31/03/2021, 15:36

Bài văn phân tích hình ảnh "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ "Đồng chí" số 6 - 10 Bài văn phân tích hình ảnh "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu lớp 9 hay nhất

Cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, văn học cũng có những bước chuyển mình và phát triển song song cùng với dòng chảy của lịch sử ấy. Văn học qua từng thời kì đều có những khuynh hướng phát triển riêng, nhưng về cơ bản có hai khuynh hướng chính chi phối nền văn học Việt Nam ...

Cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, văn học cũng có những bước chuyển mình và phát triển song song cùng với dòng chảy của lịch sử ấy. Văn học qua từng thời kì đều có những khuynh hướng phát triển riêng, nhưng về cơ bản có hai khuynh hướng chính chi phối nền văn học Việt Nam thời kì trung đại và cận hiện đại, đó chính là khuynh hướng yêu nước và khuynh hướng nhân đạo. Hai khuynh hướng này luôn có sự song song phát triển và tồn tại nhưng mỗi khi đất nước có chiến tranh thì khuynh hướng yêu nước lại phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nội dung chủ yếu của khuynh hướng này chính là tình yêu nước, tinh thần đoàn kết và sức mạnh quật cường của dân tộc Việt Nam. Vào cuộc kháng chiến chống pháp cứu nước đã có rất nhiều các tác phẩm thơ văn nói về tình yêu nước, tinh thần chiến đấu và một nội dung mới đó chính là tình đồng đội, đồng chí. Bài thơ tiêu biểu cho giai đoạn này có thể kể đến, đó chính là bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu.


Bài thơ “Đồng chí” được Chính Hữu sáng tác vào tháng hai năm 1948, đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn dữ dội và ác liệt. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn nhằm tấn công và tiêu diệt chiến khu Việt Bắc, cơ quan đầu não cách mạng và buộc quân ta đầu hàng, hoàn thành công cuộc chiếm đóng ở Việt Nam. Khi ấy quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng dữ dội, dù có những đau thương mất mát nhưng người Việt Nam kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, đấu tranh đánh bại âm mưu tham độc của kẻ thù. Đồng chí được Chính Hữu sáng tác trong một cuộc hành quân ở khu vực rừng núi phía Bắc.


Bài thơ nói về tình đồng đội đồng chí gắn bó, sẻ chia với nhau từng miếng sắn, mảnh chăn, chia sẻ với nhau cả những tâm nguyện đầy chân thành, cảm động. Và bài thơ đặc biệt nhất ở chi tiết cuối bài thơ, câu thơ “Đầu súng trăng treo” mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, độc đáo. Và cũng chính câu thơ góp phần làm nên những giá trị của bài thơ “Đồng chí”. Trước hết, để hiểu được ý nghĩa của câu thơ cuối bài thì ta cần hiểu hơn về nội dung của bài thơ cũng như nội dung chủ đạo của bài thơ là tình đồng đội, đồng chí trong chiến tranh. Có như vậy thì ta mới có thể hiểu trọn vẹn được ý nghĩa đẹp mà câu thơ cuối mang lại.


Nói về tình đồng đội, đồng chí, ngay phần mở đầu của bài thơ, nhà thơ Chính Hữu đã trực tiếp gợi mở những ấn tượng đầu tiên về bức tranh của tình đồng chí. Đó là bức tranh được vẽ lên bởi những nét tương đồng trong lí tưởng cao đẹp của họ:


“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Tôi với anh đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”


Như vậy, trong ấn tượng đầu tiên thì những người lính vốn không hề quen biết, cũng không hề có một mối liên hệ đặc biệt nào, họ đến từ những vùng quê khác nháu của tổ quốc, và nét tương đồng trong hoàn cảnh sống, đó là quê hương họ đều nghèo khó “nước mặn đồng chua” “đất cày lên sỏi đá”, từ hoàn cảnh sống có phần khó khăn, họ có cùng một lí tưởng đó là cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước, làng bản, bảo vệ chính cuộc sống của mình. Vì vậy mà họ từ những người vốn chẳng quen biết mà gặp nhau và trở thành những người đồng đội. Khi đó, lí tưởng chiến đấu khiến họ trở thành những người đồng đội, nhưng quá trình cùng chia sẻ những điều kiện sinh hoạt, chiến đấu đầy khó khăn, ác liệt khiến mối quan hệ đồng đội thắt chặt trở thành tình đồng chí:


