Bài soạn "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng" số 3 - 6 Bài soạn "Tào Tháo uống rượu luận anh hùng" của La Quán Trung lớp 10 hay nhất
TÌM HIỂU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM I. Tác giả - La Quán Trung tên thật là La Bản, hiệu là Hồ Hải Tản Nhân, người huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, ông sinh vào đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh (1330 – 1400 ?) - Thời đại ông sống là thời đại mà mâu thuẫn dân tộc và ...
TÌM HIỂU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
I. Tác giả
- La Quán Trung tên thật là La Bản, hiệu là Hồ Hải Tản Nhân, người huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, ông sinh vào đời Nguyên, mất vào đầu đời Minh (1330 – 1400 ?)
- Thời đại ông sống là thời đại mà mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp cực kì gay gắt và phức tạp. Vì thế mà cuộc sống của bản thân ông cũng không ổn định, phải nay đây mai đó.
- Các sáng tác của ông cho thấy ông chịu ảnh hưởng khá sâu đậm tư tưởng Nho giáo. Thông qua tác phẩm, ông miêu tả và vạch trần bản chất của cái xã hội “dân đen chết đói nơi thôn xóm, anh tài mai một trong rừng sâu, người trung lương chết oan dưới gươm giáo…”.
- Sau năm 1364, không ai rõ về tung tích của ông nữa.
- Các tác phẩm chính: Tam quốc diễn nghĩa, Tùy Đường lưỡng triều chỉ truyện, Tàn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa, Bình yêu truyện, Tống Thái Tổ long hổ phong vân hội.
II. Tác phẩm
* Tam quốc diễn nghĩa:
- Được sáng tác vào đầu thời Minh (1368 – 1644), dựa theo tư liệu lịch sử và truyền thuyết có sẵn.
- Nội dung chủ yếu miêu tả tình hình phức tạp của cuộc đấu tranh chính trị và quân sự kéo dài suốt một thế kỉ (từ năm 184 đời Linh đế thời Đông Hán đến năm 280 đời Vũ đế thời Tây Tấn).
- Gồm 120 hồi, kể về sự kiện một nước chia ba. Đó là cuộc phân tranh dữ dội giữa ba tập đoàn phong kiến quân phiệt: Ngụy - do Tào Tháo cầm đầu, chiếm giữ phía Bắc từ Trường Giang trở lên (Bắc Ngụy); Thục – do Lưu Bị cầm đầu, chiếm giữ Tây Nam (Tây Thục); Ngô – do Tôn Quyền cầm đầu, chiếm giữ phía Đông Nam (Đông Ngô).
* Đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng
- Đoạn trích từ Hồi 21, “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, ca ngợi tài trí thông minh, sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong đối đáp, ứng xử của Lưu Bị khi phải đối mặt với Tào Tháo để bàn luận về người anh hùng trong thiên hạ.
- Đoạn trích có kết cấu hoàn chỉnh: Giới thiệu nhân vật Lưu Bị và hoàn cảnh – Tào Tháo mời rượu Lưu Bị – Tào Tháo luận anh hùng – Lưu Bị ứng phó – Lưu Bị cáo từ.
- Bố cục đoạn trích:
+ Phần 1 (từ đầu đến "...tiểu đình uống rượu"): Việc Lưu Bị lấy việc làm vườn để che mắt Tào Tháo và giới thiệu hoàn cảnh của tiệc rượu.
+ Phần 2 (phần còn lại): Cuộc luận bàn về anh hùng của Tào Tháo và Lưu Bị trong tiệc rượu.
HƯỚNG DẪN SOẠN BÀI
Câu 1 - Trang 83 SGK
Phân tích tâm trạng và tính cách của Lưu Bị khi phải ở nhờ Tào Tháo.
Trả lời:
Phân tích qua hai sự việc: làm vườn và luận về anh hùng, chỉ ra được những nét cơ bản về tâm trạng và tính cách của Lưu Bị:
- Sợ Tào Tháo nghi ngờ sẽ tìm cách cản trở hoặc hãm hại.
- Cố giấu tư tưởng, tình cảm thật của mình.
- Có câu nói và hành động thật khớp, thật phù hợp với hoàn cảnh không để Tào Tháo nghi ngờ.
Tóm lại, Lưu Bị là người trầm tĩnh, khôn ngoan, khéo che đậy tâm trạng, tình cảm thật của mình trước kẻ thù, kiên trì, nhẫn nại thực hiện chí lớn phò vua giúp nước. Đó là tính cách của một anh hùng lí tưởng của nhân dân Trung Hoa cổ đại, một vị vua tương lai.
Câu 2 - Trang 83 SGK
Qua cách đối xử của Tào Tháo với Lưu Bị và cách đánh giá những nhân vật anh hùng mà Lưu Bị đề xuất, anh (chị) hiểu gì về tính cách của nhân vật này?
Trả lời:
- Đó là một người gian hùng.
- Một nhà chính trị, nhà quân sự tài ba lỗi lạc, thông minh cơ trí, dũng cảm hơn người.
- Nhà thơ, nhà văn hoá xuất sắc.
- Tên trùm quân phiệt đa nghi, nham hiểm, tàn bạo với triết lí sống vô cùng ích kỉ, cá nhân: "Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”.
Câu 3 - Trang 83 SGK
Phân tích những điểm khác nhau về tính cách giữa Lưu Bị và Tào Tháo.
Trả lời:
Tào Tháo (gian hùng)
- Đang có quyền thế, có đất, có quân, đang thắng, lợi dụng vua Hán để khống chế chư hầu.
- Tự tin, đầy bản lĩnh, thông minh sắc sảo, hiểu mình, hiểu người
- Chủ quan, đắc chí, coi thường người khác.
- Bị Lưu Bị lừa, qua mặt một cách khôn ngoan, nhẹ nhàng.
Lưu Bị (anh hùng)
- Đang thua, mất đất, mất quân, phải sống nhờ kẻ thù nơi hang hùm, nọc rắn vô cùng nguy hiểm.
- Lo lắng, sợ hãi, cố che giấu ý nghĩ, tình cảm thật của mình trước Tào Tháo.
- Khôn ngoan, linh hoạt che giấu được hành động sơ suất của mình.
- Là người anh hùng lí tưởng của nhân dân Trung Hoa cổ đại.
Câu 4 - Trang 83 SGK
Vì sao cách kể chuyện trong đoạn văn lại hấp dẫn người đọc?
Trả lời:
Nhờ nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn:
- Tạo hoàn cảnh, tình huống rất khéo, rất tự nhiên: mơ chín, uống rượu, bàn luận về các anh hùng trong thiên hạ.
- Nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện giữa hai người.
- Chi tiết giàu kịch tính đưa cuộc đối thoại lên đỉnh điểm.
- Câu kết thật giản dị, ngắn gọn có ý nghĩa.
GHI NHỚ
Đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng ca ngợi tài trí thông minh, sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong đối đáp, ứng xử của Lưu Bị khi phải đối mặt với Tào Tháo để bàn luận về người anh hùng trong thiên hạ.
Qua bài học này, học sinh gia tăng kĩ năng đọc hiểu một văn bản: kĩ năng cảm nhận, phân tích vẻ đẹp, tính cách nhân vật và kĩ năng nhận diện những đặc sắc trong nghệ thuật của đoạn trích.