Bài Kiểm tra tổng hợp cuối học kì 1 -SBT Văn 10 tập 1: Giải câu 1, 2, 3 trang 133 Chọn phương án trả lời chính xác...
Giải câu 1, 2, 3 trang 133 SBT Ngữ văn 10 tập 1. Chọn phương án trả lời chính xác cho các trường hợp. Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối học kì 1 1. Chọn phương án trả lời chính xác cho những trường hợp dưới đây: (1) Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian là : A. Tính truyền miệng và tính ...
1. Chọn phương án trả lời chính xác cho những trường hợp dưới đây:
(1) Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian là :
A. Tính truyền miệng và tính tập thể
B. Tính truyền miệng, tính tập thể, sự gắn bó mật thiết với sinh hoạt cộng đồng
C. Tính truyền miệng, tính tập thể, thường được diễn xướng ở dân gian
D. Cả ba câu trả lời trên đều chưa đúng
(2) Thể loại nào không phải là văn học dân gian ?
A. Chèo
B. Cải lương
C. Ca dao
D. Truyện thơ
(3) Trong các câu trả lời dưới đây, câu nào không đúng ?
Các nhân vật Đăm Săn, Uy-lít-xơ, Ra-ma giống nhau ở chỗ :
A. Đều là hình tượng trung tâm trong tác phẩm sử thi
B. Đều là người anh hùng vĩ đại, kết tinh những phẩm chất lí tưởng của cộng đồng
C. Đều quyết tâm chiến thắng mọi trở ngại, thách thức, để thoả mãn khát vọng vươn đến mục đích cao cả nhất trong cuộc sống
D. Đều có một kết cục bi thương
(4) Nhân vật Mị Châu đáng trách ở chỗ :
A. Tâm hồn quá trong sáng, dẫn đến ngây thơ, cả tin
B. Quá yêu chồng
C. Mất cảnh giác, “trái tim lầm chỗ để trên đầu”
D. Là thủ phạm chính gây ra hoạ mất nước
(5) Chi tiết nào thể hiện một tưởng tượng bất ngờ, thật đáng yêu của người dân quê Việt Nam chất phác ?
A. Tấm nuôi cá bống
B. Tấm có đôi bàn chân nhỏ nhắn
C. “Chớ phơi bờ rào” – Cung vua có bờ rào
D. Tấm biết têm trầu cánh phượng
(6) Đâu là tác phẩm thuộc nền văn học trung đại Việt Nam ?
A. Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác (1914)
B. Sống chết mặc bay (1918)
C. Bản án chế độ thực dân Pháp (1925)
D. Cả A, B, C đều không đúng
(7) Vui vầy với thiên nhiên giản dị, trong sạch, xem giàu sang như giấc chiêm bao, đó là thái độ sống thể hiện trong bài thơ nào ?
A. Cáo bệnh bảo mọi người
B. Hứng trở về
C. Cảnh ngày hè
D. Nhàn
(8) Có thể dùng câu Kiều nào để nói về hướng cảm xúc mà Nguyễn Du đã thể hiện trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí ?
A. Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa
B. Mỗi lời là một vận vào […]
C. Cả A và B đều đúng
D. Cả A và B đều không đúng
(9) Anh (chị) đã biết, Lí Bạch và Đỗ Phủ là hai nhà thơ lớn nhất của thời Đường. Hãy cho biết, hai bài thơ nào trong số kể dưới đây là tác phẩm của hai bậc thi hào đó.
A. Lầu Hoàng Hạc và Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng
B. Lầu Hoàng Hạc và Cảm xúc mùa thu
C. Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng và Cảm xúc mùa thu
D. Nỗi oán của người phòng khuê và Khe chim kêu
(10) Trong những câu thơ (hoặc ca dao) dưới đây, câu nào có sử dụng phép tu từ hoán dụ ?
A. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn (ca dao về bông sen)
B. Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên (Chinh phụ ngâm)
C. Làn thu thuỷ, nét xuân sơn (Truyện Kiều)
D. Con thuyền buộc chặt mối tình nhà (Đỗ Phủ)
2. Viết một bài văn tự sự ngắn, kể về một kỉ niệm đáng nhớ xảy ra ở tuổi thơ ấu, hoặc ở quê nhà. Khi viết bài, cần làm cho bài văn thêm chân thực, sinh động, gợi cảm, bằng các cách :
a) Chọn đưa vào bài nhiều sự việc, chi tiết tiêu biểu ;
b) Thêm các yếu tố miêu tả và biểu cảm một cách hợp lí.
