Bài soạn "Tình yêu và thù hận" số 6 - 6 Bài soạn "Tình yêu và thù hận" của Uy-li-am Sếch-xpia lớp 11 hay nhất
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Uy-li-am Sếch-xpia (1564 – 1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài người Anh. Sếch-xpia là con người khổng lồ của một thời đại khổng lồ – thời đại Phục hưng. Sếch-xpia sinh tại thị trấn Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn thuộc miền tây nam nước Anh ...
I- KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Uy-li-am Sếch-xpia (1564 – 1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài người Anh. Sếch-xpia là con người khổng lồ của một thời đại khổng lồ – thời đại Phục hưng.
Sếch-xpia sinh tại thị trấn Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn thuộc miền tây nam nước Anh trong một gia đình buôn bán ngũ cốc, len, dạ. Năm 1578, khi mới tròn 14 tuổi, do gia đình buôn bán sa sút, sếch-xpia phải thôi học. Từ năm 1585, ông lên thủ đô Luân Đôn kiếm sống và tham gia giúp việc cho đoàn kịch của Hầu tước Xtơ-ren-giơ, về sau trở thành Nhà hát Địa cầu. Đây cũng là nơi ông gia nhập đại gia đình nghệ thuật. Thời gian này, nước Anh đang phát triển phồn thịnh, là mảnh đất thuận lợi cho lí tưởng nhân văn có dịp được thể hiện.
2. Sếch-xpia viết 37 vở kịch gồm kịch lịch sử, bi kịch và hài kịch mà phần lớn trong số đó đã trở thành những kiệt tác của văn học nhân loại. Tác phẩm của ông là tiếng nói của lương tri tiến bộ, của khát vọng tự do, của lòng nhân ái bao la và của niềm tin bất diệt vào khả năng hướng thiện, khả năng vươn dậy để khẳng định cuộc sống của con người.
3. Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở kịch nổi tiếng đầu tiên của Sếch-xpia. Tác phẩm được viết vào khoảng từ năm 1594 đến năm 1595. vở kịch gồm năm hồi bằng thơ xen lẫn văn xuôi, dựa trên câu chuyện có thật về mối hận thù giữa hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét, tại Vê-rô-na (I-ta-li-a) thời trung cổ.
Vở kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của Rô-mê-ô và Giu-li-ét khẳng định sức sống, sức vươn lên, vượt qua mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời kết án đanh thép, tố cáo thành kiến phong kiến, nguyên nhân hận thù của tình người, của chủ nghĩa nhân văn. Tác phẩm cũng đạt tới tầm cao về nghệ thuật tổ chức kịch tính, qua việc dẫn dắt hành động kịch và cá thể hoá ngôn ngữ nhân vật.
II- HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN
Câu 1: Câu Đoạn trích có mười sáu lời thoại (những chữ in nghiêng là phần chỉ dẫn sân khấu), trong đó sáu lời thoại đầu khác hẳn với các lời thoại còn lại. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong sáu lời thoại đầu, hai nhân vật không đối thoại với nhau, cho dù trong lời thoại họ đều có nhắc đến tên nhau. Xét về mặt hình thức, sáu lời thoại đầu là những độc thoại. Các nhân vật nói về nhau chứ không nói với nhau (độc thoại là nói một mình, nói với mình). Vì các độc thoại này là “tiếng lòng” của nhân vật, nên xét về bản chất nó là các độc thoại nội tâm. Trong kịch, dù là lời độc thoại nội tâm thì nhân vật cũng phải nói to (để khán giả nghe được) và giả định như nhân vật kia không nghe thấy.
Có thể nói, vì là lời độc thoại nội tâm nên sáu lời thoại đầu chứa đựng cảm xúc yêu thương chân thành, đằm thắm. Ngôn từ mượt mà cùng cách nói ví von, so sánh rất phù hợp với tâm trạng phấn chấn, rạo rực chen lẫn những bồn chồn, mong nhớ của người đang yêu. Lời độc thoại có định hướng đối tượng, có tính đối thoại nên nó rất sinh động. Ví như trong những lời của Rô-mê-ô chẳng hạn, lúc thì như chàng đang nói với Giu-li-ét khi nàng xuất hiện, bên cửa sổ (“Vầng dương đẹp tươi ơi…”; “Hỡi nàng tiên lộng lẫy, hãy nói nữa đi…”), lúc thì lại như đang đối thoại với chính mình (“Kìa! Nàng tì má lên bàn tay! Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn gò má ấy!”; “Mình cứ nghe thêm nữa, hay mình nên lên tiếng nhỉ?”).
