31/03/2021, 14:48

Bài soạn "Xa ngắm thác núi Lư" số 4 - 6 Bài soạn "Xa ngắm thác núi Lư" của Lí Bạch lớp 7 hay nhất

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM Tác giả: Lý Bạch ( 701- 762) tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ quê ở Cam Túc, là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được mệnh danh là tiên thơ. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn tự do phóng khoáng, hình ảnh thơ tươi sáng kì ngôn ngữ tự nhiên điêu luyện. ...

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Tác giả: Lý Bạch ( 701- 762) tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ quê ở Cam Túc, là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được mệnh danh là tiên thơ. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn tự do phóng khoáng, hình ảnh thơ tươi sáng kì ngôn ngữ tự nhiên điêu luyện.
Thơ ông thường viết về chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu, tình bạn.
Tác phẩm: Bài thơ miêu tả vẻ đẹp dộng, tráng lệ, huyền ảo, hùng vĩ của thác nước Hương Lô, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên đầm thắm và tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả.
Xa ngắm thác núi Lư được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Đây là một trong những bài thơ hay tiêu biểu cho đề tài thiên nhiên của Lí Bạch.


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: (Trang 111 - SGK Ngữ văn 7) Căn cứ vào đầu đề bài thơ và câu thứ hai, xác định vị trí ngắm thác nước của tác giả. Vị trí đó có lợi thế như thế nào trong việc phát hiện những đặc điểm của thác nước?

Bài làm:
Vị trí đứng ngắm thác nước của tác giả: Căn cứ vào tiêu đề bài thơ có chữ vọng: trông từ xa và câu thơ thứ hai có chữ dao: “dao khan” và “vọng Lư sơn bộc bố”: xa ngắm thác núi Lư. Như vậy, vị trí đứng ngắm thác nước của tác giả phải từ ở xa nhìn lại
Với thế đứng của mình, tác giả sẽ nhìn thấy toàn bộ vẻ đẹp của cảnh, thấy được sự hùng vĩ của thác nước.


Câu 2: (Trang 111 - SGK Ngữ văn 7) Câu thứ nhất tả cái gì và tả như thế nào? Hình ảnh được miêu tả trong câu này đã tạo nền cho việc miêu tả ở ba câu sau như thế nào?
Bài làm:
Câu thứ nhất tả vẻ đẹp của mặt trời chiếu trên đỉnh núi Hương Lô: dưới những tia nắng của mặt trời và làn hơi nước phản quang. Thác nước bắn tung bọt, hơi nước tỏa ra như sương khói, mặt trời phản quang ánh sáng sinh ra những khói tía huyền ảo. Nhìn từ xa, đỉnh Hương Lô giông như một lư hương khổng lồ. Với động từ “sinh”, ánh sáng đó xuất hiện giống như chủ thể làm cho sự vật như được sinh sôi và trở nên sống động.
Câu thơ đầu tả núi Hương Lô có tác dụng làm phông nền cho hình ảnh của thác nước được miêu tả cụ thể ở ba câu tiếp theo, tôn lên vẻ đẹp hoành tráng của thác nước.


Câu 3: (Trang 111 - SGK Ngữ văn 7) Nêu những vẻ đẹp khác nhau của thác nước đã được Lí Bạch phát hiện và miêu tả trong ba câu thơ tiếp.
Bài làm:
Những vẻ đẹp khác nhau của thác được Lí Bạch phát hiện và miêu tả :
Trong câu thứ hai: hình ảnh trung tâm của bức tranh là thác nước đã hiện lên ngay trước mắt chúng ta qua việc dùng từ “quải” rất thành công của tác giả: từ “quải” (treo) đã biến cái động thành tĩnh, vì đứng từ xa ngắm nên nhìn thác nước giống như một dải lụa trắng được treo giữa vách núi và dòng sông phía trước. Từ “quải” đã mang lại giá trị thẩm mĩ cao cho bài thơ, giúp cho hình tượng thác nước trở nên sống động và hùng vĩ.
Trong câu thứ ba: Tác giả đã miêu tả dòng thác chảy từ trên cao xuống “ ba nghìn thước” trong trạng thái động ở các phương diện:
Tốc độ dòng chảy: “phi” (bay) nhanh khủng khiếp
Độ dốc của thác: “trực há” đổ thẳng xuống thành đường thẳng đứng vuông góc với dòng sông
Độ cao: cao vời vợi tới ba nghìn thước
Câu thơ như mở ra một không gian ba chiều rộng lớn, một khung cảnh hùng vì và tráng lệ.
Trong câu thứ tư: Tác giả thật hay so sánh hết sức là độc đáo. Dòng thác như dải Ngân Hà tuột khỏi chín tầng mây. Sự so sánh đó làm cho thác nước không chỉ kì vĩ mà rất đẹp và huyền ảo.


Câu 4: (Trang 111 - SGK Ngữ văn 7) Qua đặc điểm cảnh vật được miêu tả, ta có thể thấy những nét gì trong tâm hồn và tính cách nhà thơ?
Bài làm:
Lí Bạch được mệnh danh là “thi tiên”, với tâm hồn phóng khoáng, thích ngao du sơn thủy, nhà thơ đã đi qua nhiều cảnh đẹp hùng vĩ. Vì vậy, có thể nói, thi sĩ là người có tâm hồn say đắm, tha thiết với vẻ đẹp của thiên nhiên. Đồng thời, có thể khẳng định năng lực, sự tài tình trong sáng tác thơ ca độc đáo của nhà thơ.


