Bài văn phân tích "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn" số 9 - 10 Bài văn phân tích "Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn" của Ngô Sĩ Liên
Dân tộc Việt Nam ta có được ngày hôm nay đã phải trải qua lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng không ít những vẻ vang, oanh liệt. Từng trang sử chói loà được viết nên lại xuất hiện hình ảnh một anh hùng tài đức vẹn toàn đã góp sức, góp trí để bảo vệ ...
Dân tộc Việt Nam ta có được ngày hôm nay đã phải trải qua lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng không ít những vẻ vang, oanh liệt. Từng trang sử chói loà được viết nên lại xuất hiện hình ảnh một anh hùng tài đức vẹn toàn đã góp sức, góp trí để bảo vệ bờ cõi toàn vẹn. Một trong những vị anh hùng dân tộc mà chúng ta không thể nào quên được đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong tác phẩm “ Đại Việt sử ký toàn thư”, cụ thể là qua đoạn trích “ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn”, tác giả Ngô Sĩ Liên đã khắc họa thành công một anh hùng Trần Quốc Tuấn vừa có tài vừa có đức như thế.
“ Đại Việt sử ký toàn thư” là một tập biên niên sử ghi lại một cách cụ thể và chân thực những sự kiện lịch sử xảy ra ở đất nước ta thời nhà nước Đại Việt. Trước kia, cha ông ta quan niệm “ văn sử bất phân”, do đó, tác phẩm tuy là biên niên sử mà mang đậm chất văn học. Mỗi nhân vật, mỗi sự kiện lịch sử không được ghi lại khô khan mà thường được đề cập kèm theo những câu chuyện sinh động, hấp dẫn bằng một lời kể chuyện lôi cuốn, sâu sắc. Nhân vật Trần Quốc Tuấn trong đoạn trích “ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” nhờ vậy hiện lên gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một trong những vị anh hùng nổi tiếng của dân tộc Việt Nam ta. Thời nhà Trần, ông giữ vai trò trụ cột được vua hết mực tôn trọng và tin tưởng đồng thời cũng là một vị tướng có công lớn trong ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là nhân vật mang tầm vóc lịch sử vừa có tài vừa có phẩm chất nên sau khi mất ông được dân chúng lập đền thờ ở khắp mọi nơi trên đất nước. Trong đoạn trích “ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn”, Ngô Sĩ Liên đã xây dựng thành công hình ảnh một vị tướng tài ba, đức độ, văn võ song toàn qua các mối quan hệ giữa ông với vua, tướng lĩnh, với người thân…
Tác giả mở đầu đoạn trích bằng mốc thời gian “ Tháng 6 ngày 24, sao sa” như báo trước một điềm chẳng lành, dự rằng sắp có một nhân vật tầm cỡ ra đi. Bởi lẽ theo quan niệm của người xưa, giữa người và trời có quan hệ chặt chẽ với nhau thì sao sa là một điềm xấu. Điềm xấu ấy dường như đã ứng lên người Trần Quốc Tuấn, ông bị ốm. Hưng Đạo Đại Vương ốm, vua ngự tới thăm và ông đã dặn dò vua những điều tâm huyết của cõi lòng về kế sách đánh giặc đúng đắn và sáng suốt: “Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế “ thanh dã”, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Tường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau.”
Kế này Trần Quốc Tuấn hiến cho vua là kế vườn không nhà trống học theo Triệu Vũ thời xưa đánh quân Hán. Ông còn bày cho vua kế dùng người giỏi như thời Đinh, thời Lê, kế lấy nhân dân làm gốc, tướng sĩ, vua tôi trên dưới một lòng để đánh thắng kẻ giặc: “ Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân, một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”
Theo Trần Quốc Tuấn, trị nước là một quá trình khó khăn và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Muốn trị nước tốt phải xem xét từng hoàn cảnh cụ thể để lựa chọn kế sách phù hợp. Trị nước là phải đánh giặc, đánh giặc mạnh có thể bằng cách vườn không nhà trống, biết dùng người tài, biết dùng lòng dân, lòng quân… Để trị được nước, đánh được giặc buộc vua tôi phải đồng lòng, đồng ý, hoà thuận, góp sức. Khi ta biết dùng kế sách đúng đắn nhất định sẽ thành công. Đây chính là tổng hợp những kế sách đánh giặc quý báu mà Hưng Đạo Đại Vương đã học và rút ra từ kinh nghiệm. Nó thể hiện hiểu biết, tầm nhìn của một vị tướng thiên tài, một nhà quân sư kiệt xuất. Một đất nước sẽ không bao giờ có được độc lập và hưng thịnh nếu không có tinh thần trên dưới một lòng, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc.
