31/03/2021, 15:36

Bài văn phân tích khổ thơ đầu bài "Sang thu" số 11 - 12 Bài văn phân tích khổ thơ đầu bài "Sang thu" của Hữu Thỉnh lớp 9 hay nhất

Xuân, hạ, thu, đông – bốn mùa trôi qua đã trở thành đề tài quen thuộc cho biết bao tác phẩm văn thơ và cũng là nguồn thi cảm vô tận của nhiều thi nhân. Đặc biệt là mùa thu với những nét buồn man mác, với nắng vàng và hương thơm dịu dàng cùng gió, cùng hoa… Chúng ta đã gặp thu trong ...

Xuân, hạ, thu, đông – bốn mùa trôi qua đã trở thành đề tài quen thuộc cho biết bao tác phẩm văn thơ và cũng là nguồn thi cảm vô tận của nhiều thi nhân. Đặc biệt là mùa thu với những nét buồn man mác, với nắng vàng và hương thơm dịu dàng cùng gió, cùng hoa… Chúng ta đã gặp thu trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, trong Thu của Chế Lan Viên hay Chiều thu của Thái Can,… Nhưng Hữu Thỉnh lại đem đến cho bạn đọc một nét riêng biệt của mùa thu, đó là thời khắc giao hoà của cuối hạ với đầu thu. Bài thơ Sang thu của ông đã gợi lên một cảm xúc bồi hồi, bâng khuâng của những rung động ngọt ngào và tinh tế.


Đọc thơ mà ta thấy quen đến kì lạ. Những hình ảnh không hề cao sang mà vẫn gần gũi. Những cảm xúc hình như ta đã có, đã bắt gặp ở đầu rồi. Y như khi ta đột ngột nhận ra cái gì mà rất lâu mình không nhớ, không để ý tới. Có phải đó là khi thiên nhiên chuyển mình, là khi thời gian nhẹ nhàng bước những bước khẽ khàng, kín đáo :


Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.


Tác giả dùng từ “bỗng” thật khéo, câu thơ không kéo dài mà trở nên đầy thú vị, bất ngờ. Nó như cái giật mình nhẹ, lôi ta ra khỏi những công việc thường ngày. Đọc câu thơ khiến ta nhớ đến một đoạn văn mà nhà văn nào đó đã viết : “Ngày và đêm theo nhau qua đi trên trái đất này” giữa bao mối lo và công việc, giữa bao nỗi buồn và niềm vui “Chúng ta quên đi rất nhiều điều mà lẽ ra không được quên”. Thế thì chính cái giật mình ấy đã kéo ta ra khỏi sự quên lãng bấy lâu nay, để lại hoà mình với thiên nhiên, thấy được từng vẻ đẹp li ti nhất của nó. Mà “chợt” cũng như một phát hiện thật mới mẻ, một tiếng kêu vang thích thú, một khoảnh khắc nhanh chóng qua đi mà để lại biết bao cảm xúc. Kìa ! Mùa hạ đã sắp qua, hình như mùa thu đã đến ! – Trái tim nhà thơ sau khoảnh khắc ấy đã tự nhủ thầm như vậy.


Tác giả đã cảm thấy gì đầu tiên ? Giống như tiếng tu hú đã đánh thức nỗi khao khát tự do trong bài thơ của Tố Hữu, thì chính hương thơm của ổi chín đã tác động mạnh mẽ tới tâm hồn nhà thơ Hữu Thỉnh :


Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se.


Đọc câu thơ mà ta biết mùa hè chưa qua hẳn. Bởi hình ảnh những chùm ổi chín vàng ruộm, trĩu cành dưới cái nắng gay gắt đã trở thành hình ảnh của mùa hạ. Nhưng qua câu thơ, ta biết mùa thu đã về. Mùa thu đặt những bước chân nhẹ nhàng, buông mình về theo những cơn gió se – thứ gió khô và lạnh đặc trưng của khí thu. Và hương ổi cũng hết sức đặc biệt, nó không “thoảng”, không “bay”, không nhẹ dịu như ổi khi vừa chín mà đậm đặc, mà ngào ngạt thơm nồng. Đó là hương thơm của ổi cuối mùa. Hương thơm ngọt ngào ấy mạnh đến mức có thể “phả” vào từng cơn gió, đánh thức khứu giác của cả những người vốn vô cảm với thiên nhiên. Khi Hữu Thỉnh cảm được cái lạ lùng ấy của hương ổi bằng khứu giác và cảm nhận được bằng da thịt (xúc giác) cơn gió thu đủ làm ông vừa bối rối lại vừa vui mừng. Có lẽ, ông còn nghi ngờ, sợ rằng mình nói ra thì cái cảm giác ấy sẽ bay mất, sẽ tan biến mất.


