Bài phân tích "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" số 9
Lí Bạch (701 - 762), tên chữ là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sĩ, quê ở huyện Lũng Tây, nay thuộc tỉnh Cam Túc, là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Thịnh Đường. Từ thời trai trẻ, ông đã có sở thích là chu du khắp nơi, tìm cơ hội để tạo lập công danh, sự nghiệp. Suốt đời, ông ...
Lí Bạch (701 - 762), tên chữ là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sĩ, quê ở huyện Lũng Tây, nay thuộc tỉnh Cam Túc, là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Thịnh Đường. Từ thời trai trẻ, ông đã có sở thích là chu du khắp nơi, tìm cơ hội để tạo lập công danh, sự nghiệp. Suốt đời, ông ấp ủ lí tưởng cứu đời, giúp dân nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Lí Bạch có tài thơ xuất chúng.
Thơ ông biểu hiện tâm hồn tự do, phóng khoáng, yêu con người, yêu thiên nhiên của ông. Viết về đề tài tình bạn thì bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng là tiêu biểu nhất. Qua bài thơ, người đọc hiểu được tình bạn chân thành, trong sáng của tác giả, đồng thời cũng được thưởng thức tài làm thơ tứ tuyệt đạt tới mức điêu luyện của bậc “Thi tiên”.
Phiên âm chữ Hán:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Dịch thơ tiếng Việt:
Bạn từ lầu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng.
Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
(Ngô Tất Tố dịch)
Lí Bạch sáng tác bài thơ này trong một tiệc rượu nhỏ chia tay người bạn thơ là Mạnh Hạo Nhiên tại lầu Hoàng Hạc (tỉnh Vũ Hán), một trong ba lâu đài nổi tiếng của Trung Hoa. Đây là nơi các tao nhân, mặc khách thường lui tới gặp gỡ và xướng hoạ thơ, hoặc đề thư lưu bút.
Mạnh Hạo Nhiên (689 - 740) người huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, là nhà thơ có nhiều bài thơ nổi tiếng về đề tài sông núi. Phong cách thơ ông có những nét gần với phong cách thơ Lí Bạch. Lí Bạch hết sức quý mến và ngưỡng mộ Mạnh Hạo Nhiên, coi ông là tri âm, tri kỉ. Nội dung bài thơ kể lại việc tác giả tiễn bạn từ phía Tây (lầu Hoàng Hạc) xuống phía Đông (Dương Châu) theo hành trình đường thuỷ là sông Trường Giang:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
(Bạn từ lầu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng)
Câu thứ nhất chỉ địa điểm xuất phát (lầu Hạc); câu thứ hai chỉ thời gian lên đường (Giữa mùa hoa khói) - tức tháng ba và đích đến là Châu Dương (Dương Châu). Thế nhưng dưới ngòi bút trữ tình dạt dào cảm xúc của Lí Bạch thì những chi tiết hiện thực nêu trên lại nhuốm màu thơ mộng và huyền ảo lạ thường. Tính chất thơ mộng, huyền ảo được gợi lên từ hình ảnh lầu Hạc gắn liền với thi ca cổ điển, từ hình ảnh hoa khói (yên hoa) trên sông.
Hoa khói ở đây có thể hiểu là khói sương bao phủ lên những khóm hoa nở dọc triền sông, mà cũng có thể là hơi nước gặp lạnh tụ thành từng đám, từng đám trên mặt sông. Dù hiểu cách nào chăng nữa thì đây cũng là một câu thơ hay và đẹp làm xúc động lòng người. Cách miêu tả này thường thấy trong thơ cổ điển, nhất là thơ Đường.
Từ Tây sang Đông là quãng đường xa thăm thẳm. Địa danh Dương Châu vang lên trong tâm thức của người đưa tiễn là Lí Bạch với nỗi niềm bâng khuâng, lưu luyến khó tả. Âm hưởng dàn trải của câu thơ dịch phần nào thể hiện được ý đó. Tình bạn thân thiết bộc lộ trong từng chữ, từng câu. Lí Bạch gọi Mạnh Hạo Nhiên là Cố nhân với tất cả tình cảm mến yêu, trân trọng. Ông bùi ngùi dõi theo bóng dáng người bạn tri âm đang mỗi lúc một xa. Hai câu thơ tiếp theo:
Cô phàm viễn cảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
(Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.)
Trong nguyên văn chữ Hán, Cô phàm là cánh buồm đơn độc, lẻ loi, có sắc thái tu từ và khả năng gợi tả, gợi cảm sâu sắc hơn nhiều so với Bóng buồm chung chung trong câu thơ dịch. Câu thơ thứ ba tuy không nhắc tới người đưa tiễn nhưng chúng ta vẫn hình dung ra tư thế của Lí Bạch đang đăm đăm dõi mắt trông theo con thuyền chở người bạn đi xa, cho tới lúc bóng dáng cánh buồm mờ dần rồi mất hút vào khoảng không xanh biếc vô tận. Câu thơ chữ Hán: Cô phàm viễn ảnh bích không tận nhấn mạnh tính chất của từng sự vật, trong khi đó, câu thơ dịch: Bóng buồm đã khuất bầu không lại bỏ mất nhiều tính từ nên ý nghĩa giảm đi nhiều.
Suy ngẫm kĩ, chúng ta sẽ thấy sự tương phản giữa vũ trụ bao la và con người nhỏ bé cũng được Lí Bạch kín đáo nhắc đến trong câu thơ cuối: Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu. Nhà thơ cố ngóng nhìn theo nữa thì chỉ còn thấy sóng nước Trường Giang cuồn cuộn trôi xuôi, xuôi mãi về phương xa: Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
Lí Bạch tả dòng sông nhưng cũng là để gửi gắm vào đó nỗi niềm tâm sự của mình: thương bạn phải cô độc dặm trường và cũng là thương thân cô độc giữa những người không phải là tri âm, tri kỉ; một mình ôm mối sầu miên man và một tình bạn thâm giao khó nói nên lời. Dường như cả kẻ ở lẫn người đi đều tan biến vào không gian bất tận của sông nước, của bầu trời. Cũng vì thế mà tình bạn keo sơn giữa hai nhà thơ lớn thời Thịnh Đường lại càng thêm đáng quý, đáng trân trọng.
Bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng vừa sâu sắc tính hiện thực, vừa đậm đà chất trữ tình. Ngôn ngữ thơ giản dị, hình ảnh gợi cảm và đặc biệt là tình bạn chân thành, tha thiết của Lí Bạch dành cho Mạnh Hạo Nhiên đã tạo nên sức sống lâu bền của bài thơ trong lòng người hâm mộ.