Mười lời thoại còn lại mang hình thức đối thoại, tức là các lời thoại ấy hướng vào nhau, các nhân vật nói cho nhau nghe. Tính chất hỏi – đáp, đối đáp xuất hiện.
Câu 2. Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét diễn ra trong hoàn cảnh hai dòng họ có mối hận thù truyền kiếp. Tính chất thù hận của hai dòng họ được phản ánh trong lời thoại của Giu-li-ét năm lần (“Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi…”, “chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi”; “nơi tử địa”; “họ mà bắt gặp anh…”; “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh ở nơi đây”… ) và trong lời thoại của Rô-mê-ô ba lần (“Từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô-mê-ô nữa”; “tôi thù ghét cái tên tôi…”; “chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu…”)-
Nỗi ám ảnh về hận thù giữa hai dòng họ xuất hiện ở Giu-li-ét nhiều hơn. Điều đó cho thấy nỗi lo kèm theo sự ái ngại về hoàn cảnh của Giu-li-ét. Song Giu-li-ét không chỉ lo cho mình mà còn lo cho cả người mình yêu. Thái độ của Rô-mê-ô đối với hận thù giữa hai dòng họ quyết liệt hơn. Chàng sẩn sàng từ bỏ dòng họ của mình, thể hiện sự dũng cảm để đến với tình yêu. Điều mà Rô-mê-ô sợ là sợ không có được, không chiếm được tình yêu của Giu-li-ét, sợ nàng nhìn mình bằng ánh mắt của sự hận thù (“ánh mắt của em còn nguy hiểm cho tôi hơn hai chục lưỡi kiếm của họ; em hãy nhìn tôi âu yếm là tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu”). Cả hai đều ý thức được sự thù hận đó, song nỗi lo chung của hai người là lo họ không được yêu nhau, họ không có được tình yêu của nhau. Chính vì thế, cả hai đều nhắc tới hận thù song không nhằm khơi dậy, khoét sâu hận thù mà chỉ để hướng tới vượt lên trên hận thù, bất chấp hận thù. Sự thù hận của hai dòng họ tuy là cái nền nhưng tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét không xung đột với hận thù ấy. Đây là sự khẳng định quyết tâm xây đắp tình yêu của hai người.
Câu 3. Đoạn trích mở đầu trong bối cảnh đêm khuya – trăng sáng. Ở đó “mảnh trăng thiêng liêng kia đương dát bạc trên những ngọn cây trĩu quả”. Màn đêm thanh vắng với những mảnh bạc đang lướt trên trời cao tạo ra chiều sâu cho sự bộc lộ tình cảm của đôi tình nhân. Thiên nhiên được nhìn qua các điểm nhìn của nhân vật. Thiên nhiên là thiên nhiên hoà cảm, đồng tình, trân trọng, chở che. Ánh trăng không thật sáng, không phải sáng ngời hay sáng loá để soi rọi mọi cái mà là ánh trăng mờ ảo. Trăng đóng vai trò trang trí cho cảnh gặp gỡ tình tứ song rất mực đoan chính của đôi tình nhân.
Trong khung cảnh đêm khuya, trăng trở thành đối tượng để Rô-mê-ô so sánh với vẻ đẹp không thể bì được của Giu-li-ét. Trong mắt Rô-mê-ô, nàng như “vầng dương” lúc bình minh; sự xuất hiện của “vầng dương” khiến “ả Hằng Nga” trở nên “héo hon”, “nhợt nhạt”. Theo mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô, phù hợp với tâm lí của người đang khát khao yêu đương thì các sự so sánh có chút cường điệu kia là hoàn toàn hợp lí.
