Bài soạn "Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ" số 2 - 6 Bài soạn "Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ" lớp 9 hay nhất
Phần I: TÌM HIỂU ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ Trả lời câu hỏi (trang 80 SGK Ngữ văn 9, tập 2): a. Các đề bài trong SGK có cấu tạo chia làm hai loại - Một loại đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức tiến hành bài làm: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ, cảm nhận, gợi cho ...
Phần I: TÌM HIỂU ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ
Trả lời câu hỏi (trang 80 SGK Ngữ văn 9, tập 2):
a. Các đề bài trong SGK có cấu tạo chia làm hai loại
- Một loại đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức tiến hành bài làm: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ, cảm nhận, gợi cho em những suy nghĩ gì,…
- Một loại đề không có những từ ngữ định hướng: đề số 4, đề số 7.
b. Các từ ngữ trong đề bài như: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ biểu thị những yêu cầu định hướng cách làm bài.
- Trường hợp không có những từ ngữ chỉ định, người viết phải tự xác định việc bày tỏ ý kiến, đánh giá của mình về vấn đề được nêu ra trong đề bài.
Phần II: CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, BÀI THƠ
Trả lời câu hỏi (trang 83 SGK Ngữ văn 9, tập 2):
a.
- Các phần của văn bản:
+ Mở bài (từ đầu đến “thành công khởi đầu rực rỡ”): giới thiệu về nhà thơ và bài thơ.
+ Thân bài (từ “Nhà thơ đã viết” tới “thành thực của Tế Hanh”): phân tích vẻ đẹp của hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi và cảnh đoàn thuyền đánh cá lúc trở về.
+ Kết bài (phần còn lại): nếu lên giá trị của bài thơ đối với người đọc trong việc bồi đắp tình yêu quê hương.
- Các ý kiến trên được dẫn dắt, khẳng định qua việc chọn, phân tích những câu thơ tiêu biểu.
b. Văn bản có sức thuyết phục bởi vì:
- Hệ thống luận điểm rõ ràng, hợp lí.
- Người viết đã đưa ra những nhận xét, những cảm thụ của riêng mình.
- Giọng văn truyền cảm, lôi cuốn.
Phần III: LUYỆN TẬP
Trả lời câu hỏi (trang 84 SGK Ngữ văn 9, tập 2):
Phân tích khổ thơ đầu bài Sang thu của Hữu Thỉnh.
Bài tham khảo:
Mùa thu là một trong những đề tài được nhiều thi nhân viết đến. Tuy nhiên, mỗi bài thơ thu lại có những nét độc đáo và thi vị riêng. “Sang thu” của Hữu Thỉnh cũng là một bài thơ thu như thế. Bài thơ đã phác họa thành công sự chuyển mùa tinh tế của đất trời và của lòng người lúc sang thu. Mở đầu bài thơ, người đọc đã có thể nhận ra ngay cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh khi tiết trời sang thu:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Từ “bỗng” thể hiện sự đột ngột, bất chợt trong cảm nhận. Ở đây đó chính là bất chợt nhận ra đất trời đã chớm sang thu. Cái hay và tinh tế nữa đó là, tác giả nhận thấy mùa thu không phải vì bầu trời cao xanh hơn hay hoa cúc nở vàng như trong các bài thơ ta thường thấy mà ở đây là vì “hương ổi phả vào trong gió se”. Sự tinh tế của tác giả chính là ở việc không tả mà chỉ gợi. Hương ổi thơm lừng trong gió se gợi cho người đọc màu vàng ươm của những trái ổi nơi vườn quê trong một buổi chiều cuối hạ, đầu thu. Và vì có gió thu “se” lạnh nên hương ổi mới thêm nồng nàn, phả vào đất trời và hồn người để cho tác giả “bỗng” phát hiện ra thu đã về. Không chỉ có “hương ổi” trong “gió se”, nhà thơ còn nhận thấy:
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Với cách nhân hóa, từ láy “chùng chình” gợi tả sự chậm rãi, nhẹ nhàng của màn sương giống như một nàng Thu yêu kiều đang bước tới. Sương bay qua ngõ, giăng mắc vào những giậu rào, trên những cành cây khô đầu ngõ cuối thôn. Thế nhưng, dù đã cảm nhận được mùa thu qua ba giác quan khứu giác (hương ổi – vị giác, gió se – xúc giác, sương chùng chình – thị giác) nhưng tác giả vẫn chưa hết sững sờ, vẫn chưa dám tin là thu đã về nên mới mơ hồ: “Hình như thu đã về”. “Hình như” là chưa chắc chắn, không chắn chắn nhưng kì thực là tác giả đã tự khẳng định rằng: mùa thu về thật rồi.
Khổ thơ đầu tiên của bài thơ “Sang thu” đặc biệt dịu dàng tinh tế, nó diễn tả những biến đổi tinh vi của đất trời và lòng người trong thời khác giao mùa được chờ đợi rất nhiều trong năm: từ hạ chuyển sang thu. Khổ thơ đã góp phần quan trọng tạo nên bài thơ “Sang thu”, một áng thơ thu duyên dáng và tài tình trong thi đề mùa thu quen thuộc của văn học Việt Nam.