“Súng bên súng đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí”


Xác định vào chiến trường là những người lính xác định dâng hiến hết mình cho nền độc lập, hòa bình của tổ quốc, thậm chí họ đánh đổi cả mạng sống của mình cho nền tự do, độc lập ấy. Họ luôn mang trong mình lí tưởng cao đẹp: sống, chiến đấu, hi sinh:


“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”


Vậy là những người lính một khi ra đi là họ quyết dâng hiến tất cả cho Tổ quốc thân yêu, họ mang trong mình tinh thần của những bậc chinh phu nghĩa sĩ xưa, coi cái chết nhẹ tựa hồng mao. Những từ ngữ như “gửi”, “mặc kệ” nghe qua dường như là sự vô tư, bất cần, tinh thần xả thân vô tư của những người lính. Nhưng thực sự liệu có phải chỉ có như vậy không? Những người lính họ yêu đất nước nhưng họ cũng yêu gia đình, làng quê, xứ sở của mình. Đối với nơi mình yêu thương, gắn bó đâu có phải nói đi là không có chút lưu luyến gì.


Nhưng họ càng yêu quê hương, càng gắn bó với nó thì họ lại càng quyết tâm chiến đấu. Những lời tâm sự của những người lính với nhau là những lời dặn dò, là những trách nhiệm họ muốn những người đồng đội thực hiện thay mình, vì họ lường hết được cái ác liệt của chiến tranh, sự sống trong không gian mưa bom bão đạn ấy cũng hết sức mỏng manh.


“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”


Những câu thơ cuối thật đẹp, đẹp bởi hình ảnh hiên ngang, bất khuất của những người lính trong không gian đầy khắc nghiệt của núi rừng. Hoàn cảnh chiến đấu nơi thâm sơn cùng cốc vốn đầy khắc nghiệt, hiểm nguy, trong không gian đêm khuya, sương muối dày đặc lạnh cắt da cắt thịt nhưng những người lính vẫn đứng bên nhau. Họ thức làm nhiệm vụ, họ chờ giặc tới, để giành được thắng lợi cuối cùng thì không có một phút giây nào được lơ là mất cảnh giác, kể cả đêm khuya, thời tiết khắc nghiệt cũng không làm bước chân của họ lùi bước, không làm cho ý chí của họ bị lay chuyển, ảnh hưởng.


Hình ảnh cuối bài thơ “Đầu súng trăng treo” được coi là hình ảnh đẹp, ý nghĩa nhất của bài thơ. Câu thơ tuy chỉ có bốn chữ nhưng lại gợi cho chúng ta rất nhiều những liên tưởng độc đáo. Trước tiên, ta có thể hiểu là súng là những thứ vũ khí mà những người lính luôn mang theo bên người. Vì vậy mà khi người lính đứng gác đêm thì ngọn súng cũng trở thành những người bạn đồng hành trong cuộc chiến đấu ấy. Và dưới ánh trăng thì hình ảnh ngọn súng dường như đón nhận mọi ánh sáng của mặt trăng, nhìn từ xa thì mặt trăng như treo ở trên ngọn súng. Tuy nhiên đó chỉ là cách cảm nhận trực tiếp, theo tôi còn có một cách hiểu mang nhiều ý nghĩa hơn.


Ngọn súng là vũ khí của những người lính nhưng nó cũng là biểu tượng của chiến tranh, của sự hủy diệt bạo tàn. Còn ánh trăng lại thuộc về tự nhiên, nó biểu tượng cho cái đẹp, cho nền hòa bình mà người Việt Nam vẫn ngày đêm đấu tranh bảo vệ. Sự giao thoa giữa ngọn súng và vầng trăng như thể hiện được khát vọng hòa bình, khát vọng về một cuộc sống bình yên, không tiếng súng, không chiến tranh, không có sự hủy diệt. Đó là một đời sống lí tưởng mà những người lính hướng tới.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trịnh Ngọc Trinh

226 chủ đề

43560 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0