Câu thơ thứ ba như khẳng định mùa thu về rõ ràng hơn: Sương chùng chình qua ngõ. Lần này thu được nhìn bằng mắt qua cái vẻ dùng dằng nửa đi nửa ở của sương thu. Từ “chùng chình” thật đặc biệt. Nó là từ láy của thanh bằng, tạo nên một cảm giác êm ả, dịu dàng. Nhà thơ đã nhân hoá màn sương để nó trở nên có hồn, sống động bởi từ láy chỉ hành động lưỡng lự, lưu luyến trong động thái của con người. Sương như muốn ở lại để ngắm nhìn khoảnh khắc giao mùa. Điểm thú vị là với từ “chùng chình” sương thu trở nên gợi tả vô cùng.


Đọc thơ ta lại nhớ đến đoạn văn Pau-tốp-xki viết trong Một mình với mùa thu về “mơ-ga”. Đó là một làn khói lam nhàn nhạt bao phủ trên mặt sông Ô-ka. Nó “khi thì sẫm màu tụ lại, khi thì bàng bạc tan ra” ; “Khi ấy qua màn sương nhẹ nhàng mỏng như tấm kính mờ mờ, ẩn hiện bóng dáng hàng liễu rủ bên sông, những bãi chăn thả cằn khô và những cánh đồng mơn mởn màu xanh”. Chúng ta như cảm được sương ở giữa hai mùa tụ lại thành từng đám mây trong suốt màu bạc “chùng chình” chắn cả con ngõ nhỏ chứ không tan loãng vào không gian.


Mỗi bước đến của mùa thu thật bất ngờ. Thu đến vội vã mà thật nhẹ nhàng, không ồn ào. Chỉ cần quan sát và cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả sự tinh tế của các giác quan là ai trong chúng ta cũng có thể thấy được. Đối với nhà thơ Hữu Thỉnh, đó cũng là những phát hiện liên tiếp, nối nhau mà mỗi phát hiện lại đem đến một cảm xúc riêng tư, tinh mới. Sự vội vã ấy được thể hiện qua cách ngắt nhịp tài tình:


Bỗng / nhận ra hương ổi

Phả / vào trong gió se.

Sương / chùng chình qua ngõ


Cái nhịp điệu vội vàng ấy cứ như nhịp điệu của mùa hạ, khi mọi thứ đắm chìm trong cái nắng rực rỡ, khi cây trái vội vàng ra hoa, ra quả. Và đó cũng là nhịp điệu của những cái giật mình liên tiếp. Cái cảm giác bất ngờ còn chưa đi hẳn. Nhưng đến câu cuối cùng, nhịp ngắt 2/3 lại trở nên dàn trải, nhẹ nhàng như khoảnh khắc mùa thu, như một niềm vui mơ hồ mà mãnh liệt, hoặc như một nụ cười kín đáo: Hình như thu đã về.


Không khẳng định, mà chỉ “hình như”. Bởi thu đến nhẹ quá, mơ hồ quá. Tác giả thấy thu, nhưng vẫn còn bâng khuâng lo ngại. Trong lòng tác giả như có một băn khoăn, da diết như một câu hỏi : “Thu đã về rồi đấy” hay là “Không, thu chưa về đâu !”. Trong tâm tư tác giả vẫn còn cái nắng chói của mùa hè nhưng lại có cảm giác phảng phất, như một cánh bướm nhẹ chạm vào tà áo mỏng manh của tiết thu ? Chính niềm vui bối rối, bâng khuâng, lúc khẳng đình, lúc nghi ngờ đã làm nên cái duyên dáng của Sang thu.


Dù chỉ là một khổ thơ đầu, nhưng cái rung cảm tinh tế trong tâm hồn Hữu Thỉnh với thiên nhiên khiến độc giả càng thêm yêu mùa thu, càng thêm yêu bài thơ. Nó làm ta chợt nhớ tới câu thơ của Trần Đăng Khoa:


Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.


Nhờ tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên tha thiết nhà thơ đã cho ta thấy được những bước đi nhẹ nhàng, duyên dáng của thời gian. Sự chuyển tiếp lúc rất mềm mại, uyển chuyển lúc lại như tinh nghịch, vui đùa. Và một bài thơ đầy cảm xúc, đầy rung cảm ra đời từ chính cảm nhận ấy…

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0