Bài soạn "Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)" số 4 - 6 Bài soạn "Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)" lớp 9 hay nhất
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM I. ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN ( HOẶC ĐOẠN TRÍCH) Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi: Đề 1: Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Đề 2: Phân tích diễn biến cốt ...
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
I. ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN ( HOẶC ĐOẠN TRÍCH)
Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi:
Đề 1: Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Đề 2: Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
Đề 3: Suy nghĩ về thân phận Thuý Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du.
Đề 4: Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
Câu hỏi:
a) Các đề bài đã nêu ra vấn đề nghị luận nào về tác phẩm truyện?
b) Các từ suy nghĩ, phân tích trong đề bài đòi hỏi bài làm phải khác nhau như thế nào?
Trả lời:
a) Các đề bài trên đã nêu ra những vấn đề nghị luận sau:
Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở Chuyện người con gái Nam Xương.
Diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Thân phận của Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều.
Đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
b) Các từ suy nghĩ, phân tích trong đề bài yêu cầu ở người đọc những thao tác làm bài khác nhau. Cụ thể như:
Suy nghĩ: Thể hiện được những suy nghĩ, nhận định của bản thân về một vấn đề nào đó của tác phẩm.
Phân tích: Phân tích một khía cạnh nào đó của tác phẩm để rút ra được những giá trị của tác phẩm.
II. Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện ( hoặc đoạn trích)
Làm bài nghị luận về tác phẩm truyện ( hoặc đoạn trích) thông qua các bước sau:
Tìm hiểu đề và tìm ý
Lập dàn bài
Viết bài
Đọc lại bài viết và sửa chữa
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
III- LUYỆN TẬP
Cho đề bài: Suy nghĩ của em về truyện ngắn “ Lão Hạc” của Nam Cao. Hãy viết phần Mở bài và một đoạn phần Thân bài
Bài làm:
Mở bài:
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc với những sáng tác để lại trong long người đọc nhiều day dứt và ám ảnh. Mỗi câu chuyện của ông đều mang dáng dấp của một đời người, một kiếp người lầm than trong xã hội. Nam Cao tập trung khai thác số phận người nông dân trước cách mạng tháng Tám, bế tắc, cùng cực đã khiến cho cuộc đời họ chìm vào nước mắt. Truyện ngắn “Lão Hạc” là một trong những câu chuyện cảm động về hình ảnh nghèo khó của người nông dân, đồng thời toát lên được vẻ đẹp tinh thần đáng quý của họ.
Thân bài:
Một đoạn của thân bài:
Cái chết của lão Hạc có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó chính là xuất phát từ lòng tự trọng của lão. Lão không muốn gây phiền hà cho lối xóm bà con nên đã âm thầm lo liệu mọi đường cho cái chết của mình từ khi bán “cậu Vàng”, đã gửi lại ông giáo toàn bộ số tiền dành nhìn ăn nhịn tiêu của lão để nhờ ông giáo đem ra, nói với hàng xóm lo giúp cho lão khi lão chết. Con người hết sức hiền hậu ấy cũng là con người hết sức tự trọng, quyết không nhận của bố thí, chỉ biết sống bằng bàn tay lao động của mình. Tình cảnh túng quẫn, đói khổ ngày càng đe dọa lão Hạc và đấy lão vào con đường chết, tìm một lối thoát cuối cùng. Đủ thấy số phận bi thảm của những người nông dân nghèo khổ ớ những năm đen tối trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng suy cho cùng, việc lão tìm đến cái chết một cách tự nguyện cũng vì con. Nên nhớ, khi đó lão Hạc còn ba mươi đồng bạc (một số tiền khá lớn thời bấy giờ) và mảnh vườn ba sào. Nhưng lão nhất quyết không tiêu phạm vào cái vốn liếng cuối cùng mà lão đã dành cho con trai lão. Lão Hạc cũng là người đầy khí tiết, có lòng tự trọng. Thà chịu đói, chịu chết chứ không nhờ người khác. Với cái chết đau đớn dữ dội mà lão Hạc tự chọn, lão Hạc đã thể hiện một khí tiết cao quý, có ý thức nhân phẩm rất cao. Lão Hạc là con người “đói cho sạch, rách cho thơm”, “chết vinh hơn sống nhục”, là con người coi trọng nhân phẩm hơn cả cuộc sống.