31/03/2021, 15:36

Bài văn phân tích tác phẩm "Bài ca Côn Sơn" số 5 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Bài ca Côn Sơn" của Nguyễn Trãi

Côn sơn ca của Nguyễn Trãi là một bài thơ nguyên tác bằng chữ Hán viết theo thể thơ khác và dài. Ở đây, chúng ta được học một đoạn dịch theo thể thơ lục bát mang vóc dáng thơ ca dân tộc: “Côn Sơn suối chảy rì rầm… Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.” Nguyễn Trãi là người có ...

Côn sơn ca của Nguyễn Trãi là một bài thơ nguyên tác bằng chữ Hán viết theo thể thơ khác và dài. Ở đây, chúng ta được học một đoạn dịch theo thể thơ lục bát mang vóc dáng thơ ca dân tộc:


“Côn Sơn suối chảy rì rầm…
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.”


Nguyễn Trãi là người có công rất lớn trong việc phụ tá vua Lê lợi cầm quân đánh giặc Minh xâm lược thế kỉ XV. Nhưng khi hòa bình được lập lại, đất nước đi vào công cuộc xây dựng và phát triển thì ông bị quan nịnh thần ghen ghét, nghi ngờ. Đang làm quan, Nguyễn Trãi xin cáo quan về ở ẩn. Trong thời gian đó, có lẽ Nguyễn Trãi đã viết nên bài thơ Côn Sơn ca. Với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là vùng đất gắn bó bằng nhiều kỉ niệm từ thuở ấu thơ đến lúc tuổi già. Nơi đây có núi non hùng vĩ, cây cối tốt tươi, sơn thủy hữu tình.


Đây là đất được phong của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi. Cha ông từng đến dạy học ở nơi đây, rồi kết duyên với tiểu thư con gái quan tư đồ. Bản thân Nguyễn Trãi cũng đã nhiều năm tuổi trẻ sống ở đây. Khi cáo quan, Nguyễn Trãi về với Côn Sơn như về với nơi chôn nhau, cắt rốn, về với bạn bè tri kỉ tri âm. Mỗi hòn đá, gốc cây, ngọn suối, đất nước và mây trời Côn Sơn gắn bó với người anh hùng, vị danh nhân văn hóa thế giới bằng tình cảm máu thịt. Vì thế, Côn Sơn ca là tiếng nói cất lên từ trái tim sâu nặng, tha thiết của Nguyễn Trãi.


Trước hết chúng ta cần hiểu đại từ “ta” trong đoạn thơ là để chỉ ai? “ Ta” chính là Nguyễn Trãi. Trong đoạn thơ tám dòng lục bát mà xuất hiện năm lần đại từ ta. Ta hiện ra liền mạch, nối tiếp trong những dòng thơ sáu âm tiết, riêng dòng thứ sáu, “ta” điệp hai lần liền : “ ta lên ta nằm”. Nếu để ý sẽ thấy kết cấu đoạn thơ khá chặt chẽ. Câu sáu tả cảnh, câu tám xuất hiện “ta” với những hành động cụ thể mang ý nghĩa tác giả tự họa chân dung mình. Điều đó gợi cảm giác giữa thiên nhiên cây rừng, đá núi, suối reo của Côn Sơn , hình ảnh Nguyễn Trãi thấp thoáng, đan cài, vấn vít, hòa quyện không phút nào rời xa. Con người và thiên nhiên như muốn nhập làm một, tạo thành sự sống toàn cảnh cho Côn Sơn. Sống giữa Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã nhìn ngắm, suy ngẫm và làm những việc việc gì? Đoạn thơ chia làm hai đoạn nhỏ thể hiện hai khía cạnh nội dung:


“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.”


Nghe tiếng suối rì rầm, nhà thơ tưởng tượng ra tiếng đàn khi trầm, khi bổng, réo rắt bên tai. Nhìn thấy mặt đá phẳng có rêu phơi, nhà thơ ngồi trên đá mà ngỡ như đang “ ngồi chiếu êm”. Trí tưởng tượng và nghệ thuật so sánh của những vật dụng của con người, gần gũi, thân thương với con người. Đôi tai nhạy cảm của thi sĩ đã thổi hồn vào tiếng suối, khiến cho nó vốn đơn điệu trở thành cây đàn đa thanh, cuốn hút. Xúc giác tinh tế của nhà thơ đã hóa cho mặt đá vốn khô rắn thành mặt chiếu dịu êm. Những biến đổi ấy kì diệu làm sao! Nguyễn Trãi đã thưởng thức những nét đẹp ấy ở Côn Sơn một cách say mê, hào hứng. Đến bốn câu thơ sau, niềm say mê hào hứng ấy tiếp tục được đẩy lên cao hơn:


“Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn…”


Câu năm và câu sáu tiếp tục nghệ thuật so sánh tài hoa và một cử chỉ thanh thản tuyệt vời. Đọc thơ, ta ngỡ Nguyễn Trãi đang nằm giữa một rừng thông xanh ngắt, mát rợp, thả hồn trong sắc màu của cỏ cây, đắm chìm trong bóng râm, gió thoảng, ngủ một giấc ngon lành, để quên hết sự đời, rũ bỏ mọi vướng bận, để hóa thân vào hư không, vũ trụ. Nhưng đến hai câu cuối thì bất ngờ thay, Nguyễn Trãi không ngủ, trái lại ông đã cất tiếng ngâm thơ, những bài “thơ nhàn”.


Tóm lại, đoạn thơ tám dòng của bài Côn Sơn ca cho ta thấy một sự giao hòa tuyệt đối giữa Nguyễn Trãi với cảnh vật Côn Sơn. Sự giao hòa đó vừa nói lên nhaanh cách thanh cao, vừa nói lên phẩm chất thi sĩ lớn lao của Nguyễn Trãi và tất cả là dựa trên một triết lý sâu xa: con người và thiên nhiên là một, muốn sống thanh thản, con người hãy đến với thiên nhiên, tìm ở thiên nhiên những vẻ đẹp, những biến đổi kì diệu để có cách ứng xử đúng nhất…

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

0