31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích nhân vật Tnú trong truyện "Rừng xà nu" số 5 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Tnú trong truyện "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành

Truyện ngắn Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành được đánh giá như một bài “Hịch Tướng Sĩ” thời kì đánh Mĩ để động viên, cổ động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì gian khổ. Trong truyện ngắn này, nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Tnú - biểu tượng cho ...

Truyện ngắn Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành được đánh giá như một bài “Hịch Tướng Sĩ” thời kì đánh Mĩ để động viên, cổ động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì gian khổ. Trong truyện ngắn này, nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Tnú - biểu tượng cho sức mạnh của con người Tây Nguyên nói riêng và người Việt Nam nói chung trong thời đại đấu tranh cách mạng.


Hình ảnh Tnú và hình ảnh rừng xà nu đại ngàn là hai hình ảnh trung tâm xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Trung Thành không tự mình kể về Tnú mà ông lựa chọn một cách rất khéo léo để cho chính già làng - Cụ Mết kể về Tnú. Cụ là người đã sống cùng Tnú những ngày khi anh còn bé, đã dõi theo mọi chặng đường anh đi cùng anh trải qua mọi buồn vui khó khăn. Cụ Mết là nhân chứng sống về cuộc đời Tnú. Hình ảnh người anh hùng Tnú hiện lên qua giọng kể ồm ồm của cụ Mết sao thật hào hùng và đậm chất sử thi.


Tnú là người Strá, anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh lớn lên trong vòng tay yêu thương bao bọc của người dân làng Xôman. Với anh dân làng Xôman và cụ Mết đã trở thành gia đình thứ hai của anh. Anh luôn một lòng gắn bó với dân làng và sau này khi lớn lên chính cậu bé mồ côi người Strá được dân làng nuôi nấng ngày nào đã trở thành người chiến sĩ cách mạng cầm súng bảo vệ dân làng.


Tnú cũng giống như rừng xà nu đại ngàn kia luôn ôm áp bao bọc người dân làng Xôman. Cụ Mết từng nói về Tnú “Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta” chính là một lời khen hoàn toàn xứng đáng. Tnú như một tấm gương phản chiếu cho sự bản lĩnh, gan góc và không ngại khó khăn, thử thách của người dân Xôman nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung.


Khi còn nhỏ Tnú đã tỏ ra là một đứa trẻ gan dạ. Khi nhìn thấy những tấm gương làm liên lạc như anh Xút, bà Nhan bị bọn địch kia chặt đầu treo cổ thì Tnú vẫn không hề run sợ, anh vẫn dũng cảm xung phong nhận làm liên lạc. Với anh cái chết của anh Xút và bà Nhan như tiếp thêm động lực để anh tiến đến gần hơn với cách mạng, tiến đến gần hơn với con đường có Đảng và cách mạng soi đường chứ không làm anh phải run sợ và chùn bước như chúng nghĩ.


Anh cũng giống như rừng xà nu đại ngàn kia dù có chịu đau thương đến nhường nào vẫn không chịu buông tay người dân Xôman “bên cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Tnú đã dùng trí thông minh của mình để tìm ra con đường liên lạc an toàn và “lọt qua hết vòng vây của giặc”, anh “không chọn đường mòn, không chọn quãng nước êm mà chọn con đường gai góc.


Hình ảnh người anh hùng Tnú càng hiện lên oai hùng và đầy mưu trí khi bị giặc bắt, Tnú cũng không hề sợ hãi mà nhanh trí nuốt bức thư mật vào bụng. Đã thế, Tnú còn thách thức lại với bọn giặc khi chỉ tay vào bụng và nói: “Cộng sản ở đây này”. Ngay cả khi bị giặc trói bắt đốt mười đầu ngón tay, Tnú vẫn không kêu lên một tiếng, không van xin chúng đến nửa lời.


Tất cả những đau đớn ấy chỉ làm cho lòng căm thù trong anh ngày một lớn dần, không hề làm anh nhụt chí mà đó như ngọn lửa châm ngòi cho ngọn lửa nghĩa khí trong anh bùng cháy. Người ta thường nói tuổi trẻ thường gắn liền với sự nông nổi, bồng bột nhưng ở người anh hùng trẻ tuổi Tnú người đọc không hề thấy chút nào của sự bồng bột mà thay vào đó là một tinh thần chiến đấu quả cảm, một người chiến sĩ liên lạc gan dạ và đầy mưu trí.


