Bài soạn "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" số 5 - 6 Bài soạn "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" của V.Huy-gô lớp 11 hay nhất
I. Đôi nét về tác giả V.Huy-Gô - Vích-to Huy-gô (1802-1885) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà soạn kịch lớn của nước Pháp thế kỉ XIX - Ông được coi là biểu tượng của tự do và nhân đạo - Thời thơ ấu, ông đã phải trải qua những giằng xé trong tình cảm do giữa cha và mẹ có mâu thuẫn: ...
I. Đôi nét về tác giả V.Huy-Gô
- Vích-to Huy-gô (1802-1885) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà soạn kịch lớn của nước Pháp thế kỉ XIX
- Ông được coi là biểu tượng của tự do và nhân đạo
- Thời thơ ấu, ông đã phải trải qua những giằng xé trong tình cảm do giữa cha và mẹ có mâu thuẫn: ông được thừa hưởng kho sách cùng sự giáo dục sáng suốt của mẹ, có những hành trình vất vả theo cha chuyển quân từ nơi này sang nơi khác. Song những trang đời khắc nghiệt ấy lại là những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn để lại những dấu ấn không bao giờ phai trong sáng tạo của thiên tài này
- Phương châm sống của ông: Yêu thương là hành động. Suốt cuộc đời của mình ông đã có những hoạt động xã hội và chính trị tác động mạnh mẽ tới những nhân vật và khuynh hướng tiến bộ của thời đại
- Các tác phẩm chính:
+ tiểu thuyết: Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Pa-ri, Chín mươi ba,....
+ thơ: Lá thu, Tia sáng và bóng tối, Trừng phạt,...
+ kịch: Éc-na-ni
- Đặc điểm sáng tác: thể hiện lòng khao khát tự do, bình đẳng, bác ái, đặc biệt là lòng yêu thương bao la với người khốn khổ
II. Đôi nét về tác phẩm Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô)
1. Xuất xứ
- Những người khốn khổ là bộ tiểu thuyết nổi tiếng trong sự nghiệp đồ sộ của Huy-gô
- Tác phẩm gồm 5 phần:
+ phần thứ nhất: Phăng-tin
+ phần thứ hai: Cô-dét
+ phần thứ ba:Ma-ri-uýt
+ phần thứ tư: Tình ca phố Pơ-luy-mê và anh hùng ca phố Xanh Đơ-ni
+ phần thứ năm: Giăng Van-giăng
- Đoạn trích nằm ở cuối phần 1 (vì muốn cứu một nạn nhân bị Gia-ve bắt oan, Giăng Van-giăng đã buộc phải tự thú mình là ai. Bởi vậy ông đến từ giã Phăng-tin trong khi nàng chưa biết gì về sự thật tàn nhẫn đó)
2. Tóm tắt
Người phụ nữ Phăng-tin bị Gia-ve bắt giam cầm, nhờ có Ma- đơ- le (Giăng Van-giăng) cứu giúp đưa vào bệnh xá để chữa trị. Trong lúc cứu giúp Phăng-tin, Giăng Van-giăng đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định ra tòa tự thú để cứu giúp một nạn nhân bị Gia-ve bắt và đổ oan. Chính vì lẽ đó, Giăng Van-giăng đến bệnh xá để từ giã Phăng-tin lần cuối. Không may, Gia- ve theo dõi và đi đến bệnh xá nơi Phăng-tin nằm và canh chừng Giăng Van-giăng. Thấy Gia-ve xuất hiện, Phăng-tin cứ nghĩ rằng hắn đến bắt chị nên đã rất sợ hãi. Giăng Van-giăng đã cầu xin Gia-ven cho mình thời gian để tìm ra con của Phăng-tin nhưng chẳng những hắn không đồng ý mà còn buông lời nhục mạ cay nghiệt. Nghe thấy những lời lẽ nhục mạ thô tục ấy , Phăng-tin vốn đang bệnh nặng đã tắt thở ngay tại giường. Giăng Van-giăng bất ngờ trước cái chết đột ngột ấy, ông cạy tay Gia-ve ở cổ áo mình và đi đến bên giường sắt, lăm lăm cầm một thanh giường cũ kĩ trên tay. Gia- ven thấy vậy vô cùng sợ hãi, lùi lại phía sau, hắn muốn đi gọi lính đến giúp nhưng lại sợ chàng chạy thoát nên chẳng biết làm gì hơn. Giăng Van-giăng từ từ tiến đến gần gã Gia-ven và nói: giờ thì tôi thuộc về anh.
3. Bố cục
- Phần 1 (từ đầu đến Phăng-tin đã tắt thở): Giăng Van-giăng mất hết quyền uy trước tên thanh tra mật thám Gia-ve
- Phần 2 (còn lại): Giăng Van-giăng khôi phục uy quyền
4. Giá trị nội dung
- Qua tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể đẩy lùi bóng tối của cường quyền bằng ánh sáng của tình thương và nhen nhóm niềm tin vào tương lai
5. Giá trị nghệ thuật
- Xây dựng hình tượng tương phản, cốt truyện đầy kịch tính
GỢI Ý HỌC BÀI
Câu 1
Trong Những người khốn khổ, V. Huy-gô đặt hai nhân vật Giăng Van-giăng và Gia-ve trong thế đối lập nhau của một kẻ đi tìm, một người đi trốn, của một tội phạm và một tên thanh tra mật thám.
Còn trong đoạn trích này, giữa hai nhân vật ấy cũng là sự đối lập nhưng là sự đối lập giữa hình tượng một con ác thú và hình tượng của một vị cứu tinh, một đấng cứu thế thể hiện qua đối thoại, qua hành động.
