31/03/2021, 14:51

Bài soạn "Phó từ" số 3 - 6 Bài soạn "Phó từ" lớp 6 hay nhất

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Bài này yêu cầu các em cần nắm chắc những nội dung sau đây: 1. Thế nào là phó từ? Phó từ là từ: a) Luôn đi kèm với động từ, tính từ b) Bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ đi kèm đó. Ví dụ: Từ in đậm - Từ loại - Các từ khác ...

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Bài này yêu cầu các em cần nắm chắc những nội dung sau đây:

1. Thế nào là phó từ?

Phó từ là từ:

a) Luôn đi kèm với động từ, tính từ

b) Bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ đi kèm đó.

Ví dụ:


Từ in đậm - Từ loại - Các từ khác
Đã - Đi (Động từ) - Rất nhiều nơi khác
Cũng - Ra (Động từ) - Những câu đố oái oăm
Đương - Trổ (động từ) - Hoa
Sắp - Làm (Động từ)- Bài tập toán
Có thể - Xem- Phim
Thật-Đau - Lòng

Các em chú ý:

- Phó từ không có khả năng gọi tên sự vật, hành động, tính chất như danh từ, động từ, tính từ. Vì vậy phó từ là một loại hư từ; còn danh từ, động từ, tính từ là những thực từ.

Phó từ chuyên đi kèm với động từ, tính từ mà không đi kèm với danh từ.

Ví dụ:

+ Chỉ nói: đang học, sẽ tốt, luôn luôn cố gắng,...

+ Không nói: đang bút, sẽ nhà, luôn luôn phấn,...


2. Phân loại phó từ

Dựa vào vị trí của phó từ khi kết hợp với động từ và tính từ, SGK phân ra thành hai loại:

a) Loại phó từ đứng trước động từ, tính từ. Đó là các phó từ như:

+ đã, từng, đang,...: đã học, từng xem, đang giảng bài,...

+ rất, hơi, khá,...: rất giỏi, hơi lạnh, khá xinh,...

+ cũng, vẫn, đều,...: cũng nói, vẫn cười, đều tốt,...

+ không, chưa, chẳng,...: không học, chưa làm bài, chẳng vẽ,...

+ hãy, đừng, chớ,...: hãy trật tự, đừng dựng xe, chớ trèo cây,...

b) Loại phó từ đứng sau động từ, tính từ. Đó là các phó từ như:

+ lắm, quá, cực kì...: tốt lắm, đẹp quá, hay cực kì,...

+ được,... : nói được, ăn được,...

+ mất, ra, đi,...: chạy mất, bay mất, nở ra, trốn đi, bỏ đi,...


3. Ý nghĩa của phó từ

Phó từ có thể bổ sung những ý nghĩa khác nhau cho động từ, tính từ. Ý nghĩa bổ sung thường gặp ở phó từ là:

Bổ sung ý nghĩa thời gian: đang nói

Bổ sung ý nghĩa tiếp diễn tương tự: vẫn nói

Bổ sung ý nghĩa mức độ: nói lắm

Bổ sung ý nghĩa phủ định: chẳng nói

Bổ sung ý nghĩa cầu khiến: đừng nói

Bổ sung ý nghĩa kết quả: nói được

Bổ sung ý nghĩa khả năng: có thể nói

Bổ sung ý nghĩa tần số: thường nói

Bổ sung ý nghĩa tình thái: đột nhiên nói.


II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Câu 1. Bài tập này có 2 yêu cầu:

- Tìm các phó từ có trong 2 đoạn trích đã dẫn ở bài tập ;

- Xác định ý nghĩa phó từ đó bổ sung cho động từ, tính từ mà nó đi kèm.

Các em có thể tiến hành giải bài tập này theo trình tự các bước như sau:


a) Tìm các phó từ có trong 2 đoạn trích

Để tìm được phó từ, các em hãy:

- Gạch dưới các động từ, tính từ có trong đoạn trích ;

- Xác định những từ (hư từ) đứng trước hoặc sau động từ, tính từ bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ đó ;

- Khẳng định phó từ cần tìm chính là những hư từ đứng trước hoặc sau động từ, tính từ và bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ ấy.

