Bài văn nghị luận về hiện tượng nói tục chửi thề trong giới trẻ hiện nay số 9 - 10 Bài văn nghị luận về hiện tượng nói tục chửi thề trong giới trẻ hiện nay (lớp 9) hay nhất
Nói tục chửi thề đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện đại. Không biết từ bao giờ, một nền “ văn hóa” có tên là “ văn hóa” nói tục chửi thề ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Nói tục chửi thề là dùng những từ ngữ thiếu văn minh, lịch sự, thậm chí có ...
Nói tục chửi thề đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện đại.
Không biết từ bao giờ, một nền “ văn hóa” có tên là “ văn hóa” nói tục chửi thề ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Nói tục chửi thề là dùng những từ ngữ thiếu văn minh, lịch sự, thậm chí có phần thô tục, tục tĩu để nói một đối tượng nào đó trong cuộc sống. Nói tục chửi thề ban đầu có lẽ chỉ là một cách để thể hiện cảm xúc của cá nhân người nói. Thường là trong trạng thái bực dọc, con người có xu hướng nói tục chửi thề như một cách để giải tỏa.
Không thể phủ nhận, nói tục chửi thề là một trong những cách giải tỏa bực bội có tác dụng và ngay tức thì. Tuy nhiên, hiện nay con người ngày càng nói tục chửi thề một cách thiếu văn hóa hơn. Người ta nói tục chửi thề ở đâu? Tất cả mọi nơi trên thế giới. Nơi nào có những người ý thức văn hóa cộng đồng không cao, ở đó có những câu nói tục chửi thề đầy thô thiển. Thứ nhất là bởi, có lẽ không một ngôn ngữ nào trên thế giới, không có những từ tục. Ta bắt gặp những lời nói vô văn hóa ấy trên đường, trong siêu thị, trong trường học, và thậm chí là ngay trong ngôi nhà của mình? Những lời nói tục chửi thề đó hướng đến ai? Tất cả mọi đối tượng. Những người xa lạ? Có. Những người quen đã lâu? Có. Người thân? Có. Những người bề dưới? Có. Những người bề trên? Câu trả lời vẫn là có. Con người hiện nay có xu hướng lạm dụng tác dụng giải tỏa sự bực tức của nói tục chửi thề và ngày càng sử dụng nó như một thư” ngôn ngữ chính thống”, một thứ “ ngôn ngữ chuẩn” của xã hội. Nói tục chửi thề đã trở thành một thói quen khó bỏ, ăn sâu vào ý thức cư xử của con người. Và ngày nay, thời đại của công nghệ 4.0, nói tục chửi thề ngày càng lan rộng, thông qua các trang mạng xã hội. Không ít lần ta bắt gặp những dòng trạng thái toàn những lời thô tục trên Facebook, Twister, Instagram,... Nói tục chửi thề ở khắp mọi nơi, trong thế giới thực, trong thế giới ảo, tạo nên một bộ mặt không mấy tốt đẹp cho xã hội.
Trước hết, nói tục chửi thề cũng như con dao hai lưỡi, nó có thể giúp cho người phát ngôn tức thời giải tỏa những bức xúc cá nhân nhưng sẽ tạo nên một ấn tượng không mấy tốt đẹp trong mắt người đối diện. Nói nhiều sẽ thành quen, nói tục chửi thề trở thành những câu cửa miệng đầy thô tục trong những cuộc hội thoại. Ngay cả khi không có yêu cầu được giải tỏa cảm xúc, con người cũng nói tục chửi thề, như thêm thắt một “ món gia vị” vào câu chuyện của mình. Điều đó không chóng thì chầy sẽ trở thành một việc làm gây hại đến chính bản thân người nói. Khi nói tục chửi thề trở thành những lời cửa miệng của anh, một lẽ tất yếu là ấn tượng của anh trong mắt người đối diện sẽ bị giảm sút rất nhiều. Có thể anh rất giỏi, anh rất tài nhưng lời nói đó của anh thể hiện anh là một kẻ thiếu văn hóa. Có ai còn tiếp tục muốn có một cuộc trò chuyện khác với một người ngay trong lần gặp đầu tiên đã có những lời nói thiếu mĩ miều? Có ai muốn kí một hợp đồng làm ăn với một tên giám đốc có những câu nói vô tình điểm thêm những ngôn từ thiếu văn minh, văn hóa? Giữ thói quen nói tục chửi thề lâu ngày sẽ trở thành một phản xạ ngôn ngữ không điều kiện. Ngay cả khi anh không có suy nghĩ về những lời nói thô tục ấy trong đầu, anh vẫn bất chợt thốt lên theo con đường mòn của não bộ. Quả đúng là “ cái miệng hại cái thân”.
Không chỉ thế, nói tục chửi thề còn gây tổn thương đến cho người nghe, đặc biệt là đối tượng hướng đến của nó. Con người không chỉ sử dụng ngôn ngữ nói tục chửi thề để giải tỏa những bực bội của bản thân mà trong nhiều trường hợp còn để lăng mạ, lăng nhục người khác. Người miền Trung có câu “ Lời nói, đọi máu”, một lời nói có mức độ sát thương rất lớn, nó có thể giết chết một con người nhưng cũng có thể cứu sống một tâm hồn. Nói tục chửi thề nằm trong vế thứ nhất. Chúng ta sẽ thấy như thế nào và phản ứng ra sao khi có người dùng những lời nói thiếu văn hóa và có phần tục tĩu để lăng mạ bản thân? Người hiền lành cam chịu thì sẽ lặng yên không nói, thay vào đó họ sẽ phải chịu đựng một bức bối nhất định. Người dễ nóng giận thì có thể sẽ ngay lập tức phản kháng lại, đôi khi sử dụng chính những lời tương tự để lăng mạ lại kẻ dối diện,… Một cuộc cãi vã sẽ nổ ra! Những hậu quả sau đó thật là những điều không ai muốn nghĩ tới.
Cuối cùng nhưng không phải là tất cả, nói tục chửi thề làm ảnh hưởng đến vốn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung đều có một vốn ngôn từ trong sáng và đẹp đẽ. Trong một bài viết ca ngợi sự giàu đẹp của Tiếng Việt, Đặng Thai Mai đã từng chỉ ra rằng “tiếng Việt qua các thời kì diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều”. Và trong một Nghiên cứu của đại học Oxford chỉ ra rằng: Chỉ 3000 từ tiếng Anh là đủ để giao tiếp suốt đời”. Vậy mà chúng ta vẫn phải mất công “sáng tạo” ra những lời nói chẳng mấy hay ho để sử dụng hàng ngày hay sao?