31/03/2021, 14:53

Bài soạn "Người trong bao" của Sê-khốp số 5 - 6 Bài soạn "Người trong bao" của Sê-khốp lớp 11 hay nhất

I. Đôi nét về tác giả Sê-khốp - An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860-1904) là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX, nhà cách tân thiên tài về hai thể loại truyện ngắn và kịch nói - Ông xuất tân trong gia đình buôn bán nhỏ tại thị trấn Ta-gan-rốc bên bờ bờ biển ...

I. Đôi nét về tác giả Sê-khốp
- An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860-1904) là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX, nhà cách tân thiên tài về hai thể loại truyện ngắn và kịch nói
- Ông xuất tân trong gia đình buôn bán nhỏ tại thị trấn Ta-gan-rốc bên bờ bờ biển A-dốp
- Sau khi tốt nghiệp đại học Y, Sê-khốp vừa làm bác sĩ nông thôn vừa viết báo, viết văn đồng thời tham gia nhiều công việc xã hội , giáo dục, văn hóa
- Các tác phẩm chính:
+ truyện ngắn và vừa: Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6, Đồng cỏ,....
+ kịch nói: Hải âu, Ba chị em, Vườn anh đào,....
- Đặc điểm sáng tác:
+ tập trung lên án một cách nghiêm khắc chế độ xã hội bất công, thói cường bạo và cuộc sống ăn hại của những kẻ ở trong đám cường quyền lúc bấy giờ
+ phê phán sự bất lực của giới trí thức, đồng cảm, trân trọng người lao động nghèo
+ thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai của nhân dân và đất nước Nga

II. Đôi nét về tác phẩm Người trong bao (Sê-khốp)
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Truyện ngắn được sáng tác năm 1898 trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen
2. Bố cục
- Mở truyện: cuộc trò truyện ở gần nhà kho giữa bác sĩ thú y và thầy giáo
- Thân truyện: chân dung và tính cách nhân vật Bê-li-cốp
- Kết truyện: nhận xét của bác sĩ thú y- người nghe truyện
3. Tóm tắt
Bê-li-cốp là một giáo viên dạy tiếng Hi Lạp ở thành phố nhỏ nước Nga, ông nổi tiếng với phong cách ăn mặc hết sức đặc biệt. Quanh năm ông đều đi giày cao su, cầm ô và luôn luôn phải mặc thêm áo bành tô ấm cốt bông. Ông luôn để những dụng cụ cá nhân của mình vào một cái bao. Bê-li-cốp khát khao thu mình vào trong một cái vỏ, tạo cho mình một vỏ bọc để ngăn cách bảo vệ bản thân không phải chịu những ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài. Vì nó là cuộc sống khiến Bê-li-cốp cảm thấy khó chịu và sợ hãi vì vậy, ông luôn có ý nghĩ không thực, luôn ngợi ca quá khứ, mơ tưởng về những thứ không tồn tại. Ngay cả ý nghĩ ông cũng sợ có người biết được, ông luôn cố giữ như cất giấu vào bao. Bê-li-cốp có thói quen rất kì quặc đó là đi hết nhà các giáo viên cùng dạy. Đến bất kỳ nhà nào, ông cũng kéo ghế ngồi rồi chẳng nói bất kỳ điều gì, chỉ nhìn xung quanh như đang tìm kiếm thứ gì đó, khoảng một giờ sau thì ông ra về. Ai cũng sợ ông, từ giáo viên đến hiệu trưởng, hiệu phó. Tuy sống cô đơn, một mình, nhưng ông cũng nghĩ đến việc sẽ cưới vợ. Và người đó là Va-ren-ca, là chị gái của Cô-va-len-cô, giáo viên trẻ mới ra trường. Có người đã gửi cho Bê-li-cốp một bức tranh châm biếm. Ngày chủ nhật hôm sau, Bê-li-cốp chứng kiến cảnh hai chị em Va-ren-ca phóng xe vút qua khiến Bê-li-cốp vô cùng ngạc nhiên và hoảng hốt. Nên tối hôm đó, Bê-li-cốp đã đến nhà Va-ren-ca để góp ý hai chị em họ. Hai người họ cãi nhau, Bê-li-cốp dọa sẽ báo cáo sự việc này với hiệu trưởng nên Cô-va-len-cô đã túm áo và xô mạnh khiến Bê-li-cốp ngã nhào xuống cầu thang. Va-len-ca cười lớn, làm Bê-li-cốp cảm thấy nhục nhã vội vàng trở về nhà. Một tháng sau, Bê-li-cốp qua đời, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm nhưng không lâu sau, lối sống cũ đã trở lại vì tính cách của Bê-li-cốp đã ảnh hưởng quá lớn đối với mọi người.
4. Giá trị nội dung
- Qua hình tượng người trong bao tác giả phê phán sâu sắc lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận tri thức Nga cuối thế kỉ XIX
- Từ đó nhà văn khẩn thiết thức tỉnh mọi người: Không thể sống mãi như thế được
5. Giá trị nghệ thuật
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, giọng kể chậm dãi vừa giễu cợt vừa châm biếm, mỉa mai, u buồn


