Bài soạn "Lục Vân Tiên gặp nạn" số 6 - 6 Bài soạn "Lục Vân Tiên gặp nạn" lớp 9 hay nhất
I. Tác giả, tác phẩm 1. Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu. 2. Tác phẩm * Xuất xứ: Văn bản Lục Vân Tiên gặp nạn được trích trong tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên, nằm ở phần thứ hai của truyện. Vân Tiên và tiểu đồng đang bơ vơ nơi đất khách quê người thì gặp Trịnh Hâm đi thi trở về. Vốn đã ...
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu.
2. Tác phẩm
* Xuất xứ: Văn bản Lục Vân Tiên gặp nạn được trích trong tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên, nằm ở phần thứ hai của truyện. Vân Tiên và tiểu đồng đang bơ vơ nơi đất khách quê người thì gặp Trịnh Hâm đi thi trở về. Vốn đã có lòng đố kị, ghen ghét tài năng của Vân Tiên, Trịnh Hâm lợi dụng cơ hội để hãm hại chàng. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ dẫn về quê nhà. Đợi đến đêm khuya vắng vẻ, hắn mới thực hiện hành động tội ác của mình.
* Bố cục: Đoạn trích có thể được chia làm 2 đoạn:
Đoạn 1: 8 câu đầu: Tội ác của Trịnh Hâm.
Đoạn 2: Những câu còn lại: Việc làm nhân đức và nhân cách cao cả của ông ngư.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Chủ đề của đoạn trích là sự đối lập giữa cái thiện và cái ác:
Cái thiện: Vân Tiên được ông ngư cứu => đây là việc làm nhân đức thể hiện nhân cách sống cao đẹp của ông ngư.
Cái ác: Do ganh ghét, đố kị tài năng của Lục Vân Tiên nên Trịnh Hâm đã trở thành một kẻ độc ác, nhẫn tâm hãm hại Lục Vân Tiên ngay cả khi Vân Tiên không còn khả năng đe dọa đến bước đường công danh của hắn.
Câu 2:
* Phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên:
Lục Vân Tiên đang bị mù, mất hết tiền bạc, không còn khả năng kháng cự mà Trịnh Hâm vẫn nhẫn tâm hãm hại một con người tội nghiệp, đang trong cơn hoạn nạn, lại tin tưởng nhờ mình giúp đỡ.
Trịnh Hâm là một con người đểu cáng, phản bội lại bạn bè, phản bội lại lời hứa của chính mình là sẽ đưa Lục Vân Tiên trở về quê nhà.
Chỉ vì ganh ghét mà thực hiện hành động tội ác có chủ đích: Chọn lúc đêm khuya vắng lặng để đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, xong còn giả tiếng kêu trời, ra bộ mình không liên quan trong việc này.
=> Hành động của một kẻ bất nhân, bất nghĩa, xảo quyệt. Chính lòng ganh ghét đã ngấm vào xương tủy, trở thành bản chất độc ác của Trịnh Hâm.
* Giá trị nghệ thuật của đoạn thơ tự sự này rất đặc sắc, chỉ với số câu ngắn gọn mà tác giả đã sắp xếp tình tiết một cách hợp lí, thể hiện diễn biến hành động rất mau lẹ, có tính toán và rất độc ác của Trịnh Hâm.
Câu 3:
Sự đối lập giữa cái ác và cái thiện qua đoạn trích: là sự đối lập giữa tính ích kỉ, nhỏ nhen, độc ác của Trịnh Hâm với tấm lòng cao cả, bao dung, nhân ái của ông Ngư.
Qua đoạn trích, chúng ta có thể thấy:
Ông ngư và gia đình cứu vớt Lục Vân Tiên rất khẩn trương, sốt sắng, đều cầu mong cứu được người bị nạn.
Qua lời nói của ông ngư với Lục Vân Tiên, mặc dù gia cảnh nhà ông cũng khó khăn, ăn uống cũng đạm bạc nhưng vẫn sẵn sàng cưu mang Lục Vân Tiên.
Cuộc sống lao động của ông Ngư: gần gũi với thiên nhiên, tách biệt hoàn toàn với chốn danh lợi nhộn nhịp, ồn ào.
Câu 4:
Theo em, những câu thơ hay nhất trong đoạn trích là 14 câu thơ cuối:
Ngư rằng lòng não chẳng mơ
…
Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang.
Đây là đoạn thơ với rất nhiều hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm, mở ra một khoảng thiên nhiên cao rộng, khoáng đạt với trời, đất, vịnh, doi, chích, đầm, bầu, chơi trăng, tắm mưa, chải gió,… Có thể nói, con người hòa hợp trong cái thế giới thiên nhiên ấy, trải nghiệm niềm vui sống với tâm hồn luôn thanh thản, không vướng bận sự đời. Phải chăng Nguyễn Đình Chiểu đang nhập thân vào nhân vật để nói lên khát vọng sống và niềm tin yêu của mình vào cuộc đời?