Bài văn phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" số 2 - 6 Bài văn phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" của Ngô Tất Tố
Trong xã hội phong kiến xưa, người dân nghèo là lớp người chịu đủ mọi áp bức bóc lột, khổ ải, mà những kẻ gây ra sự khổ đau ấy chính là những là những tên quan lại, tay sai từ lớn đến nhỏ. Trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trích tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, nhân vật cai lệ, ...
Trong xã hội phong kiến xưa, người dân nghèo là lớp người chịu đủ mọi áp bức bóc lột, khổ ải, mà những kẻ gây ra sự khổ đau ấy chính là những là những tên quan lại, tay sai từ lớn đến nhỏ. Trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trích tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, nhân vật cai lệ, một tên tay sai đại diện cho tầng lớp bóc lột đã bộc lộ hết sự hèn hạ, đáng ghét của mình.
Hình ảnh đầu tiên mà hắn xuất hiện là cùng với roi da, tay thước, dây thừng và “thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ”. Ấn tượng của người đọc về nhân vật này đầu tiên chính là một tên nghiện xái, thô lỗ và phách lối. Anh Dậu mới từ hôm qua về còn đang ốm nặng nằm liệt dường hắn cũng trông thấy mà còn thét lớn bắt anh nộp tiền hết sưu hết sức vô nhân đạo. Khi chị Dậu run run xin cho chồng, cai lệ lại càng phách lối vô cảm khi chị chưa nói hết câu đã trợn ngược hai mắt mà quát lớn bằng từ ngữ vô cùng tục tĩu, xúc phạm:
- Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà mở mồm xin khất!
Ta có thể thấy cai lệ không phải chỉ là một tên thô lỗ, vô nhân đạo mà còn là tên tay sai tục tĩu, vô văn hóa. Tuy cai lệ chỉ là một tên tay sai của lí trưởng nhưng cũng tính là một chức quan nhỏ, là đại diện của pháp luật, của nhà nước, vậy mà hắn xuất hiện với tất cả sự vô lương, vô văn hóa, thô lỗ,… và hắn còn là một con người tàn bạo khi hắn “bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi xấn xổ đến bắt anh Dậu”. Chị Dậu là phụ nữ, chân yếu tay mềm vậy mà hắn không nương tay đã đánh, còn tát vào mặt chị, còn xấn xổ trong tư thế bạo tàn đến để trói anh Dậu trong khi anh còn đang ốm liệt giường. Chân dung cai lệ hiện lên thật tàn bạo, xấu xa, độc ác y như một tên bạo chúa đáng ghê tởm. Nhưng nếu ở đoạn này, cai lệ làm cho ta thấy ghét thì ở đoạn sau, hắn còn làm cho ta thấy khinh bỉ vì sự đê hèn của mình.
Khi hắn không niệm tình anh Dậu bị ốm vẫn nhảy vào cạnh anh để trói mang đi thì chị Dậu đã không thể nhịn được, nhìn chồng bị hành hạ, chị tức đến sôi máu, quyết không để cho cai lệ đem chồng chị đi. Chị nghiến hai hàm răng rồi “túm lấy cổ hắn ấn dúi ra cửa”. Những tưởng cai lệ- một tên đàn ông có chức có quyền sao có thể để một người phụ nữ chân yếu tay mềm dễ dàng khuất phục nhưng quả là “sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”.
Những từ ngữ như “lẻo khoẻo”, “ngã chỏng quèo” đã phần nào giúp ta hình dung về chân dung méo mó đê tiện của cai lệ trong trận đấu với chị Dậu. Cai lệ rõ ràng là một tên yếu đuối, chỉ dám phách lối nhờ quyền hạn để đàn áp người dân còn bên trong thực chất chẳng có gì. Đây cũng chính là chân dung méo mó của gần như tất cả những quan sai bóc lột nói chung. Tất cả chúng đều tàn bạo, vô lương, phác lối, vô văn hóa nhưng lại vô cùng hèn kém và đáng khinh khi.
Bạo tàn, vô văn hóa, vô nhân tính là tất cả những từ ngữ có thể dùng để miêu tả tên cai lệ trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”. Đọc đoạn trích người đọc không chỉ thấy tên này đáng ghét mà còn rất đáng khinh bỉ đồng thời hả hê biết bao khi hắn chịu sự chừng phạt từ phía chị Dậu.