Trả lời:
Có thể học tập cách viết của nhà văn Nam Cao trong trích đoạn tự sự sau :
MÓN BÁNH ĐÚC CỦA BÀ XÃ VẬN
Dì Hảo là con nuôi của bà tôi. Bố đẻ của dì đã chết từ lâu. Mẹ đẻ dì là bà xã Vận, một người đàn bà bán bánh đúc xay, ngon có tiếng khắp làng Vũ Đại. Tôi biết bà vì hồi bé tôi rất ưa ăn bánh đúc. Có lẽ lúc sinh tôi ra, ông trời đã định sẵn cho tôi một cái kiếp chẳng giàu sang, nên phú sẵn cho tôi cái tính thích những món ăn rẻ tiền của những người nghèo túng. Lúc có tôi thì nhà tôi chẳng còn nghèo. Thế mà tôi cứ thấy ăn cơm gạo đỏ, thổi khô khô, với rau muống luộc chấm tương ngon hơn cơm tám với thịt đông, mà cái bánh đúc xay nấu khéo còn đậm vị gấp nghìn lần cái bún tuy trắng, tuy mềm, nhưng nhạt bét. Mỗi sáng, tôi cầm hai xu mẹ phát cho […] đi ra hàng – hàng là một cái chợ nhỏ của làng tôi, mỗi sáng chỉ họp độ một giờ đã tan – từ đằng xa, tôi đã trông thấy những người đàn bà váy bạc phếch xúm xít quanh mẹt bánh đúc của bà xã Vận. Bà thái không kịp bán. Tuy vậy, mới trông thấy tôi, bà đã ngừng dao, nhặt bốn tấm bánh gói gọn ghẽ vào lá chuối, tươi cười đưa cho. Không phải bà thấy tôi ngộ nghĩnh đáng yêu. Nhưng bà không thể quên rằng bà còn nợ bà tôi mấy chục bạc. […] Tôi đưa hai xu, ôm bốn tấm bánh về. Bà bán đúng một trinh một tấm, mua nhiều hay ít thì cũng thế. Tấm bánh chắng lấy gì làm to, so với bánh của người khác có phần hơi đắt. Nhưng mà ngon hơn. Cái bột xay rất nhuyễn, vôi bỏ vừa, mịn chắc đấy, nhưng không nồng một tí nào, bẻ ra ăn với cá bống kho ráo nước cho đến cong lên, dầm vào một tí tương cua thì thật tuyệt ! về sau, ngọn gió đời đã đưa đẩy tôi trải qua rất nhiều cảnh huống : vất vả nhiều, nhưng cũng có lúc phong lưu, có lúc tôi có thể thừa cách mà hưởng tất cả các cao lương mĩ vị, nhưng chưa bao giờ tôi gặp một món ăn có thể làm tôi quên được cái vị thanh đạm mà vẫn đậm đà của bánh đúc ăn với cá bống dầm tương, nghĩ đến bây giờ mà tôi cũng còn nuốt nước bọt.
(Trích truyện ngắn Dì Hảo, trong : Tuyển tập Nam Cao,
NXB Văn học, Hà Nội, 2005, tr. 330-331. Tên bài do NBS tạm đặt)
3. Anh (chị) phải viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu một kinh nghiệm học Văn hoặc Làm văn. Hãy cho biết :
a) Anh (chị) dự định giới thiệu kinh nghiệm cụ thể nào (tìm hiểu văn bản, sưu tầm tư liệu, xây dựng bố cục, trau chuốt lời văn, tập làm văn…) ?
b) Anh (chị) đã thật tự tin vào sự khoa học, chuẩn xác của kinh nghiệm đó chưa ?
c) Anh (chị) sẽ giới thiệu kinh nghiệm đó theo dàn bài cụ thể nào ?
d) Diễn đạt một vài ý của dàn bài đó thành một (hoặc hai, ba) đoạn văn ; chú ý viết sao cho các câu trong đoạn thật chuẩn xác về ý và về ngữ pháp.