Câu 5: (Trang 111 - SGK Ngữ văn 7) Về hai cách hiểu câu thứ hai (cách hiểu ở bản dịch nghĩa và cách hiếu trong chú thích) em thích cách hiểu nào hơn? Vì sao?
Bài làm:
bản dịch ở phần chú thích “Đứng xa trông dòng thác giống như một dòng sông treo trước mặt” và bản dịch ở phần dịch nghĩa “Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước” là hai cách hiểu của người dịch về câu thơ của Lí Bạch. Tuy nhiên, câu thơ dịch ở phần chú thích cho ta thấy rõ hơn bức tranh thiên nhiên kì vĩ. Dòng thác như dòng suối treo giữa không trung, tạo ra cách nhìn mới lạ và vô cùng độc đáo.


Phần tham khảo mở rộng
Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em trước vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ

Bài làm:
Lí Bạch được mệnh danh là thi tiên, là cây đại thụ của nền văn học cổ điển Trung Hoa. Những vần thơ của ông khoáng đạt, bay bổng, lãng mạn. Dưới ngòi bút tuyệt sắc của mình, thác núi Lư hiện lên là bức tranh thiên nhiên vô cùng tuyệt mĩ.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Chỉ bằng vài nét vẽ, núi Hương Lô hiện lên vô cùng kì vĩ:
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
(Nắng rọi Hương Lô khói tía bay)
Ngọn núi Hương Lô nằm ở phía tây bắc của dãy Lư Sơn, là một ngọn núi cao giữa vùng núi non trùng điệp. Khi đứng từ xa quan sát trông núi giống như chiếc lư hương hùng vĩ. Ánh nắng mặt trời rực rỡ, chiếu rọi vào Hương Lô như sinh ra là khói tía huyền ảo. Nhìn từ xa như chiếc lư hương khổng lồ đang tỏa làn khói mờ ảo giữa không gian rộng lớn. Đó chính là sự khúc xạ ánh sáng, đỉnh núi cao được thắp lên luồng sáng với nhiều ánh sáng rực rỡ khác nhau, vô cùng lỗng lộng và kì ảo. Hơi nước bay lên đã phản quang lại ánh sáng mặt trời, chuyển thành màu tím huyền ảo. Câu thơ đã gợi ra một bức tranh với nhiều màu sắc: màu vàng của ánh nắng, màu xanh của núi rừng, màu tím của sương khói. Vừa thực mà vừa ảo, phải có sự quan sát tinh tế thì Lí Bạch mới họa lên dc bức tranh hùng vĩ và lãng mạn đến vậy!

Ba câu thơ tiếp theo, nhà thơ miêu tả đến ngọn thác trên núi Lư:
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Tác giả đã lựa chọn một vị trí đứng từ xa để bao quát toàn cảnh, để thấy được hết sự hùng vĩ của ngon thác. Câu thơ” Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” là một phát hiện sáng tạo của Lí Bạch. Đứng xa trông ngọn thác giống như một dòng sông treo trước mặt. Từ đỉnh núi cao, dòng thác như như một dòng sông mềm mại, như chiếc khăn lụa của người thiếu nữ mà ai vô tình treo trên ngọn núi. Bên cạnh sự hùng vĩ của ngọn núi là nét mềm mại, duyên dáng của dòng thác, điểm tô và làm nổi bật vẻ đẹp của núi rừng.

Câu thơ thứ ba đã chuyển bức tranh từ tĩnh sang động với sự xuất hiện âm thanh của thác nước. Nước từ trên đỉnh núi cáo đổ xuống từ ba ngàn thước, ta cảm nhận được sự dữ dội của dòng thác như đang đổ thẳng và tung bọt nước trắng xóa từ vách núi dựng đứng. Và đứng trước bức tranh tuyệt mĩ ấy, tác giả đã có sự liên tưởng kì lạ và vô cùng lãng mạn:

Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Dòng thác ấy khiến tác giả ngỡ như dải Ngân Hà rơi từ chín tầng mây, như dải lụa đào trắng tinh khôi lạc xuống nhân gian. Dòng sông Ngân Hà vốn nằm theo chiều ngang vắt qua bầu trời, còn dòng thác lại đổ theo chiều thẳng đứng. Chữ “lạc” được dùng rất đắt, như biểu thị sự mơ mộng của dải Ngân Hà vì say đắm trước cảnh đẹp trần gian mà lạc vào chốn này. Sự so sánh của Lí Bạch đã khiến cho dòng thác thêm nét huyền ảo, lung linh bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, làm say đắm lòng người. Ngắm dòng thác trên núi Hương Lô, ta như ngỡ lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh

Bằng ngòi bút điêu luyện và khả năng quan sát tinh tế, thi nhân đã cho người đọc những hình dung về sự kĩ vĩ, thơ mộng của thiên nhiên. Bức tranh ấy làm ta say đắm trước cảnh đẹp tuyệt mĩ của thiên nhiên và cảm phục tấm lòng, tài năng của thi tiên Lí Bạch.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

0