Bài văn nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách số 10 - 10 Bài văn nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc đọc sách (lớp 9) hay nhất
Có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”. Quả thật đọc sách có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, kho tri thức quý báu của nhân loại đã được ...
Có ai đó đã từng nói rằng: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”. Quả thật đọc sách có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người.
Trải qua hàng nghìn năm phát triển, kho tri thức quý báu của nhân loại đã được lưu giữ trong “sách”. Kể từ khi con người sáng tạo ra chữ viết, trong quá trình học tập, lượng kiến thức cần ghi nhớ là quá tải so với bộ não của con người. Và sách để tạo ra để ghi chép lại toàn bộ những kiến thức vô tận trong đời sống, từ khoa học, nghệ thuật, văn hóa... Có rất nhiều những định nghĩa khác nhau về sách. Mỗi một người cũng đều có những cảm nhận riêng về sách. Nhưng có thể hiểu đơn giản nhất rằng sách chính là tri thức, là nơi con người có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi và rèn luyện bản thân mình. Hiện nay, có rất nhiều loại sách khác nhau: sách khoa học, sách giáo khoa, sách giải trí… Mỗi loại sách có một vai trò và chức năng khác nhau.
Tuy nhiên, những vai trò chung nhất của sách đối với đời sống nhân loại có thể kể đến như sau. Trước hết, sách cung cấp cho con người những tri thức khác nhau thuộc mọi lĩnh vực trong đời sống. Giống như một nhà văn từng nói: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. Sách có thể giúp người đọc vượt qua mọi không gian và thời gian, thậm chí là mọi ngôn ngữ. Khi đọc sách, chúng ta giống như đang được “xuyên không” từ quá khứ đến hiện tại và ngay cả tương lai nữa. Lạc vào thế giới của sách, con người sẽ đến với những chuyến hành trình bất tận, khám phá được nhiều điều mới mẻ và thú vị mà chỉ phải bỏ ra một số tiền rất nhỏ. Thật là kì diệu!
Sách giống như một người bạn vậy. Khi đọc được một quyển sách tốt, bạn không chỉ học hỏi được những kiến thức mà còn bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm. Đôi khi, những cuốn sách còn giúp chữa lành đi những vết thương mà bạn trải qua trong cuộc sống. Nhờ có sách, chúng ta cũng nhận ra những phần mà bản thân mình còn khiếm khuyết, để từ đó tự hoàn thiện chính mình trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại, những cuốn sách vô bổ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn người đọc. Không chỉ vậy, sách còn là nơi giúp con người giải trí sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng và mệt mỏi.
Nhiều cuốn sách đã trở thành những tác phẩm bất hủ của thời đại - nó chứa đựng những giá trị tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm về con người và thời đại khi đó. Chắc hẳn không có ai mà không biết đến bộ “Tấn trò đời” của nhà văn Balzac đã khắc họa hiện thực xã hội nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX một cách chân thực và sống động. Cuốn sách này được xem là “một trong những công trình bát ngát mênh mông nhất mà một con người dám đơn độc cấu tứ”. Đôi khi sách còn trở thành thứ vũ khí đắc lực phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Con rồng tre, Vi hành, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách Mệnh, Tuyên ngôn độc lập… đã trở thành vũ khí đắc lực cho cách mạng.
Vậy làm thế nào để đọc sách một cách có hiệu quả. Tôi từng đọc trong tác phẩm “Bàn về đọc sách”, Chu Quang Tiềm có viết: “Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Quả thật, khi đọc sách “đọc sách không cốt lấy nhiều”? Từ xa xưa cho đến nay, con người đã viết được rất nhiều cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Kho tri thức có được từ những cuốn sách ấy là vô hạn. Mà quỹ thời gian của mỗi người thì quá ngắn ngủi để có thể đọc hết toàn bộ được số sách khổng lồ đó. Những kiến thức mà chúng ta học được giống như một giọt nước giữa đại dương vô tận. Vậy nên, khi đọc sách, chúng ta không nên quá quan trọng việc mình đã đọc được bao nhiêu cuốn, đó là nhiều hay ít.
Vì việc đọc sách không phải là một cuộc chạy đua đuổi theo số lượng. Mà thứ cần thiết phải theo đuổi khi đọc sách cần lại là chất lượng: “ quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ”. Mỗi người đọc, khi lựa chọn một cuốn sách cần chú ý đến mục đích đọc sách (đọc sách để nghiên cứu lĩnh vực mình đang theo đuổi hay đọc để giải trí). Nội dung chính của cuốn sách đó cũng là một yếu tố quan trọng để chọn lựa. Khi đọc sách lại cần “đọc cho kĩ” tức là vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, vừa đọc vừa chiêm nghiệm để hiểu được cuốn sách đó một cách sâu sắc nhất. Đôi khi, những cuốn sách có dung lượng lớn khiến chúng ta quên ngay sau khi đọc. Vì vậy việc đọc sách kết hợp với ghi chép lại nội dung chính, những vấn đề liên quan đến cuốn sách đó theo một hệ thống cũng là một phương pháp hiệu quả.
Quả là như Marcus Tullius Cicero - một nhà lý luận chính trị La Mã từng nói: “Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim và hạt nhân của những thời đại đã qua, là lý do mà con người lao động và chết, là cốt lõi và tinh hoa của bao cuộc đời”.