Bài soạn "Tôi và chúng ta" số 3 - 6 Bài soạn "Tôi và chúng ta" của Lưu Quang Vũ lớp 9 hay nhất
Kiến thức cơ bản 1. Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) vừa là nhà thơ vừa là nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta. Ông từng là bộ đội thời kháng chiến chống Mĩ. Ngòi bút kịch Lưu Quang Vũ rất nhạy bén, sắc sảo. Các tác phẩm của ông luôn đề cập đến những vấn đề có tính thời sự nóng hổi ...
Kiến thức cơ bản
1. Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) vừa là nhà thơ vừa là nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta. Ông từng là bộ đội thời kháng chiến chống Mĩ. Ngòi bút kịch Lưu Quang Vũ rất nhạy bén, sắc sảo. Các tác phẩm của ông luôn đề cập đến những vấn đề có tính thời sự nóng hổi trong cuộc sống đương thời, đáp ứng được những đòi hỏi của đông đảo người xem trong thời kì xã hội đang có những biến chuyển mạnh mẽ. Năm 2000, Lưu Quang Vũ được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
2. Mâu thuẫn trong Tôi và chúng ta không diễn ra quyết liệt, ở thế một mất một còn như mâu thuẫn giữa ta và địch trong các tác phẩm văn học kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đó là cuộc đấu tranh âm thầm nhưng dai dẳng và không kém phần gay gắt giữa cái mới (những tư tưởng tiến bộ, cách mạng) và cái cũ, vốn chủ yếu dựa vào quy chế, quy định lỗi thời, bảo thủ nhưng khá kiên cố. Lúc ban đầu, cái mới thường yếu hơn, thậm chí có khi bị cái cũ lấn át nhưng dần dần, cái mới sẽ mạnh lên và chiến thắng..
Trong đoạn trích này, tư tưởng tiến bộ do Giám đốc Hoàng Việt đề xướng chưa trở thành hiện thực nhưng với cơ sở thực tế, hệ thống lí luận chặt chẽ, lại được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân, có thể thấy rằng những tư tưởng ấy chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho công nhân, đưa nhà máy phát triển theo một chiều hướng mới.
Đọc - Hiểu văn bản
Câu 1 - Trang 180 SGK
Đọc kĩ các chú thích để hiểu nội dung, chủ đề vở kịch, hiểu vị trí của các nhân vật.
Trả lời
- Vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa tư tưởng đổi mới, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm và tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, trì trệ.
- Vở kịch đặt ra những vấn đề quan trọng:
• Không thể cứ khư khư giữ lấy các nguyên tắc, cơ chế đã trở thành cứng đờ, lạc hậu mà phải mạnh dạn thay đổi phương thức tổ chức, quản lý để thúc đẩy sản xuất phát triển; đừng chạy theo chủ nghĩa hình thức mà cần coi trọng hiệu quả thiết thực của công việc.
• Không có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung. Cái chúng ta được tạo thành từ những cái tôi cụ thể. Vì thế, cần quan tâm một cách thiết thực đến cuộc sống, quyền lợi của mỗi cá nhân.
Câu 2 - Trang 180 SGK
Từ phần chú thích và đoạn trích này em hiểu mâu thuẫn cơ bản mà vở kịch Tôi và chúng ta thể hiện là gì? Ý nghĩa của nó đối với thực tiễn phát triển của xã hội ta thời kì ấy như thế nào?
Trả lời
- Tình trạng ngưng trệ sản xuất của xí nghiệp đã đến lúc phải giải quyết bằng những quyết định táo bạo. Sau quá trình tìm hiểu và củng cố lại xí nghiệp, quyền Giám đốc Hoàng Việt quyết định công bố kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới. Những công bố của Hoàng Việt liên tiếp gây bất ngờ với nhiều người và bị Phó giám đốc Nguyễn Chính phản ứng gay gắt.
- Tình huống kịch càng lúc càng căng thẳng:
+ Phản ứng của trưởng phòng Tổ chức lao động, trưởng phòng Tài vụ về biên chế, quỹ lương.
+ Phản ứng của quản đốc phân xưởng Trương về hiệu quả tổ chức, quản lí.
+ Phản ứng ngày một gay gắt của Phó giám đốc Nguyễn Chính dựa vào cấp trên, vào nguyên tắc và nghị quyết Đảng ủy xí nghiệp.
