Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 4 - 10 Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công (lớp 12) hay nhất
Thật khó để nói chính xác khái niệm của thành công và càng khó hơn khi cố tìm hiểu như thế nào là thành công trong cuộc sống. Chúng ta đã nghe rất nhiều về từ “thành công”. Theo điểm nhìn khách quan thì “thành công” là lời tuyên bố vang dội về thành tích của con người – một đỉnh cao ...
Thật khó để nói chính xác khái niệm của thành công và càng khó hơn khi cố tìm hiểu như thế nào là thành công trong cuộc sống. Chúng ta đã nghe rất nhiều về từ “thành công”. Theo điểm nhìn khách quan thì “thành công” là lời tuyên bố vang dội về thành tích của con người – một đỉnh cao chiến thắng trong chuỗi hoạt động mang thành công cá nhân. Rõ ràng, một người được coi là thành công khi họ đạt được hoặc giành lấy được một giá trị nào đó trong cuộc sống. Nếu bạn muốn trở thành một trong số những người đạt được thành công thì trước tiên bạn phải hiểu được định nghĩa chính xác về “thành công” và những yếu tố giúp con người thành công.
Nói một cách đơn giản nhất, thành công có nghĩa là đạt được mục đích đã đề ra trong công việc hoặc trong cuộc sống bằng một chuỗi các hoạt động tương tác vào công việc và con người. Thành công là gặt hái được kết quả, mục đích như dự định; là thực hiện được mục tiêu, lí tưởng của mình, biến kế hoạch, dự định thành kết quả cụ thể có giá trị về vật chất hoặc tinh thần.
Người thành công là người đạt được thành tựu lớn lao trong công việc và cuộc sống của mình, đem lại động lực phát triển xã hội. Người-có-giá-trị, trong một ý nghĩa nào đó ta đã có thể gọi là người-thành-công; còn người được xem là thành công về địa vị hay tiền bạc, trong một xã hội có lương tri trung bình thì chưa chắc đã là một người có giá trị. Điều đó còn tùy thuộc vào cách họ đi đến thành công có lương thiện không, có phù hợp với lợi ích của cộng đồng hay không…
Ai cũng có nhu cầu làm việc thành công để khẳng định mình trong cuộc sống này. Dường như thành công là sự kiếm tìm mà hàng triệu người trên thế giới đều nỗ lực không ngừng để tìm kiếm! Đó không chỉ bởi để chứng minh năng lực của bản thân mà còn thỏa mãn khao khát chiến tháng vốn tự có trong mỗi con người. Lẽ tất nhiên là khi ta thành công, ta sẽ tự hào về những thành quả mình đã đạt được và đem lại một giá trị cho cuộc đời. Nhưng nếu ta thất bại, mọi vấn đề trở nên khó khăn hơn và khó đạt được niềm vui trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có nhiều người chạm đến đỉnh cao của thành công, tỏa sáng trong ánh hào quang rực rỡ nhưng cuộc sống của họ lại là những ngày dài của sự buồn thảm, cô đơn và không có tình yêu thương! Đơn giản vì họ không mang đến cho người bên cạnh những giá trị mà cuộc sống đề cao: hạnh phúc, tình yêu thương, sự nhẫn nại, khiêm nhường và lễ độ. Bởi vậy, giữa người thành công và người có giá trị là hai kiểu người có nhiều điểm khác biệt. Người thành công là người hoàn thành mục tiêu đề ra, đạt được những thành tích khiến người khác phải nể phục. Mục tiêu càng lớn thì thành công càng lớn. Trên con đường để đạt mục tiêu, cách làm của người thành công có thể giống hoặc không giống với cách của người có giá trị.
Cuộc sống không chỉ biết tìm kiếm vinh quang và hạnh phúc cho bản thân mà còn phải mang lại nhiều giá trị hữu ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Bill Gate không những đã tìm kiếm được mục tiêu và thành công trong cuộc đời mình mà còn để lại cho xã hội biết bao lợi ích về tri thức và tài sản. Albert Einstein trọn đời cống hiến cho học cũng chỉ vì sự tiến bộ của nhân loại. Những cống hiến của ông mãi mãi là một kì quan còn bản thân ông ngoài vinh quang không có một tài sản nào khác lớn lao.
Einstein nói như trên là vì ông muốn dẫn dắt nền văn minh nhân loại đi đúng hướng. Có lẽ ông cũng đã quá rõ tâm lí chung của con người là muốn hưởng thụ hơn hy sinh, ham thành công hơn giá trị và chạy theo cái bề ngoài hào nhoáng của cuộc sống hơn là biết thưởng thức một cách sâu sắc đời sống tinh thần.
Thành công luôn là khát vọng để con người tho đuổi. Người thành công luôn được yêu mến, kính trọng và tôn vinh không phải vì cái hào nhoáng bên ngoài mà vì đức hi sinh, lòng can đảm hay tính chuyên nghiệp trong công việc mà họ thể hiện hàng ngày. Hãy biết sống có giá trị trước khi muốn trở thành một người thành công. Nếu những việc bạn làm chỉ mang lại lợi ích cho bản thân trong một mối tương tác hạn hẹp, không mang lại lợi ích gì cho cuộc sống này thì đó chưa phải là sống thành công. Đó chỉ là hư danh, là cá nhân ích kỉ mà thôi.