GỢI Ý HỌC BÀI

Câu 1. Nhân vật Bê-li-cốp được nhà văn miêu tả với những nét chân dung, thói quen, sinh hoạt. Trong truyện ngắn, Sê-khôp rất chú ý đến chân dung nhân vật. Ông miêu tả chân dung nhân vật rất khéo léo và tài tình. Chân dung Bê-li-cốp ở đây cũng vậy. Với khá nhiều chi tiết vật dụng được đề cập tưởng chừng vặt vãnh như là giày, ô, đồng hồ, dao, cổ áo, kính, bông nhét lỗ tai, xe, mui xe, mũ, buồng ngủ, chăn, giường... nhưng những chi tiết này giúp tác giả khắc họa tính cách nhân vật rõ nét. Trong các chi tiết vừa kể, các chi tiết được nhà văn đặc biệt tô đậm nhấn mạnh duy trì sự có mặt trong suốt truyện là: giày cao su, cái ô gắn liền với nhân vật Bê-li-côp quanh năm và cũng đã từng làm cho nhân vật này trở nên nổi tiếng. Đây cũng là một chi tiết rất giàu sức gợi tả khiến cho chân dung Bê-li-cốp mang tính biếm họa.


Tiếp nữa là chi tiết thứ hai, chi tiết “cái bao”. Nhà văn có đến 12 lần lặp lại chi tiết này. Sê-khốp đã phát hiện ra ở nhân vật Bê-li-cốp cái khát vọng mãnh liệt được thu mình trong vỏ, tạo ra những “cái bao” để bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Hình ảnh “cái bao” ở đây đã được nhà văn liên tưởng và có ý nghĩa khái quát. Không chỉ giày, ô, áo... Bê-li-cốp còn vận dụng tất cả những gì có thể được để tạo ra những cái bao khác cho chính mình như: ngợi ca quá khứ, ngợi ca những cái không có thật, ngợi ca thứ tiếng Hi Lạp cổ của hắn, che giấu những ý nghĩ của hắn.


Chi tiết thứ ba sau đó là ý nghĩ: “Sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì”. Có đến năm lần Bê-li-cốp lặp lại chi tiết này. Ý nghĩ vừa nói gắn liền với nỗi sợ hãi rất đặc biệt ở nhân vật Bê-li-cốp. Có thể nói nỗi sợ hãi chẳng phút nào rời ông ta. Nó theo ông ta cả trong những thói quen giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày (khi ngủ thì trùm chăn kín mít, thấy rờn rợn và sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì). Nghĩa là những “cái bao” tạo ra từ đồ vật cũng không sao giúp Bê-li-cốp thoát ra khỏi được nỗi sợ hãi bao bọc hắn. Thì ra nỗi sợ hãi cũng là một “cái bao”. Như vậy, bên cạnh những “cái bao” hữu hình còn có những “cái bao” vô hình vây bọc, giúp Bê-li-côp ẩn mình trong đó.


