06/02/2018, 00:32

Bài 8 – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện Lục Vân Tiên)

Bài 8 – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện Lục Vân Tiên) Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu là Hối Trai, sinh tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh), và mất tại Ba Tri, Bến Tre. ...

Bài 8 – Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện Lục Vân Tiên)

Hướng dẫn

I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu là Hối Trai, sinh tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh), và mất tại Ba Tri, Bến Tre.

Cha ông là viên quan nhỏ. Cha bị cách chức, tuổi trẻ ông đã lận đận về quê nội ở Huế học nhờ một người bạn của cha. Năm 1843, nhờ chú tâm học hành nên Nguyễn Đình Chiểu đã đỗ Tú tài ở Gia Định. Ba năm sau đang chuẩn bị dự thi hội ở Huế thì được tin mẹ ông mất, ông phải về chịu tang.

Trên đường về vì than khóc nhiều, Nguyễn Đình Chiểu đã nhuốm bệnh rồi bị mù hẳn khi đang tuổi 26. Tiếp đó, lại bị gia đình vị hôn thê bội ước, ông về quê mẹ dạy học và làm thuốc, sống nghèo khổ trong hoàn cảnh thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ.

Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu chịu nhiều đau thương bất hạnh nhưng ông vẫn sống đạo đức cao cả, không để giặc mua chuộc.

Đứng về phía những người kháng chiến, dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, Nguyễn Đình Chiểu vẫn luôn luôn cùng bàn bạc với các lãnh tụ nghĩa quân và sáng tác thơ văn động viên cổ vũ những hành động đánh giặc rất chính nghĩa, anh hùng của nhân dân ta.

II. TRUYỆN THƠ LỤC VÂN TIÊN

1) Tóm tắt

Các tình tiết chính:

– Lục Vân Tiên là một học trò có đức có tài, giỏi văn giỏi võ. Trên đường đi thi, chàng dẹp tan bọn cướp Phong Lai, cứu Kiều Nguyệt Nga, được cô gái này cảm phục.

– Giữa đường, được tin mẹ mất, Vân Tiên trở về quê thọ tang. Chàng bao lần thọ nạn nhưng luôn được thần và dân cứu giúp.

– Kiều Nguyệt Nga bị buộc đi cống giặc Ô Qua nhưng vẫn một lòng thủy chung với Lục Vân Tiên. Giữa đường, nàng tự tử nhưng được Phật Bà và dân cứu giúp.

– Cuối cùng, hai người gặp lại nhau và chung hưởng hạnh phúc.

2) Vài nét về nội dung và nghệ thuật

a) Kết cấu: Kết cấu truyện Lục Vân Tiên theo kiểu chương hồi, một kiểu truyền thống phương Đông xoay quanh diễn biến cuộc đời các nhân vật chính.

b) Thể loại: Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm viết theo thể lục bát, một thể thơ dân tộc. Truyện mang tính chất là một truyện để kể chú trọng đến hành động hơn là nội tâm nhân vật. Vào dân gian, truyện biến thành hình thức nói thơ Vân Tiên, một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian một thời khá phổ biến ở Nam Bộ.

c) Qua cách xây dựng các nhân vật chính diện và phản diện đối lập nhau, truyện thơ Lục Vân Tiên được viết ra nhằm mục đích đề cao đạo đức của nhân dân, truyền dạy đạo lí làm người.

Truyện ca ngợi tình nghĩa: tình cha con, tình mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bạn bè… tình yêu thương giúp đỡ người hoạn nạn. Ngoài ra truyện còn đề cao tinh thần vì nghĩa sẵn sàng cứu khổ phò nguy. Đặc biệt thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ phải và chính nghĩa (kết thúc đại đoàn viên của truyện, thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).