,
Tiếp đến, mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô hướng vào đôi mắt của tình nhân: “Đôi mắt nàng lên tiếng”. Đôi mắt lấp lánh của Giu-li-ét cảm nhận được sự mấp máy của làn môi khi nói. Nếu vẻ đẹp của Giu-li-ét được so sánh với “vầng dương” thì đôi mắt của nàng lại được so sánh với các ngôi sao và đó là “hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời”. Sự so sánh được đẩy lên cấp độ cao hơn bằng một sự tự vấn: “Nếu mắt nàng lên thay cho sao và sao xuống nằm dưới đôi lông mày kia thì thế nào nhỉ ?”. Lời tự vấn đầy ý nghĩa. “Đôi mắt lên thay sao” là một sự khẳng định đầy lãng mạn vẻ đẹp của đôi mắt, bởi lúc đó “cặp mắt nàng trên bầu trời sẽ rọi khắp khoảng không một làn ánh sáng tung bừng…”, Còn nếu “sao xuống nằm dưới đôi lông mày kia” thì lúc đó: “Vẻ đẹp của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú phải hổ ngươi”. Các nét đẹp trên khuôn mặt Giu-li-ét lần lượt hiện lên: đẹp của đôi mắt, đẹp của đôi gò má. Điều đó dấy lên một khao khát yêu đương hết sức mãnh liệt: “Kìa, nàng tì má lên bàn tay ! Ôi ! Ước gì ta là chiếc bao tay, để được mơn trớn đôi gò má ấy !”.
Những cảm xúc được thể hiện qua những hình ảnh so sánh đầy lãng mạn của Rô-mê-ô biểu hiện rất thật cảm xúc của một con người đang yêu và đang được tình yêu đáp lại. Đây cũng là một sự cộng hưởng tình cảm kì lạ của những tâm hồn đang yêu mà Sếch-xpia đã quan sát và nhận biết một cách tài tình. Đồng thời ông cũng miêu tả hết sức thành công, đạt đến mức điển hình qua tâm trạng ấy. Hiển nhiên tình yêu này là một tình yêu chân thành, không vụ lợi và cũng lại rất hồn nhiên trong trắng nữa. vẻ đẹp của sự trong trắng là một phẩm chất của mối tình Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Cái đẹp của bối cảnh làm nền cho sự phát triển của tình yêu trong trắng, cái đẹp của bối cảnh không cho phép những người trong cuộc nghĩ xấu về nhau cũng như không tạo điều kiện để những suy nghĩ xấu len vào phá đi cái tình cảm hồn nhiên đó.
Bối cảnh là đẹp, là “đêm thần tiên”, là “đêm tốt lành”, là “đêm thanh” được tạo ra từ thủ pháp so sánh. Sự so sánh ở đây cũng hết sức linh hoạt: so sánh người – cảnh, so sánh người – thần tiên… được lồng trong thứ ngôn ngữ của sự đắm say, của sự nồng nhiệt. Tất cả nhằm thổi bùng lên ngọn lửa của tình yêu, để từ đó dẫn dắt hai người đi tới sự chủ động, tạo hướng đi cho mối tình kết quả đơm hoa, tạo cho họ sự tự chủ hoàn toàn trong tình yêu chân chính.
Câu 4. Cảnh trong đoạn trích này xảy ra sau khi Rô-mê-ô và Giu-li-ét gặp gỡ nhau trong lễ hội hoá trang trước đó không lâu (cuộc gặp gỡ đã làm nảy sinh tình yêu của họ). Trong cuộc gặp gỡ ở lễ hội hoá trang, chính Rô-mê-ô đã thốt lên: “Nàng là họ Ca-piu-lét sao? Ôi oan trái yêu quý, đời sống của ta nay nằm trong tay người thù” và Giu-li-ét cũng đã nhận thức được điều đó: “Một mối thù sinh một mối tình
-Vội chi sớm gặp, biết đành muộn sao ! – Tình đâu trắc trở gian lao – Hận thù mà lại khát khao ân tình”. Cả hai đều đã nhận thức được cái tình cảnh oái oăm, cái hoàn cảnh thù địch mà họ bị đặt vào.
