31/03/2021, 15:34

Bài tham khảo số 5 - 7 Bài văn Cảm nhận về kết thúc của truyện Cô bé bán diêm (Ngữ văn 8) hay nhất

Có những câu chuyện, đọc xong chúng ta dường như không còn ấn tượng gì về nó. Thế nhưng, có những câu chuyện, gấp sách lại, nhưng nó vẫn luôn làm cho chúng ta suy nghĩ, day dứt và cảm thấy muốn làm một điều gì đó. Truyện ngắn “Cô bé bán diêm” là một trong những câu chuyện như vậy. ...

Có những câu chuyện, đọc xong chúng ta dường như không còn ấn tượng gì về nó. Thế nhưng, có những câu chuyện, gấp sách lại, nhưng nó vẫn luôn làm cho chúng ta suy nghĩ, day dứt và cảm thấy muốn làm một điều gì đó. Truyện ngắn “Cô bé bán diêm” là một trong những câu chuyện như vậy. Chính vì cái kết mở của truyện, làm cho người đọc luôn cảm thấy thương cảm cho số phận của em bé bán diêm.


An-đéc-xen là nhà văn của “Mọi thời, mọi người và mọi nhà” với loại truyện kể cho trẻ em. Các truyện của ông nhẹ nhàng tươi mát toát lên lòng thương yêu con người nhất là những người nghèo khổ và niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng của cái tốt đẹp trên thế gian. Người ta gọi ông là người viết chuyện cổ tích hiện đại cho trẻ em.

Truyện “Cô bé bán diêm” được viết 1845 khi ông đã có trên hai mươi năm cầm bút, tên tuổi lừng danh. Nó thuộc loại truyện vừa thực vừa ảo, vừa mang màu sắc cổ tích, thần kỳ đậm đà chất trữ tình, gợi lên một tình thương, một vẻ đẹp nhân văn sáng giá.


Có người cho rằng, truyện chỉ nên kết thúc ở đoạn em bé và bà bay về chầu thượng đế, không còn đói rét hoặc đau buồn đe dọa em bé nữa. Thế nhưng nhà văn người Đan Mạch đã không để truyện kết thúc ở đó. Truyện kết thúc với hình ảnh em bé bán diêm chết trong giá rét với “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Với tấm lòng nhân ái của nhà văn, thì đoạn kết truyện được coi là rất cần thiết. Nếu kết thúc ở câu “Họ đã về chầu thượng đế” thì ý nghĩa của truyện sẽ bị giảm đi. Em bé bán diêm mặc dù chết trong giá rét, nhưng nhà văn đã miêu tả em rất đẹp, hơn thế nữa em còn cười với nụ cười mãn nguyện. Cái chết của em là bi, nhưng hình ảnh em trong cái chết đã làm giảm đi cái bi của truyện. Với hình ảnh này đã tạo cho người đọc nhiều liên tưởng sâu xa. Có lẽ, khi chết đi, khi lên thiên đường, em bé đã được gặp bà, đã được sống trong tình yêu thương và sự đùm bọc của bà. Em đã không còn phải chịu cảnh đói rét, cảnh bị bố đánh đập như ở trên trần gian nữa. Như vậy, Đoạn kết truyện còn cho thấy cái nhìn đầy cảm thông cùng tấm lòng nhân hậu và lãng mạn của tác giả viết lại câu chuyện thương tâm này khiến người đọc bớt đi cảm giác bi thương để đưa tiễn cô bé lên trời với niềm vui, hy vọng chợt bùng, lóe sáng sau những lần đánh diêm.


Nếu như kết thúc ở đoạn văn hai bà cháu bay lên trời, người đọc không thấy được sự đối lập giữa một bên là hình ảnh cô bé bán diêm ngây thơ, hồn nhiên đẹp đẽ như tiên đồng ngọc nữ với một bên gió lạnh của ngày đầu năm. Và người đọc cũng không thấy được sự đối lập giữa một bên là thái độ lạnh lùng thờ ơ của mọi người khi chứng kiến cảnh thương tâm này. Cô bé rất cô đơn, mồ côi, bố nghiệt ngã, vô tình còn người dân thì thờ ơ, lạnh lẽo với số phận cô bé: “Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm; trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”…”. Trong buổi sáng ngày đầu năm đấy, người ta tấp nập đi qua em bé bán diêm mà không ai cảm thấy thương cảm cho số phận của cô bé. Họ lạnh lùng, thờ ơ. Đó là một xã hội thiếu tình thương, ngay cả đối với một em bé bất hạnh như cô bé bán diêm, họ cũng không dành cho em một chút thương cảm nào. Chi tiết này đã thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của An-đéc-xen. Nhà văn lên tiếng phê phán hiện thực xã hội vô cùng nghiệt ngã, giả dối, lạnh lùng lúc bấy giờ.


Cái hay của đoạn kết không chỉ là người đọc được chứng kiến cả xã hội Đan Mạch đương thời tàn nhẫn thiếu tình thương từ đó lên án, mà còn cho thấy tấm lòng nhân ái của nhà văn: “… nhưng chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”. Nhà văn đã cho em bé được nhìn thấy những cảnh huy hoàng, những niềm vui đầu năm mà lúc còn sống em bé không được hưởng. Có thể nói rằng, đoạn kết truyện chứa chan tấm lòng nhân đạo và tình yêu thương của An-đéc-xen dành cho số phận của những cô bé nghèo khổ như em bé bán diêm.


Kết thúc truyện “Cô bé bán diêm” thật đẹp, thật hay và ý nghĩa. Cũng là kết thúc, nhưng nếu như ở “Lão Hạc” của Nam Cao, truyện kết thúc với cái chết đau đớn và bi thương của lão Hạc thì ở truyện này, nhà văn đã mở ra cho người đọc nhiều liên tưởng, nhiều suy nghĩ mới. Có thể nói rằng, truyện có kết thúc mở, vừa có hậu vừa không có hậu và đầy ý nghĩa nhân văn.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

0