Giăng Van-giăng cũng là hình tượng người anh hùng lãng mạn đối lập với cường quyền, cũng chính là nhân vật trung tâm mà V. Huy-gô đã dồn hết tâm huyết và bút lực của mình để miêu tả và qua đây nhà văn gửi gắm thông điệp và tình thương của mình. Như vậy, những thủ pháp nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật đối lập được sử dụng ở đây cũng đều nhằm tô đậm, ngợi ca một con người khác thường, một trái tim tràn ngập tình thương vừa nói.
Câu 2
Để khắc họa nhân vật Gia-ve, V. Huy-gô sử dụng nghệ thuật so sánh phóng đại bằng cách dùng một loạt chi tiết nhằm quy chiếu về một ẩn dụ, đó là một con ác thú. Ngay cách miêu tả Gia-ve của Huy-gô cũng đặc biệt: cái trán gồ cao, cặp mắt diều hâu sâu hoắm, cằm bạnh mũi hếch, hai chòm râu mọc ngược lên đến tận mang tai.
Còn trong đoạn trích này, bộ dạng ngôn ngữ và hành động cũng thế. Đầu tiên hắn thét: “Mau lên!” với lời bình của người kể chuyện “là tiếng thú gầm”. Hắn vừa gầm vừa như thôi miên con mồi “cứ đứng lì một chỗ”, “phóng vào con mồi”, “cặp mắt nhìn như cái móc sắt”. Sau đó hắn mới lao tới (“tiến vào giữa phòng”) ngoạm lấy cố con mồi (“túm lấy cổ áo”). Hắn đắc ý, phá lên cười nhưng là “cái cười ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng”.
Đúng là nhà văn có dụng ý xây dựng nhân vật Gia-ve như một con ác thú.
Đó là ở Gia-ve. Còn ở Giăng Van-giăng ta không tìm thấy một hệ thống hình ảnh so sánh quy về ẩn dụ như ở Gia-ve.
Nguyên là một người thợ xén cây bị tù khổ sai vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho bảy đứa cháu nhỏ, Giăng Van-giăng ra tù được đức giám mục cảm hóa bằng tình thương nên nhân vật nghèo khổ này luôn coi tình thương là lẽ sống của mình.
Trong đoạn trích này, nhà vãn chú ý khắc họa nhân vật Giăng Van-giăng bằng những nét tinh tế trong ngôn ngữ và hành động. Ngôn ngữ của nhân vật này nhẹ nhàng, điềm tĩnh: thì thầm, hạ giọng đối với Phăng-tin và cả Gia-ve; tất cả nhằm mục đích cứu vớt Phăng-tin trong lúc bệnh tình chị nguy kịch. Khi thấy Gia-ve xuất hiện, tuy đã biết hắn đến là để bắt mình nhưng ông vẫn điềm tĩnh tìm ra cách nói để Phăng-tin yên tâm. Sự thể sẽ ra sao nếu Giăng Van-giãng nói: “Tôi biết là anh đến để bắt tôi” thay vì như đã nói: “Tôi biết là anh muốn gì rồi”. Có thể nói hình tượng của nhân vật này ở đây đối lập hoàn toàn với hình tượng Gia-ve vừa phân tích trên.
Đó là nhân vật Giăng Van-giăng qua miêu tả trực tiếp của nhà vãn. Ngoài ra, nhân vật này còn được nhà văn miêu tả gián tiếp thấp thoáng hiện lên qua lời cầu cứu Phăng-tin và qua cảnh tượng mà bà xơ Xam-phích chứng kiến. Lời cầu cứu trước phút lâm chung của Phăng-tin hướng về Giăng Van-giăng và chi tiết: lúc Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin... một nụ cười không sao tả được trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết, người đọc bỗng thấy hình ảnh nhân vật Giăng Van-giăng chẳng khác gì hình ảnh của một vị cứu tinh, một đấng cứu thế.
Không chỉ miêu tả trực tiếp và gián tiếp như vừa nói, nhà văn còn dùng lối bình luận ngoại đề. Lời bình luận với hàng loạt câu hỏi liên tiếp dồn dập:“Ông nói gì với chị? Người đàn ông bị ruồng bỏ ấy có thể nói gì với người đàn bà đã chết? Những lời ấy là lời gì vậy? Chẳng ai trên thế gian này nghe dược. Kẻ đã chết có nghe thấy không?”.
Rồi lời bình luận sau đó:
“Chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại”.
Tất cả đã làm cho hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng thêm phi thường và lãng mạn biết bao!
Câu 3. Đoạn văn từ câu: “Ông nói gì với chị?” đến câu “có thể là những sự thực cao cả” là phát ngôn của tác giả, của nhà văn. Thuật ngữ văn học dùng để chỉ tên loại ngôn ngữ này là Bình luận ngoại đề hay còn gọi là trữ tình ngoại đề. Ở đây, trong câu chuyện kể, bình luận ngoại đề có tác dụng khiến nhân vật phi thường lãng mạn thêm, tạo thêm nét trữ tình gợi cảm đối với người đọc.
Câu 4. Qua đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, một đoạn trích tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn của V. Huy-gô, người đọc có thể thấy được những dấu hiệu của nghệ thuật chủ nghĩa lãng mạn. Đó là thế giới lí tưởng của nhà văn biểu hiện qua hình ảnh Giăng Van-giăng, người anh hùng lãng mạn giải quyết những bất công xã hội chỉ bằng giải pháp tình huống, được xây dựng bằng những thủ pháp phóng đại, so sánh, ẩn dụ và tương phản, những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của các nhà văn lãng mạn chủ nghĩa. Điều quan trọng là tất cả các biện pháp trên đều bị chi phối bởi đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn - đó là trong khi đối lập giữa thực tế với lí tưởng, chủ nghĩa lãng mạn hướng về khuynh hướng khẳng định lí tưởng.