Bài soạn "Một người Hà Nội" số 6 - 6 Bài soạn "Một người Hà Nội" của Nguyễn Khải lớp 12 hay nhất
I. Tìm hiểu chung về bài Một người Hà Nội 1. Tác giả Nguyễn Khải, tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải (1930 - 2008) , nhà văn Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà văn trưởng thành sau cách mạng tháng 8 năm 1945. ...
I. Tìm hiểu chung về bài Một người Hà Nội
1. Tác giả
Nguyễn Khải, tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải (1930 - 2008) , nhà văn Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà văn trưởng thành sau cách mạng tháng 8 năm 1945.
Quê nội của ông ở thành phố Nam Định nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi.
Chủ đề các tác phẩm của Nguyễn Khải khá phong phú: về nông thôn trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, về bộ đội trong những năm chiến tranh chống Mỹ, về những vấn đề xã hội-chính trị có tính thời sự và đời sống tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống.
Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (1985)...
2. Tác phẩm
Một người Hà Nội là truyện ngắn giàu tính triết luận, được sáng tác trong bối cảnh đổi mới văn học sau 1986.
II. Hướng dẫn Soạn bài Một người Hà Nội
Câu 1 trang 98 SGK văn 12 tập 2
Nhận xét về nhân vật cô Hiền:
Tính cách và phẩm chất: Ngay thẳng, trung thực, quyết đoán thể hiện trong những việc:
Hôn nhân: cô chọn chồng là một ông giáo tiểu học chăm chỉ để có một cuộc sống gia đình ổn định.
Việc sinh con: dừng lại ở tuổi 40 sau khi sinh được 5 đứa con để mai này có thể chăm lo cho con chu đáo.
Việc dạy con: dạy từ cái nhỏ nhất, dạy từ cái ăn uống hằng ngày, cô dạy con cách sống làm người Hà Nội lịch sự tế nhị, hào hoa, biết giữ gìn phẩm chất của con người Hà Nội.
Cách ứng xử của cô trong từng giai đoạn của đất nước:
Chiêm nghiệm lẽ đời: vui hơi nhiều, nói hơi nhiều, còn để mà làm ăn khi đất nước mới độc lập
Hòa bình ở Miền Bắc cô tính toán mọi việc rất khôn khéo mà đã làm là làm chứ không bận tâm để ý đến những lời đàm tiếu xung quanh.
Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại cô dạy con cách sống cho không phải xấu hổ, cô khuyên con lên đường nhập ngũ.
Nói cô Hiền là “hạt bụi vàng của Hà Nội” vì:
Sau bao thăng trầm vẫn cứ sống có nghĩa cho đất nước cho gia đình, giữ trọn cốt cách thanh tao lịch lãm của người Hà Nội- hạt bụi ấy tuy là bé nhưng lại vô cùng quý giá.
Câu 2 trang 98 SGK văn 12 tập 2
Những cảm nghĩ về những nhân vật khác:
Nhân vật tôi: một người đã chứng kiến và tham gia vào nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc, đã có những quan sát tinh tế, cảm nhận nhạy bén, sắc sảo, đặc biệt là về nhân vật cô Hiền, về Hà Nội và người Hà Nội. Ẩn sâu trong giọng điệu vừa vui đùa, khôi hài, vừa khôn ngoan, trải đời là hình ảnh một người gắn bó thiết tha với vận mệnh đất nước, trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc. Nhân vật "tôi" mang hình bóng Nguyễn Khải, là người kể chuyện, một sáng tạo nghệ thuật sắc nét đem đến cho tác phẩm một điểm nhìn trầm thuật chân thật, khách quan và đúng đắn, sâu sắc.
Nhân vật Dũng: là con trai cô Hiền, anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy, anh đã cùng hơn 660 thanh niên anh dũng lên đường cứu lấy Tổ Quốc cứu lấy Hà Nội. Có thể nói Dũng và Tuất đều thể hiện được cốt cách của con người Hà Nội.
Câu 3 trang 98 SGK văn 12 tập 2
Chuyện cây si cổ thụ bị đánh gẫy ở đền Ngọc Sơn gợi ra những suy nghĩ:
Hình ảnh cây si bị bão đánh bật rễ thể hiện sự khắc nghiệt của thiên nhiên đồng thời đó cũng là quy luật của xã hội.
Cây si cổ thụ bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh nói lên quy luật bất diệt của sự sống. Không chỉ vậy, đây là quy luật được khẳng định bằng niềm tin của con người thành phố đã kiên trì cứu sống được cây si.
Cây si cũng là một biểu tượng nghệ thuật, một hình ảnh ẩn dụ về vẻ đẹp của những con người Hà Nội: có thể bị tàn phá, bị nhiễm bệnh nhưng vẫn là một người Hà Nội mang trong mình những truyền thống văn hóa đã được nuôi dưỡng suốt trường kì lịch sử, là cốt cách, tinh hoa, linh hồn của đất nước.
Câu 4 trang 98 SGK văn 12 tập 2
Giọng điệu trần thuật của Nguyễn Khái là một giọng điệu rất trải đời, vừa tự nhiên, dân dã vừa trĩu nặng suy tư, vừa giàu chất khái quát, triết lí, đậm tính đa thanh.
=> Giọng điệu trần thuật đã làm cho truyện ngắn đậm đặc chất tự sự rất đời thường mà hiện đại.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
Tạo tình huống gặp gỡ giữa nhân vật "tôi" và nhân vật khác.
Ngôn ngữ nhân vật góp phần khắc họa tính cách