Bài soạn "Động từ" số 6 - 6 Bài soạn "Động từ" lớp 6 hay nhất
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG - Động từ là từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật. Ví dụ : ăn, uống, chạy, nhảy, nói, cười, đứng, ngồi,... - Động từ có thể đặt sau các từ : đã, đang, sẽ, hãy, đừng, chớ, cũng, vẫn, cứ, còn,... - Động từ có thể trực tiếp làm vị ngữ. Ví dụ : ...
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
- Động từ là từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật.
Ví dụ : ăn, uống, chạy, nhảy, nói, cười, đứng, ngồi,...
- Động từ có thể đặt sau các từ : đã, đang, sẽ, hãy, đừng, chớ, cũng, vẫn, cứ, còn,...
- Động từ có thể trực tiếp làm vị ngữ.
Ví dụ : Họ sống và chiến đấu. (Từ in nghiêng là động từ, làm vị ngữ).
- Có hai loại động từ đáng chú ý, là:
+ Động từ không đứng một mình, thường có động từ khác đứng sau. Ví dụ: toan, dám, định, muốn, quyết, có thể,... (toan làm, dám làm, định làm, muốn làm, quyết làm, có thể làm,...)
+ Động từ có thể đứng một mình. Ví dụ : đi, chạy, đứng, ngồi; buồn, vui, yêu, ghét,...
II- HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Trước hết em đọc truyện Lợn cưới, áo mới một lượt. Sau đó, đọc lại từng câu, chú ý những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật (động từ), gạch dưới những từ ấy. Cuối cùng, xếp các động từ tìm được vào một trong hai loại : động từ tình thái (không đứng một mình) và động từ chỉ hành động, trạng thái (có thể đứng một mình).
Cụ thể, trong truyện Lợn cưới, áo mới có các động từ sau : khoe, may, đem, mặc, đứng (hóng), đợi, đi, khen, thấy, hỏi, tức, tức tối, chạy, giơ, bảo. Em tự phân loại các động từ này.
2. Em đọc truyện này, chú ý câu cuối truyện: “Anh ấy chỉ muốn cầm của người khác, chứ không bao giờ chịu đưa cho ai cái gì”. Hai từ cầm và đưa có nghĩa trái ngược nhau (cầm : nhận một cái gì đó từ người khác về mình; đưa: trao một cái gì đó từ mình cho người khác). Như vậy, anh chàng bị rơi xuống sông chỉ có thói quen cầm, chứ không có thói quen đưa; điều đó cho thấy anh chàng này là một kẻ tham lam, keo kiệt. Chi tiết gây cười của truyện thể hiện ở chỗ đó.
3. Em tập viết trước bài chính tả ở nhà. Khi viết, chú ý các từ dễ viết sai về phụ âm đầu, phụ âm cuối hoặc dấu thanh (như các từ: mừng rỡ, đùa giỡn, mỏi mệt, lắm, quỳ, đào lên, bà đỡ, biết, rừng, sắp sáng, giơ tay, chúa rừng, quay về, vẫn, tiễn biệt).
III - THAM KHẢO
Những từ mô tả động tác:
Trong cuốn tiểu thuyết Đỉnh núi của Thu Bồn (NXB Thanh Niên, 1986), tác giả đã sử dụng một số từ mô tả động tác của con người mang nhiều giá trị biểu cảm. Ví dụ:
- Dưới cánh đồng, những người soi ếch cởi trần đương huơ những ngọn đuốc, gọi nhau ơi ới làm khung cảnh tăng thêm phần quái đản (trang 79).
- Bọn trẻ huơ cờ, cười ầm ĩ. (trang 141)
- Lê Bậu cởi áo làm chổi quơ sơ bụi trên tấm phản rồi gieo mình xuống, (trang 248)
- Bí thư Quang đưa chân quơ tìm, ấn ngón chân cái vào bàn chân Lê Bậu. (trang 141)
- Người ta giễu cợt anh, anh bụm lỗ tai lại nhưng tối về nhà cái đầu nó đau. (trang 263)
- Thêm thấy Chín Rừng hát, cô bụm miệng cười, (trang 169)
- Trong cơn hoảng sợ, hắn vung mạnh cánh tay và bươn qua. (trang 74)
Bằng việc sử dụng những từ thô tháp, sần sùi, có cạnh có góc, có độ chính xác cao, những từ đem đến cho người đọc cảm giác rất thật và là lạ như gặp lại một người bạn thân lâu ngày trở về đúng lúc, nhà văn Thu Bồn có đóng góp nhất định về mặt hành văn.