06/02/2018, 09:58

Bài 19 – Quê hương

Bài 19 – Quê hương Hướng dẫn Đôi nét về tác giả, tác phẩm Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh năm 1921 tại làng Giao Thủy, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngay từ những vần thơ đầu tiên của thời hoa niên, ông đã gắn bó sâu nặng với quê hương, một làng chài ven biển thuộc tỉnh ...

Bài 19 – Quê hương

Hướng dẫn

Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh năm 1921 tại làng Giao

Thủy, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngay từ những vần thơ đầu tiên của thời hoa niên, ông đã gắn bó sâu nặng với quê hương, một làng chài ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Cảm xúc quê hương của ông, ngoài bài thơ này còn thể hiện trong các bài thơ khác như Lời con đường quê, Một làng thương nhớ.

Sau này, trong những ngày ở miền Bắc, tình cảm ấy càng trở nên vời vợi, thẳm sâu, đặc biệt thế hiện trong bài Nhớ con sông quê hương.

Tác phẩm chính: Hoa niên (1945), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966), Đi suốt bài ca (1970), Theo nhịp tháng ngày (1974).

Năm 1939, khi đang là học sinh, sông xa quê (từ Quảng Ngãi ra học ở Huế), ông đã viết bài Quê hương trong cảm xúc nhớ nhà, nhớ quê hương thật trong sáng, đằm thắm.

Bài thơ là một bức tranh làng quê ven biển với hình ảnh những người dân chài và cuộc sống lao động của họ được khơi dậy từ hồi ức của nhà thơ, thể hiện tình cảm quê hương gắn bó sâu nặng của ông.

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Phân tích cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi (câu 3 đến câu 8) và cảnh đón thuyền cá về bến (8 câu tiếp theo).

– Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Câu đầu của đoạn này nói về thời điểm đoàn thuyền bắt đầu ra khơi đánh cá: đó là những buổi sớm mai hồng, thời tiết tốt, trời trong, gió nhẹ. Những hình ảnh của câu thơ như đã hứa hẹn những điều thật đẹp đẽ, tốt lành. Những người ra khơi đánh cá là những “trai tráng” đang rất sung sức. Hình ảnh con thuyền cũng thật đẹp. Nó nhẹ vì lúc này khoang còn rỗng không. Nó được so ví như con “tuấn mã”. Hình ảnh này và các từ “băng”, “phăng”, “mạnh mẽ” nói lên sức mạnh và tinh thần hăm hở vượt sóng ra khơi. Cánh buồm lại được ví như “mảnhhồn làng”. Cách so sánh này cũng thật độc đáo. Cánh buồm là một vật cụ thể, còn “mảnh hồn làng” lại là một điều trừu tượng chỉ có thể cảm nhận được trong tâm tưởng. Cánh buồm như một vật thể tượng trưng cho làng chài. Mỗi người dân làng chài đều thấy yêu mến cánh buồm, thấy tự hào về những cánh buồm, thấy gắn bó cuộc đời mình với những cánh buồm. Cánh buồm trắng được kéo lên và nó cố rướn mình, cố vươn cao, cố căng mình lên mà thâu góp gió của biển khơi bao la để đủ sức đưa con thuyền ra khơi.

Cả đoạn thơ này đã thể hiện một khí thế hăng say mạnh mẽ, một niềm vui, một niềm tin vào thành quả tốt đẹp của những chuyến ra khơi. Tất cả đã như một lời hứa hẹn: sẽ thắng lợi trở về!

– Cảnh đón thuyền cá về bến:

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.

“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”,

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Ở hai câu đầu, tác giả đã dùng đảo ngữ “Ồn ào trên bến đỗ” để làm nổi bật lên cảnh tượng dân làng đóng ghe cá trở về. Các từ ồn ào, tấp nập nói được sự đông vui, náo nhiệt và tấm lòng mừng vui, phấn khởi của mọi người.

Câu “Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe” là một câu nói quen thuộc thể hiện đời sống tâm linh của người dân miền biển. Người ta thường luôn tin là có Trời, Phật, Thần Biển, Thần Sông và khi Trời chiều người thì làm cho sóng yên biển lặng, cá đánh được nhiều.

