Bài văn phân tích nhân vật ông Sáu trong "Chiếc lược ngà" số 5 - 8 Bài văn phân tích nhân vật ông Sáu trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng
Có thể nói, ông Sáu là một người cha yêu thương con vô bờ bến. Ông anh dũng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Ngày tạm biệt quê hương bước chân vào chiến trường đứa con gái bé bỏng của ông mới lên một tuổi. Bảy năm ròng rã ngoài chiến trường đã ...
Có thể nói, ông Sáu là một người cha yêu thương con vô bờ bến. Ông anh dũng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Ngày tạm biệt quê hương bước chân vào chiến trường đứa con gái bé bỏng của ông mới lên một tuổi.
Bảy năm ròng rã ngoài chiến trường đã dấy lên trong ông khao khát được gặp lại vợ con, được nghe con gọi một tiếng “ba”. “Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi, tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con, không thể chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới với. Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to: Thu! Con!”.
Thế nhưng trước tình cảm đó bé Thu – con gái bé bỏng của ông lại tỏ ra xa lánh, ngờ vực ông, nó nhất quyết không chịu gọi một tiếng “ba”. Dù vậy, trong suốt ba ngày về phép ông Sáu luôn tìm cách vỗ về, gần gũi con. Ông quan tâm, yêu chiều nó hết mực. Trong bữa cơm, ông gắp cho nó một miếng trứng cá vàng ươm nhưng nó lại bất ngờ hất văng miếng trứng khỏi bát.
Vì quá tức giận ông đã ra tay đánh nó nhưng chính hành động đó lại khiến ông day dứt cho đến mãi về sau.
Hết ba ngày phép, trước khi quay trở về chiến trường ông muốn ôm con, hôn con nhưng lại sợ nó giẫy lên bỏ chạy nên chỉ biết đứng đó nhìn nó với đôi mắt trìu mến xen lẫn buồn rầu.
Khi đứa con bất ngờ chạy đến ôm ông thật chặt và gọi một tiếng “ba” ông đã không kìm được xúc động. Đó là tiếng “ba” mà ông đã chờ đợi ngần ấy thời gian. Ông Sáu một tay ôm chặt con, một tay rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con. Còn gì cảm động hơn giờ phút cha con nhận lại nhau lại chính là giờ phút phải chia tay. Tiếng “ba” ấy của bé Thu cất lên không chỉ gây xúc động cho người cha mà nó còn như một tiếng thét xé tan im lặng, xé lòng tất thảy mọi người.
Trở về chiến trường, nhớ lại lời hứa với bé Thu, ông Sáu đã ngày ngày làm tặng con gái một chiếc lược ngà xinh xắn. Có cây lược ông càng mong gặp lại con. Chiếc lược ngà đã trở thành vật quý giá thiêng liêng đối với ông Sáu. Nó xoa dịu nỗi đau chiến tranh, nó chứa đựng biết bao tình cảm cha con sâu sắc. Nhưng rồi ông Sáu chưa kịp trao chiếc lược cho bé Thu đã hi sinh nơi chiến trường ác liệt. Trong giờ phút cuối cùng, tình cha con bỗng bừng lên, anh đưa tay vào túi, trao lại cho người đồng chí của mình chiếc lược ngà rồi vĩnh viễn ra đi.
Một người cha mong ngóng con suốt bảy năm chiến trường ròng rã, một người cha chỉ mong một lần được con mình gọi một tiếng “ba”, một người cha dành trọn nhớ thương để dành tặng con gái một món quà vậy mà đã mãi mãi nằm xuống nơi chiến trường lạnh giá. Chiến tranh quả thật đã quá tàn khốc với tất cả mọi người. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng biết bao người vô tội, khiến cho bao gia đình sống trong cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Cái giá mà chiến tranh để lại sẽ hằn sâu trong mỗi người cho đến mãi về sau.
Bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, lối miêu tả nội tâm nhân vật sắc bén cùng với những tình cảm hết sức chân thành Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa nên hình tượng một người cha thật đẹp. Dường như ông Sáu cũng chính là nhân vật đại diện cho biết bao thế hệ cha anh thời đó. Họ vì tình yêu quê hương đất nước mà sẵn sàng lên đường ra đi bảo vệ Tổ quốc, để lại sau lưng là gia đình thân yêu của mình để rồi anh dũng hi sinh.
Câu chuyện còn là bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác mà chiến tranh đã gây ra cho biết bao người dân vô tội. Nó cũng là lời khẳng định rằng dù bom đạn chiến tranh có tàn khốc, quyết liệt đến đâu thì cũng không thể dập tắt được tình cảm cha con thiêng liêng trong trái tim mỗi người chiến sĩ. Vừa mang giá trị hiện thực, vừa toát lên chất nhân đạo ở từng câu chữ đã khiến “Chiếc lược ngà” trở thành tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Quang Sáng đồng thời cũng làm nên tên tuổi của ông.
Truyện “Chiếc lược ngà” và hình ảnh ông Sáu đã khơi gợi trong lòng ta bao ý nghĩa về sự hi sinh và hạnh phúc ở đời do các thế hệ cha anh đã đổ xương máu làm nên. Và bài học “uống nước nhớ nguồn” càng thêm thấm thía.