III. VỊ TRÍ ĐOẠN TRÍCH

Đoạn trích thuộc phần đầu tác phẩm. Trên đường đi thi, Lục Vân Tiên thấy dân khóc than bỏ chạy. Hỏi thăm mới biết bọn cướp đã cướp bóc, bắt đi hai người con gái, Lục Vân Tiên thấy cảnh bất bình, nổi giận bèn ra tay dẹp tan bọn cướp cứu người bị nạn. Hai người con gái ấy là Kiều Nguyệt Nga và tì thiếp Kim Liên.

IV. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1) Về tính chất tự truyện của Truyện Lục Vân Tiên

Đọc tiểu sử tác giả Nguyễn Đình Chiểu và Truyện Lục Vân Tiên, ta thấy có những yếu tố giống và khác nhau giữa cuộc đời của tác giả và cuộc đời của nhân vật chính Lục Vân Tiên.

Trước hết là những chi tiết trùng hợp:

Nguyễn Đình Chiểu cũng chẳng khác chi Lục Vân Tiên lúc vào đời thật hăm hở và đầy khát vọng, cũng đều lên đường lai kinh ứng thí:

“Chí lăm bắn nhạn ven mây

Danh tôi đặng rạng, tiếng thầy bay xa

Làm trai trong cõi người ta

Trước lo báo bổ, sau là hiển vang”

Nhưng cả hai đều bất hạnh đến khắc nghiệt: mẹ mất phải bỏ thi về chịu tang, bị đau mắt và bị mù. Vì thế đã bị bội hôn. Nhưng sau đó, họ đều gặp được một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Nếu Lục Vân Tiên cưới được Kiều Nguyệt Nga thì Nguyễn Đình Chiểu cũng cưới được cô Năm Điền. Chính vì thế nhiều ý kiến cho rằng Truyện Lục Vân Tiên là một thiên tự truyện.

Tuy nhiên giữa cuộc đời tác giả và cuộc đời nhân vật chính Lục Vân Tiên vẫn có sự khác biệt. Đó là Vân Tiên được tiên ông cho thuốc uống, mắt lại sáng ra sau đó tiếp tục thi đỗ Trạng nguyên, được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua được thắng lợi. Còn cụ Đồ Chiểu thì không được như thế với cụ vĩnh viễn là bóng tối. Sự khác biệt đó thể hiện ước mơ và khát vọng của tác giả.

2) Về nhân vật Lục Vân Tiên

Đây là nhân vật lí tưởng của tác phẩm được khắc họa qua một mô típ thường gặp trong truyện Nôm truyền thống. Hình ảnh này gợi ta nghĩ đến hình ảnh Thạch Sanh đánh đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga trong truyện cổ.

Hành động đánh cướp cứu người của Lục Vân Tiên cho ta thấy tính cách của chàng trai này. Đó là một chàng trai anh hùng, tài năng, giàu lòng vị nghĩa. Chỉ có một mình, lại tay không chàng bẻ cây làm gậy xông vô bọn cướp đông người giáo gươm đầy đủ. Hình ảnh Vân Tiên xông xáo, tung hoành được nhà thơ miêu tả thật đẹp sánh ngang với hình ảnh Triệu Tử Long một dũng tướng thời Tam Quốc:

Vân Tiên tả đột hữu xung,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương

Với tài năng võ nghệ cao cường, Vân Tiên đã đánh tan bọn lâu la và diệt tên cầm dầu tội ác. Hành động của chàng còn tỏ rõ đức độ của người nghĩa hiệp: Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha. Không sợ nguy hiểm Vân Tiên sẵn sàng vì nghĩa trừ hại cho dân.