Hình tượng một Bê-li-cốp suốt tháng quanh năm đi giày cầm ô cùng với nỗi sợ hãi không rời đã là biểu tượng “người trong bao”. Sự hiện diện của nhân vật này đã gieo một không khí nặng nề ảnh hưởng đến tinh thần và hoạt động của giáo viên và người dân chung quanh mình. Chính vì kiểu sống và tính cách hèn nhát quái đản đó mà mối tình đầu của Bê-li-cốp và Va-ren-ca không thành - lúc này y đã ngoài bốn mươi tuổi.


Đi chơi bằng xe đạp đối với nhiều người bây giờ là chuyện quá bình thường nhưng thời Sê-khốp là chuyện xa lạ mới mẻ. Đặc biệt lại là phụ nữ cưỡi xe đạp đi chơi. Bê-li-cốp không chấp nhận nổi điều này và phản ứng kiên quyết. Đúng là Bê-li-cốp rất bảo thủ, rất sợ cái mới. Khi nghe lời đe dọa của Cô-va-len-cô: “Kẻ nào thò mũi vào chuyện riêng nhà ta, ta cho chầu Diềm Vương tất!” phản ứng của Bê-li-côp đột nhiên trở nên gay gắt và quyết liệt (Bê-li-cốp tái mặt đứng dậy). Hắn nói: “Và tôi cũng yêu cầu anh khi có mặt tôi, đừng bao giờ ăn nói như thế về cấp trên. Anh cần phải có thái độ kính trọng đối với chính quyền”. Bê-li-cốp tái mặt do quá sợ hãi khi động đến cấp trên (quan thanh tra, ngài hiệu trưởng). Cái thái độ kính trọng đối với chính quyền mà hắn yêu cầu Cô-va-len-cô cũng là một thứ vỏ bọc, một “cái bao” không hơn không kém để che đậy một tâm lí đớn hèn run sợ trước quyền lực, quyền hành.


Câu nói cuối của Bê-li-cốp: “Tôi chỉ muốn báo trước cho anh rằng có thể có người đã nghe được cuộc nói chuyện này. Và để cho không ai có thể xuyên tạc câu chuyện vừa rồi và để khỏi có điều gì chẳng lành xảy ra, tôi sẽ báo cáo với ngài hiệu trưởng nội dung câu chuyện hôm nay... Trên những nét chính... Tôi sẽ phải làm việc đó”. Câu nói này không chỉ khắc họa sâu hơn tính cách của “người trong bao” mà còn hé mở cho thấy những nguyên nhân, hoàn cảnh vây bọc khiến nhân vật này trở nên run sợ, hèn nhát, bạc nhược, đê hèn. Lúc nào hắn cũng phải đề phòng sự bị nghe thấy, sợ bị xuyên tạc vu cáo, sợ cấp trên, sợ chính quyền... Đúng là hoàn cảnh xung quanh cũng là một “cái bao” vô hình.


Với giọng điệu giễu cợt châm biếm trong đoạn cuối của truyện, tác giả vẽ lên động tác đầu tiên của Bê-li-cốp sau cú ngã là “sờ lên mũi xem kính có còn nguyên vẹn không?”. Nghĩa là bị ngã từ trên cao xuống nguy hiểm chết người nhưng điều kinh khủng nhất đối với “người trong bao” này là sợ bị “thành trò cười cho thiên hạ”, “sợ chuyện sẽ đến tai ngài hiệu trưởng, ngài thanh tra”, rồi “sẽ ép mình về hưu non” và cuối cùng là bộ mặt nực cười hắn và tiếng cười của Va-ren-ca..

Khắc họa chân dung thảm hại của Bê-li-cốp “người trong bao” như vậy, Sê-khốp đã xây dựng một điển hình cho một kiểu người trong bộ phận trí thức Nga thời bấy giờ, con đẻ của chế độ phong kiến chuyên chế đang trên đường tư bản hóa cuối thế kỉ XIX.


