Bài soạn "Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)" số 3 - 6 Bài soạn "Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)" lớp 9 hay nhất
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM 1. Các bước làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) Tìm hiểu đề và tìm ý Lập dàn bài Viết bài Đọc lại bài viết và sửa chữa 2. Bài làm cần đảm bảo đầy đủ các phần của bài văn nghị luận Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của ...
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Các bước làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
Tìm hiểu đề và tìm ý
Lập dàn bài
Viết bài
Đọc lại bài viết và sửa chữa
2. Bài làm cần đảm bảo đầy đủ các phần của bài văn nghị luận
Mở bài: Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình
Thân bài: Nêu các luận điểm chính về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; có phân tích, đánh giá chung bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực.
Kết bài: Nêu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Luyện tập
Bài tập: Trang 68 sgk ngữ văn 9 tập 2
Cho đề bài: Cảm nhận của em về đoạn trích truyện "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.
Hãy lập dàn ý chi tiết
(Gợi ý:
Đề yêu cầu nêu vấn đề gì? Cần chú ý đến các từ nào trong đề để định hướng đúng phương hướng làm bài?
Em biết gì về hoàn cảnh lịch sử cụ thể của miền Nam nước ta trước đây khiến cho nhiều người như ông Sáu phải xa nhà đi chiến đấu và chịu nhiều mất mát về tình cảm gia đình?
Nêu những nhận xét (ý kiến) về hai nhân vật ông Sáu và bé Thu trong đoạn trích: những mất mát, thiệt thòi, sự chịu đựng, hi sinh và nghị lực, niềm tin...
Những đặc điểm cụ thể của tình cha con trong từng nhân vật: tìm và phân tích các chi tiết đặc sắc về cử chỉ, hành động, lời nói, diễn biến tâm trạng...nhất là việc công phu, tỉ mẩn làm chiếc lược cho con gái của nhân vật ông Sáu; hành động bất nhờ khi nhận ba ở giờ phút chia li cuối cùng của nhân vật bé Thu để chứng minh những nhận xét của mình.
Nghệ thuật tạo dựng tình huống, cách trần thuật, cách lựa chọn chi tiết,...của Nguyễn Quang Sáng có tác dụng gợi cảm xúc như thế nào)
Bài làm:
a) Yêu cầu của đề bài là cảm nhận, tức là nêu lên cảm xúc của mình sau khi đã đọc, suy ngẫm về tác phẩm. Cần chú ý tới từ khóa "Cảm nhận" để có thể xác định đúng phương hướng làm bài
b) Lập dàn ý chi tiết
Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà; khẳng định vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Sáng cũng như trong nền văn học kháng chiến chống Mỹ của dân tộc
Thân bài:
- Giới thiệu về tác phẩm
Ra đời năm 1966, thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra gay go và ác liệt nhất. Bom đạn của kẻ thù dội xuống miền Nam nhằm hủy diệt sự sống. Để bảo vệ hòa bình của dân tộc và sự bình yên cho quê hương, những con người như ông Sáu đã bỏ lại sau lưng gia đình dấn thân vào chiến trường một phen sống mái với kẻ thù. Chiến tranh đã gieo rắc cái chết, nỗi khổ đau và cũng là nguyên nhân của những mất mát về tình cảm gia đình của ông Sáu.
Truyện kể ngôi thứ nhất qua lời kể của Bác Ba - bạn thân anh Sáu, cũng là người trực tiếp chứng kiến câu chuyện khiến câu chuyện trở nên sinh động, khách quan và chân thực hơn
Chiếc lược ngà là kỉ vật cuối cùng của ông Sáu dành cho bé Thu cũng là minh chứng cho tình cha con thiêng liêng, bất diệt mà ông Sáu dành cho đứa con gái bé bỏng của mình
Nhà văn dẫn dắt nhân vật vào tình huống éo le để nhân vật bộc lộ sâu sắc tình cha con
Nói sơ lược cốt truyện
- Cảm nhận về tác phẩm
Những mất mát, đau thương và nghị lực của nhân vật ông Sáu và bé Thu
Ông Sáu: tham gia chiến tranh từ khi con gái mới lọt lòng, không được ở bên cạnh con để nhìn nó lớn lên; chịu nỗi đau về thể xác - minh chứng cho tội ác của kẻ thù, là vết thẹo dài trên mặt. Vết thẹo là lý do khiến cho bé Thu một mực không nhận ông Sáu là cha, mặc cho ông có cố gắng thế nào. Cuộc đời ông Sáu là sự hi sinh hạnh phúc cá nhân cho hạnh phúc của cộng đồng, cũng là số phận của những con người Việt Nam trong thời chống Mỹ, nước mất nhà tan, gia đình chia rẽ, li tán
Bé Thu: Sống với má và chỉ biết đến cha qua bức hình chụp chung với má. Bé Thu là một cô bé ngang bướng, cứng đầu. Nó kiên quyết không chịu nhận va gọi ông Sáu là ba dù bị mẹ nó ép hay ông Sáu dỗ dành. Nó càng ngang bướng bao nhiêu càng chứng tỏ tình yêu cha của nó lớn bấy nhiêu. Trong tâm hồn của đứa trẻ tội nghiệp ấy, ba nó không có cái thẹo. Nên mặc cho nỗi khao khát được cha yêu thương, mặc cho những đe dọa của mẹ, nó vẫn không chịu nhận. Điều ấy làm cho cả bé Thu và ông Sáu đều chịu tổn thương về tinh thần.
Tình cha con sâu đậm
Những cử chỉ, hành động của ông Sáu và bé Thu trong 3 ngày nghỉ phép
Giây phút đầu gặp gỡ
Trong 3 ngày nghỉ phép
Trong bữa cơm
Trong những giây phút cuối cùng của buổi chia li
Hành động tỉ mẩn làm lược và ánh mắt gửi gắm cuối cùng của ông Sáu trước lúc hi sinh
Đặc sắc về nghệ thuật: tình huống truyện, cách trần thuật, cách lựa chọn chi tiết...
Kết bài: Khẳng định lại cảm xúc của bản thân với tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng