hoàng hôn cho đến bình minh". Nhà thơ muốn sáng tạo "một khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui". Đó là đặc điểm quy định nội dung và phong cách nghệ thuật bài thơ.


Thông thường người ta lao động ban ngày, ở đây Huy Cận chọn một thời điểm lao động đặc biệt. Chính khi mặt trời lặn xuống, màn đêm phủ trùm vùng biển thì một "ngày" lao động mới của người đánh cá mới bắt đầu. Như vậy tạo được ấn tượng về một cuộc sống khẩn trương rộn rịp ngày đêm, không lúc nào ngừng:


Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi


Hai câu đầu vẽ lên cảnh hoàng hôn và đêm tối trên biển thật lộng lẫy sinh động. Mặt trời xuống biển như hòn lửa vĩ đại, báo hiệu ngày tàn. Dĩ nhiên vịnh Hạ Long ở phía đông đất nước và nếu đứng từ bờ nhìn xa chỉ thấy mặt trời mọc chứ không thấy mặt trời lặn xuống biển được. Nhà thơ có thể đang đứng phía Hòn Gai hoặc xa hơn nhìn vào phía tây mới thấy được cảnh mặt trời lặn trên biển như vậy.


Đối với Huy Cận, vũ trụ như một mái nhà, màn đêm sập xuống như cánh cửa cồn những làn sóng chạy qua như chiếc then cài vào màn đêm. Tất cả báo hiệu trời đã tối hoàn toàn.


Chính lúc đó "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi". Chữ "lại" cho biết đây là hoạt động thường nhật, lặp đi lặp lại mỗi ngày, chứ không phải là đột xuất cá biệt. Nhưng mặt khác, chữ "lại" còn biểu thị ý nghĩa ngược lại, ngược chiều so với hoạt động có trước, như thể nói: "trời biển đã nghỉ ngơi mà con người lại ra khơi.


Ý này biểu thị mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo của con người. Câu thơ cuối "câu hát căng buồm cùng gió khơi" gợi lên cảnh tượng càng hùng vĩ. Buồm ra khơi xa không chỉ nhờ no căng gió biển, mà tiếng hát của người lao động cũng có sức mạnh làm căng buồm. Đoàn thuyền ra đi bởi buồm gió và buồm vui, một hình ảnh chan hòa giữa con người và vũ trụ. Tính chất hành khúc của bài thơ đã biểu hiện rất rõ trong hình ảnh và câu chữ, nhịp điệu. Bài thơ là lời ca của chính người lao động ngợi ca niềm say sưa, hứng khởi lao động của mình.


Khổ thứ hai trực tiếp thể hiện ca khúc say mê của người đánh cá:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng


Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi! Một khúc ca gọi cá vào lưới vui vẻ, rộn ràng. Cá bạc là loài vá cỡ nhỏ, thân bầu dục dài, dẹt hai bên, màu trắng đục, còn gọi là cá mắm mỡ, thuộc họ cá Ngãng, sống ở gần bờ tại độ sâu 30 - 60m nước. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ nhắc đến trước tiên, và là loài cá làm mặt biển lặng chăng?


Khác với cá bạc là loài cá chim, cá thu là loài cá nổi điển hình của đại dương. Hàng năm chúng di cư vào gần bờ hàng đàn lớn để đẻ và vỗ béo. Chúng đi rào rào sát mặt nước như đoàn thoi, làm sóng biển chứa lân tinh nổi lên muôn luồng sáng. Lời mời gọi cuối khổ thơ mới thân thiết làm sao! Đoạn thơ cuối cho thấy nhà thơ miêu tả cực kỳ chính xác, nhưng không hề tẻ nhạt, lời thơ vẫn bay bổng trong tưởng tượng.


Khổ thứ ba vẫn tiếp tục khúc ca vui, tự hào của người chủ đất nước:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ta đậu dặm khơi dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.


Bây giờ hình như mặt trăng đã lên, làm cho cánh buồm hòa vào ánh trăng mà trở nên to rộng với tầm cỡ vũ trụ. Gió trăng, hình ảnh ước lệ trong thơ cổ chỉ sự thanh nhàn, ở đây đã mang một ý nghĩa hoàn toàn mới, mạnh mẽ. Thuyền lướt giữa mây cao với biển bằng cũng gợi ra một không gian bao la, phóng khoáng còn con người thì dò bụng biển, dàn trận bủa lưới như những chủ nhân đầy sức mạnh và quyền uy.


Khổ thứ tư ngợi ca sự phong phú của biển. Biết bao nhiêu loài cá làm giàu cho quê hương. Phương thức liệt kê thích hợp với việc kể lể, nhưng nhà thơ không lạm dụng:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.