Để trở thành người thành công trước hết phải là người có nhiều lương tri, nghĩa là biết lẽ phải. Mọi hành động phải vì con người, cho con người, vì công bằng xã hội và sự tiến bọ của nhân loại. Người có lương tri tạo ra xã hội có nhiều lương tri. Xã hội có nhiều lương tri thì mọi sự rạch ròi, đúng sai phân biệt, thang bậc đạo đức được bảo đảm. Nhiệm vụ này do nền giáo dục đảm trách. Chỉ có giáo dục đúng hướng mới đưa cả xã hội, cả đất nước tiến lên phía trước một cách vững chắc. Bởi thế, hãy lo lắng bồi dưỡng nhân cách và nghị lực của bản thân trước khi tìm kiếm một thành công nào đó mà bạn mong muốn.
Không phải ai cứ cố gắng làm việc là sẽ thành công. Thành công có được là nhờ ta nhận thức và nắm bắt rõ ràng các yếu tố giúp ta thành công và vận dụng nó một cách khoa học và hiệu quả. Yếu tố quan trọng khởi đầu đi đến thành công trong công việc đó là thời cơ. Thời cơ chính là hoàn cảnh thuận lợi (hoàn cảnh xã hội, gia đình và bè bạn giúp đỡ) đến với ta đúng lúc, kịp thời. Chớp lấy thời cơ để thành công là việc thường thấy của những người thành đạt.
Một minh chứng rõ ràng và hết sức thuyết phục từ trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. Đầu năm 1945, khi phát xít đầu hàng quân Đồng Minh, quân Pháp và Nhật ở Việt Nam lúng túng, chớp lấy thời cơ thuận lợi, lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động phong trào nổi dậy giành chính quyền trên toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền đã về tay nhân dân. Muốn thành công trong cuộc sống chỉ nhờ vào thời cơ và may mắn là chưa đủ. Cần phải có cơ sở vật chất ban đầu đủ vững mạnh để thực hiện các kế hoạch bằng các hành động cụ thể. Có thể thấy, chúng ta không thể thành công bằng đôi bàn tay trắng. Vật chất giúp ta có sức mạnh điều hành và thúc đẩy công việc tiến lên phía trước, đi đến thành công.
Có biết bao người đã gần đạt đến thành công nhưng cuối cùng phải chấp nhận thất bại chỉ vì yếu kém về vật chất, kinh tế. Chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện cuộc đời của Harland Sander, ông chủ món gà rán lừng danh Kentucky như một minh chứng đầy thuyết phục. Harland Sander có thể coi là người làm món gà rán ngon nhất nước Mỹ. Nhưng phải đến năm 65 tuổi, ông mới nhận ra điều đó. Một lí do để giải thích cho việc chậm trễ này là Harland Sander chưa bao giờ có nhiều tiền để nghĩ đến việc kinh doanh riêng. và khi có cơ hội nhìn nhận những thất bại trong cuộc đời mình ông mới sự tỉnh nhận ra cơ hội cuối cùng và chính nó đã làm thay đổi cuộc đời ông. Để thành công trong công việc và đời sống cũng cần có một trí tuệ vững mạnh, đủ sức nhìn ra cơ hội, thách thức và dũng cảm vượt qua để chiến thắng.
Trí tuệ có thể là sự hiểu biết sâu rộng, có tầm nhìn chiến lược; có khả năng phán đoán, suy luận về hiện thực và điều kiện chủ quan, khách quan để có kế hoạch phù hợp với khả năng; có kĩ năng làm việc, làm việc có phương pháp, biết hoạch định và triển khai kế hoạch, có khả năng tổ chức công việc, biết đúc rút kinh nghiệm để làm tốt và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Muốn sống thành công ta phải luôn hết lòng say mê với công việc và không bao giờ lãng quên mục tiêu phấn đấu của mình. Người thành công luôn là người tự tin, có bản lĩnh, quyết đoán, có ý chỉ quyết tâm cao để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn; dám mạo hiểm, dám thừa nhận sai lầm để nhanh chóng tìm ra cách khắc phục, luôn lạc quan tin tưởng ở tương lai.
Để thuyết phục người khác và tin tưởng hợp tác, bản than phải có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, thẳng thắn, trung thực, kiên trì, nhẫn nại, có tinh thần trách nhiệm cao mới tạo được niềm tin. Biết chia sẻ vinh quang với người khác, không bao giờ nhận hết thành tích về mình; có thái độ tích cực với cuộc sống, có kĩ năng giao tiếp tốt để nắm bắt cơ hội, để hợp tác chia sẻ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Biết dung người và tập hợp được chung quanh mình những người có năng lực và tinh thần trách nhiệm.
Thế nhưng, không phải ai cũng đạt được thành công. Nếu ta đang thất bại, hãy xem đó chỉ là một bước đệm nghỉ để ta tiến xa hơn, cao hơn trong công việc. Khi ta đang thất bại, đừng bao giờ đổ thừa cho số phận bởi không có thất bại nào là mãi mãi, chỉ có những người không muốn vươn lên thành công mà thôi. Bí quyết thành công là hãy biết làm chủ bản thân, làm chủ năng lực, không ngừng học hỏi và sáng tạo, hăng say làm việc, quyết tâm cao độ đạt lấy thành công.Hợp tác với mọi người, làm việc có cộng sự, chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu, cảm thông và ủng hộ trong công việc là nền tảng sức mạnh để thành công. bạn sẽ không thể một mình làm nên sự nghiệp lớn, điều đó chỉ có thể là kết quả của nhiều người cùng thực hiện bền bỉ trong một thời gian lâu dài.
Dù thế nào, muốn sống thành công ta phải luôn biết kết hợp các yếu tố, nhân tố cần thiết trong công việc và hành động. Tuy nhiên, như thế nào là sống thành công tùy thuộc vào nhận thức, khát vọng và mục đích hướng tới của mỗi con người.