Sự nhận thức đó dẫn đến lời độc thoại của Giu-li-ét như là một sự băn khoăn day dứt, một sự dằn vặt thể hiện tâm trạng rối bời trước hoàn cảnh éo le: “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…”. Các lời thoại của Giu-li-ét mặc dù vậy vẫn thể hiện một tình cảm mãnh liệt. Có lời thoại rất đơn giản, lời thoại thứ 2 chỉ có một thán từ Ôi chao, song nó cho thấy cảm xúc bị dồn nén không thể không thổ lộ ra thành lời, đồng thời cũng hàm chứa một tiếng thở dài mang dáng vẻ lo âu, bởi hận thù giữa hai dòng họ và bởi không biết Rô-mê-ô có yêu mình thành thực hay không. Trong khi đó, tâm trạng của Rô-mê-ô đơn giản hơn nhiều. Chàng đã yêu, đã được đáp lại tình yêu và đi tới dứt khoát khẳng định tình yêu, sẵn sàng từ bỏ dòng họ, từ bỏ tên họ mình.
Các lời thoại 4 và 6 của Giu-li-ét cũng là sự thổ lộ tình yêu trực tiếp, không ngại ngùng. Việc thổ lộ tình yêu trực tiếp qua các lời thoại này không phải để nói với Rô-mê-ô, bởi người con gái thường không chủ động thổ lộ tình yêu với người mình yêu, mà là để nói với chính mình. Hơn nữa, Giu-li-ét cũng không hề biết người yêu đang đứng nấp gần đấy. Các lời thoại này çho thấy sự chín chắn của Giu-li-ét. Qua sự tự phân tích, nàng đi đến khẳng định: “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…”. Cách đặt vấn đề của Giu-li-ét rất hồn nhiên, tha thiết và trong trắng. Nàng vừa tự chất vấn mình, rồi lại tự tìm cách trả lời: “Cái tên nó có nghĩa gì đâu?” rồi nàng tự đề xuất các giải pháp: “Chàng hãy vứt bỏ tên họ của chàng đi”. Hoặc đề xuất một cách làm rất táo bạo, thể hiện một tình yêu cháy bỏng: “chàng hãy đem tên họ ấy, nó đâu phải xương thịt của chàng, đổi lấy cả em đây !”. Câu trả lời là một giải pháp khẳng định, không có cách lựa chọn nào khác, không còn cách giải quyết nào khác.
Lời thoại thú 8, lời của Giu-li-ét, cho thấy sự bất ngờ của nàng khi biết có người đang nhìn mình, đang nghe mình thổ lộ. Sự bất ngờ của Giu-li-ét không tạo ra cảm giác sợ hãi, bởi vì, xét về mặt tâm lí, lúc đó Giu-li-ét cũng đang rất cần một sự chia sẻ. Và khi biết được người đang ẩn nấp lại là Rô-mê-ô thì tâm trạng nàng trở nên phấn chấn: “Tai tôi nghe chưa trọn một trăm tiếng thốt từ miệng đó mà tôi đã nhận ra tiếng ai rồi”. Song nỗi sợ về mối thù giữa hai dòng họ lại loé lên trong suy nghĩ của Giu-li-ét: “Chẳng phải anh Rô-mê-ô, và là họ nhà Môn-ta-ghiu đấy ư?”. Vế đầu của câu hỏi này vừa là để hỏi vừa trả lời khẳng định luôn, song vế hai được đưa ra, có vẻ không cần thiết, nhưng nó lại cho thấy nỗi lo lắng ám ảnh không dứt của Giu-li-ét. Dù Rô-mê-ô khẳng định và quyết tâm nhưng Giu-li-ét vẫn ái ngại: “Anh làm thế nào tới được chốn này, anh ơi, và tới làm gì thế?”. Câu hỏi nghe có vẻ như thừa song nó lại chính là điều mà Giu-li-ét cần biết. Nàng cần biết Rô-mê-ô có thực sự yêu mình không? Động cơ thúc đẩy chàng đến đây có phải vì tình yêu chân thành thực sự hay không hay chỉ là sự bồng bột thoáng qua?