Cá nhụ, còn gọi là cá lu, cá lận, là thứ cá thân thon dài, dẹt bên, mình dày, dài khoảng 25 – 50 phân, thịt ngon lành. Cá chim là loài cá thân det, rộng bản, thịt ngon, được xếp hàng đầu trong dãy chim, thu, nhụ,đé. Cá đé thân thon dài, chiều dài gấp 3,4 lần chiều cao thân. Đêm xuống, chúng thường nổi lên mặt nước hàng đàn cho đến rạng đông. Cá song thuộc họ cá với nhiều chủng loại, có tên gọi khác là cá mú, có loại bé chỉ dài 20 phân, lại có loại lớn nặng hàng trăm kilogam.


Màu cá song thường rực rõ. Trên nền da sẫm có nhiều đốm, vằn đỏ hồng như lửa. Nhà thơ thật tài tình khi nói "cá song lấp lánh đuốc đen hông", một ẩn dụ chân thật đầy sức sống, tạo một hình ảnh hư ảo mà sau này nhà thơ Chế Lan Viên viết: "con cá song cầm đuốc dẫn thơ về". Hai câu cuối là một hình ảnh hùng vĩ và lộng lẫy của biển đêm: Những chiếc đuôi cá vẫy nước làm ánh trăng lấp lánh, "vàng chóe", một thứ ánh sáng chói mắt.


Và cùng với biển, thủy triều tạo thành hơi thở của đêm, đốm sao trên mặt nước cũng nâng lên hạ xuống một cách hùng vĩ.

Khổ thứ năm là lời ca ngợi biển của quê hương.

Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự thuở nào.


Nhà thơ tiếp tục bài ca gọi cá bắt đầu từ khổ thứ hai. Câu "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao" là một hình ảnh tinh vi. Trước đây, ở bài trăng, trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu có nói tới "nhịp trăng" đang đàn những ánh tơ xanh do gió thổi làm lay động lá cành. Ở đây, nhịp hát và nhịp gõ thuyền đuổi cá đã làm ánh trăng rung động, có cảm tưởng như trăng ở trên cao giữ nhịp cho tiếng gõ của đoàn thuyền.


Đây thực sự là bài ca lao động say sưa, hùng vĩ, thơ mộng, đầy lòng biết ơn. Biển rộng mênh mông vô tận, cho cá vô tư như lòng mẹ - một ví von thật mới mẻ và sâu sắc. Hình ảnh "Biển cho ta cá như lòng mẹ, Nuôi lớn đời ta tự thuở nào" đã đem lại một khúc ân tình hòa chung trong bài ca tráng ca.


Khổ thứ sáu miêu tả hoạt động bắt cá để kết thúc một đêm lao động:

Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vây bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng


Đêm tàn, trời sắp sáng, sao trở nên mờ. Câu thơ thứ hai gợi lên một vẻ đẹp lao động đầy chất tạo hình, cơ bắp cuồn cuộn, dưới các bắp tay là mẻ lưới trĩu nặng cá bạc, cá vàng. "Vây bạc đuôi vàng lóe rạng đông. Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng" tạo nên một sự nhịp nhàng giữa lao động của con người với sự vận hành của vũ trụ. Chữ "lóe" rất hay, vừa gợi ánh bình minh đến, vừa gợi sự nhảy nhót của đàn cá trong mẻ lưới. Các màu sắc bạc, vàng tạo ánh hồng, tạo cho bức tranh gam màu lộng lẫy, rực rỡ.


Khổ thơ cuối cùng khép lại bài thơ:

Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi


Câu thứ nhất lặp lại câu cuối khổ một, tạo cảm giác tuần hoàn: câu hát căng buồm đưa thuyền đi, nay vẫn câu hát ấy căng buồm đưa thuyền về. Nhưng bây giờ thuyền về với một tư thế mới: đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. Và trong cuộc chạy đua này, con người đã về đích trước. Khi mặt trời vừa đội biển đem màu đỏ sáng cho đất trời, thì thuyền đã về bến từ lâu, cá đã dỡ xuống phơi dài muôn dặm.


Ánh nắng ban mai chỉ làm cho thành quả lao động thêm rực rỡ huy hoàng. Lại thêm một sự hòa hợp nhịp nhàng giữa con người và vũ trụ. Câu chữ khổ thơ thực tinh vi: câu "Mặt trời đội biển nhô màu mới" miêu tả chính xác chuyển động của mặt trời, một chuyển động từ từ, từ ánh sáng nhô lên, rồi mặt trời ló xuống. Mặt trời nhô lên kết thúc một đêm, hô ứng với cảnh mặt trời xuống biển như hòn lửa ở đầu bài thơ.


Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đúng là một tráng ca đẹp của người lao động ngợi ca lao động của chính mình, ngợi ca biển quê hương giàu đẹp, ngợi ca người chủ nhân chính của Tổ quốc. Bài ca đã khắc họa sự nhịp nhàng của con người với vận hành của thời khắc, với trăng gió, biển, mặt trời. Trong cảnh biển trời bao la, con người trở nên hùng vĩ, lãng mạn. Nhà thơ chứng tỏ một sự hiểu biết vùng biển chính xác, một đôi mắt quan sát tinh vi và một sức tưởng tượng bay bổng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0