31/03/2021, 15:30

Bài văn phân tích nhân vật ông Sáu trong "Chiếc lược ngà" số 7 - 8 Bài văn phân tích nhân vật ông Sáu trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng

Xuất thân là một người lính hoạt động ở chiến trường Nam Bộ từ thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Quang Sáng hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Chính sự gắn bó chặt chẽ ấy đã giúp ông khắc họa một cách chân thực và rõ ...

Xuất thân là một người lính hoạt động ở chiến trường Nam Bộ từ thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Quang Sáng hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Chính sự gắn bó chặt chẽ ấy đã giúp ông khắc họa một cách chân thực và rõ nét hình tượng nhân vật ông Sáu - nhân vật chính trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà". Truyện được coi là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Nguyễn Quang Sáng với sự thành công trong việc xây dựng hình tượng một ông Sáu giàu tình yêu thương con, yêu thương đất nước.


Ra đời năm 1966, khi tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ giữa những khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, tác phẩm được rút từ tập truyện ngắn cùng tên: Chiếc lược ngà. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện là bác Ba- người bạn chiến đấu thân thiết của ông Sáu, nhờ đó, tác phẩm vừa đảm bảo được tính khách quan lẫn tính xác thực của sự việc được kể.


Là người kể lại câu chuyện, bác Ba có thể dễ dàng bộc lộ được cảm xúc của bản thân, chủ động xen vào những bình luận, nhận xét để từ đó, làm nổi bật tình cha con trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Dưới góc nhìn và lời kể của bác Ba, nhân vật ông Sáu hiện lên là một người cha trở về nhà sau tám năm xa cách bởi chiến tranh nhưng bé Thu- con gái ông Sáu lại không nhận ra ba mình, đến lúc bé nhận ra và bộc lộ tình cảm thắm thiết thì cũng là lúc hai ba con phải chia tay nhau. Trở về căn cứ, ông Sáu dồn hết tình yêu thương và niềm mong nhớ, làm cho con gái chiếc lược ngà, nhưng chưa kịp trao tận tay thì ông đã hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc.


Chiến tranh xảy ra, đất nước lâm nguy, anh Sáu cũng như nhiều thanh niên, đàn ông khác đều xung phong lên đường đi đánh giặc. Ngày anh đi, bé Thu- con gái anh còn chưa đầy một tuổi, trong suốt khoảng thời gian gần chục năm trời ở chiến trường bom đạn khốc liệt, anh chỉ được nhìn thấy con gái qua nhưng tấm ảnh nhỏ hiếm hoi mà vợ anh đem đến mỗi lần liều mình đi thăm chồng nơi tiền tuyến.


Khi có cơ hội được nghỉ, về thăm nhà, anh Sáu đã mong chờ biết nhường nào cái thời khắc được nhìn thấy con gái mình: “cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh”. Trong giây phút đầu gặp gỡ, anh Sáu nhận biết con chỉ bằng linh cảm, nhưng đó là linh cảm của một người làm cha đã tám năm đằng đẵng chỉ được nhìn thấy con gái qua vài tấm ảnh nhỏ, nay trở về thăm nhà với niềm mong chờ và nỗi nhớ mãnh liệt: “đoán biết là con, không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên”.


Khao khát, mong chờ đến nôn nóng muốn gặp con: “anh bước vội vàng với những bước dài”, “vừa bước vừa khom người đưa tay đón chờ con”. Người cha ấy chờ đợi đã bao lâu rồi thời khắc được ôm con vào lòng, xúc động, nghẹn ngào cất tiếng gọi đầy trìu mến: “Thu! Con”. Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với sự mong chờ của anh Sáu, đáp lại nỗi nhớ của anh lại là thái độ “ngơ ngác, lạ lùng” của bé Thu.


Anh Sáu, vẫn với “vẻ mặt xúc động ấy”, “hai tay vẫn đưa về phía trước” “giọng lặp bặp run run”: “Ba đây con!”. Câu nói được lặp lại tới hai lần đã diễn tả được trọn vẹn sự mong nhớ cùng đợi chờ, xúc động của người cha khi đứng trước đứa con gái nhỏ mình luôn nhớ nhung bấy lâu, hoàn toàn chạm đến trái tim bạn đọc.


Nhưng chính nỗi xúc động đó đã khiến vết sẹo dài trên má phải của anh Sáu đỏ ửng lên, khiến bé Thu sợ hãi: “mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên”. Nỗi buồn, sự đau đớn, thất vọng đổ ập lên anh Sáu, “anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.


Trở về nhà, con người ta sẽ được sống trong tình yêu thương tràn ngập, được cảm nhận sự quan tâm ấm áp từ những người thân trong gia đình, nhưng đối với anh Sáu, ba ngày ở nhà lại trở nên thật buồn bã, đau xót. Anh đã cố gắng gần gũi, bù đắp cho con sự thiếu thốn về tình cảm trong suốt tám năm xa cách, “lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng càng vỗ về con bé càng đẩy ra”.


