Bài văn nghị luận xã hội về tính tự lập của giới trẻ ngày nay số 13 - 15 Bài văn nghị luận xã hội về tính tự lập của giới trẻ ngày nay lớp 9 hay nhất
Con người ta sinh ra vốn đã là một cá thể riêng biệt, vậy tại sao lại không thể tự đứng bằng đôi chân của mình mà lại muốn phụ thuộc vào người khác, tại sao không hình thành cho mình “tính tự lập”. Vậy “tự lập” là gì. “Tự lập” là một đức tính quan trọng, là hành động mà không dựa dẫm ...
Con người ta sinh ra vốn đã là một cá thể riêng biệt, vậy tại sao lại không thể tự đứng bằng đôi chân của mình mà lại muốn phụ thuộc vào người khác, tại sao không hình thành cho mình “tính tự lập”. Vậy “tự lập” là gì. “Tự lập” là một đức tính quan trọng, là hành động mà không dựa dẫm vào người khác, một cách sống tự quyết định, tự hành động, tự lựa chọn cho mình một con đường trong tương lai để đi. Học cách “tự lập” từ lâu đã là bài học sâu xa mà ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu:
“Có khó mới có miếng ăn
Không dưng ai dễ đem phần đến cho”
Khi ta còn nhỏ, mọi công việc từ nhỏ đến lớn luôn có bố mẹ làm thay hoặc giúp đỡ, ta mặc định cho rằng cha mẹ sẽ luôn ở phía sau chống đỡ khi ta gặp khó khăn. Thế nhưng, đến một ngày, ta sẽ trưởng thành, có những thử thách mà ta cần tự mình đối mặt, đây chính là lúc ta cần “tự lập”. “Tự lập” sẽ giúp chúng ta chủ động, mạnh mẽ đối diện với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống, ta sẽ có đủ tự tin, bình tĩnh để xử lý, khắc phục chúng một cách dễ dàng, hiệu quả nhất. “Tự lập” khiến ta dám bày tỏ những quan điểm ý kiến riêng , kiên trì phấn đấu bền bỉ theo đuổi ước mơ, lí tưởng, khát vọng mà mình đã đặt ra từ đó khẳng định giá trị của bản thân. Có lẽ vì vậy, mà những người có tính tự lập luôn nhận được sự ngưỡng mộ, yêu mến của những người xung quanh.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam chàng trai tài năng, niềm tự hào của Việt Nam bắt đầu cuộc sống tự lập ở Mĩ từ lúc 13 tuổi, luôn phấn đấu cô gắng không ngừng để đạt được những thành tích, bằng khen đáng khích lệ. Hay đôi khi chỉ đơn giản như việc ta cô gắng nghĩ cách giải của một bài toán khó, giúp đỡ cha mẹ những công việc vặt trong gia đình: quét nhà, chăm sóc em…Dù cho đó chỉ là những việc nhỏ nhặt nhưng đã bước đầu hình thành trong ta tính tự lập.
Thế nhưng, hiện nay, bên cạnh những cá nhân rèn luyện tính tự lập cho mình thì vẫn còn đó một bộ phận lười nhác, phụ thuộc vào người khác. Họ cho rằng cha mẹ chăm sóc con cái là lẽ đương nhiên nên cứ thế ỷ lại, không có tinh thần tự giác ngay cả đến việc nhỏ nhất là học tập, vệ sinh cá nhân cũng đợi nhắc nhở mới chịu làm. Có những cá nhân vừa thấy công việc khó khăn đã đùn đẩy sang cho người khác mà không chịu bỏ thời gian để độc lập tìm tòi, suy nghĩ giải quyết, biến mình thành một con ký sinh trùng đánh mất giá trị của bản thân…Đây là những việc làm cần phải phê phán, nhắc nhở.
Xã hội ngày một phát triển, để hòa nhập một cách dễ dàng mọi người cần tự hình thành trong mình “tính tự lập”, cố gắng tạo cho mình thế chủ động trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, sẽ có những vấn đề mà một mình ta không thể tự giải quyết, những lúc này ta nên nhờ tới sự giúp đỡ, hỗ trợ , không nên ép buộc mình, biến “ tính độc lập” thành sự cố chấp, biến mình thành một con người tách biệt với xã hội. “Tính tự lập” là một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn ta đến con đường thành công. Chính vì vậy, mỗi người cần có một nhận thức đúng đắn, rèn luyện cho mình tính độc lập từ nhỏ. Các bậc cha mẹ đừng bao bọc con cái quá, hãy tạo cơ hội để trẻ có thể được làm những điều mà chúng mong muốn.
“Tự lập” là một đức tính mà ai cũng cần có trong cuộc sống. Nó không chỉ giúp bản thân ta hoàn thiện mà còn giúp xã hội ngày một phát triển , văn minh hơn.