Bài văn phân tích đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" của Nguyễn Du số 9 - 10 Bài văn phân tích đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" của Nguyễn Du hay nhất
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều... (Tố Hữu - Kính gửi cụ Nguyễn Du) “Bâng khuâng” là trạng thái tinh thần của con người tuy đứng trước thực tại nhưng tâm hồn không đặt ở thực tại mà hướng về, thậm chí đắm chìm trong quá khứ, trong tương ...
Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều...
(Tố Hữu - Kính gửi cụ Nguyễn Du)
“Bâng khuâng” là trạng thái tinh thần của con người tuy đứng trước thực tại nhưng tâm hồn không đặt ở thực tại mà hướng về, thậm chí đắm chìm trong quá khứ, trong tương lai, hay trong mộng tưởng. Vì đắm chìm trong quá khứ, nên Tố Hữu cũng như chúng ta không thể nào quên được cụ Nguyễn Du, một đại thi hào đã để lại cho đời kiệt tác Truyện Kiều - một bài ca lớn về giá trị nhân bản; bản cáo trạng nghiêm khắc về cái ác; tập đại thành của nghệ thuật văn chương.
Và chúng ta cũng không thể không “thương thân nàng Kiều” đang đau đớn, tủi nhục ê chề khi phải bán mình chuộc cha, rơi vào tay một kẻ “buôn thịt bán người” trong trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều.
Trích đoạn này gồm 34 câu thơ, từ câu 619 đến câu 652 trong Truyện Kiều, thuộc phần Gia biến và lưu lạc. Câu chuyện trước đoạn này như sau: Trên đường về của chuyến đi tảo mộ và du xuân, ba chị em Thuý Kiều gặp Kim Trọng - một chàng trai tài đức vẹn toàn, bạn đồng môn của Vương Quan. Trở về nhà, Thúy Kiều tơ tưởng đến bóng hình Kim Trọng mà “Ngổn ngang trăm mối bên lòng”.
Còn Kim Trọng, sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy cũng nặng lòng nhớ thương Kiều rồi tìm kiếm, dọn nhà đến kề cận vườn nhà Kiều. Nhờ vậy, đôi trai tài gái sắc có cơ hội làm quen, tìm hiểu và trao lời thề nguyền trọn đời bên nhau. Ngay sau đó, Kim Trọng phải cấp tốc trở về Liêu Dương thọ tang chú.Và cũng cùng thời điểm ấy, gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan, tất cả tài sản bị bọn sai nha vơ vét sạch. Để cứu cha và em thoát khỏi cơn gia biến, Kiều tự nguyện bán mình:
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân.
Sự lòng ngỏ với băng nhân
Tin sương đồn đại, xa gần xôn xao.
Thúy Kiều buồn bã mang sự tình ngỏ với người mai mối. Lập tức, mụ mối dắt khách phương xa tới:
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh
“Viễn khách” là từ Hán Việt có sắc thái trân trọng, tao nhã. Phải chăng “viễn khách” ấy là con người tử tế, cao thượng, nho nhã đến để xin hỏi cưới Kiều về làm vợ theo đúng tục lệ hôn nhân ngày xưa? sắm vai là học sinh trường Quốc Tử Giám, trường lớn nhất ở kinh đô thời xưa, người khách phương xa bắt đầu xuất hiện:
Hỏi tên, rằng “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Cách ngắt nhịp thơ ở hai câu này rất trúc trắc, khác lạ. Câu lục nhịp: 2-1-3. Câu bát nhịp 2-1-3-2. Cách ngắt nhịp trùng với cách trả lời bất ổn của vị khách. “Mã” thì đúng là họ rồi. Nhưng “Giám Sinh” đâu có phải là tên người? Còn quê quán nghe rất mơ hồ: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Từ “cũng gần” được nhà thơ dùng rất đắt để biểu hiện một lí lịch, gốc gác không minh bạch của nhân vật. Nếu đúng là người tốt thì việc gì lại không dám giới thiệu cụ thể nơi ở của mình? Với cách trả lời cộc cằn ấy chứng tỏ Mã Giám Sinh là người vô văn hóa. Còn đây là tuổi tác và diện mạo của gã:
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.
Ngoại tứ tuần có nghĩa là ngoài bốn mươi tuổi, đã qua rồi thời trai tráng. Từ “quá niên” càng tô đậm hơn điều đó. Thế nhưng hắn vẫn ăn mặc theo kiểu trai lơ “áo quần bảnh bao” và chuẩn bị “mày râu nhẵn nhụi” trông rất bảnh chọe. Nếu ở câu lục nhà thơ sử dụng toàn từ Hán Việt thì ở câu bát xuất hiện toàn từ thuần Việt để bày tỏ thái độ châm biếm.
