Bài văn nghị luận về câu "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" số 6 - 10 Bài văn nghị luận về câu "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" (lớp 9) hay nhất
Có câu nói “Yêu thương cho đi là nhận lại”, đọc truyện “Người ăn xin” của nhà văn người Nga Tuốc-ghê-nhép kể về ông lão hành khất và cậu bé tuy không cho nhau cái gì thuộc về lĩnh vực vật chất nhưng họ đều cảm thấy được đón nhận ở nhau một điều gì đó thật thiêng liêng, quý giá, ta ...
Có câu nói “Yêu thương cho đi là nhận lại”, đọc truyện “Người ăn xin” của nhà văn người Nga Tuốc-ghê-nhép kể về ông lão hành khất và cậu bé tuy không cho nhau cái gì thuộc về lĩnh vực vật chất nhưng họ đều cảm thấy được đón nhận ở nhau một điều gì đó thật thiêng liêng, quý giá, ta càng thấy thấm thía hơn về việc cho và nhận trong cuộc sống “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. “Cho” là đem những gì thuộc quyền sở hữu của mình chuyển sang cho quyền sở hữu của người khác, “nhận” là ngược lại, được nhận những gì thuộc quyền sở hữu của người khác thành của mình.
Câu nói muốn khuyên con người ta nên sống bác ái, nhân lành, làm việc thiện, nếu như trong khả năng mình làm được thì nên làm, rồi đến lúc ta gặp khó khăn hoạn nạn cũng được đền đáp, cứu giúp, nó cũng khuyên ta nên sống tốt bỏ đi những ích kỷ cá nhân, tầm thường để hướng mặt tốt của mình tới những gì đẹp hơn, có ý nghĩa. Khi ta giúp đỡ người khác , thì chính chúng ta cũng hạnh phúc bởi cảm giác mình đang làm việc có ý nghĩa, có ích cho xã hội, cho con người.
Ta nhận thấy, trong cuộc sống người ta đâu chỉ cho và nhận những gì thuộc về vật chất mà nhiều khi lại là những tình cảm và tấm lòng chân thành chẳng hạn như một lời nói yêu thương, một ánh mắt động viên, khích lệ, một cử chỉ âu yếm. Những hành động dường như chỉ củng cố tinh thần này lại như một cơn gió mát làm dịu đi cái nắng hè oi ả, dù chỉ trao đi tình thương, sự quan tâm nhưng ta có thể khiến cho bao người được vơi đi nỗi bất hạnh trong cuộc sống. Những chú hề đem lại tiếng cười đùa cho mọi người, nhận lại sự cổ vũ, những cái vỗ ta nhiệt tình, những nụ cười giòn tan đó chính là phần thưởng lớn nhất.
Không chỉ thế, câu chuyện cũng giúp ta nhận nhận thấy cách cho và cách nhận cũng là một nghệ thuật. “Cho” thế nào để người nhận cảm thấy thoải mái, vui vẻ bởi “của cho không bằng cách cho” và nhận thế nào để người cho không cảm thấy chạnh lòng, hối tiếc, nuối tiếc. Nghệ thuật ở việc “cho”, “nhận” ở đây như là một sự rèn luyện cách sống và ứng xử cho phù hợp, vẹn cả đôi đường, giúp cho cả mình và người khác thấy thoải mái, không khách sáo, giúp rút ngắn lại khoảng cách giữa người với người. Vốn là thế, nhưng ta cũng cần phê phán một số kẻ trong xã hội có đầu óc thực dụng đã mượn vật chất để chuộc lợi cho cá nhân, lợi dụng ý tốt của chữ “cho” để thêm cơ hội làm việc xấu. Đó chính là biểu hiện của hối lộ, đút lót, vấn đề “nóng” càng ngày gây tranh cãi trong dư luận, rồi cả những kẻ tham lam, loá mắt trước những vật chất ấy mà sẵn sàng quên đi công lí, lẽ phải, tình người.
Bên cạnh đó, lại có những kẻ khác lợi dụng lòng tốt của người khác chỉ biết đón nhận mà không biết cho đi, như một tên cướp giữa ban ngày. Thông điệp được nhắn gửi đến ta còn là dù cho đi hay nhận lại cũng nên xuất phát từ sự chân thành, đồng cảm, sẻ chia chứ không phải cho đi là để ban ơn, bố thí hay có thêm danh tiếng. Cứ cho đi và nhận lại thì không ổn, ta phải luôn nâng cao sự hiểu biết để giúp cho văn hoá giao tiếp này phù hợp hơn, đúng cách.
Có người đã nói rằng: “Cho đi chính là nhận lại, nhận lại để cho đi, cuộc sống là một vòng tuần hoàn của cho và nhận”. Mỗi người, hãy là ngọn gió tiếp tục đưa vòng quay này xoay và lan toả đến mọi người khác.