Bài văn chứng minh câu tục ngữ "Học ăn, học nói, học gói, học mở" số 5 - 14 Bài văn chứng minh câu tục ngữ "Học ăn, học nói, học gói, học mở" (lớp 7) hay nhất
Từ xa xưa, ông cha ta đã coi trọng việc ăn nói trong đời sống hằng ngày. Bởi thế, trong nhiều câu ca dao tục ngữ đã khẳng định: lời nói gói vàng. Bằng kinh nghiệm sống của mình, người xưa đã đúc kết được câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở để khuyên bảo chúng ta học hỏi để sống sao ...
Từ xa xưa, ông cha ta đã coi trọng việc ăn nói trong đời sống hằng ngày. Bởi thế, trong nhiều câu ca dao tục ngữ đã khẳng định: lời nói gói vàng. Bằng kinh nghiệm sống của mình, người xưa đã đúc kết được câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở để khuyên bảo chúng ta học hỏi để sống sao cho lịch sự, tế nhị, biết cách đối nhân xử thế, thành thạo các việc.
Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà con người phải học. Việc ăn tưởng chừng như là việc dễ dàng nhất rồi, nhưng không, nó lại là cái mà con người nên học đầu tiên. Học cách ăn làm sao thể hiện được mình là người có văn hóa, có học thức. Ăn làm sao để phần “người” át đi phần “con” tồn tại trong mỗi chúng ta. Ăn không chỉ là một hành động để sinh tồn, mà nó còn là một khía cạnh giúp đối phương đánh giá được phẩm chất con người của ta. Bởi thế, ăn làm sao để mọi người không dị nghị, biết được mình là con người lịch sự.
“Học nói” cũng vô cùng quan trọng. Khi ta mới bắt đầu bi bô những chữ đầu tiên trong đời, bố mẹ ta đã dạy ta những từ hay, ý đẹp. Nhưng khi lớn lên rồi, ta chủ động được lời nói của mình, thì việc dùng từ sao cho lọt tai mọi người lại là vấn đề khác. Con đường nhanh nhất để gây được thiện cảm với người khác là lời ăn tiếng nói. Muốn đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp, trước hết bản thân ta phải biết ta đang muốn nói gì, và dùng từ ngữ như thế nào để biểu đạt được nó. Muốn làm được điều đó, trước hết mỗi người phải có được vốn kiến thức đủ rộng, có vốn từ phong phú và phải biết sử dụng chúng hợp lý. Khi giao tiếp, cần phải biết được điều gì nên nói, điều gì không, luôn cân nhắc thận trọng trước khi nói chứ không nên bộp chộp, vội vàng.
Học ăn học nói được hiểu là học để biết cách ăn, biết cách nói thế nào cho lịch sự, cho văn minh, chúng ta ai cũng hiểu điều đó. Nhưng còn học gói học mở? Nó có liên quan gì đến lối sống, cách sống? Theo các cụ thời xưa, ở Hà Nội trước đây các gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén nhỏ để bày lên mâm. Lá chuối tươi thường giòn, dễ rách nên dễ bật tung khi mở. Phải thật khéo tay mới gói và mở được. Vì vậy biết gói và mở trong trường hợp này được coi là tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Và để biết gói nước chấm, biết mở chúng thì ai cũng cần phải học.
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, thì cách giao tiếp là một vũ khí quan trong trong mọi việc. Hàng hóa tốt, cửa hàng đẹp, những người bán lịch sự, niềm nở, đon đả thì mới có nhiều khách lui tới. Bởi thế, giao tiếp có một sức mạnh vô hình. Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, trước hết chúng ta cần phải rèn giũa bản thân, không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết thì mới nắm vững được thành công.
Câu tục ngữ là một lời nhắc nhở kín đáo, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn để tiến tới làm việc, học tập thật tốt trong môi trường hiện đại.