Riêng hai từ láy “nhẵn nhụi” và “bảnh bao” có sức gợi tả thái độ sự dung tục và lố bịch rất cao vì hắn là người bất chính nên đám tôi tớ đi theo hắn cũng toàn là lũ xô bồ, lộn xộn:Trước thầy sau tớ lao xao, Có thể khẳng định rằng diện mạo và cách xuất hiện của Mã Giám Sinh hoàn toàn đối lập với Kim Trọng. Kim Trọng xuất hiện với một phong cách tao nhã, diện mạo khôi ngô tuấn tú, làm cho cả một vùng bừng sáng hơn:
Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời,
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình.
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Thế nên, một con người bịp bợm như Mã Giám Sinh không thể nào xứng đáng với nàng Kiều tài sắc vẹn toàn. Và chúng ta hãy xem cử chỉ thô lỗ của hắn: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng “Ghế trên” bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất của phòng khách, chỉ những thượng khách mới được mời an tọa, thường là người cao tuổi.
Vậy mà một tên trâng tráo như hắn chưa kịp mời đã vội “ngồi tót”, trông là biết vô học rồi. Chữ “ngồi tót” được nhà thơ dùng rất điêu luyện và đã giết chết Mã Giám Sinh ngay trong cõi sống. Liền sau đó là từ bồi bút “sỗ sàng”. Cùng là từ “tót” nhưng khác xa một trời một vực với cách tả Kim Trọng:
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa
Trong Truyện Kiều nhiều lần Nguyễn Du đã giết chết nhân vật phản diện bằng nghệ thuật dùng từ. Nhà thơ giết chết tên Sở Khanh bằng một từ “lẻn” ở câu 1094:
Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
Và đại thi hào cũng đã giết chết Hồ Tôn Hiến bằng từ “mặt sắt” trong câu 2580:
Nghe càng đắm, ngắm càng say,
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!
Nhìn chung, qua dụng công miêu tả của Nguyễn Du, chân tướng con buôn Mã Giám Sinh đã dần dần được phơi bày:
Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
“Đắn đo” là trạng thái suy nghĩ, tính toán đến căng thẳng. Trạng thái này thường gặp ở những kẻ làm nghề buôn bán. Tuy được nghe mụ mối giới thiệu Kiều là người tài sắc vẹn toàn nhưng hắn vẫn chưa chắc chắn lắm. Bởi vậy hắn mới “cân sắc, cân tài” có nghĩa là xem đi, xem lại, kiểm tra một cách tỉ mỉ, cẩn thận như mua một món hàng giữa chợ trời. Thật đúng là một con buôn giàu kinh nghiệm, lõi đời. Sau khi thấy dáng dấp của nàng, tài năng của nàng, vẻ nào cũng mặn mà dễ thương, hắn bằng lòng về món hàng và lựa lời trao đổi về giá cả:
“Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Chỉ với một từ “mua”, nhà thơ đã bóc trần bản chất đê tiện của gã họ Mã mặc dù hắn vẫn còn cố gắng trau chuốt lời ăn tiếng nói qua các từ: “Lam Kiều”, “xin dạy”. Và đây là cuộc “mặc cả” giữa con buôn sành sỏi và mụ mối:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm
“Cò kè” là từ luôn luôn được dùng ở bất cứ chợ nào thuộc lĩnh vực buôn bán đồ vật. Từ “cò kè” còn tạo ra một không khí mua bán hết sức thô lỗ, mụ mối càng nói thách để được lời về phần mình thì tên “buôn thịt bán người” Mã Giám Sinh càng trả cho thật rẻ để tích luỹ lợi nhuận cho lòng tham không đáy. Vì mãi “cò kè”, công cuộc “ngã giá” mất nhiều thời gian nên “giờ lâu” con buôn mới đi đến quyết định mua Kiều hơn bốn trăm lượng vàng. Công cuộc “cò kè” người thiệt hại. Thật phũ phàng và tàn nhẫn làm sao!
Tóm lại, bằng nghệ thuật dùng những hình thái ngôn ngữ nghệ thuật trực diện, thiên tài Nguyễn Du vừa vẽ được chân dung ghê tởm và đê tiện của Mã Giám Sinh, vừa thể hiện thái độ tố cáo bọn con buôn bất công phi nghĩa đã xô đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng, đã chà đạp lên nhân phẩm, danh dự của phận “liễu yếu đào tơ” một cách không thương tiếc.
