Bài văn phân tích nhân vật Ngô Tử Văn số 6 - 10 Bài phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong "Chuyện chức phán sự đền Tản Viên" của Nguyễn Dữ
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong những truyện hay, tiêu biểu nhất trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Nổi bật nhất trong tác phẩm là kẻ sĩ cương trực thẳng thắn Ngô Tử Văn, nhân vật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, đồng thời tác giả cũng gửi gắm những tư ...
Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong những truyện hay, tiêu biểu nhất trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Nổi bật nhất trong tác phẩm là kẻ sĩ cương trực thẳng thắn Ngô Tử Văn, nhân vật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, đồng thời tác giả cũng gửi gắm những tư tưởng, quan điểm về xã hội con người qua nhân vật này.
Nhât vật Ngô Tử Văn là hình tượng kẻ sĩ tiểu biểu của văn học trung đại, cương trực, khẳng khái. Khác với những câu chuyện trong Truyền kì mạn lục giới thiệu về nguồn gốc xuân thân nhân vật, hành trình số phận nhân vật từ đầu đến cuối (Vũ Nương) thì trong tác phẩm này chỉ chọn một thời điểm, một lát cắt có ý nghĩa nổi bật nhất để bộc lộ đầy đủ tính cách nhân vật. Truyện có kết cấu như một màn kịch ngắn, qua màn kịch này toàn bộ tính cách, phẩm chất của nhân vật được phô bày.
Mở đầu tác phẩm, tác giả giới thiệu Tử Văn vốn là người “khẳng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được…” và toàn bộ câu chuyện phía sau là để chứng minh cho nhận định ban đầu ấy. Tính cách cương trực, thẳng thắn, ghét gian tà được bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ, hành động nhân vật.
Trước hết là hành động Tử Văn đốt đền của tên tướng giặc họ Thôi. Vào cuối đời Hồ có tên tướng giặc Bách hộ họ Thôi, tên này tử trận gần miếu thổ thần nên đã cướp đền của Thổ công để trú ngụ. Khi ở đền hắn chẳng những không phù hộ cho nhân dân mà còn tác oai tác quái trong nhân gian. Thấy sự gian tà Tử Văn vô cùng tức giận: “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, rồi châm lửa đốt đền”. Hành động đó cho thấy sự dũng cảm của Tử Văn, trong khi tất cả mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, sợ hãi thì Tử Văn đã có hành động vô cùng quyết liệt, trừ hại cho nhân dân. Sau khi đốt đền, chàng “vung tay không cần gì cả”, Tử Văn đã quyết đấu, quyết sống mái một phen với kẻ gian tà. Hơn nữa hành động của chàng không phải là hành động bột phát mà đã có sự suy nghĩ và chuẩn bị từ trước: tắm gội, khấn trời rồi mới thực hiện hành động đốt đền của mình.
Tuyên chiến với kẻ thù có sức mạnh lại vô cùng hiểm ác, nhưng Tử Văn không hề sợ hãi. Trước những lời buộc tội của hồn ma bằng đạo lý nho gia, hay hăm dọa: “biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tan vạ”, Tử Văn vẫn tin vào sức mạnh chính nghĩa, công lý “ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Ngô Tử Văn vô cùng dũng cảm, tự tin. Thái độ ung dung, thản nhiên, coi thường lời buộc tội và đe dọa, đó không phải hành động của kẻ bất cần, không sợ sống chết mà là hành động tự tin của người nắm được chính nghĩa. Câu hỏi trước vị thổ thần “Liệu hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không?” cho thấy Tử Văn muốn biết rõ thế ta địch để có những đối phó hợp lí.
Trước những lời dọa dẫm Tử Văn vẫn nhất quyết không nghe lời hắn xây lại đền, đêm hôm ấy Tử Văn bệnh càng thêm nặng và có hai tên quỷ sứ đến bắt đi xuống âm ty. Đến đây cuộc chiến đấu càng trở nên gay go, quyết liệt hơn. Diêm Vương chỉ nghe từ một phía. Trước tình thế bị áp đảo, Tử Văn càng tỏ ra bình tĩnh và bản lĩnh hơn, chàng tâu trình đầu đuôi sự việc, lời lẽ vô cùng cứng cỏi, không hề có chút nhún nhường. Sở dĩ Tử Văn có được sự bản lĩnh ấy cũng là bởi một phần nhận được sự trợ giúp từ vị thổ thần đất Việt: “Rễ ác mọc lan, khó lòng lay động. Tôi đã định thưa kiện, nhưng mà có nhiều nỗi trăn trởi: Những đền miếu gần quanh, vì tham của đút, đều bênh vực cho nó cả”. Dù chỉ là yếu tố phù trợ, nhưng nhờ có nó mà Tử Văn có thêm tự tin. Nhưng cũng cần khẳng định rằng sự bản lĩnh của Ngô Tử Văn vẫn chủ yếu là ở bản tính vốn dũng cảm của chàng và xuất phát từ khát vọng cao cả muốn được thực thi công lý, đem lại bình yên cho nhân dân.
Phần thắng đã thuộc về Tử Văn, thuộc về người cương trực, nghĩa khí, kẻ có tội – tên Bách hộ họ Thôi đã bị trừng trị thích đáng. Ngô Tử Văn được đền bù xứng đáng, Diêm Vương sai lính đưa về cõi dưỡng thế, xét Tử Văn đã có công trừ hại giúp dân nên được chia một nửa xôi lợn do dân cúng tế với vị Thổ thần. Hơn nữa Tử Văn còn được Thổ thần tiến cử giữ chứng phán sự đền Tản Viên. Qua kết thúc có hậu này, tác giả Nguyễn Dữ muốn đề cao triết lí ở hiền gặp lành của nhân dân ta.
Xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn tác giả chủ yếu phác họa tính cách nhân vật qua hệ thống ngôn ngữ và hành động, không chú trọng miêu tả tâm lí nhân vật. Đặt nhân vật vào lát cắt, tình huống có vấn đề để từ đó làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật. Ngoài ra, cũng cần kể đến những yếu tố li kì giúp hoàn thiện vẻ đẹp phẩm chất nhân vật và giúp truyện phát triển hợp lý.
Qua nhân vật Ngô Tử Văn nói riêng và tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nói chung, Nguyễn Dữ đã đề cao vẻ đẹp kẻ sĩ cương trực, sẵn sàng đứng lên tiêu diệt cái xấu, cái ác. Đồng thời cũng thể hiện triết lí ở hiền gặp lành của dân tộc ta. Tác phẩm còn thể hiện tài năng nghệ thuật xây dựng truyện đặc sắc của Nguyễn Dữ.