Hình ảnh “những con cá tươi ngon thân bạc trắng” thể hiện niềm vui, niềm tự hào về thành quả lao động.

“Làn da ngâm rám nắng” là một nét đẹp đẽ, khỏe mạnh của người dân chài. Làn da này chứng tỏ người dân chài đã trải qua nhiều ngày đêm nắng mưa sóng gió trên biển khơi nhưng bắp thịt họ vẫn săn, chân họ vẫn đứng vững trên mạn thuyền. Họ đã vượt qua bao gian nan và sẽ sẵn sàng đương đầu với những vất vả, hiểm nguy phía trước. Hình ảnh “làn da ngăm rám nắng” không chỉ nói lên sức mạnh của cơ thể mà còn nói lên sức mạnh của tinh thần, của lòng cương nghị, quyết tâm làm chủ biển khơi. Cái “vị xa xăm” chính là không khí của đại dương xa luôn luôn đượm mùi muối biển.

Hai câu thơ sau cũng thật đẹp: con thuyền như một sinh vật có tâm hồn, sau chuyến đi đầy sóng gió trở về, nó đã thấm mệt nên nằm im nghỉ ngơi trên bến bãi. Nó nằm vậy mà tưởng chừng như nghe thấy tiếng ồn ào trên bến và cảm nhận được vị mặn của muối biển cứ mỗi ngày lại ngấm nhiều hơn vào từng thớ gỗ của mình. Hình ảnh này cũng thể hiện rõ sức mạnh của con thuyền. Bản thân nó cũng bị muối bể làm hư hao, bản thân nó cũng gặp phải nhiều nỗi gian nguy nhưng nó vẫn sẵn sàng tung buồm vượt sóng. Sự cảm nhận của con thuyền chính là sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ.

– Qua những điều đã phân tích ở trên, ta thấy hình ảnh làng chài thật đáng yêu vì ở đó có những người dân chài thật mạnh mẽ và dũng cảm. Cuộc sống của họ đầy vất vả, hiểm nguy nhưng họ vẫn quyết tâm vượt qua sóng gió để dành thắng lợi trở về.

2. Phân tích các câu thơ sau đây:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;

Các câu thơ này đã được phân tích kĩ ở phần trên.

3. Tình cảm của tác giả đối với cảnh vật, cuộc sống và con người của quê hương:

Qua lời thơ, ta thấy tình cảm của nhà thơ đối với cảnh vật, con người và cuộc sống quê hương thật sâu sắc, đằm thắm. Dù ở xa quê, tác giả vẫn luôn nhớ về màu nước xanh, màu cá trắng, những cánh buồm màu vôi, những thân hình rám nắng, những con thuyền hăm hở ra khơi và cái vị mặn nồng của biển cả xa xăm.

Nếu như cánh buồm đã trở thành một mảnh hồn làng thì cảnh làng quê cũng đã trở thành một mảnh hồn trong tâm tưởng của Tế Hanh.

4. Bài thơ có những đặc sắc nghệ thuật gì nổi bật?

Theo em, bài này là miêu tả, biểu cảm hay trữ tình?

– Những nét đặc sắc nổi bật về nghệ thuật của bài thơ: Bài thơ là một

bức tranh phong cảnh nhiều hình ảnh và màu sắc:

Đó là cảnh biển buổi sớm mai rực sắc nắng hồng.

Đó là cảnh con thuyền giương buồm trắng ra khơi đánh cá.

Đó là cảnh thuyền về bến, dân làng tấp nập ra bến đón ghe về.

Nhiều hình ảnh như được khắc nổi hẳn lên trên cái nền chung là cảnh làng chài ven biển:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Tác giả còn cảm thấy sự vật cũng có linh hồn, có một cuộc sống riêng:

– Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

– Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm…

Tác giả đã dùng nghệ thuật miêu tả cho bài thơ này nhưng trong mỗi đường nét, cảnh vật được miêu tả lại thấm đậm tình cảm mến yêu, thương nhớ của tác giả nên bài thơ cũng rất giàu tính trữ tình.

Mai Thu


Từ khóa tìm kiếm:

  • Phân tích giá trị nghệ thuâth 2 câu sau: Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
0