Trả lời:
ham khảo đoạn trích sau :
Đã có bao giờ bạn tự hỏi : Vì sao tên của cái môn học vẫn khiến bạn lo ngại và chán ngán kia, theo cách gọi thông thường, lại bắt đầu bằng chữ Tập – Tập làm văn, chứ chưa phải là đã thực sự làm văn ? Bởi vì, bạn ạ, công việc của bạn ở đây là luyện tập, chả khác nào người chiến sĩ tập chiến đấu hôm nay, để ngày mai, nếu cần, chiến đấu cho thực tốt.
Nhưng tập làm văn, nói cho cụ thể, là luyện tập việc gì ?
Hãy bàn riêng về văn nghị luận. Đó là tập thuyết phục một loại đối tượng, làm cho họ nghe theo cách chúng ta giải quyết một vấn đề, bằng những lời nói hợp lẽ phải và sự thật, mang sức mạnh của kiến thức và luận lí. Có điều, cũng như kẻ thù của người chiến sĩ đang tập chiến đấu kia chỉ là kẻ thù giả định (hình nộm hoặc tấm bia), đối tượng phải thuyết phục này cũng tạm thời chưa xuất hiện trước mắt người đang tập làm văn. Nhưng để việc luyện tập có kết quả thì ta phải hình dung đối tượng giả định đó như có thật, như đã được đề bài quy định hẳn hoi rồi. Đó là người chưa hiểu rõ cái nghĩa hoặc/và cái lí của một điều nào đó, là người chưa rõ căn cứ chắc chắn của một kết luận trong văn chứng minh, là người đang muốn nghe ta phẩm bình, bàn luận về một hiện tượng/vấn đề nào đó trong văn bình luận…
Bạn thấy không, đối tượng giao tiếp trong văn nghị luận luôn thay đổi theo sự thay đổi của các kiểu bài. Không hề có một thứ đối tượng, một thứ “người đọc” chung chung, bất biến, tồn tại như nhau ở mọi đề bài. Càng không bao giờ có chuyện người mà ta thuyết phục lại là, và chỉ là thầy cô giáo ; các thầy cô đâu cần phải nhờ vả đến ý kiến của chúng ta ?
Điều hết sức quan trọng của nghệ thuật làm văn nghị luận, theo đó, chính nằm ở chỗ làm sao hình dung, tưởng tượng ra thật đúng đối tượng giao tiếp đích thực của mình, cảm thấy họ như đang ở trước mình, hiểu họ cần gì ở mình, để thật sự hướng tới họ, thật sự nói năng với họ trong suốt quá trình nghị luận. Theo nghĩa ấy, tập làm văn là tập làm một việc cho người khác, vì người khác, chứ không phải cho mình.
Có thể bạn sẽ thắc mắc: thế còn quy trình, thao tác về các kiểu bài mà thầy cô từng dạy, và các bài mẫu mà bạn còn có nhiều hơn ? Tôi không dám nói các quy trình mẫu, dàn ý mẫu hay bài mẫu ấy là không quan trọng. Song chúng chỉ quan trọng khi nhờ đó, bạn học hỏi được, và hiểu được một phương cách tốt nhằm đạt tới hiệu quả thuyết phục đối tượng của mình. Và chúng sẽ không còn ý nghĩa gì hết, nếu bạn chỉ coi đó là thứ trật tự cứng nhắc, hoặc ước định vô hồn mà mình bắt buộc phải tuân theo chỉ vì muốn bài làm của mình được coi là hợp lệ.
Do đó, chẳng hạn, bạn đừng nên máy móc học thuộc lòng rằng: muốn làm bài giải thích thì bắt buộc chúng ta, đầu tiên, phải giải nghĩa khái niệm, rồi sau đó, giải thích nguyên nhân … Bạn nên đi theo một con đường khác. Hãy cố đặt mình vào địa vị của người cần giải thích. Để xét xem, nếu là người ấy thì để hiểu cái điều nêu ở đề bài, bạn cần giảng giải những gì, và theo một trình tự thế nào cho hợp lí. Có thể tới lúc ấy, những gì được học về kiểu bài giải thích sẽ trở về trong tâm trí bạn, với thực chất sống động của nó, trong tư cách những sự gợi ý, những lời mách bảo. Mà cũng chỉ là gợi ý, mách bảo thôi. Những mẫu mực của học đường ấy có bao giờ ngăn trở chúng ta sáng tạo ?
(Theo : Đôi điều về Việc học Làm văn, Tập san Văn học và Tuổi trẻ tuyển chọn,
phần hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 134-136)
Sachbaitap.com