Trong hoàn cảnh éo le như thế, anh chỉ “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười”. Khi quá khổ tâm, người ta thậm chí chẳng thể khóc được nữa, nên có lẽ đành cười vậy thôi nụ - cười chua xót, đau khổ của một người cha bị chính con gái mình xa lánh. Buồn bã là thế, đau xót là thế nhưng anh Sáu vẫn luôn tận tình quan tâm, chăm sóc bé Thu bằng tất cả tình yêu thương. Trong bữa cơm, anh Sáu gắp cho con một miếng trứng cá to vàng, đó là hành động chăm sóc bình thường của cha dành cho con.


Nhưng bé Thu không nhận ra ba mình nên cũng từ chối mọi sự quan tâm từ anh Sáu. Nó hất cái trứng ra khỏi bát khiến cơm văng tung tóe khắp cả mâm, và vì quá tức giận, anh Sáu đã “vung tay đánh vào mông nó và hét lên: -Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”.


Hành động và lời nói của anh chỉ là sự giận dữ bột phát, nhất thời sau những tức giận, thất vọng đến không thể kìm nén trong suốt hai ngày qua. Nỗi buồn bã, đau khổ của anh Sáu dường như đến tận cùng khi chỉ còn một đêm nữa thôi, anh sẽ phải trở lại căn cứ, rời xa vợ con.


Cuối cùng, dù không muốn, giây phút chia tay cũng đã đến. Anh Sáu bận sắp xếp đồ đạc rồi lại lo tiếp bà con, họ hàng đến chia tay nên không chú ý nhiều đến con nữa. Thế nhưng ngay lúc anh chuẩn bị đi, bé Thu lại chạy đến ôm chầm lấy cổ anh và cất tiếng gọi ba mà anh Sáu đã mong chờ bấy lâu nay. Sự buồn bã được thay thế bằng xúc động, hạnh phúc. Anh khóc. Khóc vì vui, vì hạnh phúc, khóc vì tiếc nuối khi giây phút chia ly đã cận kề.


Không muốn để con nhìn thấy những giọt nước của mình bởi không muốn không khí buổi chia tay trở nên nặng nề, “anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”. Chính anh cũng không muốn phải xa con, giá như thời gian cứ dừng lại mãi ở giây phút này, anh sẽ có thể cảm nhận được tình yêu thương cùng niềm mong nhớ mà con gái anh dành cho người cha dấu yêu của mình suốt những năm tháng qua.


Nhưng đó tất nhiên chỉ là một điều ước không thể trở thành sự thật, những giọt nước mắt tiếc nuối nhanh chóng được anh Sáu lau đi, bởi nếu để bé Thu nhìn thấy sự yếu đuối ấy, con bé sẽ không để cho anh đi. Giây phút chia tay cũng chính là thời khắc anh Sáu chính thức được đoàn tụ với con gái. Thật éo le, đau đớn!


Mang theo tình yêu thương và lời hứa mua cho con chiếc lược ngà trở về căn cứ, khi nhặt được khúc ngà, anh Sáu đã “hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Lời hứa với con gái sắp được hoàn thành, anh Sáu tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.


Ở giữa chiến trường máu lửa khốc liệt, anh càng mong nhớ con gái nhiều hơn. Làm cho con cây lược bằng tất cả tình yêu thương và niềm mong nhớ, anh Sáu càng khát khao được trở về gặp lại con: “Anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. Tất cả tình cảm của anh được gửi gắm ở “hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba””.


Với tình yêu thương và niềm mong nhớ con tha thiết, anh Sáu đã trở thành nghệ nhân một lần duy nhất trong cuộc đời. Chiếc lược ngà do chính tay mình làm ra dường như đã giải tỏa được mối ân hận vì đã trót đánh con mà anh vẫn day dứt, dằn vặt bấy lâu. Chiếc lược ngà chính là biểu tượng của tình cha con, tình phụ tử thiêng liêng, bất diệt, cũng chính là kỉ vật mà anh Sáu để lại cho con gái trước lúc hy sinh nơi chiến trường khốc liệt.


Với lời văn giản dị, chân thành, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa nên nhân vật ông Sáu, nhân vật chính, cũng là nhân vật đóng vai trò cốt lõi làm nên thành công của tác phẩm. Ông Sáu hiện lên trong truyện ngắn khiến người đọc xúc động, nghẹn ngào với tình yêu thương con tha thiết, mãnh liệt, cùng với đó là tình yêu và sự hy sinh đối với độc lập, tự do của Tổ quốc.


Câu chuyện khép lại, ông Sáu đã hy sinh nhưng chiếc lược ngà chắc chắn sẽ luôn ở bên bé Thu như sự chăm sóc, che chở của người cha dành cho con gái mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0