Trần Quốc Tuấn, một vị tướng tài, một nhà quân sư kiệt xuất ấy ngay từ khi sinh ra đã được dự báo “ Người này sau có thể giúp nước cứu đời.” Càng lớn ông càng khôi ngô, thông minh, văn võ song toàn hơn người. Cha của ông là An Sinh Vương Trần Liễu có hiềm khích lớn với vua Trần Thái Tông nên trước khi qua đời dặn con rằng: “ Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.” Trần Quốc Tuấn ghi nhớ điều đó trong lòng nhưng không cho là phải. Đây cũng chính là lúc lòng trung hiếu của ông bị đặt vào tình thế gay gắt buộc phải lựa chọn. Lòng trung với nước bị đặt trong thử thách nhưng ông vẫn vượt lên tất cả, vượt lên chữ hiếu, đặt nợ nước lên tình nhà, một lòng trung quân ái quốc.
Trong lòng luôn thiết tha với dân với nước nên khi gặp người cùng chí hướng, ông hết mực vui mừng. Khi đã nắm quyền hành trong tay, ông đem chuyện xưa về cha kể lại cho hai gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu và con trai là Hưng Vũ Vương, nhận được sự đồng lòng trung nghĩa vì vua, vì nước nhà, Hưng Đạo Đại Vương cảm phục, cho là phải. Còn khi hỏi chuyện đó với người con thứ là Quốc Tảng, Quốc Tảng thưa: “ Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.” Quốc Tuấn tức giận liền rút gươm kể tội “ tên loạn thần từ đứa con bất hiếu mà ra”.
Không chỉ có tài và một lòng trung nghĩa, Trần Quốc Tuấn còn có đức độ lớn lao, luôn khiêm tốn, kính cẩn giữ tiết. Lúc ông còn sống đã được đích thân vua Thánh Tông soạn văn bia, cho phép ông được phong chức tước cho người khác nhưng ông chưa bao giờ phong tước cho một ai. Khi sắp mất, ông cẩn thận phòng xa việc hậu sự: “ Ta chết thì phải hoả táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục”.
Với tướng sĩ, ông soạn sách để dậy bảo khích lệ họ về đạo trung nghĩa. Ông cử người tài giỏi cho đất nước, là Dã Tượng và Yếu Kiêu. Các môn khách của ông như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Trịnh Dù,…đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự. Ông lấy được lòng người, nhiều người giỏi đi theo bởi ông có tài mưu lược, anh hùng lại một lòng trung nghĩa, đức độ, không chịu khom lưng chống gối trước quân giặc: “ Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Cũng vì vậy, ông lập nên nhiều công lớn, tiếng vang đến giặc Bắc. Chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên.
Sau khi mất, ông được phong tặng rất hậu là Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, được dân chúng khắp nơi lập đền đình thờ cúng. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành một vị phúc thần của dân chúng, một mẫu mực vị tướng đại đức vẹn toàn, không chỉ được nhân dân ngưỡng mộ mà còn được quân giặc kính phục.
Như vậy đoạn trích “ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” đã khắc họa thành công bức tượng đài về vị anh hùng dân tộc lừng lẫy trong lịch sử: Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Qua đó, chúng ta càng thêm tự hào vì lịch sử dân tộc để cố gắng nối bước những anh hùng ấy xây dựng và phát triển nước nhà.