Bài văn nghị luận về câu "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" số 5 - 10 Bài văn nghị luận về câu "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình" (lớp 9) hay nhất
Lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng một thời đi vào lòng người thật nhẹ nhàng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi”… Trăn trở về sự sống, nhà thơ Tố Hữu cũng từng tâm niệm: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. “Sống” ở đây, ...
Lời hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng một thời đi vào lòng người thật nhẹ nhàng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi”… Trăn trở về sự sống, nhà thơ Tố Hữu cũng từng tâm niệm: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
“Sống” ở đây, vấn đề mà các nghệ sĩ tâm niệm, ta phải hiểu là vấn đề sự sống chứ không phải là trạng thái tồn tại đơn thuần. Và trả lời cho câu hỏi “Sống là gì?” chính là đi tìm nghệ thuật sống và chân lý sống. Đối với Tố Hữu, đó là mối quan hệ giữa “cho” và “nhận”. Đó là hai phạm trù hoàn toàn trái ngược nhau, trong khi “cho” là hành động hướng ra bên ngoài thì “nhận” là một sự thu vén về mình. Hai phạm trù trái ngược nhưng lại được đặt trong sự tồn tại song song theo quan điểm của Tố Hữu: Sống là sự kết hợp hài hòa của nhận lại và cho đi.
Thuở khởi sinh ra con người, tất cả mọi thứ đều là đơn giản, thậm chí thô sơ. Nhưng theo thời gian, nhờ sự “nhận” từ nhiều nguồn xung quanh, từ tự nhiên đến xã hội mà con người ngày một phát triển. Ai đó đã nói rằng”Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được” là vì thế. Sự “nhận” trong đời dường như đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, đồng thời cũng là một yêu cầu tất nhiên trong một xã hội đang ngày càng hiện đại và biến đổi không ngừng. Ai cũng hạnh phúc khi được đón nhận một tình yêu thương, một cái ôm ấm áp hay một món quà nho nhỏ ngày sinh nhật… nhưng có mấy ai ý thức được việc tiếp nhận một cái mới đang là trách nhiệm của một công dân hiện đại? Tiếp nhận không ngừng để không bị thụt lùi, lạc hậu, để bắt kịp thời đại, để tự làm đầy chính mình…
Song, quy luật của cuộc đời là đã nhận được thì phải cho đi. Xét về mặt triết học thì mọi thứ trong đời phải luôn được cân bằng bởi những phạm trù trái ngược, tương tự như âm – dương thì nhận lại và cho đi luôn phải hài hòa. Người ta có câu “Không có bữa cơm nào miễn phí trên đời”, tức là bạn đã nhận của người ta cái gì, ắt phải cho đi một cái gì đó cân xứng, nghe có vẻ như một cuộc đổi chác buôn bán lạnh lùng nhưng đó lại là sự thật! Nhưng nếu nhìn ở một góc độ nào khác, như ai đó đã nói “Trái tim giàu lên nhờ cái nó cho đi”, thì sự “cho” không còn là một sự trả giá sòng phẳng trên chiến trường kinh doanh nữa mà là sự tương đối của tâm hồn.
Khi đem cho đi tình yêu thương, sự sẻ chia đồng cảm, không chỉ đem lại niềm hạnh phúc cho người khác mà còn đem lại niềm vui cho chính mình. Khi đem lại nụ cười cho người khác, chính bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, vì “khi ta tặng bạn hoa hồng, trên tay ta còn vương mãi mùi hương”. Cuộc sống vốn lắm chông gai nhưng nếu con người biết trao cho nhau những giúp đỡ, sẻ chia thì sẽ có thể cùng nhau vượt qua những thử thách ấy một cách dễ dàng. Chỉ một hành động hiến máu cũng có thể cứu sống một con người. Chỉ một lời an ủi động viên cũng cứu vớt được một tâm hồn đang đau khổ.
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” chính là để tránh sa vào sự ích kỉ trong đời, để thấy cho đi cũng là một niềm vui thật lớn, một niềm hăng hái và nhiệt huyết cống hiến cho đời, như loài ong cho mật, loài hoa cho hương, loài người cho yêu thương thắm thiết…