31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích người lái đò trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" số 2 - 12 Bài văn phân tích người lái đò trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân

Với mười lăm bài tùy bút và một bài thơ phác thảo sau chuyến thực tế ngược miền Tây Bắc điệp trùng mà đầy kỳ thú, tập “Tùy bút sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân ra đời (1960) đã góp cho văn học nước nhà một tác phẩm giá trị khẳng định cuộc sống và con người Tây Bắc trong sự nghiệp ...

Với mười lăm bài tùy bút và một bài thơ phác thảo sau chuyến thực tế ngược miền Tây Bắc điệp trùng mà đầy kỳ thú, tập “Tùy bút sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân ra đời (1960) đã góp cho văn học nước nhà một tác phẩm giá trị khẳng định cuộc sống và con người Tây Bắc trong sự nghiệp dựng xây đất nước “Người lái đò sông Đà” là một thiên tùy bút đặc sắc trong tập tùy bút của Nguyễn Tuân. Đặc biệt hình ảnh ông lái đò dũng cảm và tài ba đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí người đọc. Cùng với hình tượng này, phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân càng rõ thêm, ấn tượng thêm.


Nhân vật ông lái chắc chắn sẽ bị mờ nhạt nếu như tác giả chỉ miêu tả ông trong cuộc mưu sinh phẳng lặng trên sông nước hiền hòa. Người lái đò trong tác phẩm thực sự trở thành hình tượng chân thật và sống động là sự ký thác ý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân, văn sĩ suốt một đời say mê kiếm tìm và khẳng định cái đẹp.


Hình tượng ông lái đò đẹp một cách kiêu hãnh trong mối tương quan đồng hiện với nhân vật sông Đà dữ dằn mà kỳ vĩ ! Đấy cũng chính là dụng ý tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Tuân, khi ông muốn “ghi” ở đoạn này cái hình ảnh chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên một quãng thủy chiến ở mặt trận sông Đà.


Vẻ đẹp đầy ấn tượng về ông lái đò là sự tồn tại sống động trước thử thách ghê gớm của dòng sông Đà. Ta hình dung như cả một “thạch trận trên sông” dàn giăng muốn bổ chụp hòng nuốt lấy con thuyền và ông lái. Trong tình thế ấy, sông Đà mới dữ dội và kỳ quái làm sao: “Nó bầy thạch trận trên sông. Đám tảng, đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền một cái thuyền đơn độc...”.


Trong trận đồ bát quái đó “với đá, nước thác reo hò làm thanh viện... những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt”, sông nước mà dữ dằn như quỷ dữ. Nhưng cũng chính từ cảnh tượng dữ dội mà kỳ vĩ ấy, hình tượng ông lái hiện lên rõ ràng trong vẻ đẹp của sức mạnh và bản lĩnh cao cường.


Thiên nhiên muốn lấn át, muốn nuốt sống, ông lái đò bình tĩnh và quả cảm vượt lên sóng dữ: “Ông lái đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hắt lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”. Bao nhiêu thử thách của sông nước ông lái phải vượt qua. Không có nghị lực phi thường và sự bình tĩnh chủ động làm sao ông qua được con quỷ dữ sóng nước: “có lúc chúng muốn đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đồ vật túm thắt lưng ông lái đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt...”.


Quả là nhà văn Nguyễn Tuân đã huy động một binh chủng ngôn ngữ thật đa dạng, ở nhiều lĩnh vực để miêu tả đầy kịch tính, đầy ấn tượng về cuộc giao tranh giữa con người (ông lái đò) và thiên nhiên (sông Đà). Những cảm giác mạnh luôn đến với ta đấy là cái dữ dội mà kỳ vĩ của dòng nước ấy là cái bình tĩnh chủ động đầy quả cảm, đầy bản lĩnh của ông lái đò. Con người dũng cảm tài ba và thiên nhiên dữ tợn kỳ quái cùng lao vào trong cuộc quyết chiến.


Và hình tượng ông lái đò càng về sau càng trở nên kiêu dũng, quyết liệt đến tận cùng trong cuộc giao đấu. Ông lái vượt lên sóng dữ bằng dũng khí tuyệt vời bởi ông “cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như cưỡi hổ... Ông lái đò ghì cương lái bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà miết một đường chèo về phía cửa đá ấy”.


Một đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là “thiên nhiên hay con người đều được chú ý khám phá ở phương diện văn hóa, mĩ thuật của nó”. Vì thế, ta còn bắt gặp ở đây hình ảnh một ông lái đò rất mực tài hoa, nghệ sĩ bên cạnh vẻ đẹp của lòng dũng cảm và bản lĩnh cao cường trước thử thách của thiên nhiên.


Một tư thế tuyệt đẹp của ông lái lúc “ghì cương” mà “phóng nhanh vào cửa sinh” cho ta thấy ấn tượng về một chàng kỵ sĩ dũng mãnh và rất đỗi hào hoa. Một phong thái bình thản, tự tin khi ông lái ứng chiến với sóng dữ”... đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Và hình ảnh con thuyền vượt lên “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước...” đem đến cho ta một cảm giác vừa sảng khoái, vừa hả hê trước sự chiến thắng của ông lái - nghệ sĩ. Và đây - hình ảnh cuối của người lái đò cũng là hình ảnh tập trung của sự ký thác tâm tình và nghệ thuật của Nguyễn Tuân.


“...Trên thác hiên ngang một người lái đò sông Đà có tự do, vì người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước sông Đà. Hình tượng ông lái đò một con người lao động bình dị mà phi thường được Nguyễn Tuân khắc họa như một biểu tượng đẹp của con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước.


Đây là một cách nhìn, cách khám phá và khẳng định con người Việt Nam trong thời đại mới ! Chính vì thế tùy bút “Người lái đò sông Đà” nói riêng và mười lăm thiên tùy bút về sông Đà của Nguyễn Tuân nói chung đã góp phần khẳng định vẻ đẹp của cuộc sống mới và con người mới trên đất nước Việt Nam chúng ta.


Bài tùy bút “Người lái đò sông Đà” mà ấn tượng mạnh mẽ là cuộc vượt thác sông Đà của ông lái đò giúp chúng ta nhận ra một điều lý thú: vẻ đẹp hào hùng tài hoa của những người lao động bình thường nơi có dòng sông ngọn thác hoang vu kia là có thật. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đâu chỉ có ở nơi chiến trường với tiếng súng tiếng bom gầm.


Đọc hết “Người lái đò sông Đà” mà tâm trí ta vẫn như hiển hiện hình ảnh ông lái đò dũng mãnh và hào hoa với con thuyền nhỏ cưỡi lên sóng dữ mà đi tới mà chiến thắng, vẻ đẹp ấy huy hoàng và tráng lệ làm sao!

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0