Bài văn phân tích đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" số 1 - 10 Bài văn phân tích đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" của Nguyễn Đình Chiểu hay nhất
Lục Vân Tiên là tác phẩm thơ Nôm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu dựng lên bức tranh đối lập giữa những người "cương trực", "khẳng khái", "vị tha", "trọng nghĩa hiệp" như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga và những kẻ độc ác, đầy lòng đố kị, ghen ghét như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Qua đó, ông ...
Lục Vân Tiên là tác phẩm thơ Nôm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu dựng lên bức tranh đối lập giữa những người "cương trực", "khẳng khái", "vị tha", "trọng nghĩa hiệp" như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga và những kẻ độc ác, đầy lòng đố kị, ghen ghét như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Qua đó, ông bày tỏ quan niệm của mình về lẽ công bằng và cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác. Đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" đã thể hiện xuất sắc quan niệm ấy của nhà thơ.
Đoạn trích nằm ở phần thứ hai của truyện thơ. Trên đường về quê chịu tang mẹ, khóc nhiều nên Vân Tiên đã bị mù cả hai mắt, chàng và tiểu đồng bơ vơ nơi đất khách quê người. Đúng lúc này, Trịnh Hâm trên đường đi thi trở về gặp được hai người. Vì tâm địa xấu xa, ghen ghét, hắn đã không giúp bạn bè khi gặp hoạn nạn mà còn lập mưu hãm hại Vân Tiên.
Hắn lừa tiểu đồng vào rừng rồi trói lại, giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ đưa về nhà. Đợi lúc đêm xuống, hắn thực hiện tội ác của mình. Đoạn thơ thể hiện sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, đồng thời gián tiếp gửi gắm lòng tin của tác giả đối với những người lao động bình thường. Tám câu thơ đầu của đoạn trích miêu tả hành động tội ác của Trịnh Hâm:
Đêm khuya lặng lẽ như tờ,
Nghênh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.
Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời,
Cho người thức dậy lấy lời phui pha.
Trong thuyền ai nấy kêu la,
Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng.
Trong hoàn cảnh "đêm khuya lặng lẽ như tờ" - đêm hôm khuya khoắt, yên lặng không một tiếng động, người người còn đang say giấc nồng, Trịnh Hâm đã ra tay để hại Vân Tiên. Dường như đó là thời điểm thuận lợi để những kẻ xấu xa thực hiện tội ác của mình bởi chúng dễ dàng che giấu mọi hành vi tội lỗi.
Vì tính đố kị, ghen ghét tài năng của Vân Tiên và lo lắng cho con đường tiến thân của mình, Trịnh Hâm đã ra tay phân tán thầy trò và bất ngờ khiến "Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời". Không chỉ vậy, hắn còn vu khống "giả tiếng kêu trời" để mọi người thức dậy nghĩ rằng Vân Tiên tự mình bị ngã.
Có thể nói, đó là hành động vừa bất nhân, bất nghĩa, vừa độc ác và gian xảo. Đó là hành động bất nhân bởi hắn đang tâm ác lòng hại người khác trong khi người ấy đang rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn, không nơi nương tựa, bị mù hai mắt, bị lang băm lừa lấy hết tiền. Đó là hành động bất nghĩa bởi Vân Tiên từng là người bạn từng đàm đạo thơ văn, hứa hẹn đưa Vân Tiên về nhà.
Đó còn là hành động độc ác, gian xảo bởi cái ác đã ăn vào máu thịt, đẩy con người ta vào đau đớn còn sẵn sàng phủi tay khiến người khác hiểu lầm. Chỉ với tám dòng thơ, bộ mặt của một kẻ độc ác, bất nhân, bất nghĩa đã được tái hiện một cách chân thực và toàn diện nhất.
Đối lập với kẻ độc ác, ghen ghét đố kị người khác như Trịnh Hâm là những người thiện lành, có tấm lòng nhân hậu, hào hiệp như Ngư Ông và gia đình của ông. Trời vừa hửng sáng, thấy người gặp nạn, Ngư Ông đã nhanh nhẹn cứu ngay lên bờ và hối thúc gia đình mình tập trung cứu giúp:
"Hối con vầy lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày".
Mỗi người nhanh nhẹn, không ai bảo ai mà tìm mọi cách để cứu người. Họ cứu giúp không tính toán, không nề hà, trượng nghĩa và hào hiệp. Sau khi hỏi han biết tình cảnh của Vân Tiên, Ngư Ông còn sẵn lòng cưu mang chàng dù hoàn cảnh hết sức nghèo đói:
"Ngư rằng: Người ở cùng ta
Hôm nay hẩm hót với già cho vui."
Thậm chí, ông còn không hề tính toán đến ơn cứu mạng:
"Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn".
Qua đó, người đọc lại càng thêm cảm phục tấm lòng nhân ái, bao dung của Ngư Ông. Tấm lòng ấy hoàn toàn đối lập với mưu toan hãm hại người khác của những kẻ độc ác như Trịnh Hâm. Ngư Ông còn có một cuộc sống tự do, hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa mọi vòng quay danh lợi:
"Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.
Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng..."
Lời tâm sự của Ngư Ông về cuộc sống tự do không kiềm tỏa, tránh xa mọi danh lợi thị phi, tìm đến với thiên nhiên nay đây mai đó cũng chính là quan niệm, ước mơ của Nguyễn Đình Chiểu về một cuộc sống trong sạch thanh cao, giản dị mà vẫn không kém phần phóng khoáng. Những dòng thơ cuối lại càng nhấn mạnh cuộc sống thoải mái, phóng khoáng tự do cùng với thiên nhiên của Ngư Ông:
"Kinh luân đã sẵn trong tay
Thung dung dưới thế vui say trong trời
Thuyền nan một chiếc ở đời, .
Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang".
Có thể nói, qua nhân vật Ngư Ông, Nguyễn Đình Chiểu đã bộc lộ quan điểm nhân dân rất tiến bộ. Tác giả thể hiện niềm tin, khát vọng về cái thiện, về những con người lao động bình thường. Đó là những người đối lập với cái tráo trở, cái lừa lọc ganh ghét, cái đố kị, họ đối xử với đời hòa nhã và bao dung. Phải chăng đó cũng chính là vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu?
Đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" đã sử dụng cách sắp xếp các tình tiết hợp lí, lời thơ dung dị đời thường, xây dựng các hình ảnh đối lập. Qua đó, người đọc thấy được sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, giữa những người cao cả và những kẻ thấp hèn, đặc biệt cảm nhận được niềm tin mãnh liệt của nhà thơ dành cho vẻ đẹp của những người dân lao động bình dị.