Đối lập với màn kịch “vấn danh” và chân tướng Mã Giám Sinh là tâm trạng buồn bã, khổ đau, nhục nhã của Thúy Kiều:
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dín gió e sương,
Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc, bắt tay,
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai.
Giờ đây, Kiều đang đau xót cho mối tình đầu tươi đẹp. Mới hôm nào, nàng và Kim Trọng thề nguyền cùng chung một lòng một dạ, có sự chứng giám của ánh trăng sáng vằng vặc nhưng xa xăm, lạnh lẽo, đơn côi:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Vậy mà nay, đôi ngả nước mây cách vời, chỉ còn là kỉ niệm của một thời yêu nhau tha thiết. Ai? Ai đã gây ra bi kịch đắng cay này? Trong lòng nàng bỗng trào dâng một nỗi niềm oán hận. Lần đầu tiên trong đời nàng biết hận. Nàng hận thằng bán tơ đã vu oan cho gia đình nàng. Nàng hận bọn sai nha đã “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” và ra sức đánh đập, tra tấn cha và em trai nàng.
Cho nên, mỗi bước đi của nàng trên thềm hoa đều nặng nề và đong đầy nước mắt. Phép tăng cấp và đối ngữ tương hỗ trong câu “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng?” đã nhấn mạnh nỗi thống khổ cùng cực của nàng. Và cũng lần đầu tiên trong đời, nhìn bóng mình, nàng cảm thấy hổ thẹn, soi vào gương thấy mặt mình như dày ra vì xấu hổ, tủi nhục, vì phải mang thân lá ngọc cành vàng và nhan sắc “một hai nghiêng nước nghiêng thành” để cho một tên buôn người như Mã Giám Sinh đánh giá, bình phẩm. Có nỗi ê chề nào hơn thế nữa?
Nàng để mặc mụ mối hướng dẫn giới thiệu, khoe “hàng” mà cõi lòng tan nát như ai xé ai vò: Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. Phép so sánh tu từ, phép đối ngữ tương hỗ cùng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng đã góp phần điểm tô thêm vẻ đẹp trong đau khổ của Kiều và hoàn toàn đối lập với nhân vật Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).
Qua trích đoạn văn xuôi trên đây, chúng ta thấy nhân vật Thúy Kiều của nhà văn Tài Nhân trực tiếp tham gia việc “cò kè” giá cả trông rất dạn dĩ, và nhân cách của nàng thật không có gì đặc biệt. Còn nhân vật Thúy Kiều của thiên tài Nguyễn Du chỉ là người câm lặng suốt cuộc mua bán, nàng xấu hổ, tủi nhục. Và đó chính là vẻ đẹp nhân cách của nàng.
Nhìn chung, đoạn thơ miêu tả tâm trạng nàng Kiều đã cho chúng ta thấy tấm lòng nhân đạo mênh mông của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đối với nhân vật Thúy Kiều cũng như những kiếp người đau khổ, bất hạnh. Nhà thơ bao giờ cũng dành cho những nhân vật chính diện một thái độ yêu thương, hết sức cảm thông, rất mực trân trọng, thấu hiểu, chia sẻ. Đặc biệt, càng dấn sâu vào bi kịch, nhan sắc - tài năng - lòng thủy chung - lòng hiếu thảo - đức hi sinh của Thúy Kiều càng đẹp - càng vẹn toàn - càng sâu sắc - càng cao cả.
Tóm lại, bằng bút pháp thủy mặc, “điểm nhãn”, Nguyễn Du đã miêu tả thành công bức chân dung sống động, điển hình của nhân vật Mã Giám Sinh không còn ở trang thơ của đại thi hào mà đang hiện diện ở một nơi nhất định của cuộc đời thực. Bằng bút pháp đậm nét, nhân vật Thúy Kiều hiện lên với biết bao khổ nhục, đắng cay đồng thời Thúy Kiều cũng là điển hình của nhân vật người phụ nữ đẹp trong đau khổ.
Cùng với thiên tài ngôn ngữ và thiên tài khám phá, phân tích, miêu tả tâm lí con người trong mối quan hệ giữa tâmlí và hoàn cảnh sống của con người, qua trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều, chúng ta thấy rằng Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất của nghệ thuật tả người trong lịch sử tiểu thuyết bằng thơ.