Câu 3 - Trang 180 SGK
Muốn thể hiện sự phát triển của xung đột kịch, tác giả cần tạo được tình huống. Trong cảnh ba này, tình huống đó là gì? Mâu thuẫn cơ bản của tác phẩm đến đây bộc lộ như thế nào?
Trả lời
Tình huống kịch bắt đầu từ cách nghĩ mới, cách làm mới của giám đốc Hoàng Việt và Lê Sơn trong tình hình cơ quan ông trì trệ lạc hậu vì cách làm cũ với những nề nếp và luật lệ cũ. Hoàng Việt và Lê Sơn là những người đầu tiên nổ phát pháo vào thành trì bảo thủ: mở rộng sản xuất bằng việc áp dụng phương pháp tính lương, trả lương mới, bỏ đi những chức quyền hữu danh vô thực, khuyến khích người lao động cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng bằng công việc của mình trong nhà máy, xí nghiệp.
Nhưng những ý tưởng tiến bộ ấy vấp phải những ràng buộc và thế lực của phe bảo thủ. Họ là những người giữ chức vụ cao, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của xí nghiệp. Họ không thúc đẩy sự đi lên của xí nghiệp mà còn cản trở, tìm cách kìm hãm những ý đổi mới và xây dựng. Làm thế nào để cởi trói cho sản xuất là điều không phải dễ. Tình huống kịch phát triển trên mâu thuẫn này.
Câu 4 - Trang 180 SGK
Qua đoạn trích, em hiểu như thế nào về tính cách của Giám đốc Hoàng Việt, kĩ sư Lê Sơn, Phó giám đốc Nguyễn Chính, Quản đốc phân xưởng Trương?
Trả lời
- Giám đốc Hoàng Việt là người đại diện cho cái mới, một lãnh đạo năng nổ, vừa có tài, vừa có tấm lòng, vừa có trình độ. Ông có đức tính ngay thẳng, trung thực, dám nghĩ dám làm. Vì lợi ích của xí nghiệp và anh em công nhân, ông quyết đấu tranh cho những cách làm, cách nghĩ mới, dù phải đối mặt với những thử thách.
- Kĩ sư Lê Sơn là người có trình độ chuyên môn cao và có tâm huyết với nghề nghiệp. Đã nhiều năm gắn bó với xí nghiệp, anh ủng hộ sự đổi mới của Hoàng Việt dù biết gặp nhiều chống đối. Sự đi lên của xí nghiệp, sự chiến thắng của cái mới không thể thiếu những con người như anh.
- Phó giám đốc Nguyễn Chính đại diện cho nhóm bảo thủ, lạc hậu. Anh ta là người nhiều mánh khóe, thủ đoạn, luôn dùng nguyên tắc cũ để chống lại cải mới. Chính anh ta là người đã kìm hãm sự đi lên của Xí nghiệp.
- Quản đốc phân xưởng Trương: là người nguyên tắc và máy móc, hách dịch với cấp dưới.
Câu 5 - Trang 180 SGK
Em có nhận xét gì về xu thế phát triển và kết thúc của xung đột kịch.
Trả lời
Xu thế phát triển và kết thúc của xung đột kịch mang tính tất yếu. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới là cuộc đấu tranh gay go phức tạp nhưng cuối cùng chiến thắng thuộc về phe tiến bộ. Cái mới chiến thắng sẽ thúc đẩy xã hội phát triển.
Luyện tập
Yêu cầu: Tóm tắt sự phát triển của mâu thuẫn kịch trong đoạn trích trên.
Trả lời
Mâu thuẫn kịch trong đoạn trích phát triển thăng cấp qua các giai đoạn. Đầu tiên, giám đốc Hoàng Việt triển khai thông báo kế hoạch mới của mình bằng cách đặt câu hỏi cho Lê Sơn, Nguyễn Chính để chỉ ra tính hợp lý và khả thi của kế hoạch. Tuy nhiên, ngay sau đó, kế hoạch liên tục vấp phải sự cản trở của các thành viên khác trong xí nghiệp như phó giám đốc, bà trưởng phòng tài vụ và quản đốc. Nhưng với sự kiên quyết, tinh thần dám nghĩ, dám làm dựa trên cơ sở phục vụ cho lợi ích của công nhân xí nghiệp thì Hoàng Việt và Lê Sơn đã tiếp tục theo đuổi kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh của xí nghiệp trong sự ủng hộ của công nhân.