Chắc hẳn người đọc không thể nào quên được hình ảnh Tnú cầm viên đá đập vào đầu để có thể nhớ được chữ. Cậu bé ấy cứ nghĩ rằng có thể nhét được những con chữ loằng ngoằng kia vào trí óc bằng cách bạo lực ấy. Nhưng khi được anh Quyết giải thích và động viên thì Tnú đã hiểu ra và học hành chăm chỉ hơn. Tinh thần học hỏi và cố gắng vượt lên chính mình của Tnú không phải ai cũng có được và điều đó càng làm cho mọi người tin tưởng và yêu mến đứa con người Strá này hơn.


Động lực nào đã giúp Tnú gan dạ đến vậy. Bởi chính cuộc sống đã dạy anh, đã bồi đắp cho anh những phẩm chất của một người chiến sĩ ngay từ khi còn nhỏ. Ngay từ nhỏ, anh đã mồ côi cha mẹ nhưng được dân làng nuôi nấng vậy nên với anh dân làng chính là cuộc sống là dòng máu đang chảy trong con người anh. Anh đã lớn lên trong vòng tay dân làng, cùng dân làng bảo vệ cán bộ. Anh đã được sống cùng với cán bộ, đã cùng dân làng nuôi và che chở cán bộ nên anh hiểu làm cách mạng là như thế nào, và từ đó lòng yêu nước thù giặc trong anh đã lớn lên từng ngày.


Cậu bé ấy đã lớn lên trong vòng tay của những người dân lương thiện, trong vòng tay của những chiến sĩ quả cảm vì nước quên thân thì không có lí gì lại không thể trở thành đứa con của cách mạng, đi theo con đường mà Đảng và cách mạng đã chỉ đường soi lối. Từ khi còn nhỏ, bị giặc bắt, bị đày đọa: “tấm lưng chằng chịt những vết chém” nhưng Tnú chưa bao giờ khai lấy nửa lời.


Khi xông ra cứu mẹ con Mai, Tnú bị giặc bắt đốt mười đầu ngón tay và tận mắt chứng kiến giặc tra tấn giết chết người vợ yêu quí và đứa con hết mực yêu thương của vợ chồng anh nhưng không làm anh khuất phục. Lúc đó ai cũng hiểu nỗi đau trong lòng Tnú lớn đến nhường nào, trái tim anh như vỡ òa bởi những người thân duy nhất của anh, chỗ dựa vững chãi nhất của người chiến sĩ ấy đã bị hành hạ cho đến chết ngay trước mắt anh mà anh không thể làm gì được.


Anh đã “bứt đứt hàng chục trái vải mà không hay” và nổi đau đã biến “hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Chúng nghĩ đánh một đòn tâm lí trí mạng như vậy với Tnú chắc anh không thể đứng dậy được nhưng không ngờ nỗi đau không từ ngữ nào tả hết ấy như tiếp thêm động lực để người con làng Xôman ấy ấy có thêm ý chí và động lực để gia nhập quân đội, để cầm súng giết giặc trả nợ nước báo thù nhà, bảo vệ dân làng và quê hương.


Không chỉ dành tình yêu cho gia đình nhỏ của mình, Tnú còn có một tình yêu lớn lao với quê hương với bản làng. Trên đường trở về với bản làng đi qua cụm cây, ngọn cỏ hay suối nước nào mọi kỉ niệm trong anh đều ùa về. Dường như mọi thứ nơi đây vẫn thuộc về anh như ngày nào. Khi đã được tham gia lực lượng của cách mạng, Tnú là một người luôn tôn trọng kỉ luật đã đề ra.


Tuy rất nhớ quê hương, nhớ dân bản nhưng Tnú chỉ trở về thăm quê hương khi có giấy phép, trong giấy ghi được về bao ngày thì anh chỉ về vỏn vẹn đúng số ngày đã được ghi. Với Tnú tôn trọng kỉ luật, tôn trọng cấp trên là đang tôn trọng chính mình. Mọi tình cảm riêng tư được anh dồn nén ở trong lòng và không cho chúng được phép chi phối tới công việc, ảnh hưởng tới niềm tin mà cách mạng và cán bộ đã dành cho anh.


Bằng những ngôn từ sinh động tác giả Nguyễn Trung Thành đã dựng nên một hình tượng một người lính đầy gan dạ, kiên cường. Người chiến sĩ ấy được nuôi dưỡng và lớn lên trong cái nôi cách mạng. Chính người chiến sĩ mang tên Tnú ấy đã để lại trong lòng độc giả sự thán phục về tinh thần chiến đấu và tình yêu quê hương đất nước.


Anh như những cây xà nu bất khuất kia, lấy thân mình che chở cho dân làng, góp xương máu của mình cho cách mạng và dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho lí tưởng quang vinh.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
0