Khi không nghĩ về dòng họ Môn-ta-ghiu nữa thì Giu-li-ét lại nghĩ đến dòng họ Ca-piu-lét của mình và khẳng định vị trí nơi hai người đang nói chuyện là “nơi tử địa” mà “nếu anh bị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây”, “họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết anh”. Vậy là Giu-li-ét đã nhận thức được rất rõ bức tường đang ngăn cách tình yêu của họ – bức tường đá của vườn nhà và bức tường thù hận của hai dòng họ. Nàng sợ Rô-mê-ô không dám vượt qua và không thật lòng yêu nàng nữa.
Nhưng rồi, các bức tường cũng dần được dỡ bỏ. Trước hết, điều mà Giu-li-ét cảm thấy là tình yêu chân thành của Rô-mê-ô đã được gỡ bỏ ở lời thoại thứ 13 của Rô-mê-ô mà ở đó cụm từ “tình yêu” được nhấn mạnh bốn lần với sự khẳng định dứt khoát: “Cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm”. Bức tường thù hận được dỡ bỏ bằng chính quyết tâm của hai người, nhất là quyết tâm của Giu-li-ét: “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây”. Còn bức tường đá của vườn nhà thì đã có “đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu” giúp đỡ.
Diễn biến nội tâm của Giu-li-ét phong phú và phức tạp hơn Rô-mê-ô rất nhiều nhưng nó cũng phù hợp với tâm lí của người đang yêu. Đồng thời nó cũng cho thấy sự chín chắn trong tình yêu của Giu-li-ét. Sự day dứt trong tâm trạng đó cho thấy sức ép nặng nề của hoàn cảnh, thấy được sự vây hãm của mối hận thù truyền kiếp giữa hai dòng họ, thấy được mối nguy hiểm đang đe doạ hai người.
Câu 5. Trong toàn vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét, xung đột cơ bản là xung đột giữa tình yêu và thù hận. Tuy nhiên trong đoạn trích này, thù hận không xuất hiện như là một thế lực cản trở tình yêu. Thù hận chỉ hiện ra qua suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối, điều khiển, quyết đinh hành động của nhân vật.
Đối với Rô-mê-ô, chàng đã gặp Giu-li-ét, đã có được tình yêu của nàng và đã sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu ấy.
Đối với Giu-li-ét, sự xuất hiện cảm thức về những bức tường cản trở tình yêu là có thực. Điều này phản ánh sự chín chắn trong suy tư của nàng, song đây không phải là sự tính toán thiệt hơn. Điều mà Giu-li-ét cần là tình yêu chân thật của Rô-mê-ô và tình yêu kia đối với nàng là tất cả. Thế nên, khi biết và khẳng định chắc chắn Rô-mê-ô đến với mình bằng tình yêu chân thành thì mọi nghi ngại không còn, các băn khoăn cũng chấm dứt.
Như vậy, trong đoạn trích gồm mười sáu lời thoại này, tình yêu không xung đột với thù hận mà chỉ diễn ra trên nền thù hận. Thù hận bị đẩy lùi, bị xoá đi vĩnh viễn, chỉ còn lại tình người và tình đời bao la, phù hợp với lí tưởng nhân văn. Chính vì lẽ đó, tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã trở thành bài ca ca ngợi và khẳng định tình yêu cao đẹp. Vấn đề tình yêu và thù hậii về cơ bản đã được giải quyết.
III- HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Nhận xét: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người” cần được hiểu một cách thấu đáo. Có thể nói, trước hết, tình yêu có sức mạnh nối kết con người lại với nhau, xoá đi mọi thành kiến lạc hậu hay hận thù chia rẽ con người. Tình yêu làm cho tình người được nối lại. Tình yêu sau nữa còn nâng đỡ, cổ vũ cho con người, tạo nên lẽ sống: “Sống là yêu thương”. Tình yêu, do đó, thực hiện chức năng bảo vệ và gìn giữ cho cuộc sống, giúp cuộc sống phát triển. Song đó phải là tình yêu chân chính.