Với cách tiến hành như vậy, các em sẽ tìm được những phó từ (được in đậm) bổ sung cho các động từ, tính từ (được gạch dưới) có trong bài tập như sau:


* Đoạn trích (a)

Thế là mùa xuân mong ước đã đến. Đầu tiên, từ trong vườn, mùi hoa hồng, hoa huệ sực nức. Trong không khí không còn ngửi thấy hơi nước lạnh lẽo mà bây giờ đầy hương thơm và ánh sáng mặt trời. Cây hồng bì đã cởi bỏ hết những cái áo lá già đen thủi. Các cành cây đều lấm tấm màu xanh. Những cành xoan khẳng khiu đương trổ lá lại sắp buông toả ra những tàn hoa sang sáng, tim tím. Ngoài kia, rặng râm bụt cũng sắp có nụ.

Mùa xuân xinh đẹp đã về ! Thế là các bạn chim đi tránh rét cũng sắp về !

(Tô Hoài)


* Đoạn trích (b)

Quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng.

(Em bé thông minh)


b) Xác định ý nghĩa của từng phó từ

Để xác định được đúng đắn ý nghĩa của phó từ, các em cần chú ý một số đặc điểm sau đây:

- Phó từ đứng trước động từ, tính từ thường là những phó từ bổ sung ý nghĩa về quan hệ thời gian, sự tương tự hay tiếp diễn, sự phủ định, sự cầu khiến,...

- Phó từ đứng sau động từ, tính từ thường là những phó từ bổ sung ý nghĩa về mức độ, khả năng, kết quả.

Dựa vào đặc điểm này của phó từ, các em sẽ xác định được ý nghĩa phù hợp cho từng phó từ có trong bài tập như sau:


* Đoạn trích (a)

- đã đến, đã cởi bỏ, đã về, đương trổ

(bổ sung quan hệ thời gian)

- cũng sắp về, cũng sắp có, lại sắp buông toả

(cũng, lại: bổ sung quan hệ tiếp diễn tương tự ; sắp: bổ sung quan hệ thời gian)

- đều lấm tấm

(bổ sung quan hệ tiếp diễn tương tự)

- buông toả ra

(bổ sung quan hệ kết quả và hướng)

- không còn ngửi

(không: bổ sung quan hệ phủ định - còn: bổ sung quan hệ tiếp diễn tương tự).

* Đoạn trích (b)

- đã xâu

(bổ sung quan hệ thời gian)

- xâu được

(bổ sung quan hệ kết quả).


Câu 2. Bài tập này có ba yêu cầu:

- Viết đoạn văn ngắn (khoảng 3-5 câu) thuật lại sự việc Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết của Dế Choắt ;

- Xác định các phó từ đã được dùng ;

- Chỉ ra ý nghĩa của phó từ.

* Đoạn văn tham khảo:

Một hôm, Dế Mèn cất giọng hát véo von trêu chọc chị Cốc. Chị Cốc rất tức giận, lò dò đi về phía hang Dế Mèn. Dế Mèn sợ quá chui tọt vào hang nên chị Cốc chỉ nhìn thấy Dế Choắt. Chị Cốc liền mổ liên tiếp vào đầu Choắt. Choắt đau đớn không dậy được, nằm thoi thóp và đã tắt thở.

Trong đoạn văn trên có các phó từ (được in đậm) sau:

- Bổ sung ý nghĩa thời gian: đã tắt thở

- Bổ sung ý nghĩa mức độ: rất tức giận, chỉ nhìn thấy

- Bổ sung ý nghĩa tình thái: liền mổ


Câu 3. Chính tả

Chú ý viết đúng những thanh điệu, phụ âm đầu hoặc phần vần thường bị mắc lỗi.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

0