Bài văn phân tích nhân vật Từ Hải số 7 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Từ Hải trong các đoạn trích "Truyện Kiều" của Nguyễn Du
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng lại phải chịu kiếp bạc mệnh, suốt quãng đường 15 năm sóng gió của mình nàng đã phải trải qua rất nhiều cuộc chia tay cả về tình thân lẫn tình yêu. Thế nhưng khác với các cuộc chia tay đầy đớn đau, ly ...
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng lại phải chịu kiếp bạc mệnh, suốt quãng đường 15 năm sóng gió của mình nàng đã phải trải qua rất nhiều cuộc chia tay cả về tình thân lẫn tình yêu. Thế nhưng khác với các cuộc chia tay đầy đớn đau, ly biệt như cuộc chia tay Kim Trọng đầy xót xa, day dứt khi mối tình đầu vừa chớm nở, hay cuộc chia tay Thúc Sinh, tiễn chàng về nhà thăm vợ cả sau một năm chung sống hạnh phúc với đầy những dự cảm không lành. Thì cuộc chia tay với Từ Hải, lại là cuộc chia tay tiễn người anh hùng đi gây dựng sự nghiệp lớn lao, để người thỏa chí làm trai trong xã hội phong kiến. Sở dĩ người biên soạn đặt tên đoạn trích là Chí khí anh hùng là để khắc họa dáng vẻ cái thế, uy phong của người anh hùng Từ Hải thông qua cuộc chia tay giữa Thúy Kiều và nhân vật này.
Sau khi trốn thoát khỏi nhà Hoạn Thư, Thúy Kiều gặp và được sư Giác Duyên giúp đỡ, cho nương nhờ tại nhà Bạc Bà, ở đây Bạc Bà vì thấy Thúy Kiều có nhan sắc nên đã khuyên nàng gả cho cháu mình là Bạc Hạnh. Rồi Bạc Hạnh lại bán Kiều vào lầu xanh, từ đây nàng lại tiếp tục với thân phận người kỹ nữ, sống những ngày tháng tủi nhục buôn phấn bán hương. Rồi Từ Hải xuất hiện, trai anh hùng gái thuyền quyên hai người nhanh chóng phải lòng nhau, Từ Hải đã chuộc nàng mang về lầu riêng chung sống, tại đây Thúy Kiều đã có những ngày tháng vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng mới chỉ được nửa năm thì Từ Hải đã "động lòng bốn phương", không cam chịu cuộc sống an nhàn bên cạnh nàng Kiều tài sắc mà muốn từ biệt Thúy Kiều để lên đường đi chinh chiến, gây dựng sự nghiệp lớn lao, thỏa chí nam nhi. Chí khí anh hùng nằm từ câu 2213-2230 của Truyện Kiều, là đoạn trích tái hiện lại cảnh chia tay của Từ Hải - Thúy Kiều từ đó làm nổi bật lên chí khí, vẻ đẹp tâm hồn với lý tưởng về món nợ công danh của người anh hùng Từ Hải.
Chí khí anh hùng của Từ Hải được thể hiện trước hết là ở thời điểm Từ Hải quyết tâm dứt áo ra đi để lập nên sự nghiệp "Nửa năm hương lửa đương nồng". Đây là giai đoạn mà cuộc sống hôn nhân đang độ ngọt ngào, thắm thiết nhất, đặc biệt là đối với đôi trai tài gái sắc, sớm đã phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên thì đó lại càng là khoảng thời gian gắn bó và tươi đẹp vô cùng. Một cuộc sống như vậy nếu đối với những người bình thường ắt hẳn họ sẽ cảm thấy bằng lòng, thế nhưng Từ Hải lại khác, "côn quyền hơn sức", "lược thao gồm tài" thế nên chàng không thể bằng lòng với hạnh phúc giản đơn, tầm thường. Cho nên chàng đã quyết tâm dứt áo ra đi, gạt bỏ tình riêng để, lập nên chí lớn của người làm trai. Thứ hai nữa chí khí của Từ Hải còn thể hiện ở hành động ra đi rất dứt khoát và mạnh mẽ "Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương".
"Lòng bốn phương" có thể được hiểu là chí lớn lập công danh sự nghiệp của kẻ làm trai trong xã hội phong kiến. Hai từ "động lòng" thể hiện rằng vốn dĩ cái chí lập nghiệp đã ấp ủ trong lòng Từ Hải từ rất lâu rồi, cho đến hôm nay sau hơn nửa năm chung sống êm đềm, hưởng thụ hạnh phúc với Thúy Kiều thì cái chí lớn ấy đã được đánh thức, được khơi dậy mạnh mẽ, khiến người gạt bỏ tình riêng để thực hiện hoài bão. Bên cạnh đó từ "thoắt" còn diễn tả sự nhanh chóng khi quyết tâm ra đi tìm lập công danh, sự nghiệp còn dang dở, đồng thời còn thể hiện sự thay đổi một cách mau chóng vị thế của Từ Hải từ chỗ là người chồng trong gia đình, thành người anh hùng mang tráng chí bốn phương.
