31/03/2021, 15:31

Bài văn phân tích hình tượng người bà trong "Bếp lửa" của Bằng Việt số 3 - 9 Bài văn phân tích hình tượng người bà trong "Bếp lửa" của Bằng Việt hay nhất

Lép Tôn-xtôi đã từng nói rằng: "Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu". Tình yêu con người, yêu cuộc sống chính là hạt mầm khỏe khoắn nuôi dưỡng nhân cách, tài năng con người, cũng là cảm hứng sáng tác cho muôn văn nhân,nghệ sĩ. Cùng chung mạch nguồn về tình yêu gia ...

Lép Tôn-xtôi đã từng nói rằng: "Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu". Tình yêu con người, yêu cuộc sống chính là hạt mầm khỏe khoắn nuôi dưỡng nhân cách, tài năng con người, cũng là cảm hứng sáng tác cho muôn văn nhân,nghệ sĩ.


Cùng chung mạch nguồn về tình yêu gia đình, nếu nữ sĩ Xuân Quỳnh khiến người đọc nhớ về một thời bên người bà kính yêu với tiếng bà mắng yêu, với hình ảnh "Tay bà khum soi trứng" thì Bằng Việt lại khiến ta nhớ mãi người bà đôn hậu, giàu tình yêu với con cháu, dân tộc, và đặc biệt người bà ấy gắn với hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt: "Bếp lửa".


"Bếp lửa" như một đóa hoa đầu mà Bằng Việt thân gửi đến độc giả khi ông đang là sinh viên năm thứ hai du học tại Liên Xô. Xa gia đình, bè bạn, quê hương, tại nơi đất khách quê người, ông bồi hồi nhớ lại kỉ niệm ấu thơ bên bếp lửa cùng người bà đáng kính. Đó là hình ảnh của ngọn lửa cháy leo lét bên vách bế trong làn sương buối sớm được đôi tay bà "ấp iu", chở che.


Hình ảnh "Một bếp lửa ấp iu nồng đượm" gợi ta nghĩ đến hình ảnh ngọn lửa có đôi tay gầy guộc, già nua của bà nhen nhóm, chở che cho ngọn lử cháy lên, sáng lên và khiến ta hình dung đến sự ôm ấp, che chở, tình cảm yêu thương, đùm bọc mà bà dành cho cháu trong những tháng ngày tuổi thơ.


Và rồi trong kí ức của cháu hiện về kỉ niệm năm bốn tuổi, năm tám tuổi. Kỉ niệm tuổi ấu thơ cứ lần lượt hiện về trong nỗi nhớ của cháu tựa như một thước phim quay chậm, đó là kỉ niệm "Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa". Lời thơ thủ thỉ, tâm tình như câu chuyện trong cuộc sống đời thường, cùng điệp ngữ "tu hú kêu" và câu hỏi tu từ "Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà?" gợi về nhiều những câu chuyện mà bà đã kể cho cháu nghe.


Trong những năm tháng cha mẹ đi công tác xa, bà và cháu quấn quýt bên nhau. Cháu ở bên bà, được bà nuôi dưỡng, săn sóc "bà bảo cháu nghe", "bà dạy cháu học", "bà chăm cháu làm". Thời ấu thơ, bà chính là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho cháu,...Bên bà, có lẽ cháu sẽ thấy thật ấm áp, bình yên, hạnh phúc biết bao.


Trong tâm trí của cháu luôn khắc sâu kỉ niệm năm giặc phá làng, đốt làng, túp lều tranh của hai bà cháu cũng bị đốt. Trong những tháng năm khắc nghiệt ấy, cháu nhớ như in lời dạy của bà:


"Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên"


Cuộc sống của hai bà cháu vô cùng khó khăn, cơ cực ở vào cảnh màn trời chiếu đất, đó là tháng ngày tăm tối nhất. So với thực tế cuộc sống của hai bà cháu, phương châm về chất đã không được tuân thủ. Bà dặn cháu như vậy là để bố mẹ cháu yên tâm công tác. Từ lời dặn ấy, ta thấy ở bà có những phẩm chất thật cao đẹp: giàu lòng thương con, hi sinh hạnh phúc tuổi già để đổi lấy độc lập dân tộc và đặc biệt là lòng dũng cảm, kiên định của bà trước mọi khó khăn khốc liệt.


Tuy bà không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng lại là chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến. Cảm nhận đức hi sinh cao cả của bà, trong lòng ta lại nhớ về bao bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã rơi bao giọt nước mắt khi phải tiễn chồng con ra tiền tuyến, nhớ đến người mẹ Tà-ôi địu con trên lưng mà vẫn giã gạo nuôi bộ đội trong "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm,...


Những bà mẹ kính yêu ấy xứng đáng được bác Hồ ngợi ca là người "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang",...Bà chính là người tiêu biểu cho phẩm chất truyền thống của phụ nữ Việt Nam tự bao đời nay... Người cháu bộc lộ những nghĩ suy về bếp lửa bà nhóm, và cũng là về bà:


"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng"


"Bếp lửa bà nhen" là hình ảnh mang nghĩa thực- bếp lửa cháy bằng rơm, bằng củi do bàn tay gầy guộc của bà nhen nhóm. Từ hình ảnh bếp lửa mà nhà thơ có sự liên tưởng sâu sắc đến ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương mà bà luôn ấp ủ dành cho cháu, bù đắp cho cháu khi cháu phải xa mẹ cha.


"Ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng" là ngọn lửa của niềm tin trong cuộc sống, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ mà bà truyền cho cháu. Bà không chỉ là người nhóm bếp lửa mà còn là người giữ lửa, truyền lửa, ngọn lửa của bà thật thiêng liêng, cao cả và vĩ đại. Cuộc đời bà dẫu đầy truân chuyên, vất vả, nhiều nắng mưa nhưng bà vẫn "giữ thói quen dậy sớm"- một người đảm đang, tần tảo, chịu thương, chịu khó. Với cháu, việc nhóm bếp lửa của bà có ý nghĩa vô cùng quan trọng:


"Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ"


Mỗi khi bà nhóm lên bếp lửa là nhóm lên tất cả: nhóm lên tình yêu thương mà bà đã dành cho cháu, nhóm lên niềm vui trong lòng cháu mỗi khi mùa về, nhóm lên tình đoàn kết với hàng xóm, láng giềng và đặc biệt, bà nhóm dậy tất cả những kỉ niệm ấu thơ của cháu. Vậy là từ bếp lửa mà bà nhen, cháu đã khôn lớn cả về thể chất và tâm hồn, để cháu được bay cao bay xa,...


Từ bếp lửa thiêng liêng ấy, cháu đã hiểu hơn về sự đảm đang vất vả của bà. Bà chính là người nuôi dưỡng tâm hồn chắp cánh ước mơ cho cháu. Để rồi khi xa bà, với cuộc sống hiện đại, đầy đủ, cháu vẫn không nguôi nhớ về bà, có một điều không bao giờ đổi thay, luôn khắc ghi trong tâm trí cháu:


Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?


Lời thơ của Bằng Việt thủ thỉ, nhẹ nhàng, tâm tình cứ như một câu chuyện vậy. Người bà hiện lên trong tâm trí của nhà thơ và ông dành cho bà tình yêu, sự trân trọng. Bài thơ cũng là lời nhắc với mỗi chúng ta: hãy luôn trân trọng những người thân quanh ta, vì họ là cuộc sống của ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0