Câu 2

Bê-li-cốp chết khá bất ngờ mà không bất ngờ chút nào. Cái chết của Bê-li-côp khiến mọi người trong trường, trong thành phố nơi y sống phải ngạc nhiên. Nhưng nói không bất ngờ chút nào, đây chính là một biện pháp nghệ thuật của Sê-khốp. Sê-khốp đã sử dụng cái chết của nhân vật để đẩy tính cách của y lên tới đỉnh cao. Hơn nữa, chết nghĩa là được nằm vĩnh viễn trong quan tài, một “cái bao” tốt nhất, bền vững nhất, chắc chắn Bê-li-cốp - người trong bao sẽ mãn nguyện. Dẫu sao thì đó cũng là mong muốn chân thành nhất của y mà.

Khi Bê-li-cốp còn sống, thái độ tình cảm của mọi người xung quanh là sợ hãi, căm ghét và bị ám ảnh sâu sắc. Khi y chết mọi người xung quanh cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái như trút khỏi gánh nặng.

Thế nhưng chẳng mấy chốc, cuộc sống lại vẫn diễn ra như cũ, y như lúc Bê-li-cốp còn sinh tiền. Nghĩa là cuộc sống vẫn nặng nề, mệt nhọc, tù túng và vô vị.

Chính từ đó, Sê-khốp khái quát sự ảnh hưởng và tác động dai dẳng, nặng nề của hiện tượng Bê-li-cốp “người trong bao” đã ám ảnh, đầu độc bầu không khí của nước Nga đương thời.


Câu 3

Hình ảnh “cái bao” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn Sê-khốp chứa đựng nhiều lớp nghĩa:

- Nghĩa gốc đó là vật dùng để bọc, để gói, đựng đồ vật, hàng hóa., có thể hình túi hay hình hộp;

- Nghĩa chuyển: là lối sống và tính cách của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn trên;

- Nghĩa biểu trưng chỉ kiểu người bị vây hãm, tù túng, lối sống trong bao. Xã hội như “cái bao” khổng lồ, trói buộc vây bủa làm con người không còn tự do. Đây là lối sống tồn tại ở nước Nga cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Chủ đề tư tưởng của truyện:

- Tác giả phê phán kiểu người lối sống trong bao và nêu tác dụng của nó đối với cuộc sống hiện tại và tương lai nước Nga. Kêu gọi mọi người thay đổi lối sống, không thể sống hèn nhát, vị kỉ, vô vị và hủ lậu như vậy.


Câu 4

Những đặc sắc nghệ thuật của truyện Người trong bao của Sê-khốp:

- Cách chọn ngôi kể: tác giả giữ ngôi thứ ba kể lại câu chuyện của Bu-rơ-kin, xưng tôi ở ngôi thứ nhất làm cho câu chuyện vừa khách quan, vừa chủ quan, rất gần gũi và chân thật.

- Tạo ra cấu trúc kể chuyện lồng trong truyện.

- Giọng kể mỉa mai châm biếm mà điềm tĩnh chậm buồn, ẩn giấu sự bức xúc, trăn trở mạnh mẽ, lắng sâu.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình với tính cách kì dị quái đản mà vẫn chân thực qua chân dung, ngoại hình, lời nói, cử chỉ hành động để khái quát thành lối sống, tính cách.

- Đối lập giữa các kiểu người tính cách lối sống giữa:

+ Bê-li-cốp và chị em Va-ren-ca, Cô-va-len-cô.

+ Bê-li-cốp và các đồng sự cán bộ giáo viên trường trung học nơi y làm việc và mọi người trong thành phố nơi y sống.

+ Nghệ thuật xây dựng biểu tượng: Hình ảnh “cái bao” và lời nói “sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì” vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa biểu trưng chi tiết về cái chết của Bê-li-cốp.

- Kết thúc truyện bằng cách nêu chủ đề của truyện qua một câu cảm thán gây ấn tượng mạnh nơi người đọc “không thể sống như thế này mãi được”.


Câu 5

Người trong bao có ý nghĩa thời sự phổ quát và sâu sắc với xã hội Nga đương thời, không những thế lối sống kiểu người sống với bao biến dị còn có ý nghĩa lâu dài trên toàn thế giới cho đến lúc nào xã hội loài người trở nên trong sạch, lành mạnh tự do...

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0