Bài văn phân tích đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" số 7 - 10 Bài văn phân tích đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố
“Tắt đèn”là bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan hoà nước mắt và lòng căm phẫn của người nông dân nghèo bị bóc lột, đàn áp. Có lẽ chính nhà văn Ngô Tất Tố cũng không cầm được nước mắt. Cái đáng quý ở nhà văn này là thái độ phẫn nộ với giai cấp bóc lột và lòng thương người mênh mông. ...
“Tắt đèn”là bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan hoà nước mắt và lòng căm phẫn của người nông dân nghèo bị bóc lột, đàn áp. Có lẽ chính nhà văn Ngô Tất Tố cũng không cầm được nước mắt. Cái đáng quý ở nhà văn này là thái độ phẫn nộ với giai cấp bóc lột và lòng thương người mênh mông. “Tức nước vỡ bờ” vốn là câu tục ngữ mang tính quy luật tự nhiên (nước đã dâng lên cao thì bờ ngoài vỡ nhưng cũng có ý nghĩa xã hội sâu sắc…, Người ta đã vận dụng câu tục ngữ này làm tiêu đề, tên gọi của một đoạn trích hết sức điển hình trong tiểu thuyết Tắt đèn.
Năm đó là năm mất mùa, gia đình chị Dậu vốn nghèo khó phải đi làm thuê lại càng khó khăn hơn. Để đóng tiền sưu cho chồng, chị đã phải bán gánh khoai, bán đàn chó và đến cái Tí- con gái lớn của chị cũng bán cho ông bà Nghị Quế mới đủ tiền nộp sưu cho anh Dậu. Nhưng bọn chúng đã không tha cho gia đình chị, bắt gia đình chị nộp cả sưu thuế cho người em trai đã mất từ năm ngoái. Vì không nộp, anh Dậu đã bị bọn chúng bắt, đánh đập đến nỗi như một cái xác rồi quẳng trả gia đình chị. Chị Dậu vô cùng thương chồng. May được bà hàng xóm thường tình giúp đỡ cho bát gạo để chị nấu cháo cho chồng.
Khi anh Dậu cố gượng ngồi dậy, chưa kịp đưa bát cháo lên miệng thì tên cai lệ và gã đầy tớ của lí trưởng xộc vào định trói anh để nã thuế. Chị Dậu lức này phải đốì mặt với tình thế nguy ngập: chồng chị vừa mới bị bắt trói, tưởng đã chết đêm qua, bây giờ mà lại bị trói bị đánh nữa chắc anh không sống nổi. Không đếm xỉa đến những lời van xin tha thiết của chị, tên cai lệ bất nhân nhất định xông vào trói anh Dậu. Hắn là một tên tay sai chuyên nghiệp; với hắn không có gì khác ngoài đánh, trói. Hạng người này trong chế độ thực dân, phong kiến sẽ thành thứ công cụ thực sự, không còn là người, ở cái làng Đông Xá ấy, cai lệ thỏa sức hoành hành, tác oai tác quái. Vụ thuế đang là thời điểm tốt nhất để hắn thể hiện tính chuyên nghiệp trong cướp bóc, hà hiếp dân lành.
Chỉ là một tên tay sai mạt hạng nhưng qua những gì hắn làm, có thể nói hắn là hiện thân đầy đủ, rõ rệt cho cái “nhà nước” phi nhân tính, nhân quyền lúc bấy giờ. Hắn “sầm sập tiến vào”, “trợn ngược hai mắt”, “đùng đùng cai lệ giật phắt cái thừng”, “bịch luôn vào ngực chị Dậu”, “sấn đến để trói anh Dậu”, “tát vào mặt chị một cái đánh bốp”,… Hành động của hắn như một con thú dữ. Bản tính ác thú của tên này thể hiện cả ra ngôn ngữ: khàn khàn, quát, thét, hầm hè, nham nhảm… Tiếng của hắn đâu phải là tiếng người! Nếu là người thì hắn đã phải mủi lòng trước cảnh một người ốm nặng, đã động lòng trước những lời van xin tội nghiệp của chị Dậu, hắn đã biết thương hại… Đằng này, dường như hắn không có khả năng hiểu được ngôn ngữ của con người, hắn đáp lại những lời van vỉ của chị Dậu bằng chửi, đánh. Thật táng tận lương tâm!
Lúc đầu chị Dậu tuy giận nhưng vẫn nhẫn nhục van xin tên cai lệ độc ác: Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho! Cách xưng hô của chị là cách xưng hô của kẻ dưới với người trên, biểu hiện sự nhún mình. Lúc bọn chúng sầm sập chạy đến chỗ anh Dậu, định trói anh một lần nữa, chị Dậu đã xám mặt nhưng vẫn cố chịu đựng, níu tay tên cai lệ, năn nỉ: Cháu xin ông. Những lời nói và hành động ấy của chị chỉ nhằm mục đích bảo vệ chồng.
Đến khi giới hạn của sự chịu đựng bị phá vỡ thì tính cách, phẩm chất của chị Dậu mới bộc lộ đầy đủ. Tên cai lệ không thèm nghe chị. Hắn đấm vào ngực chị và cứ sấn đến trói anh Dậu. Chị Dậu đã chống cự lại. Sự bùng nổ tính cách của chị Dậu là kết quả tất yếu của cả một quá trình chịu đựng lâu dài trước áp lực của sự tàn ác, bất công. Nó đúng với quy luật: Có áp bức, có đấu tranh. Người đọc xót thương một chị Dậu phải hạ mình van xin bao nhiêu thì càng đồng tình, nể phục một chị Dậu đáo để, quyết liệt bấy nhiêu. Từ vị thế của kẻ dưới: Cháu van ông…, chị Dậu thoắt nâng mình lên ngang hàng với kẻ xưa nay vẫn đè đầu cười cổ mình: Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ. Câu nói cứng rắn mà vẫn có đủ tình, đủ lí. Nhưng cái ác thường không biết chùn tay. Tên cai lệ cứ sấn tới đánh chị và nhảy vào định lôi anh Dậu. Tức thì, sau lời cảnh cáo đanh thép của kẻ trên đối với kẻ dưới: Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem! là hành động phản kháng dữ dội: Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xồ đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng queo trên mặt đất… Còn tên người nhà lí trưởng kết cục cũng bị chị Dậu túm tóc, lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.
Tình yêu chồng, thương con cộng với tinh thần phản kháng âm ỉ bấy lâu đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong lòng chị Dậu – người đàn bà hiền lương, chất phác. Nỗi sợ cố hữu của kẻ bị áp bức phút chốc tiêu tan, chỉ còn lại nhân cách cứng cỏi của một con người chân chính: Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được. Tuy vậy, hành động phản kháng của chị Dậu hoàn toàn mang tính manh động, tự phát. Đó mới chỉ là cái thế tức nước vỡ bờ của một cá nhân mà chưa phải là cái thế của một giai cấp, một dân tộc vùng lên phá tan xiềng xích áp bức bất công. Có áp bức, có đấu tranh, áp bức càng nhiều thì đấu tranh càng quyết liệt và hành động của chị Dậu đã chứng minh cho chân lí ấy.
Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là một trong những đoạn hay của tác phẩm Tắt đèn. Nhà văn Ngô Tất Tố đã dành cho nhân vật chính là chị Dậu tình cảm yêu thương, thông cảm và trân trọng. Những tình tiết sinh động và đầy kịch tính trong đoạn trích đã góp phần hoàn thiện tính cách người phụ nữ nông dân đẹp người, đẹp nết.