Đánh xong bọn cướp thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên đã ân cần hỏi han, an ủi họ. Hành động của chàng trai này đàng hoàng, chững chạc tuy có phần câu nệ nhưng vẫn là phong độ giữ lễ của một người có văn hóa trong thái độ ứng xử với hai cô gái đẹp: Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai. Vân Tiên đã từ chói cái lạy tạ ơn, từ chô’i lời mời đền đáp, không nhận trâm vàng trao tặng mà chỉ nhận lời cùng Nguyệt Nga làm thơ xướng họa. Câu trả lời: Làm ơn há dễ trông người trả ơn và đặc biệt là câu nói của Vân Tiên: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi. Làm người thế ấy cũng phi anh hùng đủ cho ta thấy chàng trọng nghĩa khinh tài.

3) Nhân vật Kiều Nguyệt Nga

Đoạn truyện ngoài việc giới thiệu Lục Vân Tiên còn cho ta biết về Kiều Nguyệt Nga biểu hiện qua những lời giãi bày của nàng với ân nhân của mình.

Đó là lời lẽ của một cô gái trong trắng, có lễ giáo, có học thức. Cách nói năng của Kiều Nguyệt Nga dịu dàng, mực thước, chân thành:

Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Chút tôi liễu yếu đào thơ,

Giữa đường gặp phải bụi dơ đã phần.

Hà Khê qua đó cũng gần,

Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng.

Là một cô gái rất mực đằm thắm ân tình, Nguyệt Nga nhớ ơn và mong muốn đền ơn người đã cứu mình, giúp mình giữ được tiết hạnh: Lâm nguy chẳng gặp giải nguy. Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.

Nhất là cuối cùng, nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với cuộc đời chàng trai nghĩa khí đó và nàng đã sẵn sàng liều chết để giữ trọn ân tình chung thủy với người mình yêu.

Suy cho cùng hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga chính là hai mặt của một cách sống. Một là làm ơn không cần người khác đền ơn. Hai là chịu ơn thì phải nhớ ơn. Đó cũng là cách sống có tính truyền thống rất tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta. Cách sống đó mãi mãi cần được tiếp tục gìn giữ và phát huy.

4)Phương thức miêu tả nhân vật trong đoạn truyện này

Trong đoạn truyện này, nhân vật chủ yếu được miêu tả qua hành động cử chỉ lời nói. Cũng có thể nói được rằng Lục Vân Tiên là một truyện kể đầy chất dân gian.

Do tác giả bị mù, nên Lục Vân Tiên sáng tác là để đọc truyền miệng. Dù các môn đệ và mọi người có ghi chép lại nhưng nói chung đã truyền lưu trong dân gian chủ yếu qua các hình thức “nói thơ”, “kể thơ”. Cũng chính thế, khi miêu tả nhân vật tác giả ít chú ý khắc họa ngoại hình, cũng ít đi sâu phân tích diễn biến nội tâm nhân vật trong Lục Vân Tiên thường được đặt trong những mối quan hệ xã hội, những xung đột của đời sống rồi bằng hành động, cử chỉ lời nói của mình mà tự bộc lộ tính cách.

Ngoài ra, tác giả cũng tỏ thái độ của mình trong việc ca ngợi hay phê phán nhân vật đó.

5) Nhận xét về mặt ngôn ngữ của tác phẩm qua đoạn trích

Lời thơ mộc mạc, bình dị gần gũi với lời ăn tiếng nói thường ngày và mang đậm sắc thái địa phương Nam Bộ. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên tuy ít trau chuốt uyển chuyển nhưng lại dễ đi vào tâm hồn quần chúng nhân dân.

Trong đoạn thơ trích này, sắc thái ngôn ngữ đa dạng. Lời thơ bình dị, chất phác nhất là ở đoạn đầu đoạn kế tiếp lời của Vân Tiên bất bình đầy phẫn nộ cùng với lời của tên tướng cướp tự phụ hống hách và đoạn đối thoại giữa đôi trai tài gái sắc Vân Tiên – Nguyệt Nga thì lời thơ mềm mỏng xúc động chân thành.

Ghi nhớ: Truyện Lục Vân Tiên là 1 trong những truyện xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Đoạn thơ thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật chính. Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình.

Mai Thu

0