Bài phân tích "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" số 5
Lí Bạch nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc, ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, khoảng 1000 bài thơ. Tác phẩm của ông mang âm hưởng phóng khoáng, tự do, tiêu biểu cho hồn thơ lãng mạn. Tác phẩm Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng thể hiện tâm trạng của kẻ ở người đi. Qua đó ...
Lí Bạch nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc, ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, khoảng 1000 bài thơ. Tác phẩm của ông mang âm hưởng phóng khoáng, tự do, tiêu biểu cho hồn thơ lãng mạn. Tác phẩm Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng thể hiện tâm trạng của kẻ ở người đi. Qua đó bộc lộ tình cảm, tình bạn bè thắm thiết, sâu nặng.
Đề tài tình bạn và đưa tiễn bạn đi xa là một đề tài tương đối phổ biến trong thơ ca cổ Trung Quốc. Tình bạn là niềm khao khát, là đối tượng tìm kiếm của con người xưa. Mỗi nhà thơ đều mong muốn tìm được người bạn của mình, hiểu mình, tri âm, tri kỉ của mình: Hoàng kim vạn lạng dung dị đắc/ Nhân sinh tri kỉ tối ngang tầm. Và đặc biệt Lí Bạch được coi là nhà thơ của tình bằng hữu, bởi vậy thơ viết về tình bạn trong ông rất nhiều. Chủ đề tống biệt: là đề tài để thể hiện tình bạn sâu sắc nhất trong sáng tác của ông.
Tác phẩm mở ra không gian đưa tiễn tại lầu Hoàng Hạc: Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu. Hoàng Hạc lâu là điểm xuất phát của Mạnh Hạo Nhiên, cũng là nơi đưa tiễn bạn của Lí Bạch, nó nằm ở phía Tây Trung Quốc. Hoàng Hạc lâu là một thắng cảnh thần tiên với không gian tĩnh lặng, gắn với truyền thuyết Phí Văn Vi cưỡi hạc vàng. Còn Dương Châu: điểm đến của Mạnh Hạo Nhiên, nằm ở phía đông Trung Quốc - là nơi đô hội phồn hoa bậc nhất Trung Quốc đương thời. Đặt trong mối quan hệ tổng thể nối kết với nhau, các địa danh này tạo nên không gian rộng lớn, mênh mông.
Thời gian đưa tiễn được ông đưa ra tương đối cụ thể: “Tam nguyệt” (tháng ba). Đó là khoảng thời gian tiết trời trong lành, ấm áp, tươi sáng. Và khung đưa tiễn trên sông nước được tác giả tái hiện rất đẹp: “yên hoa” (hoa khói). Hình ảnh này mang đến cho người đọc hai cách hiểu: Hoa khói là sương khói trên sông đang tạo thành tầng tầng lớp lớp những bông hoa khói. Nhưng cũng có thể hiểu những bông hoa của mùa xuân bên bờ sông đã bung nở, lại được đắm chìm trong sương khói tháng ba. Dù hiểu theo cách nào, khung cảnh đang bày ra cũng là khung cảnh diễm lệ, nên thơ.
Lí Bạch dùng từ “Cố nhân” (bạn cũ) để xác lập mối quan hệ giữa người đi và kẻ ở. Người đi là Mạnh Hạo Nhiên, là bạn, là người Lí Bạch rất ngưỡng mộ cả về tài năng và nhân cách. Chữ “cố” cho thấy sự gắn bó bền chặt, thậm chí tri âm tri kỉ giữa hai người. Đồng thời chữ ấy cũng gợi một cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối, nhớ thương trào dâng trong lòng tác giả.
Đến câu thơ thứ ba, tâm trạng của người đưa tiễn đã thực sự rõ nét: “Cô phàm viễn ảnh bích không tận”. Lí Bạch lặng dõi theo con thuyền chở bạn đến khi nó dần biến mất vào chân trời mênh mông, vô tận. Hình ảnh cánh buồm lẻ loi cô đơn nhìn bên ngoài có vẻ là hình ảnh phi lí. Vì Trường Giang là tuyến giao thông huyết mạch của Trung Quốc, bởi vậy chắc chắn thuyền bè lúc nào cũng đi lại tấp nập.
Nhưng nếu lí giải theo tâm trạng của kẻ ở lại lặng nhìn người ra đi thì nó lại hoàn toàn hợp lí. Nhà thơ chỉ nhìn thấy một cánh buồm lẻ loi cô đơn trên dòng sông vì tấm lòng đã định hướng cho đôi mắt, chỉ dõi theo con thuyền của bạn nên không nhìn thấy những con thuyền khác. Người ở lại thấy lẻ loi, cô đơn, trống trải, hụt hẫng nên nghĩ rằng người bạn đang đi về nơi mĩ lệ, phồn hoa kia cũng cô đơn, lẻ loi như vậy. Con thuyền chở bạn nhưng chở theo cả nỗi lòng của người ở lại. Câu thơ thứ tư là câu thơ đã nghĩa, tác giả lấy cái có để nói cái không:
Duy kiến trường giang thiên tế lưu. Cái hiện ra trước mắt ông là dòng sông mênh mông, chảy dài tới tận chân trời. Dòng sông ấy cũng đưa con thuyền, người bạn – tri âm tri kỉ của ông biến mất vào cõi xa xôi. Nhưng cái có ở đây chính là ánh mắt của người ở lại vẫn đau đáu dõi theo bóng bạn, bóng thuyền. Nhìn vào khoảng không chỉ còn thấy dòng sông bên trời, điều đó cho thấy sự trống trải, hẫng hụt, nỗi nhớ thương và tình cảm sâu nặng Lí Bạch dành cho Mạnh Hạo Nhiên.
Bài thơ sử dụng pháp tả cảnh ngụ tình tài hoa, điêu luyện, đằng sau bức tranh sông nước tháng ba hữu tình, đẹp đẽ là tâm trạng, nỗi luyến tiếc, nhớ thương của Lí Bạch khi tiễn bạn đi xa. Ngôn ngữ thơ vô cùng giản dị, hàm súc, cô đọng, giàu giá trị, ý nghĩa. Hình ảnh thơ tươi sáng, gợi cảm giàu giá trị biểu đạt.
Với ngôn từ giản dị mà tinh tế, gợi tình gợi cảm, bài thơ đã thể hiện tình bạn chân thành, sâu sắc của Lí Bạch dành cho Mạnh Hạo Nhiên. Qua bài thơ ta cũng có thể thấy được ý nghĩa, vai trò quan trọng của tình bạn: tình bạn trong thời đại nào cũng vô cùng quý giá và đáng trân trọng.