Hai từ "trượng phu" cho thấy sự trân trọng hết mực của Nguyễn Du đối với Từ Hải, đồng thời cũng thể hiện mơ ước của tác giả về một nhân vật hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp phi thường, có thể đứng lên thực hiện công lý trong xã hội, giành lại công bằng cho những con người khốn khổ, ví như Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Nếu như hai câu thơ đầu tiên thể hiện quyết lên ra đi thực hiện tráng chí bốn phương thì hành động ra đi mạnh mẽ, quyết liệt của Từ Hải lại được thể hiện rất rõ ở những câu thơ "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" và "Quyết lời dứt áo ra đi". Tác giả lựa chọn sử dụng một loạt những từ ngữ "thẳng rong" tức là đi liền một mạch, "quyết lời", "dứt áo" thể hiện hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, dứt khoát, không chút lưu luyến, bịn rịn. Từ đó thấy được khí phách mạnh mẽ của bậc đại trượng phu.
Tiếp theo, chí khí anh hùng của Từ Hải không chỉ thể hiện ở quyết tâm, ở hành động ra đi dứt khoát mà còn thể hiện rất rõ qua đoạn đối thoại với Thúy Kiều. Kiều vốn là một người phụ nữ thông minh, là tri kỷ nên rất thấu hiểu Từ Hải, vì vậy khi thấy trượng phu của mình nhanh chóng quyết định lên đường làm nghiệp lớn, bản thân nàng không hề có ý ngăn cản, mà chỉ muốn được làm tròn bổn phận của một người vợ "phận gái chữ tòng", muốn xin đi theo Từ Hải cho tiện bề chăm sóc. Thế nhưng Từ Hải đã đáp lại lời nàng rằng:
"Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng rợp đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau vội gì"
Ở hai câu thơ đầu "Từ rằng: Tâm phúc tương tri/Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình" vốn là lời trách, nhưng đồng thời cũng là lời động viên Thúy Kiều rằng hãy cố gắng vượt ra khỏi cái suy nghĩ của bậc nữ nhi thường tình để trở thành phu nhân của một bậc anh hùng cái thế, có công danh sự nghiệp hiển hách, để xứng đáng là "tâm phúc tương tri của Từ Hải". Từ đó thể hiện ý thức của Từ Hải về sự hơn đời, hơn người của bản thân mình. Sau lời trách, lời động viên ngầm của Từ Hải là lời ước hẹn của Từ Hải với Thúy Kiều. Cách dùng số từ số nhiều "mười vạn", động từ "dậy đất", "rợp đường" để vẽ ra một viễn cảnh rất huy hoàng, cùng với khoảng thời gian "chầy chăng là một năm sau", thể hiện sự thành công nhanh chóng, lẫy lừng của Từ Hải, trống dong cờ mở trở về rước Thúy Kiều nghi gia, nghi thất , sum họp vợ chồng trong vinh hiển.
Lời ước hẹn này vừa thể hiện sự động viên của Từ Hải dành cho Từ Hải về việc chắc chắn sẽ có một thành quả tốt đẹp ở phía trước, đồng thời cũng cho thấy sự tự tin của Từ Hải và ý thức về tài năng xuất chúng, hơn người của bản thân mình. Bên cạnh đó Từ Hải cũng có những lời an ủi, lo lắng, giải thích cho Thúy Kiều "Bằng nay bốn bể không nhà/Theo càng thêm bận biết là đi đâu" để Thúy Kiều an lòng ở lại. Đồng thời ở hai câu thơ này ta còn lờ mờ nhận ra đằng sau nó là sự cô đơn, lạc lõng của Từ Hải trong giây phút bắt đầu gây dựng công danh sự nghiệp, khi có biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ trước mắt đang chờ, mà theo như Lỗ Tấn nói là "Người anh hùng múa kích trên sa mạc".
Cuối cùng chí khí anh hùng của Từ Hải còn được thể hiện ở không gian lớn rộng được thể hiện trong các hình ảnh "bốn phương", "trời bể mênh mang", "bốn bể", "gió mây" , "dặm khơi", hình ảnh cánh chim "bằng". Đây đều là những hình ảnh gợi ra bối cảnh không gian khoáng đạt rộng lớn, góp phần nâng tầm vóc của người anh hùng mang hùng tâm tráng chí Từ Hải lên sánh ngang với tầm vóc của vũ trụ. Bên cạnh đó còn thể hiện chí lớn của người anh hùng khao khát được vẫy vùng, tùng hoành trong bốn bể. Câu thơ "gió mây bằng đã đến kì dặm khơi" tập trung, tổng hợp khái quát lại hình ảnh của người anh hùng Từ Hải trong giây phút lên đường để thực hiện chí lớn.
Đoạn trích Chí khí anh hùng tập trung khắc họa hình tượng nhân vật Từ Hải, với hai điểm chính là phẩm chất, chí khí phi thường và khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của nhân vật, đồng thời gửi gắm ước mơ về tự do và công lý trong bối cảnh từ túng của xã hội cũ. Về nghệ thuật, tác giả đã xây dựng Từ Hải thành một hình tượng có tính ước lệ qua việc sử dụng các từ ngữ hình ảnh, qua các hành động cử chỉ vốn đã trở thành kinh điển khi nói về hình tượng người anh hùng. Không chỉ vậy, Từ Hải còn mang hình tượng con người của vũ trụ gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả.